Tổng thống Mỹ - Nga điện đàm về xung đột ở Ukraine

Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump sẽ diễn ra vào lúc 13-15 ngày 18/3, giờ GMT, tức 20-22 giờ cùng ngày theo giờ Việt Nam.

Đây là sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, trong bối cảnh ông Trump đang nỗ lực thuyết phục ông Putin chấp thuận đề xuất ngừng bắn 30 ngày đã được Ukraine đồng ý tại cuộc họp hôm 11/3 ở Ả rập Xê út.

Tuyên bố ngay trước thềm cuộc điện đàm với ông Putin, ông Trump ngày 17/3 cho biết, một số nội dung trong thỏa thuận cuối cùng về Ukraine đã được thống nhất, song vẫn còn nhiều vấn đề chưa đạt được đồng thuận.

Theo ông Trump, các nhà đàm phán đã thảo luận về phương án phân chia một số tài sản nhất định nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn ba năm qua, bao gồm vấn đề lãnh thổ và quyền kiểm soát các nhà máy điện hạt nhân.

Tổng thống Donald Trump cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ nói về lãnh thổ. Mọi thứ giờ đây khác xa so với trước xung đột, như các bạn đều biết. Chúng ta cũng sẽ bàn về các nhà máy điện. Đó là một vấn đề quan trọng”.

Trong thông báo sau đó, Nhà Trắng cũng xác nhận thông tin về việc trao đổi vấn đề nhà máy điện hạt nhân giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga.

Bà Karoline Leavitt - Thư ký báo chí Nhà Trắng cho rằng: “Có một nhà máy điện nằm trên biên giới Nga và Ukraine đang được thảo luận với phía Ukraine và Tổng thống Trump sẽ đề cập đến vấn đề này trong cuộc gọi với Tổng thống Putin”.

Giới phân tích tin rằng, nhà máy điện được đề cập là nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine, cơ sở hạt nhân lớn nhất châu Âu với sáu lò phản ứng. Nga đã giành quyền kiểm soát nhà máy này ngay từ giai đoạn đầu của cuộc chiến và vẫn duy trì sự kiểm soát cho đến nay. Mặc dù hiện nhà máy này không còn cung cấp điện cho lưới điện Ukraine, nhưng vị trí của nhà máy nằm gần tiền tuyến giao tranh đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra thảm họa phóng xạ.

Ukraine kiên quyết muốn giành lại quyền kiểm soát cơ sở này. Ngoài Zaporizhzhia, Nga còn có một nhà máy điện hạt nhân ở vùng Kursk, nơi Ukraine từng tiến hành một cuộc đột kích xuyên biên giới vào năm ngoái nhằm tìm kiếm một "con bài mặc cả" trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, lợi thế mặc cả của Kiev đang trên đà suy giảm khi lực lượng Ukraine phải rút lui khỏi khu vực này do áp lực từ các cuộc tấn công của Nga.

Cho tới nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn kiên quyết phản đối mọi nhượng bộ về lãnh thổ. Về phần mình, Nga muốn đảm bảo rằng, Ukraine sẽ không gia nhập NATO như một điều kiện trong các cuộc đàm phán. Moscow cũng kiên quyết bác bỏ mọi nỗ lực của phương Tây trong việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine, ngay cả sau khi đạt được thỏa thuận hòa bình.

Cho tới nay, ông Putin chưa chấp nhận lệnh ngừng bắn này, ẩn ý rằng đề xuất của Nhà Trắng không "giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột ở Ukraine".

Trong tuyên bố mới đây, Nhà Trắng khẳng định sẽ cân nhắc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga nếu cuộc đối thoại không diễn ra theo kỳ vọng của Tổng thống Trump.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan cho biết đã bắt giữ 4 nghi phạm thuộc công ty xây dựng chịu trách nhiệm thi công tòa nhà chọc trời bị sập ở Bangkok trong trận động đất hôm 28/3.

Israel đang xem xét khả năng tiến hành một “cuộc tấn công có giới hạn” nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, bất chấp việc Washington từ chối ủng hộ hành động quân sự này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang kỳ vọng có thể thiết lập một lệnh ngừng bắn toàn diện và đầy đủ giữa Nga và Ukraine ngay trong tuần tới.

Mỹ và Iran vừa kết thúc vòng đàm phán gián tiếp thứ hai tại Rome, Italy với một số tín hiệu tích cực, đồng thời xác nhận đã đạt được một số tiến triển và nhất trí nối lại đàm phán tại Oman vào ngày 26/4 tới.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba khẳng định Tokyo sẽ không thảo luận vấn đề an ninh trong các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ, đồng thời nhấn mạnh hai vấn đề này cần được giải quyết một cách độc lập.

Giới phân tích quốc tế cho rằng, lệnh ngừng bắn kéo dài 30 giờ nhân dịp lễ Phục sinh của Nga có thể là bước đi chiến lược nhằm mở đường cho các kênh đối thoại hậu trường.