Tướng Iran thiệt mạng, chảo lửa Trung Đông lại nóng thêm

Việc Chuẩn tướng Mohammad Reza Zahedi, chỉ huy cấp cao của lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran thiệt mạng sau cuộc không kích được cho là của Israel, đã thổi bùng ngọn lửa xung đột âm ỉ nhiều tháng qua, đẩy Trung Đông đến bờ vực chiến tranh khu vực.

Cuộc tấn công nguy hiểm vào lãnh sự quán Iran ở Syria

Tòa nhà lãnh sự quán Iran ở Thủ đô Damascus của Syria đêm 1/4 đã bị san phẳng bởi một cuộc không kích bất ngờ, khiến nhiều người thiệt mạng, trong đó có Chuẩn tướng Mohammad Reza Zahedi, chỉ huy cấp cao của lực lượng Quds thuộc lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Iran và Syria đã cáo buộc Israel tập kích và cam kết sẽ trả đũa tương xứng. Đây là vụ tấn công mới nhất trong chuỗi các cuộc tấn công gần đây được cho là của Israel ở Syria, nhằm vào lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran và nhóm vũ trang Hezbollah thân Iran ở Liban.

Được đánh giá là sự leo thang nguy hiểm nhất bên ngoài Dải Gaza kể từ khi cuộc chiến Israel - Hamas nổ ra gần sáu tháng trước, cuộc tấn công vào lãnh sự quán Iran dẫn đến nguy cơ thổi bùng ngọn lửa xung đột âm ỉ nhiều tháng qua và đẩy Trung Đông đến bờ vực chiến tranh khu vực.

Tòa nhà lãnh sự quán Iran ở thủ đô Damascus của Syria đã bị san phẳng bởi một cuộc không kích bất ngờ trong đêm.

Bộ Quốc phòng Syria cho biết máy bay quân sự được cho là của Israel đã phóng tên lửa từ cao nguyên Golan vào Thủ đô Damascus, đánh trúng tòa nhà lãnh sự thuộc khu vực đại sứ quán Iran trong quận Mezzeh. Lực lượng phòng không Syria không thể đánh chặn toàn bộ tên lửa. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, có trụ sở tại Anh, dẫn nguồn tin cứu hộ nói rằng ít nhất 11 người chết trong vụ tập kích. Trong số này, 7 người là thành viên lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Đại sứ Iran tại Syria Hossein Akbari cáo buộc Israel sử dụng tiêm kích F-35 phóng 6 tên lửa nhắm vào tòa nhà ngoại giao, khiến nhiều sĩ quan cấp cao của nước này thiệt mạng, trong đó có Chuẩn tướng Mohammad Reza Zahedi. Đại sứ Akbari xác nhận gia đình ông vẫn an toàn do không có mặt trong tòa nhà bị tập kích.

Theo truyền thông nhà nước Iran, vụ tập kích chủ yếu nhắm vào tướng Zahedi. Đài Al Alam của Iran mô tả tướng Zahedi là cố vấn quân sự tại Syria, từng lãnh đạo hoạt động ở Liban và Syria cho IRGC trước năm 2016. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho biết tướng Zahedi trên thực tế đang lãnh đạo mọi hoạt động của đặc nhiệm Quds thuộc IRGC tại ba mặt trận Palestine, Syria và Liban. Cuộc tập kích còn khiến cấp phó, trợ lý của tướng Zahedi, cùng ba cố vấn chuyên trách thiệt mạng.

Tòa nhà lãnh sự của đại sứ quán đã phục vụ người dân Iran được 30 năm. Tầng trên của khu lãnh sự là nơi ở của đại sứ. Tòa nhà này không được xây mới mà đã sử dụng nhiều năm. Tất cả người dân Syria đều biết rằng đây là tòa nhà lãnh sự quán của đại sứ quán Iran. Hành động của Israel vi phạm mọi chuẩn mực của luật pháp quốc tế.

Ông Hossein Akbari, Đại sứ Iran tại Syria.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian kịch liệt lên án vụ tấn công của Israel và gọi đó là hành vi vi phạm mọi nghĩa vụ và công ước quốc tế. Cùng chung quan điểm, Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad mô tả cuộc tập kích là sự vi phạm trắng trợn các quy định quốc tế, đặc biệt là công ước Vienna về quan hệ ngoại giao năm 1961.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian kịch liệt lên án vụ tấn công.

Bộ Ngoại giao Nga đã lên án mạnh mẽ cuộc không kích nhắm vào tòa lãnh sự quán Iran ở Damascus và coi các cuộc tấn công vào các cơ sở ngoại giao là không thể chấp nhận được.

