Tính toán của Israel trong việc phát động tấn công Syria
Chiến dịch “mũi tên bashan” của Israel ở Syria
Chính quyền cựu Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử Syria. Trong khi các nhà lãnh đạo mới của Syria thúc đẩy quá trình chuyển giao quyền lực, nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới cũng đẩy mạnh nỗ lực định hình cán cân ảnh hưởng ở quốc gia Trung Đông. Lợi dụng tình trạng hỗn loạn ở Syria, Israel những ngày qua đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm triệt tiêu tiềm năng quân sự, chiếm đóng một vùng lãnh thổ rộng lớn ở quốc gia láng giềng, trong đó có đỉnh núi Hermon cao nhất Syria.
Ngay sau khi chính quyền cựu Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ, Israel đã thực hiện chiến dịch mang tên “Mũi tên Bashan”, trong đó tiến hành gần 500 vụ không kích vào các căn cứ không quân, trung tâm nghiên cứu và cơ sở công nghiệp quốc phòng ở nhiều tỉnh khác nhau của Syria như Damascus, Homs, Hama và Daraa. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ước tính, họ đã phá hủy gần 90% năng lực quân sự chiến lược của quân đội Syria dưới thời cựu Tổng thống Assad, trong đó có nhiều tên lửa đạn đạo Scud, tên lửa hành trình, tên lửa diệt hạm, hệ thống phòng không, tiêm kích, radar, xe tăng và nhà chứa máy bay. 15 tàu hải quân Syria cũng bị đánh chìm hoặc phá hỏng.
“Theo sự chỉ đạo của Thủ tướng, tôi đã chỉ thị cho IDF thiết lập một khu vực phòng thủ chống lại các mối đe dọa khủng bố ở miền nam Syria, nhằm ngăn chặn việc tạo ra một thực tế tương tự như những gì đã tồn tại ở Liban và Gaza trước ngày 7/10/2023. Chúng tôi không cho phép có các mối đe dọa nào đối với Nhà nước Israel”.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz
Đến thời điểm này, Israel đã chiếm được đỉnh Hermon - đỉnh núi cao nhất Syria có vai trò chiến lược quan trọng trong khu vực. Với độ cao 2.814m, đỉnh núi Hermon cao hơn bất kỳ điểm nào ở Syria hay Israel. Trong suốt 50 năm qua, Hermon thuộc vùng đệm ngăn cách các lực lượng Israel và Syria. Trước đó, đỉnh núi này đã được phi quân sự hóa và lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc làm nhiệm vụ tuần tra tại đây.
“Đỉnh Hermon là nơi cao nhất trong khu vực có thể nhìn sang được Liban, Syria và cả Israel. Về mặt chiến lược, không gì có thể thay thế được một nơi đắc địa như Hermon. Độ cao của đỉnh Hermon cho phép bất kỳ ai sở hữu nó có thể sử dụng phương pháp giám sát điện tử sâu vào lãnh thổ Syria, cũng như cung cấp khả năng cảnh báo sớm trong trường hợp có giao tranh sắp xảy ra”.
Giám đốc Viện chiến lược và an ninh Jerusalem Efraim Inbar
Hermon chỉ cách thủ đô Damascus của Syria hơn 35km. Israel kiểm soát được đỉnh núi này cùng phần chân núi bên phía Syria đồng nghĩa với việc đặt Damascus vào tầm bắn của pháo binh. Hiện tại, Israel cũng đang duy trì hiện diện quân sự tại vùng đệm ở Cao nguyên Golan - cao nguyên chiến lược ở Tây Nam Syria giáp với núi Hermon. Trong một động thái leo thang căng thẳng, chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm qua tiếp tục thông qua kế hoạch mở rộng việc xây dựng khu định cư tại Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng. Israel có ý định tăng gấp đôi lượng người cư trú tại đây trong thời gian tới, với khoản đầu tư lên tới 11 triệu USD.
Israel chiếm Cao nguyên Golan từ Syria trong Chiến tranh sáu ngày năm 1967 và đơn phương sáp nhập vào năm 1981, một động thái không được quốc tế công nhận, ngoại trừ Mỹ (2019). Hiện khu vực này có khoảng 20.000 người định cư Do Thái và 20.000 người Druze Syria sinh sống, với hơn 30 khu định cư của người Do Thái được xem là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế.
