Ứng xử đẹp để sông Tô Lịch được trở lại màu xanh
Sông Tô Lịch dài gần 14km bắt đầu từ phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, chảy về phía nam thành phố qua các quận nội thành của Hà Nội như Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy và đổ ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì.
Con sông này gánh trách nhiệm tiêu thoát nước thải cho Thủ đô Hà Nội, hàng ngày phải gánh lượng rác, nước thải chưa qua xử lý khổng lồ đổ thẳng xuống dòng sông khiến nó trở nên ô nhiễm nặng nề, đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Rác được vớt lên phần lớn là ni lông, rác thải sinh hoạt không phân hủy và các mảnh gỗ. Những công nhân công ty thoát nước làm việc từ 7h đến hơn 9h hàng ngày, khi đó lượng rác vớt được đã đầy thuyền.
Ta có thể thấy nhiều người đổ, vứt rác không tại một nơi cố định mà rất tùy tiện, tùy hứng. Họ cứ thế ném thẳng xuống sông bất cứ thứ gì. Ngay cả thú cưng chết người ta cũng có thể vứt xuống sông. Do đó, sông Tô Lịch màu nước đen kịt, rác kẹt dòng, bốc mùi hôi thối.
Người dân buôn bán, sinh sống cạnh dòng sông Tô Lịch đã phải hứng chịu mùi hôi thối nhiều năm ròng rã. Mong muốn lớn nhất của họ là một ngày nào đó được dạo bước bên con sông Tô Lịch, thư thả ngắm cảnh mà không phải bịt mũi!
Ngổn ngang rác thải ven sông Tô Lịch
Làm công việc dọn rác dọc sông Tô Lịch thuộc địa bàn phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân đã 5 năm, chị Nguyễn Thị Nhân nhiều khi bất lực trước hiện trạng người dân xả rác bừa bãi hàng ngày.
Chị Nguyễn Thị Nhân, công nhân vệ sinh môi trường hợp tác xã Thành Công, chia sẻ: “Chỉ 1 tuyến đường này thôi mà 1 ngày tôi phải đi qua đây đến 3 - 4 lần. Không lần nào đi qua đây mà không thấy rác thải cả. Đủ các thể loại từ rác thải sinh hoạt, đồ ăn thừa cho đến phế liệu, chưa bao giờ thấy rác giảm đi cả, chỉ có tăng lên thôi! Một ngày tôi đi dọn rác phải được 5 xe chất cao như núi".
Làm công việc kinh doanh ở khu phố Giáp Nhất, hàng ngày chị Thanh chứng kiến nhiều người xả rác bừa bãi nơi con phố bên dòng sông này. Chị tỏ ra khó chịu với hành vi không văn minh này. Chị không nề hà dọn rác để cho cảnh quan nơi này được sạch đẹp hơn.
Chị Nguyễn Lệ Thanh, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, cho biết: “Tôi thấy người dân xung quanh hết sức thiếu văn minh. Rác thải thì bừa bãi, đi đâu cũng thấy, đổ rác không đúng chỗ, đã thế còn không đúng giờ. Nhiều người vô ý thức quá mà tôi cũng đành chịu, nếu họ ở gần tôi còn nhắc nhở, chứ ở xa thì tôi không làm gì được, chỉ biết kệ thôi".
Việc đi qua những đống rác ngổn ngang bên dòng sông đang bị ô nhiễm thật sự chẳng thoải mái chút nào. Chị Phạm Hải Yến, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, chia sẻ: “Tôi đã sống ở đây hơn 10 năm rồi và nói chung tôi chưa thấy vấn đề rác thải bừa bãi xung quanh sông Tô được giải quyết triệt để. Hàng ngày, tôi đi qua đây vẫn thấy 1 đống rác, vẫn ngửi thấy mùi thối bốc lên nồng nặc, trông rất là mất mỹ quan. Theo quan điểm của tôi, mỗi người chúng ta nên có ý thức vì họ nên biết sông Tô Lịch là nơi công cộng, chỉ khi cá nhân có ý thức thì số đông mới có ý thức được".
Dọc 2 bên bờ, vỉa hè vốn dành cho người đi bộ đã biến thành nơi chất rác thải sinh hoạt. Nhiều bao rác nằm lẫn trong các lùm cây, bụi cỏ, bốc mùi hôi thối.
