Trung Quốc, quốc gia siêu cường trong ngành công nghiệp vũ trụ

Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về ba công nghệ chiến lược: không gian, trí tuệ nhân tạo (AI), truyền thông và máy tính lượng tử. Những thành tựu mà Trung Quốc đạt được trong lĩnh vực này đang làm thay đổi chính đất nước này và cả thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc có được là nhờ vào tầm nhìn dài hạn và nguồn lực mà chính phủ dành cho những lĩnh vực này.

Thành tựu nghiên cứu không gian

Năm 1970, Trung Quốc phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên - Đông Phương Hồng 1, từ trung tâm phóng Tửu Tuyền ở tỉnh Cam Túc.

Đến những năm 1980, Trung Quốc bắt đầu phóng vệ tinh đều đặn và tham gia thị trường thương mại bằng cách cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh lên vũ trụ cho các công ty và quốc gia khác với giá rẻ.

Khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh, chính phủ nước này bắt đầu đầu tư mạnh cho chương trình không gian. Theo đó, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển tàu vũ trụ tăng từ 22,6 triệu USD năm 2000 lên 433,4 triệu USD năm 2014, tức gấp gần 20 lần chỉ sau 14 năm.

Những năm qua, Trung Quốc liên tục gặt hái thành công. Một trong những cột mốc quan trọng là vào tháng 1/2019, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hạ cánh được xuống vùng tối của Mặt Trăng từ tàu thăm dò Hằng Nga 4.

Cuộc đổ bộ lịch sử này không chỉ thể hiện những tiến bộ công nghệ của Trung Quốc mà còn cung cấp nền tảng quý giá để tiến hành những nghiên cứu mang tính đột phá, bao gồm cả việc trồng cây trên bề mặt Mặt trăng.

Nối tiếp sự thành công của sứ mệnh Hằng Nga 4, vào tháng 12/2020, tàu thăm dò mặt trăng Hằng Nga 5 đã thu thập thành công các mẫu đất đá Mặt trăng và đưa chúng về Trái đất, đánh dấu một bước đột phá quan trọng khác cho chương trình không gian của Trung Quốc. Thành tựu đáng chú ý này đã đưa Trung Quốc vào nhóm các quốc gia đi đầu trong việc chinh phục vũ trụ.

Khát vọng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở Mặt Trăng mà còn là Sao Hỏa và đang tăng tốc hướng tới mục tiêu này. Vào tháng 2/2021, tàu vũ trụ Thiên Vấn đã thành công đi vào quỹ đạo quanh Hành tinh Đỏ, ghi dấu sứ mệnh chinh phục sao Hỏa đầu tiên của Trung Quốc. Tham gia sứ mệnh này có một tàu quỹ đạo, tàu đổ bộ và tàu thăm dò, với mục đích nghiên cứu các đặc điểm địa chất, bầu khí quyển và tiềm năng khám phá của con người trong tương lai trên Sao Hỏa.

Những nỗ lực của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở việc khám phá Mặt trăng và các hành tinh, mà còn cam kết cống hiến cho khoa học và công nghệ vũ trụ. Điều này được minh chứng bởi việc phóng tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu, được thiết kế để hỗ trợ xây dựng trạm vũ trụ.

Trung Quốc bắt đầu xây dựng trạm vũ trụ cố định vào tháng 4/2021 bằng cách phóng thành phần đầu tiên và trung tâm của trạm khổng lồ, module lõi Thiên Hà. Quay quanh Trái đất cách mặt đất khoảng 400 km, Thiên Cung nặng gần 100 tấn và dự kiến sẽ hoạt động ít nhất 10 năm với tư cách là phòng thí nghiệm quốc gia trên không gian.

Hiện có tổng cộng 110 dự án khoa học và công nghệ đang được thực hiện trên trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc và một số trong đó đã đạt được tiến bộ đáng kể.

Mới đây nhất, các phi hành gia tàu Thần Châu 17 đã thu hoạch thành công một vụ rau được trồng trong khu vườn vũ trụ, với các thiết bị trồng rau trên không gian thế hệ mới tại Trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc. Khu vườn này có cấu trúc module và mở, được thiết kế bởi các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phi hành gia Trung Quốc. Thiết bị canh tác cho phép vận hành dễ dàng và điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, lượng oxy và carbon dioxide để tạo môi trường tối ưu cho sự phát triển của cây trồng. Trong khi đó, các phi hành gia có thể linh hoạt chăm sóc cây trồng bất cứ lúc nào. Tính năng đáng chú ý của khu vườn là khả năng hỗ trợ các chu kỳ trồng trọt liên tiếp và nhiều lần, tạo nền tảng cho việc trồng trọt quy mô lớn trong không gian trong tương lai.