“Liên quan đến kế hoạch chiếm đóng của Israel, không có gì đáng ngạc nhiên vì Israel đã chiếm đóng Palestine, bán đảo Sinai và chiếm đóng Cao nguyên Golan của Syria và Liban, hiện tại họ đang bắt đầu một cuộc chiếm đóng mới. Phía sau tôi, bạn có thể thấy hoạt động đào xới của quân đội Israel, điều này trái với luật pháp quốc tế”.
Ông Shihadeh Nasrallah, người Druze Syria ở cao nguyên Golan
Tuy nhiên, thông báo của văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhấn mạnh rằng, việc mở rộng các khu định cư ở khu vực này là yếu tố then chốt đảm bảo an ninh quốc gia. Israel không đưa ra mốc thời gian nào cho việc rút quân, ngoài tuyên bố Tel Aviv sẽ ở lại cho đến khi các yêu cầu về an ninh của họ được đáp ứng.
Ước tính đến nay, Israel đã kiểm soát hơn 600 km² lãnh thổ Syria, gần gấp đôi diện tích Dải Gaza. Theo đánh giá của các nhà quan sát, đây là một phần trong nỗ lực của Thủ tướng Netanyahu nhằm theo đuổi tham vọng “Israel Lớn”, trong đó Tel Aviv sẽ định hình lại khu vực bằng cách chiếm đóng những vùng đất rộng lớn tại các quốc gia láng giềng. Chiến dịch tập kích với quy mô chưa từng có nhằm vào mục tiêu quân sự ở Syria là động thái nhằm bảo đảm không có lực lượng nào tại quốc gia này có thể chống lại sự xâm nhập của Israel.
Mairav Zonszein, một nhà phân tích cấp cao của Crisis Group nhận định, các cuộc tấn công vào Syria là “sự kết hợp giữa chủ nghĩa cơ hội và chiến lược”. Việc Israel tìm cách vô hiệu hóa một mối đe dọa tiềm tàng trên biên giới của mình trong khi thực tế đối tượng đó không có khả năng phòng thủ là điều “không cần phải bàn cãi”. Tuy nhiên, kế hoạch dài hạn của Israel ở Syria vẫn chưa rõ ràng.
Một lý do khác là Israel muốn nhân cơ hội này để tiếp tục làm suy yếu "trục kháng chiến" do Iran hậu thuẫn.
"Chúng tôi không có ý định can thiệp vào công việc nội bộ của Syria; tuy nhiên, chúng tôi cần làm những gì cần thiết cho an ninh của chúng tôi. Chúng tôi muốn thiết lập quan hệ với chính quyền mới ở Syria nhưng nếu chính quyền này cho phép Iran tái lập vị thế ở Syria, hoặc cho phép chuyển giao vũ khí Iran, hoặc bất kỳ loại vũ khí nào, cho Hezbollah, hoặc tấn công chúng tôi - chúng tôi sẽ đáp trả bằng vũ lực.”
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu
Nguy cơ phản tác dụng
Trước diễn biến ở Syria, một số nhà phân tích cho rằng, mặc dù Israel tuyên bố các cuộc tấn công vào Syria nhằm ngăn chặn vũ khí rơi vào tay các nhóm khủng bố, nhưng thực tế điều này lại làm Syria suy yếu. Một Syria hỗn loạn và bất ổn có thể có lợi cho Israel trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài điều này lại tạo ra mối đe dọa lớn hơn cho an ninh của Israel.
Tiến sĩ Dania Koleilat Khatib, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Arab, cho rằng ngay khi lực lượng đối lập Syria tiến vào Damascus, Israel đã phát động các cuộc tấn công quân sự, với mục tiêu tấn công phủ đầu để ngăn chặn vũ khí chiến lược lọt vào tay “những kẻ khủng bố”. Tuy nhiên, Israel dường như đã không nhận ra rằng một Syria có quân đội yếu sẽ “nguy hiểm” hơn nhiều so với một Syria có lực lượng quân sự mạnh.
Đối với Israel, sự sụp đổ của chính quyền cựu Tổng thống Bashar al-Assad có nghĩa là vành đai kết nối Iran với Iraq, Syria và Liban bị phá vỡ. Mối quan tâm chính của Israel đối với Syria là nước này tạo ra một hành lang cung cấp vũ khí cho Hezbollah. Ngoài ra, có quan điểm ở Israel cho rằng bây giờ Iran đã suy yếu, đã đến lúc Israel thiết lập quyền bá chủ đối với khu vực, do đó Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng Tel Aviv sẽ "thay đổi bộ mặt của Trung Đông".
