Tương lai sóng gió của Thủ tướng Canada Justin Trudeau

Việc Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland đột ngột từ chức và lời chỉ trích công khai của bà đối với Thủ tướng, đã khiến người dân Canada bất ngờ và đe dọa làm tan rã chính phủ của một quốc gia nổi tiếng về sự ổn định. Quyền lực của Thủ tướng Canada Justin Trudeau đối với đất nước vốn đã mong manh giờ đây càng trở nên mong manh hơn bởi áp lực buộc ông phải từ chức ngày càng gia tăng.

Ông Trudeau là ai?

Ông Justin Trudeau, cựu giáo viên trung học và là con trai cả của Pierre Trudeau - một trong những Thủ tướng nổi tiếng nhất của Canada, đã được bầu vào năm 2015 với đa số phiếu bầu áp đảo của đảng Tự do tại Quốc hội.

Là một trong những nhà lãnh đạo trẻ nhất của đất nước, ông Trudeau nhanh chóng trở thành hình mẫu cho các giá trị tiến bộ của Canada trên trường quốc tế - đối lập với ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên làm Tổng thống Mỹ.

Ông Trudeau đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử liên tiếp vào năm 2019 và 2021, nhưng uy tín của ông đã giảm dần kể từ đó. Người dân Canada trở nên thất vọng với các vụ bê bối chính trị, những lời hứa không thành và nền kinh tế, cùng nhiều vấn đề khác.

Sự nghiệp chính trị của ông Trudeau có nguy cơ sụp đổ trong những tháng gần đây sau khi đảng Tự do mất một vài ghế trong Quốc hội. Số ghế này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn cho đảng trong lịch sử trong các cuộc bầu cử bổ sung. Điều này khiến một số người trong đảng của ông Trudeau kêu gọi ông từ chức.

Mặc dù Thủ tướng đã biết từ nhiều năm qua rằng, ông Trump đe dọa các mức thuế quan này và đã ba tuần kể từ khi ông Trump thắng cử, việc duy nhất mà ông làm là một cuộc gọi zoom. Không có kế hoạch nào để kiểm soát tệ nạn ma túy lan tràn đã giết chết nhiều người và hiện đang đe dọa biên giới của chúng ta. Không có kế hoạch nào để bảo vệ biên giới. Không có kế hoạch nào để đối phó với việc tăng thuế sẽ khiến hàng tỷ đô la và nhiều việc làm biến mất. Kế hoạch đặt Canada lên hàng đầu ở đâu?

Ông Pierre Poilievre - Lãnh đạo đối lập.

Một dấu hiệu đặc biệt rõ ràng cho thấy, sự mất uy tín của Thủ tướng Trudeau là nhiều người Canada hiện coi trọng Tổng thống Mỹ sắp nhậm chức hơn là ông Trudeau. Theo Abacus Data, tỷ lệ ủng hộ hai nhân vật này trong các cuộc thăm dò gần đây lần lượt là 26% so với 23%. Lần gần đây nhất người Canada được thăm dò ý kiến về ông Trump, vào tháng 11/2020, chỉ có 11% có quan điểm tích cực về ông.

Nguyên nhân nào gây ra cuộc khủng hoảng mới nhất?

Một trong những nguyên nhân khiến chính phủ Canada rơi vào tình trạng hỗn loạn là những lời đe dọa tăng thuế mà Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đưa ra. Vào tháng trước, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế 25% với hàng hóa từ Canada và Mexico nếu hai nước láng giềng không tìm cách hạn chế dòng người nhập cư bất hợp pháp và chất gây nghiện fentanyl vào Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Canada Freeland cho rằng, nguy cơ thuế quan tăng cao ở Mỹ là một mối đe đọa nghiêm trọng.