Trong lĩnh vực y học vũ trụ, các nghiên cứu được thực hiện bên trong trạm vũ trụ Trung Quốc đã tính đến tác động của tình trạng không trọng lượng và bức xạ vũ trụ trong các chuyến bay vũ trụ dài ngày đối với sức khỏe, hoạt động và khả năng của các phi hành gia. Các nhà khoa học đã có những phát hiện mới về hoạt động của hệ thống tim mạch và xương của các phi hành gia và đã sử dụng những phát hiện đó để đưa ra các công nghệ và phương pháp mới nhằm duy trì sức khỏe của các thành viên phi hành đoàn.

Sự đi đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực không gian trong thời gian gần đây đã thu hút sự chú ý của của cộng đồng quốc tế. Nhiều quốc gia khác lại nhận thấy tiềm năng hợp tác to lớn. Hợp tác khoa học giữa Trung Quốc và các quốc gia du hành vũ trụ khác đã bắt đầu, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và làm giàu kiến thức chung của nhân loại về vũ trụ.

Mở rộng hợp tác quốc tế trong không gian

Trung Quốc đã giúp Ai Cập phóng một vệ tinh viễn thám vào quỹ đạo, một dự án hợp tác được thực hiện nhờ những thành tựu nghiên cứu không gian của Trung Quốc nhằm cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân ở các quốc gia đối tác của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Ông Gao Lihua, Cục Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc cho biết: "Đặc điểm nổi bật nhất của dự án MISRSAT-2 là vệ tinh được phóng bởi nhóm công tác chung của Trung Quốc và Ai Cập và các kỹ sư hàng không vũ trụ của Ai Cập đã tham gia sâu vào toàn bộ quá trình thiết kế, phát triển và thử nghiệm vệ tinh. Đó cũng là lần đầu tiên Trung Quốc hoàn thành việc thử nghiệm vệ tinh hoàn chỉnh ở nước ngoài.”

MISRSAT-2 có thể thu được hình ảnh viễn thám với độ phân giải hai mét, đóng vai trò quan trọng trong nông nghiệp, lâm nghiệp, giám sát thảm họa môi trường, xây dựng đô thị và các lĩnh vực liên quan khác của Ai Cập.

Theo Kỹ sư Cui Yufu, Học viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc, Việc phóng thành công chỉ là bước đầu tiên. Vệ tinh sẽ ở trên quỹ đạo trong một thời gian dài trong tương lai. "Trong giai đoạn này, chúng tôi sẽ tiến hành vận hành và bảo trì chung. Nếu có vấn đề gì xảy ra với vệ tinh trên quỹ đạo, các nhà thiết kế Trung Quốc sẽ hỗ trợ kỹ thuật trực tuyến theo thời gian thực suốt ngày đêm để đảm bảo vệ tinh hoạt động ổn định trên quỹ đạo" - Kỹ sư Cui chia sẻ.

Theo Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA), vệ tinh này là một dự án mang tính bước ngoặt, cho thấy sự hợp tác sâu sắc giữa Trung Quốc và Ai Cập trong lĩnh vực công nghệ cao hàng không vũ trụ và có ý nghĩa quan trọng trong hợp tác hàng không vũ trụ giữa hai nước.

Trung Quốc cũng đang hợp tác với Nga để xây dựng ILRS - căn cứ của con người trên Mặt trăng. CNSA và Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos đã mời các nước khác cùng tham gia chương trình. Nếu thành công, ILRS sẽ là cột mốc quan trọng trong hành trình chinh phục các thiên thể khác của nhân loại.

Không chỉ vậy, khi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) dừng hoạt động trong vài năm tới, Thiên Cung có thể trở thành trạm duy nhất còn hoạt động. Theo dự kiến, trạm Thiên Cung sẽ là nơi diễn ra hơn 1.000 thí nghiệm khoa học trong suốt thời gian hoạt động, bao gồm các dự án quốc tế. Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) tỏ ra sẵn sàng hợp tác quốc tế và cho phép các phi hành gia không phải người Trung Quốc tham gia nhiệm vụ trên trạm trong tương lai. Thậm chí, trạm có thể mở cửa với các du khách vào cuối thập kỷ này.

Không chỉ đầu tư vào lĩnh vực khám phá không gian, đầu tư vào lĩnh vực robot - ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược của Trung Quốc - cũng đạt được những thành tựu đáng kể. Đầu tư khổng lồ của Trung Quốc vào robot công nghiệp đã đưa nước này lên thứ hạng cao trên toàn cầu về mật độ robot, và đánh dấu sự cải thiện đáng kể về trình độ tự động hóa công nghiệp của nước này. Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia cho thấy sản lượng robot công nghiệp của Trung Quốc đạt kỷ lục 366.000 chiếc vào năm 2021, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước.