Nhiều lần chính quyền địa phương và công ty môi trường đô thị dọn dẹp xử lý rác thải, phát quang cây dại trả lại cảnh quan môi trường khu vực, đồng thời tổ chức tuyên truyền không vứt rác bừa bãi ra môi trường vì Thủ đô văn minh, sạch đẹp. Tuy vậy, chỉ một thời gian sau lại xuất hiện những đống rác thải dọc tuyến phố này.
Mỗi ngày có hơn 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý cùng với hàng tấn rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng, khiến cho không gian xung quanh dòng sông Tô trở nên bí bách, tăng thêm ô nhiễm.
Hãy văn minh để dòng sông Tô Lịch được hồi sinh
Một trong những buổi ra quân tình nguyện của CLB Hà Nội Xanh. Không ngại ngần ngâm mình hàng giờ dưới dòng nước đen kịt, bốc mùi nồng nặc, ứ đọng rác, các bạn trẻ thuộc nhóm tình nguyện Hà Nội Xanh thay nhau dọn sạch các loại rác thải trên các dòng kênh, con mương.
Dù công việc vất vả, nhưng mỗi thành viên của CLB chưa khi nào than vãn, họ luôn động viên nhau và đôi khi ồn ã tiếng cười khi vớt được những “vật thể lạ”.
Nhóm Hà Nội Xanh ngày càng thu hút thêm đông thành viên tình nguyện. Họ đã mang đến một diện mạo mới cho rất nhiều dòng sông, con kênh quanh Hà Nội. Như Cầu Am, kênh La Khê (quận Hà Đông), dọc theo sông Nhuệ và xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì), và hôm nay là dòng sông Tô Lịch.
TS, KTS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết: “Hà Nội là thành phố gắn liền với các con sông, sông Tô Lịch là dòng sông lâu đời, gắn liền với lịch sử phát triển của Thủ đô. Chính vì vậy, việc hồi phục dòng sông Tô về vẻ đẹp vốn có của nó là việc cần thiết".
Những ngày qua, các đơn vị liên quan đã tích cực vào cuộc tìm cách khắc phục tình trạng ô nhiễm dòng sông Tô Lịch. Thành phố đã lên phương án quyết liệt để đến tháng 9/2025 sẽ có dòng sông Tô Lịch không còn màu đen, mùi hôi như bây giờ và trở thành dòng sông sạch và đẹp. Cùng với việc bổ cập nước cho sông Tô Lịch, thành phố sẽ phát động phong trào vệ sinh môi trường tại 8 quận huyện mà sông chảy qua.
Họa sỹ, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Mạnh Đức cho biết: “Người dân hoàn toàn có quyền đòi hỏi sông Tô Lịch - con sông có lịch sử lâu đời của thành phố, trở thành một giá trị văn hóa, không chỉ với người dân Hà Nội mà còn gắn với nhu cầu phát triển văn hóa của xã hội. Và nhu cầu đó đòi hỏi sự sạch sẽ, cần sự cải tạo và cần một không gian cởi mở, gần gũi với người dân hơn".
Đạo diễn Nguyễn Quốc Hoàng Anh, nhà sáng lập Nền tảng Văn hóa và Nghệ thuật Lên Ngàn, chia sẻ: “Thủ đô đã và đang trên đường trở thành trung tâm văn hóa sáng tạo lớn của Việt Nam và với nguồn lực hiện có, sau khi chúng ta đã làm sạch sông Tô Lịch không chỉ về mặt cảnh quan mà sẽ giúp chúng ta phát triển du lịch cũng như đóng góp vào không gian sống của cộng đồng dân cư xung quanh".
TS, KTS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết thêm: “Song hành với dự án làm sạch, thu gom và xử lý nước thải sông Tô Lịch phải là nghiên cứu cải tạo hạ tầng kỹ thuật, mỹ quan đô thị để cải thiện môi trường sống của người dân quang sông Tô Lịch nói riêng và toàn thành phố nói chung".