Theo Tiến sĩ Khatib, Israel tự hào về chiến dịch không kích của mình và cho rằng đó là một chiến thắng. Tuy nhiên, thành công của những cuộc tấn công này phụ thuộc vào cách nhìn nhận. Israel đã thành công trong việc phá hủy năng lực quân sự của Syria trong thời gian ngắn và không gặp phải sự kháng cự đáng kể. Nhưng điều này không thực sự mang lại lợi ích chiến lược lâu dài cho Israel.
Một Syria có quân đội yếu có thể gây ra nhiều mối nguy hiểm cho Israel. Nếu nước này không có một quân đội mạnh, Syria có thể sẽ phải tìm đến sự bảo vệ từ một quốc gia khác và quốc gia đó có thể không thân thiện với Israel. Hơn nữa, nếu Syria không có một quân đội đủ mạnh để bảo vệ biên giới, các tay súng nước ngoài có thể xâm nhập và tạo ra mối đe dọa lớn hơn. Do đó, dù muốn hay không, sự yếu kém của Syria và biên giới dễ bị xâm phạm sẽ tạo ra một thảm họa tiềm tàng đối với Israel.
Ngoài ra, sự trỗi dậy của lực lượng đối lập do nhóm Hayat Tahrir al Sam đứng đầu, làm phức tạp thêm tính toán an ninh của Israel. Nhóm Hayat Tahrir al Sam có tiền thân là nhóm khủng bố al-Qaeda. Bản thân nhóm Hayat Tahrir al Sam vẫn bị nhiều nước coi là tổ chức khủng bố, dù đã từ bỏ nhiều tư tưởng cực đoan từ năm 2017. Đáng chú ý, nhóm Hayat Tahrir al Sam cũng từng thể hiện thái độ thù địch với Israel và ủng hộ nhóm vũ trang Hamas tại Dải Gaza.
Cuối cùng, mặc dù chiến dịch này thành công về mặt chiến thuật, nhưng nó đã gây căng thẳng cho mối quan hệ của Israel với các nước láng giềng nói chung. Việc tạo ra vùng đệm có thể tạm thời ổn định biên giới nhưng có thể dẫn đến các hành động trả đũa từ các nhóm phản đối sự hiện diện của Israel.
Bất kể ai cuối cùng sẽ kiểm soát chính phủ tương lai ở Syria, Israel đã lợi dụng sự hỗn loạn sau khi chính quyền cựu tổng thống Basha al Assad sụp đổ để đảm bảo rằng Damascus không duy trì được năng lực quân sự để tự vệ. Theo các nhà quan sát, Israel đã làm như vậy, nhiều khả năng là có sự ủng hộ ngầm của chính quyền tổng thống Mỹ Joe Biden. Ngoài Pháp và Tây Ban Nha, rất ít cường quốc phương Tây lên án hành động của Israel. Mỹ thậm chí đã bảo vệ lập luận của Israel rằng Tel Aviv đang hành động để tự vệ trước các mối đe dọa tiềm tàng từ lực lượng thánh chiến Syria.
Thách thức cho Syria
Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Syria, Geir Pedersen, là một trong số ít quan chức trực tiếp kêu gọi Israel ngừng các cuộc không kích và chiến dịch trên bộ vào lãnh thổ Syria, khẳng định Tel Aviv đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn năm 1974. Các nước Ả rập đánh giá chiến dịch “Mũi tên Bashan” và kế hoạch của Israel về việc mở rộng các khu định cư tại Cao nguyên Golan là hành vi “thừa cơ trục lợi”, vi phạm luật pháp quốc tế. Về phía Syria, lãnh đạo phe đối lập Mohammed al-Julani cho rằng, Israel đã vượt qua ranh giới giao tranh, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp và giúp nước này ngăn chặn các cuộc tấn công của Israel. Loạt diễn biến này cho thấy chặng đường phục hồi và tái thiết của Syria sau nhiều xung đột vẫn còn lắm gian nan.
Các nhà lãnh đạo mới ở Syria cho rằng, Israel đang sử dụng những cái cớ sai lệch để biện minh cho các cuộc tấn công vào Syria và điều này có thể đe dọa leo thang trong khu vực. Các lãnh đạo mới ở Syria tuyên bố, Damascus không muốn tham gia vào các cuộc xung đột mới vì nước này cần tập trung vào việc tái thiết và ổn định.
