Vàng ngày càng có sức hấp dẫn trên phạm vi toàn cầu

Năm 2024, giữa bối cảnh các xung đột địa chính trị vẫn tiếp diễn phức tạp, nỗi lo lạm phát và suy thoái kinh tế còn dai dẳng, nhu cầu mua vàng được dự báo vẫn duy trì ở mức cao, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập sẽ tiếp tục là các thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.

Cơn sốt mua vàng ở giới trẻ Trung Quốc

Vàng là kim loại quý được người Trung Quốc ưa chuộng trong suốt 2.000 năm qua. Họ coi vàng là biểu tượng của sự giàu có, địa vị, quyền lực và là vật phẩm duy trì giá trị theo thời gian. Vàng thường xuyên được sử dụng làm quà tặng trong các đám cưới hoặc các dịp lễ đặc biệt. Theo Hiệp hội Vàng Trung Quốc (CGA), lượng tiêu thụ vàng trong nước năm 2023 vượt ngưỡng 1.000 tấn, tăng 8,78% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tiêu thụ trang sức vàng đạt 706,48 tấn, tăng 7,97%; vàng miếng và tiền xu đạt 299,6 tấn, tăng 15,7%. Trong đó, dân số trẻ trong độ tuổi từ 25 đến 34 tuổi trở thành lực lượng chính tiêu thụ vàng, với tỷ lệ tăng từ 16% lên 59% trong năm 2023.

Dân số trẻ trong độ tuổi từ 25 đến 34 tuổi trở thành lực lượng chính tiêu thụ vàng.

Cô Chen Mengyi - Quản lý cửa hàng vàng Laomiao Jewelry, Thượng Hải, Trung Quốc chia sẻ: “Nhiều năm trước, trang sức bằng vàng chủ yếu được phụ nữ ở độ tuổi từ 40 đến 50 tuổi ưa chuộng. Nhưng hiện nay, nhiều người sinh sau năm 1990, thậm chí cả năm 2000 cũng tìm đến mua. Bởi họ bắt đầu thích kiểu đồ mang đậm văn hóa Trung Quốc.”

Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các món đồ trang sức từ vàng cũng là một trong số những mặt hàng được ưa chuộng nhất tại Trung Quốc.

Các món đồ trang sức từ vàng cũng là một trong số những mặt hàng được ưa chuộng nhất tại Trung Quốc.

Các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc tiết lộ khách hàng mua vàng trực tuyến chủ yếu là những người sinh sau năm 1990.

Cô Mandy Zhang, Giám đốc kinh doanh của trang mua sắm trực tuyến Pinduoduo cho hay: “Kể từ đầu tháng 1, chúng tôi bắt đầu khuyến mãi, doanh số bán đồ trang sức liên quan đến Năm Giáp Thìn đã tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng tiêu thụ vàng đã đạt mức cao nhất. Những người sinh sau năm 1995 là nhóm tiêu dùng chính, trong đó nhiều nhất là đơn hàng của nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi.”

Người trẻ Trung Quốc chọn mua vàng như 1 cách quản lý tài chính.

Hiệp hội Vàng Trung Quốc dự báo trong những năm tới, những người tiêu dùng dưới 25 tuổi sẽ trở thành lực lượng mới tiêu thụ vàng. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn tới nhu cầu vàng ngày càng tăng của giới trẻ Trung Quốc. Các mẫu trang sức bằng vàng ngày càng hợp thời trang và tinh tế hơn, mang đậm tính thẩm mỹ và văn hóa truyền thống của Trung Quốc.

Chính sách thúc đẩy tiêu dùng của Trung Quốc cũng được cho là góp phần giúp mức tiêu thụ vàng tăng trưởng. Các sản phẩm vàng có trọng lượng nhỏ, vừa túi tiền, cho phép người tiêu dùng có thể dễ dàng sở hữu một món đồ trang sức yêu thích với giá từ vài trăm đô la Mỹ.

Bên cạnh tính thời trang, người tiêu dùng trẻ Trung Quốc lựa chọn trang sức vàng như một cách quản lý tài chính. Được biết, tại các ngân hàng lớn của Trung Quốc, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm dao động từ khoảng 1,5% đến 1,8% và tiếp tục đi xuống trong những tháng gần đây. Trong khi đó, vàng đã mang lại lợi nhuận hàng năm là 5,8% trong ba thập kỷ qua và giá vàng giao ngay trên toàn cầu đạt mức cao nhất mọi thời đại vào cuối năm ngoái, báo hiệu vị thế của nó như một khoản đầu tư đáng tin cậy.

Nhiều thương hiệu toàn cầu tận dụng “cơn sốt” để ra mắt nhiều sản phẩm bằng vàng.

