Trung Đông có thôi khói lửa dưới thời Trump 2.0?
Liên minh Mỹ - Israel
Có nhiều dấu hiệu cho thấy chiến lược của ông Trump đối với khu vực rất giống với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, nhưng vẫn có một số điểm khác biệt cần lưu ý. Do bản chất có vẻ khó đoán của Tổng thống đắc cử Donald Trump, nên người ta căn cứ nhiều vào những gì ông đã làm ở nhiệm kỳ đầu tiên để dự đoán những gì ông có thể làm ở Trung Đông trong nhiệm kỳ thứ hai (còn được gọi là thời đại Trump 2.0).
Trước hết, sự ủng hộ của ông Trump dành cho Israel là chắc chắn, người ta chỉ bàn đến cách mà ông sẽ tác động đến các cuộc chiến mà Israel đang tiến hành ở Gaza và Liban. Mặc dù ông Trump chỉ trích Tổng thống Biden là "quá cứng rắn" với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, nhưng cũng có nguồn tin cho rằng ông Trump đã thông báo với Thủ tướng Israel rằng ông muốn chiến tranh kết thúc vào tháng 1.
Nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump, bắt đầu vào năm 2016, đã chứng kiến nhiều động thái mang tính lịch sử ủng hộ Nhà nước Israel như chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem, công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan và thúc đẩy Hiệp định Abraham.
Xưa nay, ông Trump luôn tốt với Israel nhưng tôi nghĩ ông ấy là người khó đoán và tôi không biết liệu ông ấy có tiếp tục tốt với Israel hay không. Vì vậy, tôi cảm thấy rất lo lắng vì ông ấy có thể đột nhiên thay đổi chính sách của mình. Tôi không biết chúng ta có thể tin tưởng ông ấy đến mức nào.
Bà Helen Eisenberg – người dân Jerusalem.
Người ủng hộ tài chính hàng đầu cho chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016 là một phụ nữ tên là Miriam Adelson, tỷ phú giàu nhất Israel, đã quyên góp 100 triệu USD với mong muốn rằng ông Donald Trump sẽ cho phép Israel sáp nhập Bờ Tây bị chiếm đóng bất hợp pháp, nếu ông tái đắc cử.
Năm 2016, chiến dịch tranh cử của ông Trump được bà Miriam Adelson và người chồng hiện đã mất của bà là Sheldon Adelson tài trợ với điều kiện ông phải chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Tây Jerusalem. Ông đã thực hiện lời hứa này vào năm 2018.
Mặc dù có vẻ như Israel sẽ gặp rất nhiều khó khăn để sáp nhập Bờ Tây do tình hình hiện tại trên thực địa, nhưng có khả năng sẽ sáp nhập khoảng 60% lãnh thổ bị chiếm đóng, tạo nên cái được gọi là Khu vực C. Nếu ông Trump cho phép đồng minh Israel của mình thực hiện điều này, nó sẽ hoàn toàn phá hủy mọi hy vọng về giải pháp hai nhà nước.
Tầm nhìn đối với khu vực Trung Đông mà Thủ tướng Netanyahu đã phác thảo vào tháng 9 năm 2023, trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, là do chính quyền đầu tiên của ông Donald Trump khởi xướng với một loạt các thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel và các quốc gia Ả Rập. Tất cả những gì mà Tổng thống Joe Biden đã làm là tiếp tục chính sách này và tìm cách đưa tất cả các quốc gia Ả Rập lại với nhau cùng với người Israel để thành lập một "NATO Ả Rập".
Trong vài ngày qua, tôi đã nói chuyện ba lần với Tổng thống đắc cử Donald Trump. Đây là những cuộc trò chuyện tốt đẹp và rất quan trọng. Các cuộc đàm phán được thiết kế để thắt chặt hơn nữa liên minh vững mạnh giữa Israel và Mỹ. Chúng tôi thẳng thắn nhìn nhận mối đe dọa của Iran đối với tất cả các thành phần của liên minh đó. Chúng tôi cũng nhìn thấy những cơ hội lớn đặt ra cho Israel, để có hòa bình và mở rộng lãnh thổ, và trong các lĩnh vực khác.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Giống như chính quyền Donald Trump nhiệm kỳ thứ nhất, Tổng thống Biden đã gạt người Palestine sang một bên, cho rằng họ chỉ là một yếu tố nhỏ trong các vấn đề khu vực. Kiểu hoạch định chính sách này là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ thảm khốc của toàn bộ chiến lược Trung Đông của Washington vào ngày 7 tháng 10, khi Hamas phát động cuộc tấn công bất ngờ vào Israel.
Nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas đã kêu gọi chấm dứt "sự ủng hộ mù quáng" của Mỹ dành cho Israel.
Trong một tuyên bố được công bố trên kênh Telegram, Hamas cũng yêu cầu làm việc nghiêm túc và thực sự để chấm dứt cuộc chiến diệt chủng và xâm lược chống lại người dân Palestine ở Dải Gaza và Bờ Tây, chấm dứt hành động xâm lược chống lại người dân Liban anh em, ngừng cung cấp hỗ trợ quân sự và bảo vệ chính trị cho Israel, đồng thời công nhận các quyền hợp pháp của người dân Palestine.
Liệu Mỹ và Israel có tấn công phủ đầu Iran?
Ông Trump sẽ đối mặt với một Trung Đông bất ổn, có nguy cơ trở thành một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn. Israel đang tiến hành các cuộc chiến tranh ở cả Gaza và Liban, đồng thời đối đầu với kẻ thù không đội trời chung là Iran, còn lực lượng Houthi ở Yemen thường xuyên bắn vào tàu thương mại ở Biển Đỏ.
Trong bối cảnh đó, ông Trump sẽ chọn chính sách nào trong quan hệ với Iran vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Liệu ông sẽ theo đuổi các chính sách giống như trong nhiệm kỳ trước của mình và có cùng lập trường với ông Biden, hay ông sẽ chọn phát động một cuộc chiến tranh lớn để lật đổ chính quyền ở Tehran? Các nhà phân tích cho rằng, tại thời điểm này, việc phát động một cuộc xung đột tốn kém và không có cơ hội thắng như vậy là điều không hề khôn ngoan. Điều này đặc biệt đúng khi ông Trump đang tìm cách tập trung vào việc cải thiện nền kinh tế Mỹ.
Hãng thông tấn sinh viên Iran đưa tin: Phó Chỉ huy lực lượng vệ binh cách mạng Iran Ali Fadavi cho biết Tehran đã sẵn sàng đối đầu với Israel và không loại trừ khả năng Mỹ và Israel sẽ tấn công phủ đầu.
Trên đường phố thủ đô Tehran, một cư dân cho biết ông ngưỡng mộ Tổng thống đắc cử Donald Trump nhưng lo ngại ông có thể áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Iran.
Tôi thực sự vui mừng khi ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ. Ông ấy là người quyết đoán và biết chính xác mình muốn gì. Các tổng thống khác nhậm chức và thiếu cân bằng. Nhưng ông ấy tập trung vào một mục tiêu cụ thể, kiên định và làm chính xác những gì ông ấy định làm. Theo tôi, phẩm chất này thực sự có thể là một đặc điểm rất quan trọng đối với một tổng thống. Khi ông ấy trở lại nhiệm sở, điều đầu tiên ông ấy chắc chắn sẽ làm là tăng lệnh trừng phạt để gây áp lực lên chính phủ Iran. Sau đó, ông ấy sẽ tạo ra các điều kiện dẫn đến một số thay đổi ở Iran hoặc dẫn đến xung đột.
Ông Mehrab Habibzade - người dân Iran.
Các quan chức Ả Rập và phương Tây dự đoán ông Trump có thể áp dụng lại "chính sách gây sức ép tối đa" của mình thông qua các lệnh trừng phạt tăng cường đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran và trao quyền cho Israel tấn công các địa điểm hạt nhân của Iran, đồng thời tiến hành "các vụ ám sát có chủ đích".
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã áp đặt lại các lệnh trừng phạt đối với Iran sau khi ông rút khỏi Hiệp ước hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới trong đó Iran cắt giảm chương trình hạt nhân để đổi lấy các lợi ích kinh tế.
