Vất vả xác thực sinh trắc học

Sau nhiều ngày thực hiện xác thực sinh trắc học, nhiều người dân vẫn loay hoay, thậm chí có phần khó chịu vì giao dịch bị chậm, nghẽn, không thể đăng nhập vào các app ngân hàng.

Muôn kiểu khó khăn khi xác thực sinh trắc học 

Không thể đăng nhập vào phần cập nhật thông tin sinh trắc học trên ứng dụng; quét NFC trên CCCD gắn chip thì điện thoại liên tục báo lỗi... đó là tình trạng mà chị Lê Mai Huyền (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) gặp phải trong vài ngày nay khi thực hiện xác thực sinh trắc học, khiến chị rất khó chịu.

Chị Lê Mai Huyền chia sẻ: "Với những người trẻ như tôi, có lợi thế là khá thông thạo sử dụng công nghệ nên chỉ đọc qua một lần hướng dẫn là tôi đã nhớ và có thể làm theo được. Tuy nhiên, khi cập nhật, tôi liên tục bị báo lỗi và phải ngưng lại ở bước quét thông tin CCCD gắn chip.

Tôi gọi tới tổng đài của ngân hàng và được tổng đài viên hướng dẫn chi tiết nhưng vẫn không thể hoàn tất các bước xác thực. Tổng đài viên xác nhận nhiều người cũng gặp trường hợp tương tự và gợi ý tôi đổi tạm sang điện thoại hệ điều hành Android để hoàn thành các bước".

Nhiều khách hàng gặp khó khăn khi cập nhật sinh trắc học trên các ứng dụng ngân hàng.

Tới thời điểm này, không ít người vẫn đang loay hoay với việc xác thực sinh trắc học bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu là do chưa có CCCD gắn chip, chưa làm đúng quy trình, trục trặc mạng, điện thoại của người dùng chưa đủ hiện đại để thực hiện được các quy trình theo yêu cầu…

Rườm rà, quá nhiều bước nếu không muốn nói phức tạp, là cảm nhận chung của nhiều khách hàng khi tiến hành xác thực sinh trắc học đối với các dịch vụ ngân hàng.

"Hai ngày nay tôi đều vào xác thực sinh trắc học ngân hàng nhưng tôi thường xuyên không vào được và nhận được thông báo ngân hàng bảo trì hoặc lỗi mạng. Sau đó tôi gọi cho tổng đài của ngân hàng để yêu cầu hỗ trợ và đã được đề nghị ra ngân hàng để được hỗ trợ trực tiếp tại quầy giao dịch. Tuy nhiên, việc này tôi cảm thấy rất bất tiện", chị Lương Hải Yến (phường Định Công, quận Hoàng Mai) than phiền.

Với chị Phan Thị Mỹ Hà (phường Văn Quán, quận Hà Đông), dù đã thực hiện xác thực thành công, nhưng việc phải thao tác 5-6 bước mới có thể hoàn thành xác thực khiến chị thấy rườm rà, mất thời gian. Chị Hà cho biết, hiện chị đang sử dụng hai tài khoản ngân hàng và để hoàn tất được việc xác thực sinh trắc học, chị đã phải mất cả buổi tối.

Với những người dùng lớn tuổi thì việc xác thực càng trở nên khó khăn hơn. Những khách hàng sử dụng điện thoại đã sản xuất từ khoảng 10 năm trở về trước còn không thể thực hiện, do những dòng điện thoại này chưa có chức năng hỗ trợ NFC.

Ông Phạm Trường Anh (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) cho biết, ông đã ngoài 50 tuổi, thao tác trên điện thoại không được như lớp trẻ. Hơn nữa, chiếc điện thoại của ông có cấu hình không mạnh nên ông phải trực tiếp tới ngân hàng.

Rườm rà, quá nhiều bước, là cảm nhận chung của nhiều khách hàng khi tiến hành xác thực sinh trắc học đối với các dịch vụ ngân hàng.

Các ngân hàng hỗ trợ khách hàng

Ông Vũ Mạnh Hưng, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển dịch vụ Ngân hàng số VPBank, xác nhận nhiều người dùng gặp khó khăn khi xác thực sinh trắc học, đặc biệt là đối với một số khách hàng là người già, những người chưa làm lại CCCD, phẫu thuật thẩm mĩ,… do dữ liệu cá nhân tại thời điểm xác thực với CCCD có thể không khớp còn nhau nữa.