Trung Quốc và các nước Hồi giáo như Iraq, Jordan, Oman, Pakistan, Qatar, Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất chỉ trích vụ tấn công là vi phạm luật pháp quốc tế về ngoại giao. Liên hợp quốc cũng bày tỏ quan ngại về cuộc tấn công của Israel vào cơ quan đại diện ngoại giao của Iran tại Syria. Trong khi đó, phía Mỹ chưa có xác nhận về mục tiêu hoặc bên chịu trách nhiệm về vụ tấn công.

Về phần mình, quân đội Israel từ chối bình luận về cuộc tấn công tại Damascus. Tuy nhiên, tờ New York Times dẫn lời 4 quan chức Israel giấu tên thừa nhận Tel Aviv đã thực hiện cuộc tập kích. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin CNN, người phát ngôn quân đội Israel lại khẳng định, theo thông tin tình báo, tòa nhà đó không phải nơi thuộc lãnh sự quán hay đại sứ quán.

Người phát ngôn quân đội Israel khẳng định, theo thông tin tình báo, tòa nhà đó không thuộc lãnh sự quán hay đại sứ quán.

Tôi nhắc lại, đây không phải là lãnh sự quán và không phải là đại sứ quán. Đây là tòa nhà quân sự của lực lượng Quds được cải trang thành tòa nhà dân sự ở Damascus.

Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari, người phát ngôn lực lượng phòng vệ Israel

Theo hãng tin AP, cuộc tấn công mới nhất của Israel đã cho thấy sự leo thang trong chiến dịch của Tel Aviv nhằm vào các quan chức quân sự Iran cùng các đồng minh của họ ở Syria.

Iran sẽ trả đũa như thế nào?

Cho đến nay, các đòn ăn miếng trả miếng giữa Israel và lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn chưa gây ra phản ứng quyết liệt châm ngòi cho xung đột toàn diện ở Trung Đông, ngoại trừ những cuộc giao tranh lẻ tẻ ở biên giới Israel – Liban. Cả Israel và Iran dường như đang cố duy trì một “lằn ranh đỏ” mong manh để không gây ra tình huống đối đầu trực diện. Tuy nhiên, vụ tập kích tòa nhà lãnh sự có thể là “giọt nước làm tràn ly”.

Về mặt kỹ thuật, tòa lãnh sự và khu vực đại sứ quán tại Syria là tòa nhà ngoại giao chính thức thuộc chủ quyền của Iran, nơi treo lá cờ của Cộng hòa Hồi giáo Iran. Do đó, vụ việc được xem là cuộc tấn công công khai nhất nhằm vào Tehran. Vậy kịch bản nào có thể sẽ được Iran lựa chọn để trả đũa: một cuộc tập kích trực diện nhằm vào Israel để khơi mào cho một cuộc chiến toàn khu vực, hay những đòn đánh ủy nhiệm từ những lực lượng thân Iran ở khu vực?

Các nhà phân tích đã so sánh vụ tấn công vừa xảy ra với vụ ám sát Tư lệnh lực lượng Quds, tướng Qasem Soleimani, một nhân vật có vai trò và tầm ảnh hưởng rất lớn ở Iran. Tướng Soleimani thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ tại Iraq hồi tháng 1/2020.

Trong quá khứ, Iran đã tiến hành một cuộc trả đũa bằng cách bắn tên lửa đạn đạo vào căn cứ quân sự Mỹ trên đất Iraq để đáp trả.

Trong quá khứ, Iran đã tiến hành một cuộc trả đũa bằng cách bắn tên lửa đạn đạo vào căn cứ quân sự Mỹ trên đất Iraq để đáp trả. Mặc dù vậy, hành động của Tehran được bình luận là ở mức rất kiềm chế, nhằm không gây thêm căng thẳng với Mỹ và có thể dẫn tới hành động trả đũa tiếp theo từ Washington. Ở vụ việc nêu trên, theo một nguồn tin giấu tên, phía Iran đã thông báo trước về ngày giờ tiến hành các vụ phóng tên lửa để binh sĩ Mỹ có đủ thời gian xuống hầm trú ẩn. Thậm chí, ngay trước khi khai hỏa tên lửa, Iran còn cẩn thận xác nhận không có binh sĩ Mỹ ở trong vùng nguy hiểm mới tiến hành “đòn trả đũa mạnh mẽ”.