Tự động hóa – ngành công nghiệp chiến lược

Hội chợ công nghệ cao Trung Quốc (CHTF) lần thứ 25 diễn ra mới đây tại trung tâm công nghệ Thâm Quyến, Trung Quốc trưng bày những thành tựu mới nhất trong nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ nhằm hỗ trợ nâng cấp công nghiệp và thay đổi cuộc sống con người. Robot hình người đi dạo tại triển lãm là một trong những robot bắt mắt nhất. Với những tiến bộ trong thiết kế công thái học và thuật toán điều khiển chuyển động, nó có thể di chuyển với tốc độ đáng kinh ngạc là 5 mét/giây, gần bằng tốc độ của một chiếc xe đạp.

Robot bắt chước con người về cấu tạo và ngoại hình được gọi là robot hình người hay robot sinh học. Người ta chú ý đến các ứng dụng tiềm năng của loại robot này trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm các lĩnh vực sản xuất, y tế và dịch vụ.

Một đơn vị khác đã mang đến triển lãm một robot thông minh mới được phát triển, có thể lặn sâu tới 350 mét dưới mặt nước. Nó sử dụng một hệ thống động cơ hoàn toàn mới với công suất mạnh mẽ và có thể chống lại dòng nước ngầm dưới biển sâu. Điều này giúp nó có giá trị trong nhiều ngành công nghiệp như cứu hộ khẩn cấp, nuôi trồng thủy sản và năng lượng gió ngoài khơi.

Robot giám sát, bàn tay sinh học và nhiều thành tựu mới nhất về đổi mới robot được trưng bày tại Triển lãm Thương mại Kỹ thuật số Toàn cầu (GDTE) lần thứ hai diễn ra tại Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang ở phía đông Trung Quốc. Hội chợ với chủ đề “Thương mại số, tiếp cận toàn cầu” đã thu hút 68 tổ chức quốc tế và hiệp hội doanh nghiệp, cùng hơn 800 doanh nghiệp.

BrainCo, một công ty công nghệ khác có trụ sở tại Hàng Châu, đã chế tạo một đôi bàn tay sinh học khéo léo.

Bằng cách đọc các tín hiệu điện của cơ thể người đeo, bàn tay sinh học có thể sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo để biết người dùng dự định làm gì và thực hiện hành động. 

Các chuyên gia cho rằng, nghiên cứu và phát triển, sản xuất và ứng dụng robot là chỉ số để đánh giá sự đổi mới khoa học công nghệ cũng như trình độ sản xuất cao của một quốc gia. Ngành công nghiệp robot phát triển của Trung Quốc đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thông minh của lĩnh vực sản xuất.

Theo Báo cáo Robotics Thế giới 2022 do Liên đoàn robot Quốc tế công bố, đến nay, Trung Quốc là thị trường robot phát triển nhanh nhất thế giới, với số lượng lắp đặt hàng năm cao nhất. Đây cũng là nước có số lượng robot hoạt động lớn nhất mỗi năm kể từ năm 2016.

Báo cáo cho biết tỷ lệ robot công nghiệp đang hoạt động trên số lượng công nhân đạt 322 chiếc trên 10.000 nhân viên trong ngành sản xuất của Trung Quốc vào năm ngoái, đứng thứ năm trên toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc cho thấy sức mạnh đầu tư. Năm 2021, năm quốc gia tự động hóa hàng đầu thế giới về sản xuất là Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đức và Trung Quốc.

Theo Viện Điện tử Trung Quốc, thị trường robot của nước này ước đạt 17,4 tỷ USD vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong 5 năm là 22%. Thị trường robot công nghiệp của nước này ước đạt 8,7 tỷ USD vào cuối năm 2022.

Tân Hoa xã cho biết, sau một thập niên, Trung Quốc đã tăng thứ hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu từ vị trí thứ 34 trong năm 2012 lên vị trí thứ 11 vào năm 2022.  Phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo của Trung Quốc đã vượt ra khỏi phạm vi biên giới nước này. Trung Quốc đã tham gia hợp tác khoa học - công nghệ với hơn 160 quốc gia và khu vực.

Và như lời khẳng định của bà Saadia Zahidi, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại hội nghị thường niên của WEF vào đầu năm nay:  "Khi nói đến công nghệ và đổi mới sáng tạo, phần lớn những gì đang được phát triển ở Trung Quốc sẽ làm thay đổi thế giới. Với quy mô nền kinh tế của mình, Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng trên toàn thế giới, đem lại sự lạc quan trong trung và dài hạn"./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.

Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.

Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.

Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.

Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.