Việc Mỹ khôi phục các lệnh trừng phạt vào năm 2018 đã ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu của Iran, làm giảm doanh thu của chính phủ và buộc nước này phải thực hiện các bước đi không được lòng dân như tăng thuế và dẫn đến thâm hụt ngân sách lớn, các chính sách đã khiến lạm phát hàng năm ở mức gần 40%. Theo trang web theo dõi tiền tệ của Iran Bonbast.com, đồng tiền quốc gia của Iran đã suy yếu trước viễn cảnh ông Trump lên làm tổng thống, đạt mức thấp nhất mọi thời đại là 700.000 rial đổi được 1 USD trên thị trường tự do.
Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Iran cho rằng cuộc bầu cử ở Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến sinh kế của người dân Iran.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ không có tác động trực tiếp đáng kể đến chúng tôi, vì các chính sách chung của cả Mỹ và Iran đều tương đối ổn định. Những thay đổi lớn không có khả năng xảy ra do có sự thay đổi các nhà lãnh đạo. Hiện tại, đất nước Iran không quá lo lắng về việc ông Trump thắng cử. Điều đó có tạo ra sự khác biệt gì không? Đối với nhiều người trong chúng tôi, điều đó không quan trọng lắm. Các lệnh trừng phạt đã tăng cường đáng kể, khả năng phục hồi nội bộ của Iran và nền kinh tế Iran ngày nay có khả năng chống chọi với những thách thức này.
Bà Fatemeh Mohajerani - Người phát ngôn của Chính phủ Iran.
Tuy nhiên, ông Trump có thể cân nhắc đàm phán với Tehran để thúc đẩy việc giảm leo thang nếu ông muốn mình là người làm được điều mà chưa một Tổng thống Mỹ nào từng làm được: đó là đạt được hòa bình ở Trung Đông.
Vùng Vịnh độc lập và vững vàng
Ông Donald Trump đã trở lại. Trái ngược với sự lo lắng năm 2016, khi ông Trump đắc cử nhiệm kỳ đầu tiên, giờ đây các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh tự chủ và mạnh mẽ hơn nhiều. Họ ít phụ thuộc hơn vào Mỹ và kết nối chặt chẽ hơn nhiều với các nước khác trong thế giới đa cực. Tiêu biểu là ba "ông lớn" ở vùng Vịnh - Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Qatar. Đồng thời, vùng Vịnh đã trở thành một phần không thể thiếu trong chính sách khu vực của Mỹ. Đây là một lợi thế đáng kể đối với các nước này.
Trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, Mỹ và vùng Vịnh có thể sẽ tiếp tục chú trọng vào mối quan hệ chặt chẽ, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng và an ninh.
Tôi xin gửi lời chúc mừng chân thành đến ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống thứ 47 của Mỹ và ông JDVance được bầu làm Phó Tổng thống. Trong quá trình xây dựng trên hơn năm thập kỷ hợp tác song phương chiến lược, UAE và Mỹ gắn bó với nhau bằng mối quan hệ đối tác lâu dài dựa trên tham vọng chung về sự tiến bộ. UAE mong muốn tiếp tục hợp tác với các đối tác của chúng tôi tại Mỹ hướng tới một tương lai đầy cơ hội, thịnh vượng và ổn định cho tất cả mọi người.
Ông Sheikh Mohammed Bin Zayed Al Nahyan - Tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Các quốc gia vùng Vịnh từ lâu đã coi trọng mối quan hệ đối tác của họ với Washington, không chỉ vì lợi ích kinh tế và năng lượng ngày càng tăng mà còn vì những đảm bảo an ninh mạnh mẽ mà Mỹ cung cấp. Với sự hiện diện quân sự đáng kể của Mỹ trên khắp các quốc gia vùng Vịnh, cả sáu quốc gia đều coi Mỹ là một đối tác chiến lược, tiếp nhận hàng nghìn quân nhân và cơ sở vật chất của Mỹ như trụ sở tiền phương của Bộ Tư lệnh Trung tâm Lục quân Mỹ (USARCENT) tại Kuwait, trụ sở tiền phương của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) và Bộ Tư lệnh Trung tâm Không quân Mỹ tại Qatar, Hạm đội thứ năm của Hải quân Mỹ và Hoạt động Hỗ trợ Hải quân tại Bahrain, và sự hiện diện quan trọng tại căn cứ không quân Al Dhafra ở UAE.