“Các lý lẽ của Israel đã trở nên yếu ớt và không còn đủ để biện minh cho những vi phạm gần đây của họ. Israel rõ ràng đã vượt qua ranh giới của việc can dự tại Syria, dẫn tới nguy cơ leo thang căng thẳng không đáng có trong khu vực. Tình trạng kiệt quệ của Syria sau nhiều năm xung đột và chiến tranh không cho phép xảy ra những cuộc đối đầu mới”.
Ông Ahmad Al-Sharaa, Lãnh đạo phe đối lập Syria
Chính phủ Syria hiện đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn trong việc củng cố kho vũ khí dưới quyền kiểm soát của mình. Tình trạng cướp bóc vũ khí diễn ra tràn lan trong bối cảnh hỗn loạn sau các cuộc tấn công của Israel.
Ngoài các cuộc tấn công từ Israel, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỷ những ngày qua cũng tiến hành ném bom Syria nhằm đạt mục tiêu chiến lược của họ: Mỹ muốn quét sạch tàn dư của Nhà nước Hồi giáo ở miền đông, Thổ Nhĩ Kỳ muốn tiêu diệt lực lượng người Kurd ở vùng đông bắc. Tình cảnh này khiến số phận Syria trở nên bấp bênh trước sự tranh giành của nhiều cường quốc.
Syria hiện nằm dưới sự lãnh đạo của lực lượng đối lập, với nòng cốt là nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir al Sam. Tuy nhiên, nhóm này mới chỉ kiểm soát khoảng một nửa lãnh thổ ở phía Tây Syria, khu vực rộng lớn ở vùng đông bắc do lực lượng dân quân người Kurd thống trị. Do đó, các nhà phân tích cho rằng, chính phủ mới ở Syria sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để cân bằng ảnh hưởng của các cường quốc khu vực thế giới, đồng thời đạt thỏa thuận chia sẻ quyền lực để không đẩy đất nước vào một cuộc chiến tranh khác.
Theo các nhà phân tích, những toán tính của Israel ở Syria diễn ra vào thời điểm nhạy cảm của tình hình địa chính trị Trung Đông, phản ánh sự phức tạp của chiến tranh hiện đại và những thách thức khu vực. Theo các nhà phân tích, với các hành động leo thang gần đây của Israel, có vẻ như họ sẽ không rút quân khỏi Syria trong thời gian tới. Còn với Syria, sẽ không dễ dàng đối phó với các thách thức khi mọi thứ vẫn đang trong quá trình định hình sau biến động chính trị. Không ai có thể dự đoán được tương lai nào đang chờ đợi họ.
Nguồn tin nội bộ của cơ quan an ninh Ukraine cho biết lực lượng này đã thực hiện vụ sát hại Trung tướng Nga Igor Kirillov tại thủ đô Moskva của Nga.
Một sự kiện mang đậm không khí Giáng sinh vừa diễn ra tại bảo tàng ArkDes ở thủ đô Stockholm, Thụy Điển. Đó là cuộc thi làm nhà bánh gừng thường niên, thu hút rất nhiều tác phẩm đẹp mắt tham gia trưng bày.
Giá Bitcoin một lần nữa tăng vượt đỉnh cũ, lên hơn 107.000 USD. Đây là đợt tăng giá kỷ lục sau động thái ủng hộ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã có tuyên bố công khai đầu tiên kể từ khi rời khỏi Syria, bảo vệ thời gian nắm quyền của bản thân và phủ nhận đã lên kế hoạch bỏ chạy khi lực lượng đối lập giành quyền kiểm soát đất nước.
Theo nguồn tin từ các cơ quan thực thi pháp luật của Nga, Ủy ban Điều tra Liên bang Nga đã khởi tố vụ án hình sự theo các điều khoản về khủng bố, giết người và buôn bán vũ khí trái phép về vụ nổ gây ra cái chết của Trung tướng Igor Kirillov ngày 17/12.
Trang tin AFP hôm 17/12 dẫn nguồn tin nội bộ của cơ quan an ninh Ukraine cho biết lực lượng an ninh Ukraine đã thực hiện vụ sát hại Trung tướng Nga Igor Kirillov tại thủ đô Moscow của Nga. Đây là một hoạt động đặc biệt của Cơ quan An ninh Nhà nước Ukraine (SBU).
0