Ukraine đối mặt thách thức kép, xung đột có sớm chấm dứt?

Ukraine đang đối mặt với thách thức kép khi phải đối mặt đồng thời với tình thế bất lợi ở tiền tuyến và sự bất ổn về mức độ hỗ trợ trong tương lai của các đồng minh thân cận nhất.

Khó khăn trên chiến trường

Từ tháng 5, vũ khí viện trợ bổ sung của Mỹ đã bắt đầu đến Ukraine, nhưng điều đó vẫn không thể ngăn được đà tiến công của Nga. Moscow vẫn đang tiếp tục giành thêm lãnh thổ dù tốc độ chậm hơn trước.

Trong khi đó, Ukraine đang phải đối mặt với câu hỏi về sự sẵn lòng của một số đồng minh thân cận và quan trọng nhất, đặc biệt là Mỹ, trong việc tiếp tục đổ nguồn lực vào cuộc xung đột để hỗ trợ Kiev.

Ukraine đang phải đối mặt với tình hình chiến sự bất lợi. Vũ khí nhận được từ Mỹ hồi tháng 5 đang giúp Kiev cải thiện khả năng phòng thủ, nhưng đà tiến quân của Nga vẫn chưa hoàn toàn dừng lại.

Việc Mỹ chậm trễ tới 6 tháng trong việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine đã mở ra cơ hội để Nga đạt được các bước tiến trên tiền tuyến. Hiện các lực lượng Nga đang tấn công vào các khu vực biên giới gồm Kharkov ở phía Đông Bắc Ukraine, Donetsk ở phía Đông và Zaporizhzhia ở phía Nam.

Binh sĩ Ukraine trên tiền tuyến. Ảnh: Getty.

Trong khi dù nhận được thêm vũ khí từ phương Tây, nhưng Ukraine hiện vẫn chỉ đang ở thế phòng thủ chứ chưa thể phản công để giành lại các phần lãnh thổ bị Nga kiểm soát. Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, hồi tháng 5 vừa qua cho biết, Nga vẫn đang kiểm soát 18% lãnh thổ Ukraine.

Các lực lượng Ukraine sẽ phải tích lũy thiết bị, vật chất và nhân lực cho một chiến dịch phản công trong tương lai, và đó là một phần tính toán của Nga mà chúng ta đang thấy. Bộ chỉ huy quân sự Nga dường như đang theo đuổi một chiến lược mà họ tiến hành một cách nhất quán.

Ông Riley Bailey - Viện nghiên cứu chiến tranh.

Cũng theo ông Bailey, bằng cách thực hiện những bước tiến dần dần dọc theo chiến tuyến dài hơn 1.000 km, Nga đang buộc Ukraine phải phòng thủ thay vì chuẩn bị cho một cuộc phản công.

Tổng thống Ukraine Zelensky mới đây thừa nhận, mức hỗ trợ hiện tại của phương Tây chỉ đủ để ngăn cản những bước tiến tiếp theo của Nga, nhưng không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến.

Bất ổn về viện trợ

Sự thành công trong bất kỳ cuộc phản công nào của Ukraine ở tương lai sẽ phụ thuộc chủ yếu vào mức độ hỗ trợ mà nước này nhận được từ các đồng minh phương Tây. Cho tới nay, phương Tây vẫn duy trì sự ủng hộ cho Ukraine.

Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra mới đây, các thành viên liên minh quân sự này từng tuyên bố Kiev đang trên “con đường không thể đảo ngược” để trở thành thành viên của khối. Tuy nhiên, tất cả những điều này có thể thay đổi nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quay lại Nhà Trắng.

Cơ hội của ông Trump đang ngày một cao hơn, sau vụ mưu sát bất thành hôm 13/7 và việc Tổng thống đương nhiệm Joe Biden mới đây chính thức rút khỏi cuộc đua. Trong bối cảnh hiện nay, tình thế của Ukraine ngày càng trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết khi sự hỗ trợ quan trọng từ Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi làn gió chính trị đang thay đổi.

Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, các thành viên liên minh quân sự từng tuyên bố Kiev đang trên “con đường không thể đảo ngược” để trở thành thành viên của khối. Ảnh: NATO.

Kể từ năm 2022 đến nay, chính phủ Mỹ đã cam kết và phân bổ hơn 50 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, cao hơn tổng số tiền cam kết viện trợ quân sự của các nước châu Âu. Washington cũng đang dẫn đầu việc điều phối viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine.

Tuy nhiên, sự ủng hộ trong Đảng Cộng hòa đã suy yếu sau khi ông Donald Trump trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng này. Cựu Tổng thống Mỹ nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ nếu ông tái đắc cử.

Ông Trump không đưa ra chi tiết cụ thể cho kế hoạch này, nhưng Politico dẫn các nguồn tin nói rằng, ông có thể tìm cách đạt được một thỏa thuận, theo đó “NATO cam kết không mở rộng thêm về phía Đông”, đặc biệt là sang Ukraine và Gruzia, đồng thời nhanh chóng yêu cầu đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Bên cạnh đó, ông Trump nhiều lần bày tỏ không hài lòng với những yêu cầu viện trợ mà lãnh đạo Ukraine liên tục đưa ra trong hai năm qua.

Ông thậm chí dọa cắt viện trợ cho Kiev ngay khi tái đắc cử. Trong bối cảnh ấy, nếu ông Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, chính sách của Mỹ đối với Ukraine sẽ trở nên khó lường hơn nhiều.

Ứng viên Phó Tổng thống Mỹ Trump bắt tay với phó tướng J.D. Vance (phải). Ảnh: CNN.

Tình hình càng trở nên khó đoán hơn với Ukraine khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây thông báo chọn Thượng nghị sĩ J.D. Vance liên danh tranh cử. Ông Vance trước đó đã đề nghị Ukraine nên đàm phán với Nga vì Mỹ và các đồng minh khác không có khả năng hỗ trợ nước này.

Vấn đề chính là chúng ta không sản xuất đủ vũ khí. Nếu bạn nhìn vào các hệ thống quan trọng, như tên lửa Patriot, hệ thống Javelin, PAC-3, hay máy bay đánh chặn Patriot, những hệ thống vũ khí quan trọng này đang bị thiếu hụt rất nhiều. Vấn đề không phải là ý chí của người Mỹ hay tiền bạc của người Mỹ.

Ông J.D. Vance - Thượng nghị sĩ Mỹ.

Chưa dừng ở đó, Đức, nhà viện trợ vũ khí lớn nhất châu Âu cho Ukraine, cũng có kế hoạch giảm một nửa viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm tới. Theo dự thảo ngân sách 2025 của Đức, viện trợ của nước này cho Ukraine sẽ cắt giảm từ mức khoảng 8 tỷ Euro trong năm 2024 xuống còn 4 tỷ Euro trong năm 2025.

Phát biểu sau khi nội các Đức mới đây phê chuẩn dự thảo ngân sách trên, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nói rằng Ukraine sẽ phải dựa nhiều hơn vào quỹ từ các “nguồn châu Âu” khác cũng như từ lợi nhuận thu được từ tài sản Nga bị phương Tây đóng băng.

Theo giới quan sát, nếu Mỹ cắt viện trợ cho Ukraine thì những cuộc tấn công tăng cường của Nga là điều không thể tránh khỏi và chỉ riêng châu Âu sẽ không thể sản xuất đủ đạn pháo cũng như các loại đạn dược khác để hỗ trợ Kiev tiếp tục chiến đấu.

Trong kịch bản xấu nhất, nếu Mỹ ngừng viện trợ, châu Âu không tăng cường hỗ trợ và Ukraine không thể tiếp cận các tài sản bị phong tỏa của Nga, thì Moscow có thể sẽ bắt đầu thu được những lợi ích lớn hơn nhiều.

Vì sao Ukraine hối thúc Nga đàm phán?

