Trần Mai Hạnh, nhà báo của những giờ phút lịch sử
Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh sinh ngày 1/1/1943 tại Hải Dương. Năm 1965, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông về công tác tại Thông tấn xã Việt Nam.
Sự nghiệp của ông khởi đầu bằng nghiệp báo, từ phóng viên thường trú, phóng viên chiến trường. Ông từng là Phó Tổng biên tập báo Tuần tin tức, Tổng biên tập báo Nhà báo và Công luận, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam.
Từng là nhà báo chiến trường, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã có mặt ở nhiều điểm nóng của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông là người chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử ở Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Thời mới cầm bút sáng tác, Trần Mai Hạnh đoạt giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 1970 - 1971. Ông có một số tác phẩm như “Nắng Thu Bồn”, “Tình yêu và án tử hình”, “Sụp đổ và tự thú”, “Ngày tận thế”, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, “Lời tựa một tình yêu”, “Thời tôi sống”. Trong đó, tiểu thuyết “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” từng được dịch ra tiếng Anh, giành giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2014, giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015.
Khi báo chí bước vào kỷ nguyên số, đa phương tiện, nhà báo Trần Mai Hạnh được coi là một người cày vỡ, mở ra những “đường cày” góp phần định hình diện mạo mới của Đài Tiếng nói Việt Nam, tạo nền móng cho tổ hợp truyền thông đa phương tiện VOV. Báo Tiếng nói Việt Nam do ông sáng lập và kiêm Tổng Biên tập đầu tiên, là loại hình báo chí thứ hai sau phát thanh truyền thống. Sau đó là Báo điện tử VOV News (tiền thân Báo Điện tử VOV hiện nay) - một trong những tờ báo điện tử ra đời sớm nhất Việt Nam.
Ông là người quyết định mở các cơ quan thường trú ở nước ngoài đầu tiên của VOV và mở thêm các cơ quan thường trú khu vực ở trong nước là Cơ quan thường trú khu vực Tây Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long. Mong muốn của ông về một tổ hợp báo chí quốc gia đa phương tiện có uy lực chính trị xã hội đã được các thế hệ lãnh đạo sau đó viết tiếp và viết thêm những chương mới quan trọng.
Từ công việc làm báo, trải qua bao chức vụ quan trọng, có cả vinh quang và cay đắng, nhà báo Trần Mai Hạnh lại trở về với nghề báo theo đúng nghĩa.
"Nhớ lắm những ngày chúng tôi xông ra trận địa pháo tường thuật ghi nhanh những trận chiến đấu bắn rơi máy bay Mỹ của quân dân thành phố cảng, là một phóng viên trẻ mới vào nghề nhưng lanh lợi, rất yêu nghề, viết khỏe. Một thời gian anh được điều động vào chiến trường miền Nam" - đó là những dòng nhật ký mà nhà báo Nguyễn Văn Trường, nguyên Trưởng ban Biên tập Tin trong nước, nguyên Phó Tổng biên tập Tuần Tin tức, đã viết về người em, người đồng nghiệp, đồng chí của mình trong những ngày sống và chiến đấu dưới mưa bom lửa đạn - nhà báo Trần Mai Hạnh.
"Được tôi luyện thử thách như thế, cộng với năng khiếu cộng với lòng say mê nghề nghiệp, những yếu tố đó đã tạo nên con người Trần Mai Hạnh".
Nhà báo Nguyễn Văn Trường, nguyên Trưởng ban Biên tập Tin trong nước, nguyên Phó Tổng biên tập Tuần Tin tức
Là một trong ít những phóng viên may mắn có mặt tại Dinh Độc lập, phóng viên chiến trường Trần Mai Hạnh đã chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử của đất nước.
Nhà báo Trần Mai Hạnh đã từng chia sẻ: "đúng giờ phút giải phóng, tôi và anh Văn Bảo có mặt tại Dinh Độc Lập. Bài tường thuật đầu tiên tôi viết và anh Văn Bảo cũng là người chụp bức ảnh đầu tiên, chiều tối hôm đó tôi chuyển bài viết của tôi mang tên TP Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng về căn cứ TTX Giải Phóng trên rừng Tây Ninh, bài tường thuật này được phát ngay trên bản tin TTX tối hôm ấy, tối 30/4".