Còn lần này, trong trường hợp với Israel, Tehran được cho là sẽ không đưa ra phản ứng một cách “hòa nhã” đến vậy. Tuy nhiên, việc lựa chọn cách phản ứng cũng không đơn giản. Israel thực tế không phải là đối thủ dễ chơi. Lịch sử từng chứng minh Nhà nước Do Thái đã đứng vững trong 4 cuộc xung đột quy mô lớn với khối Ả rập. Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) ngày nay còn được đánh giá là có quy mô và thiện chiến bậc nhất khu vực Trung Đông, có khả năng đã sở hữu vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, các đồng minh của Tel Aviv, đặc biệt là Mỹ, cũng đang duy trì lực lượng đông đảo tại Trung Đông. Với đối thủ như Israel, việc Iran leo thang quân sự rất dễ dẫn tới cuộc xung đột toàn diện kéo theo nhiều quốc gia trong khu vực tham chiến. Vì vậy, ngọn lửa chiến tranh toàn diện giữa hai nước là khó xảy ra.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) được đánh giá là có quy mô và thiện chiến bậc nhất khu vực Trung Đông.

Một lựa chọn trả đũa khác có nhiều khả năng xảy ra là Iran sẽ thông qua lực lượng ủy nhiệm để tiến hành các cuộc bắn phá bằng tên lửa và máy bay không người lái. Nhà phân tích Shabani của tạp chí điện tử Amwaj.media, đánh giá Hezbollah chắc chắn sẽ tham gia vào nỗ lực trả đũa cùng Iran. Nhóm chiến binh dòng Shiite ở Liban này đã đọ hỏa lực gần như mỗi ngày với lực lượng Israel kể từ hồi đầu tháng 10 năm ngoái, sau khi Hamas tấn công Israel và Tel Aviv đáp trả bằng chiến dịch quân sự quy mô nhằm vào Dải Gaza. Hezbollah khi đó tuyên bố tấn công Israel để hỗ trợ Hamas, nhưng chưa mở mặt trận thứ hai nhằm vào nước này. Nhưng giờ đây, Iran có thể sẽ chỉ đạo Hezbollah leo thang các cuộc tấn công vào Israel, táo bạo và thường xuyên hơn.

Một lựa chọn trả đũa khác có nhiều khả năng xảy ra là Iran sẽ thông qua lực lượng ủy nhiệm để tiến hành các cuộc bắn phá bằng tên lửa và máy bay không người lái.

Một số nhà phân tích khác cũng có chung nhận định, viện dẫn bài học từ phong trào Houthi tại Yemen và cuộc tấn công tàu thuyền trên Biển Đỏ thời gian qua. Theo các chuyên gia này, với ảnh hưởng rất lớn tới các phong trào Hồi giáo vũ trang ở khu vực, Tehran không cần ra mặt, mà chỉ cần hỗ trợ họ trong cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Israel. Một cuộc chiến không có đối thủ cụ thể, dai dẳng, sẽ mang lại tổn thất đáng kể hơn là một cuộc chiến chớp nhoáng.

Vài giờ sau vụ không kích tòa nhà lãnh sự của Iran, nhiều máy bay không người lái (UAV) đã được phóng từ Syria vào Israel nhưng bị lực lượng phòng không của Tel Aviv ngăn chặn. Ở một hướng khác, căn cứ hải quân Israel ở Eilat đã bị hư hại do UAV của nhóm dân quân thân Iran mang tên “Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq” thực hiện.

Với ảnh hưởng rất lớn tới các phong trào Hồi giáo vũ trang ở khu vực, Tehran không cần ra mặt, mà chỉ cần hỗ trợ họ trong cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Israel.

Vậy, một cuộc chiến ủy nhiệm do Iran phát động thông qua các phong trào Hồi giáo vũ trang như Hamas, Hezbollah, Houthi bao vây Israel kéo dài nhiều năm sẽ ra sao? Chắc chắn một cuộc chiến như vậy sẽ bào mòn nhân lực, vật lực của Israel hiệu quả hơn nhiều so với cuộc chiến trực diện.

Bản thân Israel cũng nhận ra vấn đề này và các cuộc không kích nhằm vào các vị trí của lực lượng thân Iran tại Syria đã minh chứng cho điều đó. Nhà nước Do Thái không muốn bị các lực lượng thân Iran bao vây và sa lầy trong một cuộc chiến trường kỳ không có hồi kết. Ông Jon Alterman, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, trụ sở tại Washington, Mỹ, cho rằng cuộc tấn công vào tòa nhà lãnh sự Iran có thể là tín hiệu răn đe mà Israel muốn gửi tới các đối thủ. Israel sẽ không nhún nhường trước các mối đe dọa thường xuyên, liên tục và gia tăng.

Mỹ có liên quan tới vụ tấn công?

Cuộc tấn công vào tòa nhà lãnh sự Iran xảy ra vào thời điểm xung đột giữa Israel và phong trào Hamas chưa có dấu hiệu lắng dịu và nguy cơ khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở Dải Gaza. Trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay ở Trung Đông, ông Osama Danura, chuyên gia chính trị người Syria, cho rằng cộng đồng quốc tế cần có hành động quyết liệt ngăn chặn căng thẳng leo thang hơn nữa.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhóm họp để thảo luận về vụ tập kích này theo đề nghị của Nga. Trong khi đó, phía Mỹ khẳng định Washington “không liên quan” gì đến vụ tấn công, nhằm xoa dịu cơn giận dữ của Tehran.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng tuyên bố Mỹ “không liên quan" và cũng không biết trước về vụ tấn công.