Thời gian gần đây, Ukraine đã có những thay đổi trong quan điểm về vấn đề đàm phán hoà bình. Từ chỗ ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin, giờ đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã hối thúc Moscow đàm phán. Vậy đâu là lý do cho sự thay đổi này?

Tổng thống Ukraine Zelensky đã dịu giọng đáng kể trong những phát ngôn gần đây khi lần đầu tiên phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán với Nga kể từ thời điểm Moscow tiến hành chiến dịch quân sự cách đây hơn hai năm. Ông Zelensky đề nghị Moscow nên cử một phái đoàn tới Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine lần hai mà ông hy vọng sẽ tổ chức vào tháng 11.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters.

Tôi tin rằng, chúng tôi sẵn sàng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine lần thứ hai sớm hay muộn. Và tôi hy vọng rằng đại diện của Nga sẽ có mặt tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Trước đó, tại hội nghị hòa bình đầu tiên tổ chức tại Thụy Sĩ hồi tháng 6, Nga đã không được mời vì Tổng thống Ukraine Zelensky khi đó tuyên bố bất kỳ cuộc đàm phán nào chỉ có thể diễn ra sau khi Nga rút quân khỏi nước này.

Trong một diễn biến có liên quan, từ ngày 23 - 25/7, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba vừa có chuyến thăm Trung Quốc nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột. Chuyến công du của ông Kuleba, cũng là chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Ukraine tới Trung Quốc kể từ năm 2012, là một diễn biến gây bất ngờ khi Trung Quốc vốn được coi là một quốc gia có mối quan hệ gần gũi với Nga. Hai nước đã tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” từ tháng 2/2022, khi Tổng thống Putin có chuyến thăm Bắc Kinh, chỉ vài ngày trước khi ông phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) bắt tay Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại Quảng Châu ngày 24/7. Ảnh: Xinhua.

Vừa tháng trước, Tổng thống Ukraine Zelensky còn công khai chỉ trích Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh “vận động các nước tẩy chay” hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ, nơi Ukraine tìm cách gây áp lực lên Nga để chấm dứt giao tranh theo các điều khoản của Kiev. Trong khi đó, Bắc Kinh nhấn mạnh rằng bất kỳ hội nghị hòa bình nào cũng phải được cả Ukraine và Nga ủng hộ, nhưng Moscow đã không được mời.

Tuy nhiên, giờ đây, quan điểm của Kiev dường như đã thay đổi. Phát biểu tại cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ở thành phố Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Kiev sẽ đàm phán khi Moscow sẵn sàng tham gia một cách thiện chí.

Trước đó vào hôm 23/7, trong cuộc gặp Quốc vụ khanh Vatican, Hồng y Pietro Parolin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông hiểu sự cần thiết phải chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt.

Phản ứng về những động thái mới từ Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói rằng tuyên bố của Tổng thống Zelensky về khả năng đàm phán với Nga là một tín hiệu tích cực so với việc từ chối đàm phán hoàn toàn.

Nhìn chung, điều này tốt hơn so với việc tuyên bố rằng bất kỳ liên lạc nào với phía Nga và nguyên thủ quốc gia Nga đều bị loại trừ. Tất nhiên, nói về đối thoại, dù bằng giọng điệu nào, cũng tốt hơn nhiều so với việc nói về ý định chiến đấu đến người Ukraine cuối cùng.

Ông Dmitry Peskov - Người phát ngôn Điện Kremlin.

Tuy nhiên, ông Peskvo cũng lưu ý phía Nga vẫn chưa thể đánh giá chính xác những gì ẩn sau những lời nói của ông Zelensky về khả năng đàm phán, những kế hoạch cụ thể nào sẽ được thảo luận và những hành động nào sẽ được thực hiện theo hướng này, nếu cuộc thảo luận là nghiêm túc.