Bộ trưởng Tài chính Freeland đã từ chức vài giờ trước thời hạn bà phải công bố bản cập nhật tài chính hàng năm. Thông báo gây sốc của bà Freeland được đưa ra sau khi bà cho biết, Thủ tướng Trudeau đã cố gắng giáng chức bà và hai nhà lãnh đạo bất đồng quan điểm về cách Canada xử lý mối đe dọa áp thuế của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Bà Freeland từ lâu được coi là người kế nhiệm tiềm năng của ông Trudeau. Trong những tuần gần đây, bà và ông Trudeau đã bất đồng quan điểm về miễn thuế bán hàng trong hai tháng và khoản hoàn thuế 250 đô la Canada cho hầu hết người lao động - các chính sách này được coi là chiến thuật để giành lại cử tri.

Bà Freeland cho rằng, Canada đang phải đối mặt với một thách thức lớn, trong đó có chính sách dân tộc chủ nghĩa kinh tế hung hăng, bao gồm cả mối đe dọa áp thuế 25%. Theo bà, Canada cần phải xem mối đe dọa đó là cực kỳ nghiêm trọng, cần tránh những mánh khóe chính trị tốn kém để có nguồn dự trữ chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại sắp tới.

Bộ trưởng An toàn Công cộng Dominic LeBlanc - một thành viên trong nhóm thân cận của Thủ tướng Canada Justin Trudeau - đã nhanh chóng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính.

Bà Freeland, cựu nhà báo của The Financial Times, Reuters và Globe and Mail, là người đối thoại quan trọng với Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump và đã đàm phán Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada. Theo quan điểm của người Mỹ, việc bà từ chức cũng giống như một Phó Tổng thống từ chức.

Việc từ chức của bà Freeland, 56 tuổi, người cũng từng là Phó Thủ tướng, là một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất mà ông Trudeau phải đối mặt kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 11/2015. Điều này cũng khiến ông mất đi một đồng minh quan trọng khi ông đang mất đà trong trong cuộc bầu cử tới.

Cuộc khủng hoảng một lần nữa làm dấy lên câu hỏi về tương lai chính trị của ông Trudeau, cũng như cách phản ứng ngoại giao phù hợp dành cho Canada và các quốc gia khác khi chuẩn bị đối mặt với nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.

Lời đe dọa áp thuế 25% đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ từ Canada và Mexico của ông Trump được cho nhằm buộc hai nước này phải kiểm soát tình trạng buôn lậu ma túy, hạn chế dòng người nhập cư trái phép tràn qua biên giới vào Mỹ. Đây được xem là hành động gây hấn ngoại giao chưa từng có đối với hai quốc gia đồng minh và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, đẩy ông Trudeau cùng với Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum vào thế vội vàng tìm cách ứng phó.

Ngay ngày hôm sau, ông Trudeau vội vã đến Florida để gặp ông Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, nơi Thủ tướng Canada cam kết sẽ xem xét việc tăng cường an ninh biên giới.

Tương lai chính trị của Thủ tướng Trudeau

Câu hỏi đặt ra là ông Trudeau có thể tiếp tục nắm quyền không? Cho đến nay, ông Trudeau vẫn kiên quyết rằng ông sẽ tiếp tục làm Thủ tướng. Nhưng các chuyên gia thấy rằng, nhà lãnh đạo đảng Tự do không có nhiều triển vọng. Không rõ ông có thể phục hồi như thế nào, làm thế nào thuyết phục người dân Canada hoặc thay đổi suy nghĩ của họ về ông.

Ngày 20/12, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã công bố 12 thay đổi trong nội các, theo đó đưa vào 8 bộ trưởng mới và chuyển đổi vị trí của 4 bộ trưởng cũ. Đây được coi là một trong những đợt cải tổ nội các lớn nhất kể từ khi ông Trudeau lên nắm quyền cách đây 9 năm.

Cuộc cải tổ nội các lần này diễn ra vài ngày sau những biến động lớn đối với đảng Tự do và được coi là nỗ lực nhằm mang lại sự ổn định cho Canada, bất chấp những sức ép mạnh mẽ trong đảng đòi ông Trudeau từ chức.

