Tỷ lệ sinh thấp kỷ lục tại châu Á

Một loạt các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đang ghi nhận tỷ lệ sinh thấp kỷ lục trong năm 2023. Sự sụt giảm này là thách thức nghiêm trọng về tăng trưởng kinh tế do lực lượng lao động thu hẹp, tỷ lệ người già tăng lên.

Tỷ lệ sinh giảm mạnh tại châu Á  

Năm 2023, Hàn Quốc đã phá vỡ kỷ lục tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới trước đó của mình. Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, số trẻ được sinh ra vào năm 2023 là 230.000, giảm 19.200 trẻ, tương đương mức giảm 7,7% so với một năm trước đó. Số con trung bình của một phụ nữ Hàn Quốc đã giảm xuống 0,72 từ mức 0,78 con/phụ nữ vào năm 2022.

Kể từ năm 2018, Hàn Quốc là thành viên duy nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tỷ lệ sinh dưới một. Độ tuổi trung bình phụ nữ Hàn Quốc sinh con lần đầu là 33,6 - cao nhất trong số các thành viên OECD. Theo Viện Đo lường và Đánh giá Y tế tại Đại học Washington, Mỹ, nếu tỷ lệ sinh tiếp tục xuống thấp thì dân số của nền kinh tế lớn thứ năm châu Á được dự đoán sẽ giảm gần một nửa, xuống còn 26,8 triệu người vào năm 2100.

Hàn Quốc đã phá vỡ kỷ lục tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới trước đó của mình.

Tại Nhật Bản, số trẻ em được sinh ra trong năm 2023 giảm xuống mức thấp mới, đánh dấu năm thứ 8 số ca sinh giảm liên tiếp. Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản cho biết trong năm 2023, có 758.631 trẻ được sinh ra, giảm 5,1% so với năm trước và là số ca sinh thấp nhất kể từ khi số liệu thống kê được tổng hợp lần đầu tiên vào năm 1899. Số cuộc kết hôn đã giảm 5,9%, xuống 489.281. Đây là lần đầu tiên sau 90 năm con số này giảm xuống dưới 500.000.

Tại Nhật Bản, số trẻ em được sinh ra trong năm 2023 giảm xuống mức thấp mới.

Năm 2023 đánh dấu năm thứ hai liên tiếp tỷ lệ sinh thấp kỷ lục trong vòng hơn 60 năm qua tại Trung Quốc. Số trẻ sinh ra vào năm ngoái là 9,02 triệu trẻ, giảm hơn 520.000 trẻ so với năm 2022.

Các con số thống kê cho thấy dân số nước này cuối năm ngoái là 1,409 tỷ người, giảm khoảng hai triệu người so với cuối năm 2022. Ấn Độ đã soán ngôi của Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Thượng Hải (SASS) dự báo dân số Trung Quốc vào năm 2100 có thể giảm đến 60% so với hiện tại, chỉ còn lại khoảng 525 triệu người.

Nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh giảm tại các nước châu Á

Tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động giảm đi, dẫn đến khủng hoảng nguồn nhân lực cho thị trường lao động, gia tăng gánh nặng đối với hệ thống an sinh xã hội của mỗi quốc gia. Theo Liên hợp quốc, tỷ suất sinh của các nước châu Á cần phải đạt tới con số 2,1 ca sinh/phụ nữ nếu muốn duy trì lực lượng lao động.

Tỷ lệ sinh thấp đặt ra nhiều thách thức cho vấn đề nhân khẩu học trong bối cảnh già hóa dân số.

Chi phí nuôi dạy con cao, giá bất động sản tăng cao, thiếu việc làm lương cao, lo ngại về cân bằng giữa công việc và cuộc sống khiến những người trẻ đắn đo khi lập gia đình và sinh con.

Giá bất động sản tăng cao là một trong những nguyên nhân khiến người trẻ đắn đo lập gia đình và sinh con.

Hàn Quốc và Trung Quốc là quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng các quốc gia có chi phí nuôi trẻ đắt nhất thế giới.

Theo báo cáo công bố hồi tháng 5/2023, chi phí nuôi dạy một trẻ đến tuổi 18 của Hàn Quốc cao gấp 7,79 lần so với mức thu nhập bình quân trên đầu người, là mức cao nhất thế giới. Trung Quốc đứng thứ 2 với chi phí cao gấp 6,3 lần, Nhật Bản gấp 4,26. Trong khi đó, ở Australia gấp 2,08 và Pháp là 2,24 lần.

Hàn Quốc và Trung Quốc là quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng các quốc gia có chi phí nuôi trẻ đắt nhất thế giới.