Mỗi gram vàng tại các cửa hàng trang sức của Trung Quốc hiện có giá hơn 600 nhân dân tệ, tương đương khoảng 87 đô la Mỹ. Con số này cao hơn gần 20% so với thời điểm này năm ngoái. Theo đánh giá của các chuyên gia, sự quan tâm và nhu cầu về vàng không có gì mới ở Trung Quốc, quốc gia từng là nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới kể từ năm 2007 và luôn dẫn đầu về tiêu dùng vàng kể từ năm 2013. Tuy nhiên, sự xuất hiện đông đảo hơn của phân khúc người mua hàng trẻ tuổi sẽ góp phần khuyến khích tiêu dùng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Nhiều thương hiệu toàn cầu đang tận dụng “cơn sốt” hiện nay để ra mắt nhiều sản phẩm trang sức và phụ kiện bằng vàng thu hút người tiêu dùng và mở rộng thị trường ở Trung Quốc.

Nhu cầu vàng ở Ấn Độ tăng mạnh trong năm 2024

Ấn Độ là nước tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, trung bình ở mức 700-800 tấn một năm kể từ năm 2019. Thị trường vàng ở Ấn Độ được đánh giá là chưa bao giờ hết nóng, bởi ngoài mục đích đầu tư, thì nhu cầu vàng ở quốc gia đông dân nhất thế giới xuất phát từ quan niệm truyền thống. Tại Ấn Độ, vàng không chỉ thể hiện vị trí trong xã hội, mà còn mang giá trị văn hóa, tín ngưỡng trong các lễ cưới và nghi thức tôn giáo. Vàng là một phần quan trọng trong trang phục của cô dâu và là món quà phổ biến từ gia đình và khách mời. Kim loại quý này được coi là điềm lành trong các lễ hội của người Hindu ở Ấn Độ. Với tình yêu đặc biệt dành cho vàng, nhu cầu vàng ở Ấn Độ dự kiến sẽ tăng lên mức 800-900 tấn trong năm 2024 nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và thu nhập tăng cao hơn.

Ấn Độ là nước tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới.

Vàng từ nhiều thế kỷ qua luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống tài chính và xã hội của nhiều người dân Ấn Độ, ở cả thành thị và nông thôn. Đám cưới được coi là động lực chính thúc đẩy việc mua vàng ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Theo dữ liệu khảo sát chuyên sâu về hoạt động tiêu dùng bán lẻ, đám cưới là dịp mua vàng nhiều nhất (17%), tiếp theo là sinh nhật (12%) và lễ hội (11%).

Trong năm 2023, nhu cầu vàng của Ấn Độ đã giảm 3% xuống còn 747,5 tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2020, nguyên nhân là do giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục làm giảm nhu cầu trang sức. Trong năm 2024, nhu cầu vàng của Ấn Độ được dự báo sẽ giảm trong quý đầu tiên, nhưng sẽ tăng dần ổn định về cuối năm, đặc biệt vào dịp Akshaya Tritiya - một trong những lễ hội mua vàng quan trọng và lớn nhất ở Ấn Độ diễn ra vào đầu tháng 5, và lễ hội Ánh sáng Diwali diễn ra vào tháng 10. Ước tính trung bình 40-60 tấn vàng sẽ được bán ở Ấn Độ chỉ trong những dịp này.

Đám cưới được coi là động lực chính thúc đẩy việc mua vàng ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Lí giải về điều này, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, nhu cầu vàng ở Ấn Độ tăng lên trong năm 2024, là do triển vọng tăng trưởng tích cực của nền kinh tế và xu hướng tăng mạnh các dòng vốn đầu tư trong nước, bất chấp các bất ổn kinh tế và địa chính trị toàn cầu hiện nay. Ấn Độ dự kiến sẽ duy trì vị trí là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm nay, với mức tăng dao động từ 6,5-7,3%. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người ở Ấn Độ ngày càng tăng, ở mức 98.374 rupee (khoảng 1.183 đô la Mỹ) trong năm tài khóa 2022-2023.

Ông Somasundaram P.R - Giám đốc điều hành Hội đồng vàng thế giới tại Ấn Độ cho biết: “Nhu cầu vàng ở Ấn Độ hiện rất mạnh mẽ, nhưng người tiêu dùng đang chờ đợi một mức giá cả ổn định hơn. Nếu giá vàng giảm, nhu cầu sẽ tăng lên đáng kể. Tôi cho là nhu cầu vàng ở Ấn Độ sẽ tăng thêm 100 tấn so với năm 2023.”

