Tìm về ký ức xưa
Đến phố Trúc Bạch những ngày này, ai cũng có thể được đắm mình trong không gian ‘Ký ức Hà Nội’ - một hành trình ngược dòng thời gian. Những toa tàu ký ức, những góc quán cóc giản dị, hay những đồ dụng của thời bao cấp đều mang hình dáng của một Hà Nội xưa cũ, dung dị nhưng đầy kỷ niệm.
Trải nghiệm trong không gian ‘Ký ức Hà Nội’, các em học sinh đã được anh Huy - một hướng dẫn viên giới thiệu về những đồ vật thời bao cấp:
Giới thiệu về chiếc chạn gỗ, anh Huy cho biết: "Thời bao cấp, mỗi gia đình sẽ có một cái chạn, nó rất quý, được ví như là linh hồn của căn bếp. Trong cái chạn này sẽ dùng để cất các đồ ăn như: các đĩa mỡ, đĩa để đựng muối...".
"Bố mẹ các con đi làm sẽ được nhà nước tặng các tem phiếu và sẽ dùng tem phiếu này để đổi lương thực và các vật dụng sinh hoạt hằng ngày. Hồi đấy sổ gạo này là quý lắm, một khi mà mất thì sẽ không đổi được gạo và lúc đó cả một tháng trời sẽ không có gì ăn, tất cả mọi người đều rất giữ gìn cái sổ gạo để hàng tháng có thể đổi gạo và cho bố mẹ các con, rồi ông bà các con có thể sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày", anh Huy nói về sự quan trọng của chiếc "sổ gạo" thời bao cấp.
"Hồi xưa một năm có khi chỉ được ăn một hai bát phở thôi, đôi khi phải giả ốm mới được ăn, vất vả lắm. Phích nước gắn với cuộc sống của của người Việt Nam trong giai đoạn thời kỳ bao cấp, từ khi sinh ra cho đến khi lớn lên, tại vì hồi đấy không có bình nước nóng trong nhà, khi tắm thì sẽ rót nước từ cái phích ra để hòa với nước và tắm. Đến khi ốm đau chẳng hạn, đi bệnh viện cũng phải mang cái phích này đi theo để mua nước sôi và sử dụng trong bệnh viện", anh Huy kể về sự quý giá của những đồ vật khác.
Không chỉ là những câu chuyện về từng đồ vật xưa cũ - những điều giản dị đã làm nên một Hà Nội thân thương, ngày hôm nay, những cô cậu học sinh đến tham quan trải nghiệm tại không gian ‘Ký ức Hà Nội’ còn được thưởng thức những món bánh kẹo quen thuộc của bà, của mẹ ngày nào như: bánh quế, bỏng nổ, bánh chả, vừng vòng, kẹo lạc, kẹo dồi,... mà đến giờ những hương vị ấy vẫn còn được yêu thích.
Không gian “Ký ức Hà Nội” không chỉ là nơi để trẻ con tìm hiểu, mà còn là nơi để các thế hệ có thể gặp gỡ và kết nối quá khứ và hiện tại. Ông Vương Văn Hiền (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) và bà Lê Thị Thu đưa anh Khuê - cháu trai của ông bà, một du học sinh về Hà Nội ăn Tết, đến đây để kể lại những câu chuyện đã hằn sâu trong ký ức của ông bà những năm tháng đã qua.