Nhiều người lại cho rằng chi phí nhà ở cao là trở ngại lớn nhất cho việc kết hôn, mà hôn nhân được coi là điều kiện tiên quyết để có con ở các quốc gia châu Á này. Giới trẻ Hàn Quốc ở độ tuổi 20 và 30 cho biết hỗ trợ tài chính từ chính phủ và môi trường làm việc tốt hơn để nuôi dạy con cái là rất quan trọng để tỷ lệ sinh ngừng giảm. Họ cũng cho biết việc thiếu sự đảm bảo cho sự nghiệp của phụ nữ khi họ có con cũng góp phần dẫn đến tỷ lệ sinh ít hơn.

Chắc chắn sẽ có trường hợp con tôi bị ốm và tôi phải xin nghỉ làm để chăm sóc con. Nhưng với môi trường làm việc hiện nay, phụ nữ không thể xin nghỉ bất cứ lúc nào để chăm sóc con ốm, vì điều này có thể gây cản trở cho sự nghiệp của họ. Vì vậy, tôi nghĩ đây là lý do lớn nhất khiến những người trẻ tuổi không có con.

Chị Kim Seul Ki - nhân viên văn phòng Hàn Quốc

Một báo cáo cho biết việc sinh con cũng sẽ khiến lương của phụ nữ giảm 12-17%. Thời gian nghỉ ngơi sẽ giảm đi 12,6 giờ đối với bà mẹ có một con từ 0-6 tuổi và 14 giờ đối với hai con. Đây cũng là những khó khăn đối với giới trẻ Nhật Bản và Trung Quốc.

Ngoài các yếu tố trên, những bất ổn gia tăng trên thế giới như xung đột leo thang, biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng hơn cũng khiến nhiều người e ngại chuyện con cái. Chính phủ các nước đã đưa ra những chương trình thúc đẩy các cặp đôi sinh thêm con. Tại Nhật Bản, chính phủ đang lên kế hoạch trình Quốc hội các đề xuất luật liên quan, trong đó có dự luật tăng trợ cấp cho trẻ em và có các chính sách thúc đẩy xây dựng môi trường sống thân thiện với trẻ em.

Dựa trên chính sách chiến lược tương lai của trẻ em được trình bày vào cuối năm ngoái, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp đối phó với tỷ lệ sinh giảm ở quy mô chưa từng có, bằng cách tập trung vào ba trụ cột là tăng thu nhập của thế hệ trẻ, thay đổi cơ cấu và nhận thức của toàn xã hội, đồng thời cung cấp sự hỗ trợ liên tục cho tất cả các gia đình nuôi dạy con cái theo các giai đoạn trong cuộc đời.

Ông Yoshimasa Hayashi, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản

Kể từ năm 2006, chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư hơn 270 tỷ USD cho các chương trình nhằm thúc đẩy các cặp đôi sinh thêm con, bao gồm trợ cấp tiền mặt, dịch vụ chăm sóc trẻ nhỏ và hỗ trợ các phương pháp điều trị vô sinh, hiếm muộn. Chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol đã coi việc đảo ngược tỷ lệ sinh giảm là ưu tiên quốc gia và tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp tối ưu để giải quyết tỷ lệ sinh thấp. Trước cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 4,  các đảng chính trị hứa hẹn thúc đẩy các khoản vay mua nhà dễ dàng hơn cho giới trẻ Hàn Quốc. Trung Quốc cũng đang triển khai một loạt biện pháp để khuyến khích phụ nữ sinh con, bao gồm ưu đãi thuế, trợ cấp nhà ở và miễn phí hoặc trợ cấp giáo dục khi sinh con thứ ba.

Số lượng cuộc kết hôn tăng vào năm 2023

Tỷ lệ kết hôn tại nhiều nước ở châu Á vào năm 2023 đã tăng lên đang kể. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh tỷ lệ sinh đang giảm mạnh ở những quốc gia này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đó là do nhu cầu từ các cặp đôi phải hoãn đám cưới trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Tỷ lệ kết hôn tại nhiều nước ở châu Á vào năm 2023 đã tăng lên đang kể.

Dữ liệu do Cơ quan Thống kê Hàn Quốc mới công bố cho thấy số lượng các cuộc hôn nhân ở Hàn Quốc vào năm 2023 đã tăng lần đầu tiên sau 12 năm qua. Tổng số 193.657 cặp đôi đã kết hôn trong năm ngoái, tăng 1,0% so với năm trước đó và là mức tăng đầu tiên trong vòng hơn một thập niên. Số người Hàn Quốc kết hôn với vợ hoặc chồng nước ngoài trong năm qua đã tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước, lên 20.000, tức là cứ 10 cặp đôi mới cưới thì có một cặp đôi là hôn nhân quốc tế. Tuy nhiên, con số năm 2023 vẫn thấp hơn năm 2019 khoảng 45.000 cuộc hôn nhân và chỉ bằng 3/5 số cuộc hôn nhân hàng năm được ghi nhận 10 năm trước đó.

Số lượng các cuộc hôn nhân ở Hàn Quốc vào năm 2023 đã tăng lần đầu tiên sau 12 năm qua.