Trang tin tức Axios dẫn lời người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng tuyên bố Mỹ “không liên quan" và cũng không biết trước về vụ tấn công. Một quan chức cấp cao khác của Mỹ cho hay Washington đã liên lạc trực tiếp với Iran để khẳng định thông tin này. Theo các nhà phân tích, việc Mỹ liên hệ với Iran cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden cực kỳ lo ngại vụ việc có thể dẫn đến leo thang xung đột trong khu vực và khiến lực lượng Mỹ lại bị các nhóm vũ trang thân Iran nhắm đến.

Tuy nhiên, Iran cho rằng Mỹ cần phải chịu một phần trách nhiệm vụ Israel tập kích khu vực đại sứ quán nước này. Bộ ngoại giao Iran đã triệu đại biện Thụy Sĩ tại Tehran để trao đổi về vụ tập kích vào khu vực đại sứ quán nước này ở Damascus. Đại sứ quán Thụy Sĩ ở Tehran đóng vai trò trung gian giữa Mỹ và Iran hơn 4 thập kỷ qua.

Bộ Ngoại giao Iran đã giải thích các khía cạnh cuộc tấn công khủng bố và tội ác của Israel, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền Mỹ. Thông điệp quan trọng đã được truyền đạt tới chính quyền Mỹ vì họ ủng hộ Israel. Mỹ phải chịu trách nhiệm.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian.

Theo giới quan sát, Iran sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ phản ứng của Mỹ và tìm xem có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Washington thực sự không liên quan tới vụ tấn công, để quyết định cách phản ứng phù hợp.

Iran chắc chắn sẽ phải cân nhắc các kịch bản xảy ra khi tung ra đòn trả đũa và những phản ứng tiếp theo của Israel và các đồng minh. Tel Aviv đang tăng cường an ninh tại các cơ quan đại diện ngoại giao, vì nước này lo ngại khả năng Iran sẽ đáp trả vụ ám sát bằng cách tấn công cơ quan đại diện ngoại giao của Nhà nước Do Thái ở nước ngoài. Dù lựa chọn ra sao, giới quan sát cho rằng, xung đột giữa Iran và Israel – vốn đã âm ỉ từ nhiều thập kỷ qua, sẽ khó có thể giải quyết trong tương lai gần hay bằng một cuộc xung đột toàn diện.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Năm vừa qua, thế giới đã chi khoảng 2.440 tỷ USD cho mục đích quân sự, số tiền cao nhất từng có. Con số này tăng 6,8% so với năm 2022, tỷ lệ tăng cao nhất kể từ năm 2009. Theo đó, chi tiêu quân sự năm 2023 chiếm 2,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tăng so với mức 2,2% của năm 2022. Có thể thấy, chừng nào những bất ổn về địa chính trị hiện nay chưa được giải quyết thì xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng trên thế giới vẫn tiếp tục duy trì.

Châu Á sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong thương mại toàn cầu, đóng góp khoảng 45% vào tổng xuất khẩu của thế giới và hơn 80% vào nhập khẩu. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị và các chính sách không chắc chắn có thể cản trở sự phục hồi thương mại chung của thế giới trong hai năm tới.

Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua khoản viện trợ trị giá gần 61 tỷ USD cho Ukraine, với cuộc bỏ phiếu mang tính bước ngoặt tại Hạ viện hôm 20/3 và tại Thượng viện ngày 23/4, theo giờ địa phương. Liệu gói viện trợ của Mỹ có thể giúp Kiev xoay chuyển cục diện trên chiến trường hay chỉ làm xung đột kéo dài thêm?

Ông Trump bị cáo buộc làm giả hồ sơ để che đậy khoản thanh toán nhằm mua chuộc sự im lặng của một diễn viên phim người lớn về mối quan hệ với ông. Đây là phiên tòa đầu tiên mang tính lịch sử đối với một cựu tổng thống Mỹ và có thể là bước ngoặt đối với ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Chủ đề Ngày Trái đất năm 2024 là “Trái đất và nhựa” nhằm kêu gọi các quốc gia giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040, hướng đến chấm dứt việc sử dụng nhựa vì sức khỏe của con người và Trái đất.

Sau 20 năm lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ từ nhiệm vào ngày 15/5/2024. Người kế nhiệm ông sẽ là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong. Đây là tiến trình chuyển giao lãnh đạo đã được lên kế hoạch từ lâu của Singapore, và được Thủ tướng Lý Hiển Long gọi là thời khắc quan trọng.