Đã có sự tập trung quyền lực rất lớn trong Văn phòng Thủ tướng. Văn phòng này có các cố vấn chính trị. Họ không phải là những người được bầu. Họ là những người mà ông ấy bổ nhiệm. Và đã có rất nhiều lời chỉ trích rằng ông ấy quá phụ thuộc vào lời khuyên của các cố vấn chính trị của mình nhiều hơn là nhóm nghị sĩ của mình. Khi các nghị sĩ đến Ottawa, họ mong đợi được nói lên tiếng nói của mình và sau đó họ phát hiện ra rằng, họ thực sự không có tiếng nói nào. Bây giờ, câu hỏi thực sự là liệu ông ấy có nghe theo lời khuyên của các bộ trưởng nội các của mình hay không?

Ông Grace Skogstad - Nhà khoa học chính trị và giáo sư tại Đại học Toronto.

Chỉ riêng trong năm 2024 đã có 9 bộ trưởng nội các từ chức hoặc tuyên bố không tái tranh cử hoặc bị sa thải. Trang CBC News dẫn một nguồn tin từ chính phủ cho biết, thời điểm và quy mô của cuộc cải tổ này chưa được coi là tín hiệu cho thấy Thủ tướng đã quyết định về tương lai của ông.

Sự ra đi của bà Freeland đã phơi bày những rạn nứt trong chính đảng của ông Trudeau và đã khuyến khích nhiều thành viên trong nhóm của ông kêu gọi ông từ chức. Theo các nguồn tin, ít nhất 7 thành viên của đảng Tự do trong Quốc hội đã công khai kêu gọi ông Trudeau từ chức và nhiều người khác đã làm như vậy với tư cách cá nhân. CBC News, một chi nhánh của CNN đưa tin: 3 nhà lãnh đạo đối lập của Canada cũng đã kêu gọi Trudeau từ chức.

Hạ viện Canada dự kiến nhóm họp trở lại vào ngày 27/1/2025 và khả năng một đề xuất bất tín nhiệm sẽ được đưa ra vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3/2025, nếu khi đó Thủ tướng Trudeau chưa từ chức. Theo luật, cuộc bầu cử liên bang tiếp theo của Canada sẽ được diễn ra vào tháng 10 năm sau. Tuy nhiên, bầu cử có thể diễn ra sớm hơn nếu ông Trudeau kêu gọi, hoặc nếu các nhà lập pháp kích hoạt một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Các cuộc thăm dò cho thấy, nếu một cuộc bầu cử được tổ chức vào hôm nay, đảng Bảo thủ đối lập sẽ giành được chiến thắng áp đảo.

Nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Canada 

Trong các cuộc chiến thương mại trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, uy tín của ông Trudeau vẫn tương đối cao ở Canada, trong khi ông Trump còn mới mẻ trên chính trường. Lần này, tình hình đã khác. Khi ông Trudeau mất dần quyền lực, thì ông Trump đang trỗi dậy mạnh mẽ, xung quanh ông còn có rất nhiều người trung thành, sẵn sàng thực hiện chương trình nghị sự theo ý ông. Đội ngũ đàm phán của ông Trump đã sẵn sàng và đoàn kết với thông điệp chung, còn ông Trudeau bị bao vây bởi những câu hỏi về sự sống còn chính trị của chính mình. Tầm ảnh hưởng của Thủ tướng suy yếu đặt Canada trước rủi ro bị ông Trump "chia rẽ và chinh phục".

Canada, nơi sinh sống của khoảng 40 triệu người, là một trong những đối tác thương mại lớn nhất và là đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Mỹ và Canada có một trong những mối quan hệ thương mại song phương lớn nhất thế giới và cân bằng hơn các mối quan hệ khác.

Mỹ đã thâm hụt 252 tỷ USD về hàng hóa và dịch vụ với Trung Quốc vào năm ngoái và thâm hụt 162 tỷ USD với Mexico, theo dữ liệu của chính phủ Mỹ. Mức thâm hụt với Canada là 41 tỷ USD - phần lớn là nhờ hàng triệu thùng dầu thô mỗi ngày của Canada được vận chuyển đến các nhà máy lọc dầu của Mỹ.

