Ứng dụng công nghệ để an toàn trước thiên tai

Trước diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của tình hình mưa lũ, những năm gần đây, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tăng cường ứng dụng công nghệ để chủ động nắm bắt thông tin, phục vụ công tác quản lý, điều hành; đồng thời đưa ra những cảnh báo sớm, hướng đến xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai.

Hồ thuỷ điện Hương Điền có tổng dung tích nước lớn nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế lên đến 820 triệu m³, giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước trong mùa mưa lũ về hạ du trên lưu vực sông Bồ. Do vậy, ngoài những thông tin cảnh báo mưa lũ của Trung ương và tỉnh, nhà máy còn lắp đặt các trạm đo mưa tự động, trạm đo mực nước để có số liệu chính xác, thực tế; đồng thời cập nhật thường xuyên, liên tục về Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và công khai trên các bản tin chính thống để người dân vùng hạ du biết lượng nước đổ về hồ và lưu lượng xả trong các đợt mưa lũ để chủ động ứng phó, sơ tán khỏi những vùng trũng thấp.

Ông Nguyễn Duy Hải, cán bộ Công ty cổ phần Thuỷ điện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: "Đối với hệ thống của Hương Điền có 5 trạm đo mưa và 2 trạm đo mực nước, định kỳ 15 phút một lần các trạm đo sẽ gửi tín hiệu về trung tâm. Với một chiếc điện thoại thông minh, cán bộ quản lý có thể truy cập và biết thông tin của hồ chứa".

Ông Lê Diên Minh, Trưởng phòng Phòng chống thiên tai, Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay: "Để đảm bảo thông tin cho phòng chống thiên tai, Văn phòng đã phối hợp với Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh, các chủ hồ xây dựng ứng dụng cập nhật thông tin các hồ chứa để người dân nắm và chủ động phòng tránh".

Với việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, những năm qua, địa phương đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều đối tác, trong đó có các thiết bị hiện đại để vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp cũng như hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện.

Hiện Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế đang vận hành ứng dụng Huế-S trên thiết bị di động được người dân địa phương sử dụng rộng rãi, trong đó có tính năng cung cấp thông tin về Thời tiết thiên tai và Phòng chống bão lụt như: thông tin mực nước trên các sông lớn; thông số điều tiết lưu lượng tại các hồ, đập; hình ảnh camera trực tuyến tại các điểm xảy ra ngập lụt ở đô thị; bản đồ các tuyến đường có thể đậu đỗ xe trong mùa lụt.

Ông Nguyễn Dương Anh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: "Trong Huế-S có chức năng SOS hoặc người dân có thể gọi qua tổng đài 19001075 để được chính quyền hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp ngập lụt. Ngoài ra còn phục vụ cho cán bộ chuyên môn, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của tỉnh".

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: "Huế là một trong những địa phương ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong phòng chống thiên tai, trong dự báo cũng như điều hành, hỗ trợ cho ra quyết định phòng chống thiên tai. Thừa Thiên - Huế cũng là địa phương đi đầu trong công tác hành động sớm, có kịch bản rất sát, khi có thiên tai xảy ra thực hiện rất nghiêm theo kịch bản".

Để xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai có vai trò quan trọng của việc ứng dụng các công nghệ trong việc thu thập số liệu, đưa ra những dự báo, cảnh báo sớm và lan toả thông tin nhanh chóng đến mọi người dân ở những vùng có thể bị ảnh hưởng. Đây là cách tiếp cận thiết thực, hiệu quả mà tỉnh Thừa Thiên - Huế đang thực hiện, trước diễn biến phức tạp của thời tiết.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên chủ động triển khai lực lượng, phương tiện và các biện pháp ứng phó biển chuẩn bị và sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với bão số 6.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có báo cáo Chính phủ kế hoạch nghiên cứu quy hoạch hai tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn), Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái (Quảng Ninh) kết nối Trung Quốc.

Qua ba tuần triển khai cao điểm đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh, lực lượng CSGT Hà Nội đã xử lý hơn 6.000 trường hợp vi phạm, tạm giữ gần 3.000 phương tiện và phạt hành chính 338 phụ huynh.

Hiện nay bối cảnh trong nước và trên thế giới có nhiều chuyển biến tích cực. Chính vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu tình hình phát triển điện hạt nhân trên thế giới để xây dựng một chiến lược dài hạn.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 6, thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó, di dời người dân ngay trong đêm và điều động các phương tiện chuyên dụng sẵn sàng hỗ trợ người dân, trong đó có cả các phương tiện xe thiết giáp của lực lượng quân đội.

Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 6, các địa phương từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi đã sơ tán hơn 2.000 hộ dân đến các nơi an toàn.