Ông Hưng khuyến cáo, với những trường hợp như vậy, khách hàng có thể ra trực tiếp quầy giao dịch của ngân hàng để được hỗ trợ bằng việc kiểm tra thông tin với Bộ Công an.

Theo khuyến cáo của các ngân hàng, với những trường hợp gặp khó khăn khi xác thực sinh trắc học, khách hàng có thể ra trực tiếp quầy giao dịch của ngân hàng để được hỗ trợ.

Theo ông Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ Cao và Dịch vụ phần mềm FaceNet, việc người dùng gặp khó khi cập nhật thông tin sinh trắc học, bên cạnh yếu tố kỹ thuật thì nguyên nhân chủ yếu do người dùng chưa quen với việc phải đăng ký đặc điểm sinh trắc học lên một hệ thống giao dịch ngân hàng.

Hơn nữa, để đăng ký được, việc xác thực phải dựa trên công nghệ NFC - là chuẩn giao tiếp không dây tầm ngắn, sử dụng dữ liệu đang có là CCCD gắn chip. Một số trường hợp đăng ký không được là do thao tác tương tác giữa các thiết bị đọc và chip trên CCCD chưa được hiệu quả.

Rất nhiều người dùng, khi đăng ký thường di chuyển thẻ CCCD, khiến cho không đủ thời gian để thực hiện giao tiếp giữa chip trên CCCD và điện thoại, do vậy, thông tin không được chuyển từ chip CCCD lên điện thoại.

Trong trường hợp nơi đặt thẻ CCCD mà có bề mặt kim loại, sẽ tạo ra từ trường và ảnh hưởng đến việc giao tiếp giữa CCCD gắn chip và điện thoại.

Cũng có một nguyên khác, có thể đến từ phần cứng, ví dụ điện thoại có vi mạch đọc công nghệ NFC chưa được tốt hoặc chip của CCCD bị lỗi…

Trong trường hợp khách hàng đã làm theo hướng dẫn nhưng không thành công hoặc điện thoại không có NFC, người dùng có thể đến quầy giao dịch gần nhất của ngân hàng để được hỗ trợ trực tiếp. Nhiều ngân hàng đã mở phòng giao dịch suốt hai ngày cuối tuần qua để hỗ trợ khách hàng.

Tuy nhiên, hiện nay, đa số người dùng đều sở hữu khoảng 2-3 tài khoản tại các ngân hàng khác nhau thì việc phải đến từng phòng giao dịch ngân hàng để xác thực thông tin sinh trắc học sẽ tốn không ít thời gian, công sức.

Việc xác thực sinh trắc học phải dựa trên công nghệ NFC - là chuẩn giao tiếp không dây tầm ngắn, sử dụng dữ liệu đang có là CCCD gắn chip.

Lợi dụng làm sinh trắc học để lừa đảo tiền của người dùng

Theo ghi nhận của các chuyên gia công nghệ, lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khăn khi cập nhật sinh trắc học trên các ứng dụng ngân hàng, kẻ xấu giả danh cán bộ ngân hàng vờ hỗ trợ cài đặt sinh trắc học để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.

Trong nhiều trường hợp, kẻ xấu yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt, thậm chí cả giọng nói và cử chỉ của khách hàng… để được hỗ trợ.

Khi có được thông tin cá nhân và tài khoản người dùng, chúng dễ dàng đăng nhập tài khoản đánh cắp toàn bộ tiền của nạn nhân.

Nhiều đối tượng đã lợi dụng việc người dùng gặp khó khăn khi thực hiện xác thực sinh trắc học để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dùng.

Ngoài ra, kẻ xấu cũng lừa thu thập thông tin của người dùng bằng cách dụ họ bấm vào đường link giả mạo do chúng tạo ra để tải và cài đặt ứng dụng thu thập sinh trắc học nhưng thực chất là tải về file có chứa mã độc, phần mềm gián điệp, nhằm khai thác sâu hơn nữa các thông tin của nạn nhân.

Thậm chí, các đối tượng lừa đảo còn giả mạo nhân viên ngân hàng và thực hiện các cuộc gọi video để ghi hình lại khuôn mặt, giọng nói và cử chỉ của người dùng; hoặc trà trộn tương tác với những bình luận của khách hàng dưới các bài đăng trên kênh mạng xã hội chính thức của ngân hàng để đề nghị khách hàng liên hệ riêng để hỗ trợ trực tiếp. Từ đó dễ dàng lấy được các thông tin cá nhân và dịch vụ ngân hàng. Sau khi lấy được thông tin, các đối tượng sẽ tiến hành chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của khách hàng.