Canada đang xem xét việc sử dụng thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng chính mà nước này xuất khẩu sang Mỹ - bao gồm uranium, dầu và kali - nếu Tổng thống sắp nhậm chức Donald Trump thực hiện lời đe dọa áp đặt thuế quan rộng rãi.

Thuế xuất khẩu sẽ là giải pháp cuối cùng đối với Canada, theo các viên chức nắm rõ các cuộc thảo luận bên trong chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau. Thuế trả đũa đối với hàng hóa do Mỹ sản xuất và kiểm soát xuất khẩu đối với một số sản phẩm của Canada có nhiều khả năng sẽ được áp dụng trước.

Nếu Canada tăng thuế xuất khẩu hàng hóa sẽ làm tăng chi phí cho người tiêu dùng, nông dân và doanh nghiệp Mỹ. Các quan chức giấu tên cho biết, giải pháp trả đũa đó sẽ được lựa chọn nếu ông Trump quyết định bắt đầu một cuộc chiến thương mại toàn diện.

Chính phủ của ông Trudeau cũng có thể đề xuất mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Canada là nhà cung cấp dầu bên ngoài lớn nhất cho Mỹ; một số nhà máy lọc dầu phụ thuộc vào việc mua dầu thô nặng rẻ hơn của Canada và có ít lựa chọn thay thế. Vùng Trung Tây Mỹ sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi chi phí cao hơn. Các nhà sản xuất nhiên liệu trong khu vực mua của Canada gần một nửa lượng dầu thô để chế biến thành xăng và dầu diesel.

Uranium của Canada cũng là nguồn nhiên liệu nước ngoài lớn nhất cho các nhà máy điện hạt nhân của Mỹ và kali từ các tỉnh phía Tây của đất nước này là nguồn phân bón khổng lồ cho các trang trại của Mỹ. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đầu tư vào các dự án của Canada để đảm bảo nguồn coban, than chì và giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Nhưng đối với Thủ tướng Trudeau, đi theo con đường này sẽ gây ra sự chia rẽ chính trị nghiêm trọng trong Canada. Sản xuất dầu, uranium và kali tập trung ở các tỉnh phía Tây Alberta và Saskatchewan. Các tỉnh này có lượng cử tri mạnh nhất của lãnh đạo đảng Bảo thủ Pierre Poilievre và chính quyền tỉnh của họ là những người phản đối cánh hữu trung thành với ông Trudeau.

Mục tiêu chính của ông Trudeau vẫn là tránh để xảy ra chiến tranh thương mại với đối tác thương mại số 1 của mình. Chính phủ của ông cũng đang lên kế hoạch đưa ra những thông báo quan trọng về an ninh biên giới để cho thấy họ đang có những hành động đáp ứng yêu cầu của ông Trump về việc ngăn chặn dòng người di cư và fentanyl vào Mỹ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Văn phòng cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho biết ông đã xuất viện hôm 24/12, một ngày sau khi nhập viện vì bị sốt.

Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya của Nga, vaccine chống ung thư do nước này nghiên cứu và sản xuất sẽ được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân vào tháng 9/2025.

Hơn 6 nghìn tình nguyện viên Nga đang tích cực dọn dẹp hàng tấn dầu tràn ra Biển Đen sau khi hai con tàu chở dầu bị bão phá hủy, gây ra sự cố tràn dầu nghiêm trọng, là một trong những thảm họa sinh thái tồi tệ nhất trong nhiều năm qua ở khu vực này.

Vào ngày 23/12, Honda và Nissan thông báo đã bắt đầu các cuộc thảo luận về khả năng hợp nhất, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử đối với ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản.

Từ những hành lang rộng lớn được sơn màu đỏ và cam, đến những bức bích họa phủ kín không gian, mạng lưới tàu điện ngầm Stockholm đã gây ấn tượng đặc biệt đối với nhiều du khách.

Theo dữ liệu chính thức được công bố, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh không có sự tăng trưởng trong quý III năm 2024, dù con số sơ bộ trước đó cho thấy mức tăng trưởng 0,1%.