Tại Trung Quốc, trong năm qua, số lượng các cặp đôi kết hôn đã tăng 12,4% so với năm 2022, chấm dứt xu hướng giảm kéo dài gần một thập kỷ, do nhu cầu bị dồn nén từ việc trì hoãn đám cưới trong thời kỳ đại dịch. Dữ liệu do Bộ Nội vụ nước này công bố vào tuần trước cho thấy số cặp đôi mới cưới đã tăng lên 7,68 triệu vào năm ngoái, cao hơn năm 2022, nhưng chưa thể so sánh với mức đỉnh điểm là 13,47 triệu cặp đôi vào năm 2013.

Hồi tháng 3, chính phủ nước này cam kết sẽ nỗ lực hướng tới một xã hội thân thiện với việc sinh con và thúc đẩy sự phát triển dân số cân bằng, lâu dài, cũng như giảm chi phí sinh con, nuôi dạy con cái và giáo dục. Tỷ lệ kết hôn gắn chặt với tỷ lệ sinh, điều này mang lại niềm vui cho các nhà hoạch định chính sách, vì tỷ lệ hôn nhân tăng lên có thể sinh ra nhiều trẻ em hơn và làm chậm lại sự suy giảm dân số vào năm 2024.

Trung Quốc bùng nổ dịch vụ lớp học cho người già

Trong khi cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Trung Quốc đang đe dọa nền tảng công nghiệp, tài chính của chính phủ và các nỗ lực xóa đói giảm nghèo, thì một số nhà đầu tư lại nhìn thấy cơ hội từ số lượng người già ngày càng tăng. Dân số già đi nhanh chóng của Trung Quốc đang thúc đẩy một thị trường đầy hứa hẹn cho các công ty cung cấp các lớp học và hoạt động giải trí dành cho tầng lớp trung lưu lớn tuổi.

Trong thập kỷ tới, khoảng 300 triệu người Trung Quốc sẽ nghỉ hưu - tương đương với gần như toàn bộ dân số của Mỹ. Euromonitor ước tính, vào năm 2040,  cứ hai người trên 65 tuổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sẽ có một người sống ở Trung Quốc. Đây là cơ hội đối với các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực đào tạo người cao tuổi. Công ty tư vấn Frost & Sullivan của Mỹ đánh giá thị trường học tập dành cho người cao tuổi ở Trung Quốc sẽ tăng trưởng 34%, từ 28 tỷ nhân dân tệ (3.8 tỷ USD) vào năm 2022 lên 1.209 tỷ nhân dân tệ (16,8 tỷ USD) vào năm 2027. Mama Sunset, một doanh nghiệp đào tạo người cao tuổi, đã mở 5 trung tâm ở thủ đô Bắc Kinh kể từ khi thành lập vào tháng 4 năm 2023.

Trung Quốc bùng nổ dịch vụ lớp học cho người già.

Hiện nay, công ty cung cấp 20 lớp học khác nhau cho hàng nghìn người Trung Quốc trên 50 tuổi và tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư trong nước để mở rộng tới 200 trung tâm nhượng quyền trên toàn quốc trong ba năm tới. Quantasing, nhà cung cấp dịch vụ học tập trực tuyến lớn nhất cho người cao tuổi ở Trung Quốc, đang có kế hoạch thu hút thêm giáo viên các lớp dạy thái cực quyền và y học cổ truyền để bổ sung vào các lớp học hiện có, từ rèn luyện trí nhớ đến chỉnh sửa video. Doanh thu của Quantasing tăng 24,7% so với cùng kỳ trong quý cuối cùng của năm ngoái ,lên 980,5 triệu nhân dân tệ (136,2 triệu USD), tổng số khách hàng cao tuổi của công ty cũng tăng 44,6%, so cùng thời điểm.

Tỷ lệ sinh thấp dẫn tới tình trạng già hóa dân số. Đây là một trong những vấn đề đáng báo động bởi nó gây ra khó khăn trong việc đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế cũng như phát triển các chính sách hướng tới tương lai. Sự già hóa dân số ở một số nước châu Á hiện nay là bài học kinh nghiệm cho nhiều nước đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi nhân khẩu học, để lập kế hoạch trước và thực hiện các biện pháp ứng phó phù hợp, quản lý hiệu quả những thách thức đi kèm và tận dụng những cơ hội quý báu để phát triển kinh tế.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Khi cuộc chiến Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 4, nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết cuộc xung đột khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.

TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.

Sáng 17/12, một thiết bị nổ được cài trong một chiếc xe scooter điện đã phát nổ gần lối vào của một tòa dân cư trên Đại lộ Ryazansky ở Moscow, vào đúng thời điểm người đứng đầu Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov cùng trợ lý của ông đi ngang qua, khiến hai người thiệt mạng.

Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp, và thêm trường hợp mới nhất là Trung tướng Igor Kirillov.

Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.

Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.