Theo các chuyên gia, có một số lý do đằng sau cuộc đàm phán của Ukraine ở Trung Quốc cùng những tín hiệu về việc đàm phán với Nga. Trước hết, tình hình ở tiền tuyến không có dấu hiệu cải thiện cho lực lượng Ukraine. Số lượng nam giới phục vụ trong quân đội đang giảm đi, trong khi nguồn cung cấp vũ khí từ phương Tây không đủ để bù đắp những tổn thất. Thêm vào đó, tình hình kinh tế và xã hội của nước này đang diễn biến xấu do chiến dịch huy động quân vẫn tiếp tục và tình trạng mất điện ngày càng trở nên phổ biến.

Các chuyên gia cho biết xã hội Ukraine dường như đang bị chia rẽ trong bối cảnh một cuộc chiến kéo dài.

Theo Đài phát thanh Quốc tế Deutsche Welle (Đức), hiện ngày càng có nhiều cuộc thảo luận về khả năng đàm phán hòa bình với Nga ở Ukraine. Một cuộc khảo sát do Trung tâm Razumkov thực hiện cho tờ báo trực tuyến Ukraine Dzerkalo Tyzhnia cho thấy 44% người Ukraine ở các khu vực phía sau tiền tuyến tin rằng đã đến lúc bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức giữa Kiev và Moscow.

Cuộc đàm phán hòa bình giữa các phái đoàn Nga và Ukraine tại Văn phòng Tổng thống Dolmabahce ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Anadolu Agency.

Ngoài ra, sự thay đổi trong bối cảnh bầu cử của Mỹ cũng có thể ảnh hưởng đến quan điểm của Tổng thống Ukraine Zelensky. Ngày càng có nhiều câu hỏi được đặt ra về việc liệu Washington có tiếp tục hỗ trợ cho Kiev hay không nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Ông Trump đã không trả lời trực tiếp câu hỏi về việc liệu Mỹ có cắt giảm tài trợ cho Ukraine hay không trong một cuộc phỏng vấn trên kênh Fox News được phát sóng vào tối 23/7. Ông cũng lặp lại tuyên bố của mình rằng xung đột Nga – Ukraine sẽ không nổ ra nếu ông vẫn còn tại nhiệm. Trước đó, ông Trump đã nói với Tổng thống Zelensky trong một cuộc điện đàm vào tuần trước rằng: “Chúng ta phải chấm dứt cuộc chiến này”.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst nhận định, sự thay đổi trong giọng điệu của giới chức Ukraine là một phản ứng hợp lý sau các sự kiện đang diễn ra ở Mỹ. Theo đó, Tổng thống Zelensky có thể đang cố gắng tiếp cận chính quyền tiềm năng của ông Trump bằng cách nhấn mạnh rằng ông sẽ sẵn sàng đàm phán, miễn là thỏa thuận trên bàn đàm phán là công bằng.

Tổng thống Zelensky có thể đang cố gắng tiếp cận chính quyền tiềm năng của ông Trump bằng cách nhấn mạnh rằng ông sẽ sẵn sàng đàm phán, miễn là thỏa thuận trên bàn đàm phán là công bằng.

Ukraine đang trong tình cảnh khó khăn tứ bề khi phải đối mặt đồng thời với tình thế bất lợi ở tiền tuyến và sự bất ổn về mức độ hỗ trợ trong tương lai của các đồng minh thân cận nhất. Đối với Kiev, một cuộc xung đột đóng băng có thể không phải kịch bản lý tưởng, nhưng dù sao vẫn tốt hơn một thất bại trước Nga. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ xảy ra nếu ông Trump quay lại Nhà Trắng và các đồng minh châu Âu cắt giảm sự hỗ trợ cho Kiev.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng, xung đột Ukraine có thể sẽ sớm chấm dứt nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024. Bởi sau khi đắc cử, ông Trump - với các kế hoạch chi tiết đã có của mình sẽ ngay lập tức đóng vai trò trung gian hòa giải cho hòa bình, chứ không chờ đến khi nhậm chức.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.

Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.

Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.

Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.

Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.