12 năm ở cương vị Phó TBT thường trực Báo Tuần tin tức (1983 - 1995), ông cùng những người của thế hệ mình đã góp phần đưa Tuần Tin tức của TTXVN trở thành ấn phẩm có uy tín trong lòng độc giả cả nước với những loạt bài chống tiêu cực, xây dựng những giá trị tốt đẹp vì cộng đồng, xã hội.
"Nếu mọi người hình dung và nhớ lại thời mà người ta photo những bài báo đó làm tài liệu đi đấu tranh, tất cả những người bị oan ức đều tìm đến TTX như một địa chỉ tin cậy, thì đó là những đóng góp lớn nhất của tờ Tuần Tin tức cũng như đóng góp của anh Hạnh với TTXVN".
Bà Nguyễn Thị Thao Lan, nguyên phóng viên báo Tuần Tin tức
Năm 1995, nhà báo Trần Mai Hạnh được bầu là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội nhà báo VN khóa VI, VII. Năm 1996, ông được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Trong ký ức của những nhà báo tại Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo Trần Mai Hạnh là nhà lãnh đạo bản lĩnh, góp phần định hình diện mạo mới của Đài TNVN như hiện nay...
"Ông Hạnh xử lý được những vấn đề về cơ chế chính sách, đầu tư của nhà nước để cải thiện thu nhập cho phóng viên, biên tập viên, tôi nhớ lúc ấy thu nhập cải thiện gấp 2-3 lần so với trước đây. Đặc biệt, trong điều hành nội dung hằng ngày, ông rất quyết liệt, cách tân, truyền cảm hứng cho các phóng viên của Đài", một nhà báo làm việc dưới quyền Trần Mai Hạnh tại Đài TNVN nhớ lại..
Cuộc đời làm báo của Trần Mai Hạnh không chỉ có vinh quang mà còn có không ít đắng cay, kể cả tai nạn nghề nghiệp và những hệ lụy. Thế nhưng, ông đã vượt qua thử thách, vẫn không mất đi niềm tin vào cuộc sống và tình yêu với nghiệp viết. Ông cũng là một nhà văn giàu bút lực, có nhiều đóng góp, dấu ấn trong sự nghiệp văn học nước nhà. Trong đó, tác phẩm lớn nhất của ông - tiểu thuyết "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75", đã giành Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN 2015.
Từ công việc làm báo, trải qua bao chức vụ quan trọng, có cả vinh quang và cay đắng, nhà báo Trần Mai Hạnh lại trở về với nghề báo theo đúng nghĩa. Bạn bè đồng nghiệp nói về ông, có thể có những cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau, nhưng tư chất của một nhà báo lão luyện, một nhà quản lý báo chí bản lĩnh, có tầm chiến lược, thì không ai có thể phủ nhận được.
Ông đã đi hết dặm đường với đủ mọi thăng - trầm, để rồi dừng lại trên chính con đường hành quân thống nhất đất nước, ngay những ngày đầu tháng Tư. Hành trình của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã dừng lại tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi ông từng chứng kiến những sự kiện lịch sử ngày 30/4/1975, cảm hứng cho những tác phẩm để đời của ông.
Ông có một cuộc đời của tựa như một bản nhạc, có nốt thanh, có nốt trầm, nhưng những dấu ấn của ông đối với báo chí và văn học là không thể phủ nhận.
Tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024, các đơn vị của Bộ Quốc phòng Việt Nam đã ký kết 16 hợp đồng, với tổng giá trị khoảng 286,3 triệu USD.
Sáng sớm 23/12, nhiệt độ tại đỉnh Fansipan, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai xuống -1 độ C, khiến băng giá tiếp tục xuất hiện tại nơi đây.
TP. HCM đang là 1/21 địa phương có tỷ suất sinh thấp nhất cả nước, khoảng 1,32 con/phụ nữ.
Công ty cổ phần Vận tải đường sắt cho biết sẽ tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Theo kết quả một cuộc điều tra từ các độc giả do tạp chí Mỹ US News & World Report công bố mới đây, Việt Nam vinh dự góp mặt trong danh sách 40 quốc gia đẹp nhất thế giới năm 2024.
Theo quy định về trình tự, thủ tục chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới trong sản xuất, lắp ráp, tại Thông tư 55 năm 2024 của Bộ Giao thông Vận tải, sẽ có 3 loại phương tiện bắt buộc phải dán nhãn năng lượng trước khi đưa ra thị trường.
0