Lĩnh vực kinh doanh trang sức vàng trở nên cạnh tranh hơn.

Ấn Độ là nước nhập khẩu vàng lớn. Thụy Sĩ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Peru và Ghana là những nhà cung cấp vàng hàng đầu cho quốc gia Nam Á này. Trong một nỗ lực hỗ trợ cho ngành trang sức vàng, Bộ Thương mại Ấn Độ đang xem xét giảm thuế nhập khẩu đối với vàng miếng. Một số chuyên gia kêu gọi cho phép các ngân hàng nước này được tham gia bán lẻ vàng, giúp lĩnh vực trang sức trở nên cạnh tranh hơn.

Giá vàng cao, người dân Ai Cập dùng bạc thay thế

Giống như Trung Quốc và Ấn Độ, Ai Cập cũng là một quốc gia yêu thích vàng. Người Ai Cập tin rằng vàng là vật liệu thần thánh chứa đựng sức mạnh ma thuật. Trong lịch sử cổ đại, vàng được sử dụng để trang trí lăng tẩm và cung điện, còn ngày nay vàng được dùng làm quà tặng, đặc biệt trong phong tục cưới truyền thống. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Ai Cập đang phải đối mặt với không ít khó khăn: tỷ lệ lạm phát tăng cao, nợ công tăng gấp ba lần, đồng nội tệ mất tới một nửa giá trị, và 2/3 dân số sống dưới ngưỡng nghèo, thì việc mua vàng được xem là ý tưởng xa vời. Nhiều người dân Ai Cập đã chuyển sang mua bạc thay thế để tiết kiệm chi phí.

Phụ nữ Ai Cập theo truyền thống sẽ nhận được một bộ trang sức bằng vàng, hay còn gọi là “shabka” trong lễ đính hôn. Chi phí shabka do chú rể trả, được coi là một sự đảm bảo trong trường hợp gia đình cô dâu gặp khó khăn về tài chính, và thể hiện sự coi trọng cô dâu của gia đình chồng. Tuy nhiên, giá vàng tăng cao và đồng nội tệ suy yếu đã khiến nhiều cặp đôi không đủ tiền mua vàng để kết hôn. Điều này đã thúc đẩy nhu cầu về một loại kim loại quý khác - đó là bạc.

Giá vàng cao, người dân Ai Cập dùng bạc thay thế.

Ông Hany Wassef, chủ một cửa hàng bạc ở Thủ đô Cairo cho biết, những ngày này công việc kinh doanh của gia đình ông rất bận rộn, khi ngày càng nhiều khách hàng chuyển sang mua bạc để thay thế vàng.

Dữ liệu từ Liên đoàn Phòng Thương mại Ai Cập cho thấy, tính đến ngày 30/1, giá một gram vàng 21 carat đã tăng hơn 120% lên 3.875 bảng Ai Cập (tương đương 126 USD). Giá một gram bạc cũng tăng hơn gấp đôi trong một năm nhưng ở mức khoảng 47 bảng Ai Cập (tương đương 1,5 USD), rẻ hơn nhiều so với vàng.

Theo báo cáo gần đây của Hội đồng Vàng Thế giới, người dân Ai Cập đã mua khoảng 46,3 tấn vàng trong 9 tháng đầu năm 2023, với phần lớn nhu cầu vì mục đích đầu tư, trong khi tiêu thụ trang sức vàng ước tính giảm khoảng 17%. Các chuyên gia cho rằng, điều này phản ánh xu hướng mua vàng hiện nay ở Ai Cập nghiêng nhiều về vàng miếng và tiền xu để tiết kiệm. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Ai Cập, đồng bảng Ai Cập đã mất 50% so với đồng đô la Mỹ và nguy cơ mất giá sẽ thêm trầm trọng trong những tháng tới.

Vàng được dự báo sẽ tiếp tục là kênh đầu tư thu hút nhiều sự quan tâm trong năm 2024. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, trong triển vọng năm 2024, việc các Ngân hàng Trung ương thế giới giảm khoảng 40 đến 50 điểm cơ bản trong lãi suất dài hạn có thể khiến giá vàng tăng thêm 4%. Giá vàng dự kiến sẽ giảm trong thời gian tới trước khi leo lên mức cao mới vào cuối năm, với mức cao nhất được dự đoán là 2.300 USD/ounce. Tuy nhiên, nếu giá vàng tăng cao kéo dài, sẽ khiến giá các hàng hóa khác cũng tăng theo. Do đó, chính phủ và ngân hàng trung ương các nước cần các chính sách quản lý thị trường vàng hiệu quả, để tránh các tác động nghiêm trọng đến sức khỏe nền kinh tế.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.

Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.

Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.

Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.

Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.