Tuy nhiên, có một điều rõ ràng: Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) đoàn kết hơn nhiều so với năm 2016. Hội nhập khu vực đã làm sâu sắc thêm sự hợp tác và phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh. Chủ nghĩa thực dụng đã chiếm ưu thế, thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia trong GCC cũng như những khác biệt giữa Iran và vùng Vịnh.
Ông Trump ngày càng nghiêng về các chính sách trung dung, chuyển dần sang các lập trường ôn hòa. Ông cũng tuyên bố ý định tăng cường sức mạnh quân sự và chống khủng bố, điều này có thể khiến ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông sẽ tiếp tục suy yếu, đặc biệt là đối với các lực lượng ủy nhiệm như Hezbollah tại Liban, lực lượng dân quân ở Iraq và Houthi ở Yemen.
Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có vẻ như phù hợp về mặt ý thức hệ với các giá trị bảo thủ được một bộ phận dân số vùng Vịnh đồng tình. Tuy nhiên, sự phù hợp này, dựa trên các giá trị xã hội bảo thủ, không giải quyết được nhiều thách thức kinh tế và chính trị sâu sắc hơn mà khu vực này đang phải đối mặt. Những người chỉ trích cho rằng cách tiếp cận kiểu giao dịch kinh doanh của ông Trump trong chính sách đối ngoại - ưu tiên các thỏa thuận ngắn hạn hơn là sự ổn định lâu dài - có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn trong khu vực, đặc biệt là khi các quốc gia vùng Vịnh phải đối mặt với áp lực đa dạng hóa nền kinh tế của họ ngoài dầu mỏ.
Ngoài ra, nhiều nhà lãnh đạo vùng Vịnh vẫn cảnh giác với việc thay đổi các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt là họ thất vọng với sự ủng hộ không lay chuyển của chính quyền Tổng thống Biden đối với Israel.
Thế giới nói chung và Trung Đông nói riêng đã khác rất nhiều so với nhiệm kỳ thứ nhất, Tổng thống đắc cử Donald Trump được dự đoán sẽ tiếp tục nhiều chính sách then chốt của người tiền nhiệm Biden, như là tránh chiến tranh khu vực đồng thời kiềm chế Iran, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Israel, đồng thời nỗ lực mở rộng quan hệ Mỹ -Vùng Vịnh. Tuy nhiên, ông Trump có thể sẽ theo đuổi những nỗ lực mạnh mẽ hơn ông Biden để đảm bảo và duy trì các thỏa thuận kinh tế mạnh mẽ với các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC). Ông đã tuyên bố sẽ mang lại hòa bình cho khu vực và cũng đã đề cập rằng chiến lược của ông là "hòa bình thông qua sức mạnh". Thách thức thực sự là liệu ông Trump có thể thể hiện sức mạnh mà không đẩy Trung Đông vào một cuộc xung đột toàn diện hay không.
Các quốc gia đang nỗ lực phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào mọi lĩnh vực, trong đó Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Canada, Pháp... là những quốc gia hàng đầu.
Phong trào Hồi giáo Hamas cho biết một thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza “đang ở gần hơn bao giờ hết” nếu Israel không đưa ra thêm điều kiện mới.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cảnh báo sẽ yêu cầu đồng minh giao lại kênh đào này nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được.
Đảng Dân chủ đối lập ở Hàn Quốc đã kêu gọi quyền Tổng thống Han Duck Soo nhanh chóng ký ban hành dự luật bổ nhiệm cố vấn đặc biệt để điều tra Tổng thống Yoon Suk Yeol và đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee.
Không giống như truyền thống, năm nay, một nhóm ông già Noel tại thủ đô Argentina đã đổi xe trượt tuyết của họ lấy một đoàn xe máy đi phát quà, nhằm mang lại niềm vui và không khí lễ hội cho trẻ em tại các bệnh viện trên khắp thành phố.
Lễ hội Băng Tuyết Cáp Nhĩ Tân lần thứ 26 chính thức khai mạc vào cuối tuần qua tại thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, mở ra một thế giới trải nghiệm kỳ diệu như trong mơ dành cho du khách trong nước và quốc tế.
0