Phong trào vệ sinh ven sông Tô Lịch
Nhiều năm nay, phường Trung Hòa đã trở thành điểm sáng trong việc xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn vệ sinh đô thị ven sông Tô Lịch. Đều đặn thứ 7 hàng tuần, hội viên trong chi hội phụ nữ của phường phối hợp cùng hội thanh niên, các tổ dân phố tay chổi tay hót rác, dọn dẹp vệ sinh tại các tuyến đường, khu công cộng xung quanh nơi mình sinh sống.
Họ bóc quảng cáo, rao vặt trái phép, dọn điểm rác phát sinh dọc bờ sông. Đồng thời nhắc nhở người dân đổ rác đúng giờ, giữ gìn vệ sinh, hình thành nếp sống văn minh, sạch sẽ.
Ông Mai Đức Đề, Phó Bí thư chi bộ tổ dân phố số 2, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, cho biết: “Vì nơi này thuộc địa bàn quản lý của chúng tôi nên chúng tôi dọn dẹp sạch sẽ thôi, nhiều người đi qua đây cứ vứt rác bừa bãi nên bà con tổ dân phố rất vất vả để dọn dẹp, vứt rác đúng vị trí. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng vận động tuyên truyền bà con giữ gìn ý thức chung, bảo vệ môi trường xung quanh sông Tô gọn gàng, ngăn nắp".
Chung tay với người dân, chính quyền phường Yên Hòa chú ý cải tạo cảnh quang ven sông, xử phạt những trường hợp vi phạm lĩnh vực vệ sinh môi trường. Theo số liệu xử lý về vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, thì từ đầu năm đến nay, đã có 781 trường hợp vi phạm, xử phạt 533.900.000 triệu đồng.
Đây là động thái tích cực từ phía chính quyền, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn cảnh quan không gian sông Tô Lịch.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa, cho biết: “Phường Trung Hòa đã phối hợp với các lực lượng chức năng của quận, cũng như các đoàn thể của phường như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, các cán bộ tổ dân phố, Hội Cựu chiến binh để trồng hơn 500 cây hoa giấy trên tuyến đường ven sông Tô Lịch. Đây cũng là hoạt động thiết thực hướng tới xây dựng các tuyến đường xanh - sạch - đẹp và đảm bảo mỹ quan đô thị".
Những chiến dịch làm sạch dòng sông trên thế giới
Mỗi ngày có khoảng 10 triệu kg nhựa bị thải ra môi trường và các dòng sông của chúng ta. Vì vậy, đã có nhiều tổ chức và chính phủ trên thế giới đưa ra các chiến dịch dọn rác, làm sạch dòng sông để đem sự trong lành cho nguồn nước
Trong 5 năm qua, tổ chức phi lợi nhuận River Cleanup của Bỉ đã thu gom hơn 3,5 triệu kg chất thải trong và xung quanh các con sông trên 100 quốc gia.
Người sáng lập Thomas de Groote vào năm 2019 đã quyết định hành động và thu hút các tổ chức cũng như người dân địa phương thực hiện sứ mệnh làm cho các con sông trên khắp thế giới không còn rác thải nhựa. Chiến dịch đầu tiên của tổ chức này trên sông Rhine đã thành công rực rỡ. Các chiến dịch làm sạch sông sau đó tiếp tục đã được thực hiện ở nhiều quốc gia khác như Albania, Áo, Indonesia, Bulgaria, Campuchia, Ấn Độ, Ireland giúp trả lại sự trong xanh cho một số con sông ô nhiễm nhất thế giới.
Tại Mỹ, vào dịp cuối năm, các nhân viên và tình nguyện viên từ hơn chục doanh nghiệp và tổ chức địa phương đều tham gia hoạt động dọn dẹp hàng năm trên sông Damariscotta.
Những tình nguyện viên chia nhau lên những chiếc thuyền của các trang trại nuôi thủy sản ở địa phương để đi đến các khu vực khác nhau của sông. Họ đã cùng nhau thu thập khoảng 600kg rác, cũng như một số lượng đáng kể thiết bị nuôi hàu, phần lớn trong số đó người nuôi có thể tái sử dụng. Việc làm sạch vừa là cơ hội để thu thập các thiết bị nuôi trồng thủy sản bị mất vào cuối mùa sinh trưởng vừa là biện pháp bảo vệ chất lượng nước cho nuôi trồng thủy sản, giải trí và động vật hoang dã.