Ông Hiền chia sẻ: "Nhìn hình ảnh này tôi rất là xúc động, tuổi thơ của chúng tôi ùa về. Thứ nhất là với những gánh hàng hoa của các chị, các mẹ ngày xưa rất đẹp. Ví dụ như cửa hàng dệt may, bây giờ nhìn lại có lẽ cũng không ai nghĩ rằng ngày xưa may một bộ quần áo mà lại khó khăn đến như thế. Qua cửa hàng máy ảnh, những máy cũ cổ ngày xưa chúng tôi nhìn ở thời đó rất quý và đến bây giờ nhìn ra nhiều kỷ niệm. Nhìn hình ảnh những ngôi nhà cổ, những mái ngói, nhà cổ, những toa tàu điện, hồi tưởng lại những tiếng leng keng ngày xưa thời chúng tôi còn đi học. Thời thanh niên của tôi vài người chơi với nhau nhưng chỉ có một hai bộ quần áo lành thôi, mỗi một lần đi chơi là thay đổi nhau, mượn của nhau hoặc có một cái xe đạp thì đi chung, thế rồi sách vở học chung. Mình trân trọng những kỷ niệm xưa, trân trọng thời gian mình đã trải qua từ hồi nhỏ, khó khăn, gian khổ và cho đến ngày hôm nay. Có cuộc sống như bây giờ không thể quên được những ký ức xa xưa, những năm tháng mà hào hùng ngày xưa".
Những câu chuyện được kể lại không chỉ giúp ông Hiền và bà Thu sống lại ký ức, mà còn là cơ hội để thế hệ trẻ như anh Khuê hiểu hơn về những giá trị đã làm nên một Hà Nội trọn vẹn và giàu bản sắc.
Không gian “Ký ức Hà Nội” được tái hiện trên con phố Trúc Bạch không chỉ để tìm lại những ký ức đã qua, mà còn đem đến nhiều nguồn cảm hứng cho những người trẻ trên con đường khám phá văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhóm sinh viên ngành sáng tạo nghệ thuật đến đây để tìm cảm hứng cho vở kịch sắp tới của mình. Với họ, ký ức không chỉ là quá khứ, mà còn là chất liệu để làm mới nhịp sống hiện đại.
“Ký ức Hà Nội” không chỉ là một không gian để người ta tìm về quá khứ, mà giờ đây còn là câu chuyện về phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội từ những di sản của Thủ đô. Những toa tàu chở ký ức, giờ sẽ được nối liền với những toa tàu của hiện đại thông qua những câu chuyện được chính thế hệ hôm nay kể lại bằng cảm nhận và sự sáng tạo của họ. Một cách truyền cảm hứng để bước tiếp, giữ gìn và làm mới giá trị văn hóa của Thủ đô.
Hà Nội - một thành phố không ngừng chuyển mình, nhưng vẫn luôn lưu giữ những ký ức đẹp đẽ của thời gian. Mỗi góc phố, mỗi kỷ vật đều là những câu chuyện nhắc nhớ về một thời đã xa trong tiềm thức của mỗi người dân Hà Nội.
Việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo thêm hành lang pháp lý, cơ chế đặc thù vượt trội để Hà Nội có những điều kiện thuận lợi, phát triển công nghiệp văn hóa.
Những ngày này, ngôi làng làm hương nổi tiếng ở Phú Xuyên tất tật hơn bình thường, bởi chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán - dịp mà nhu cầu sử dụng hương thơm trong cúng lễ của người dân tăng cao. Những người dân làng hương Văn Trai Thượng đang cần mẫn ngày đêm để làm ra những nén hương thơm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong dịp đón chào năm mới.
Mùa đông đến, những con phố Hà Nội vốn nhộn nhịp bỗng trở nên trầm lắng, mang một màu sắc riêng vô cùng đặc biệt. Nhiều cây bàng cổ thụ trên khắp các con phố như Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu đang thay màu lá.
Hàng Cân là một phố nhỏ nằm trong khu 36 phố phường. Tuy phố này không dài, nhưng lúc nào cũng nhộn nhịp và tràn đầy sức sống từ sáng sớm.
Với người Việt Nam, Hà Nội vừa là Thủ đô, vừa là mảnh đất trữ tình yêu thương từ hàng ngàn năm trước. Bốn mùa ở Hà Nội chậm rãi luân phiên nhau, gieo vào lòng người những nỗi nhớ. Mỗi một mùa làm cho ta cảm nhận về cuộc sống khác nhau và một cách yêu Hà Nội khác nhau
0