Các chuyên gia cho rằng, với thời hạn quy định cập nhật dữ liệu sinh trắc học của khách hàng vào ngày 01/07, nhiều ngân hàng chưa chuẩn bị thực sự kỹ càng, chu đáo để có thể đối phó với những thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao. Phía ngân hàng trước mắt chỉ đưa ra được khuyến cáo.

Sinh trắc học là gì?

Sinh trắc học trong xác thực giao dịch sử dụng các đặc điểm sinh học như dấu vân tay, mống mắt, khuôn mặt, hoặc giọng nói để xác nhận danh tính người dùng. Công nghệ này mang lại độ chính xác và bảo mật cao, giúp giảm rủi ro gian lận và lạm dụng.

Ví dụ, khi thực hiện giao dịch ngân hàng trực tuyến, người dùng có thể sử dụng nhận diện khuôn mặt hoặc dấu vân tay để xác thực thay thế cho mật khẩu truyền thống, vốn dễ bị đánh cắp hoặc quên.

Mặc dù có những lo ngại về quyền riêng tư, sinh trắc học đang trở thành phương pháp xác thực quan trọng, mang lại sự tiện lợi và an toàn trong giao dịch - Theo khoản 3 Điều 3 Luật Căn cước 2023.

Những giao dịch nào cần sinh trắc học?

Theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN, bắt đầu từ ngày 01/07/2024, khách hàng khi thực hiện các giao dịch vượt ngưỡng theo quy định của NHNN hoặc khi thực hiện giao dịch đầu tiên khi cài đặt mới hoặc cài đặt lại AB Ditizen trên thiết bị mới, sẽ cần bổ sung bước xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt.

Các giao dịch vượt ngưỡng phải xác thực bằng khuôn mặt bao gồm:

· Chuyển tiền, nạp ví điện tử trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng;

· Thanh toán hóa đơn trên 100 triệu đồng (trên 1 giao dịch hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày).

Khách hàng cần chuẩn bị những gì?

Để có thể đáp ứng yêu cầu bảo mật trong giao dịch trực tuyến, khách hàng cần chuẩn bị sẵn sàng:

· Căn cước công dân gắn chip

· Điện thoại cài đặt ứng dụng AB Ditizen và có hỗ trợ NFC (NFC là viết tắt của Near-Field Communication - chuẩn kết nối không dây trong phạm vi tầm ngắn. Công nghệ này hoạt động dựa trên cảm ứng từ trường để kết nối các thiết bị có hỗ trợ NFC được đặt gần nhau (dưới 4 cm) hoặc tiếp xúc với nhau).

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hơn một năm sau khi ra mắt “Tổ liên gia an toàn PCCC” trên địa bàn thành phố Hà Nội, tại 30 quận, huyện, thị xã đã có hàng nghìn mô hình được thành lập.

Tại Hội thảo quốc tế "An toàn giao thông xe máy” vừa được tổ chức tại Hà Nội, những thách thức và nhiều bài học kinh nghiệm trong vấn đề an toàn giao thông xe máy tại các quốc gia trên thế giới đã được chia sẻ.

Trong tháng 11 này sẽ có hai trận mưa sao băng phát ra từ phía chòm sao Kim Ngưu (tên Latin là Taurids). Và chúng đều là "mưa cầu lửa" chứ không phải mưa sao băng bình thường.

Hôm nay (04/11/2024), tại ga Hà Nội và ga Huế, tiếp viên đường sắt đã bàn giao tài sản để trả lại cho 2 khách nước ngoài để quên trên tàu.

5 năm qua, thành phố Hà Nội đã bố trí trên 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư 265 chương trình, dự án cho vùng dân tộc thiểu số. Khoảng cách chênh lệnh về đời sống vật chất và tinh thần giữa nhân dân khu vực nông thôn ngoại thành và nhân dân khu vực miền núi đã được rút ngắn.

Từ đầu tháng 10 đến nay, lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện, xử lý trên 7.600 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông thuộc nhóm tuổi học sinh,trong đó hơn 6.600 trường hợp không đội mũ bảo hiểm.