Tại Hungari, hoạt động bảo vệ các nguồn nước luôn được đẩy mạnh. Kể từ năm 2013, nước này đã tổ chức một cuộc thi mang tên Giải thưởng Cúp nhựa dành cho những người thu gom nhiều rác nhất mỗi năm từ sông Tisza và các vùng biển khác.
Hàng ngàn chai nhựa, thùng xốp hay những những mảnh trôi nổi đã được thu gom. Cuộc thi diễn ra trong vòng 10 ngày thu hút hơn 150 người, thuộc mọi lứa tuổi. Họ ngồi trên hàng chục chiếc thuyền đi khắp con sông lớn thứ hai của Hungary để tìm vớt rác thải trôi xuống vùng hạ lưu.
Ông Zsolt Tamas, giám đốc cuộc thi Cúp nhựa, cho biết nỗ lực này không chỉ nhằm cải thiện và bảo tồn môi trường tự nhiên của Hungary mà còn góp phần giảm lượng rác thải trôi ra các đại dương.
Những chiến dịch dọn dẹp những dòng sông trên thế giới đã diễn ra tốt đẹp. Còn nhìn vào thực trạng hiện nay ở Hà Nội, rõ ràng việc bảo vệ sông Tô Lịch không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn cần sự chung tay của cộng đồng.
Để thay đổi tình trạng này, trước hết cần nâng cao ý thức của người dân về việc bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi, đặc biệt là ở các khu vực ven sông. Việc tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa về tác hại của rác thải và cách xử lý rác đúng cách là rất quan trọng.
Ngoài việc tuyên truyền, cần phải tạo ra các hình thức khuyến khích người dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, như các chiến dịch dọn rác, phân loại rác tại nguồn. Chính quyền có thể tăng cường kiểm tra và xử phạt nghiêm minh đối với hành vi xả rác bừa bãi.
Nhưng điều quan trọng nhất là thay đổi thói quen, để người dân nhận thức được rằng mỗi hành động nhỏ của họ sẽ góp phần làm sạch sông Tô Lịch, giữ gìn một môi trường sống trong lành.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần xây dựng một cộng đồng khát khao sống trong một không gian xanh, sạch, đẹp, nơi mà mỗi người dân đều tự giác bảo vệ thiên nhiên, coi đó như tài sản chung của cả cộng đồng.
Chỉ khi có sự đồng lòng từ mọi người, con sông Tô Lịch và nhiều con sông khác mới có thể hồi sinh, trở lại vẻ đẹp nguyên thủy, mang lại lợi ích cho cả môi trường và cuộc sống của người dân.
Hy vọng rằng, với những giải pháp cụ thể và sự tham gia tích cực của tất cả mọi người, chúng ta sẽ có thể cùng nhau khôi phục lại vẻ đẹp cho sông Tô Lịch, để không còn cảnh ô nhiễm, và mỗi người dân có thể tự hào về một dòng sông xanh, sạch và đẹp trong lòng Thủ đô.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 156 quy định về đấu giá biển số xe, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 tới đây.
Hạ viện Mỹ đã gửi thư tới Apple và Google để nhắc nhở rằng, việc duy trì TikTok trên kho ứng dụng App Store và Google Play Store sau ngày 19/1/2025 là vi phạm pháp luật.
Sau hai ngày rét đậm, từ ngày 16/12, miền Bắc sẽ tăng nhiệt, trời hửng nắng.
Tự tay đun nước pha trà, cùng xay các loại hạt ngũ cốc hay hòa mình vào lễ hội địa phương, đó là phong cách du lịch trải nghiệm tìm hiểu văn hóa bản địa mà nhiều du khách Việt mong muốn khi tìm kiếm các tour và điểm đến mới.
Từ ngày 13/12, 70 hộ dân với hơn 330 nhân khẩu (đa phần là đồng bào Khơ Mú) bản Vàng Phao, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An đã bắt đầu tháo dỡ nhà cửa, đồ đạc, vật dụng, chuồng trại chăn nuôi để di dời đến khu tái định cư mới.
Ngày 15/12, lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, đơn vị phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương đã tìm thấy chiếc xe và nạn nhân của vụ xe ô tô lao qua thành cầu, rơi xuống sông Đồng Nai (địa phận tỉnh Bình Dương) mất tích.
0