Vì sao Iran chưa tấn công trả đũa Israel?

Sau vụ nhà lãnh đạo chính trị của Hamas bị ám sát tại Tehran, Iran đã nhiều lần khẳng định sẽ có hành động đáp trả đối với Israel. Tuy nhiên, đến ngày 14/8 Iran vẫn chưa tiết lộ thời gian và cách thức đáp trả, vậy nguyên nhân tại sao đến giờ Iran vẫn chưa thực hiện kế hoạch trả đũa?

Iran vẫn đang cân nhắc cách tấn công đáp trả Israel

Trong tuần qua, tình báo Israel cho rằng Iran vẫn chưa quyết định về thời điểm và cách thức của phản ứng đáp trả Israel. Theo các nhà phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến Iran trì hoãn kế hoạch tấn công trả đũa.

Theo trang Axios, tại Iran đã diễn ra các cuộc tranh luận nội bộ. Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamanei vẫn luôn khẳng định quyết tâm đáp trả Israel vì danh dự của quốc gia. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Iran, ông Nasser Kanaani cũng khẳng định "cần phải trừng phạt Israel". Ông cũng nói rằng "Tehran không quan tâm đến việc leo thang các cuộc xung đột trong khu vực".

Tuy nhiên, tân Tổng thống theo đường lối cải cách và thân thiện của nước này, ông Masoud Pezeshkian mặc dù cũng đưa ra quan điểm “cố gắng có quan hệ thân thiện với tất cả các quốc gia, ngoại trừ Israel”, nhưng với vai trò là Tổng thống Iran, ông Pezeshkian đã kiến nghị Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei kiềm chế tấn công Israel. Ông Pezeshkian cảnh báo rằng nếu xảy ra chiến tranh toàn diện, Israel sẽ nhắm vào cơ sở hạ tầng và nguồn năng lượng quốc gia Iran, có thể làm tê liệt nền kinh tế của Iran vốn đã yếu kém nhiều năm do lệnh cấm vận, gây tổn hại nghiêm trọng đến vị thế quốc tế của Iran.

Với vai trò là Tổng thống Iran, ông Pezeshkian đã kiến nghị Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei kiềm chế tấn công Israel.

Bà Sanam Vakil, nhà phân tích Trung Đông tại Chatham House, Anh cho rằng: "Phản ứng phải được cân nhắc cẩn thận để không đóng sầm cánh cửa đàm phán của Iran với phương Tây nhằm tìm kiếm sự nới lỏng lệnh trừng phạt".

Có thể thấy, Iran sẽ phải tính toán kỹ lưỡng về mức độ và quy mô của cuộc tấn công trả đũa vì cuộc tấn công này có thể sẽ gây hậu quả thảm khốc cho Iran và toàn khu vực Trung Đông. Mặc dù Lãnh tụ tối cao là người ra quyết định cao nhất, tuy nhiên, vị thế của Tổng thống Pezeshkian cũng rất quan trọng vì đây là vị Tổng thống được dân bầu ra. Người dân đang tin tưởngTổng thống mới sẽ vực dậy nền kinh tế đất nước. Nếu lúc này Iran thực hiện cuộc tấn công gây ảnh hưởng kinh tế trong nước thì sẽ càng làm tăng sự bất mãn của người dân đối với chính quyền.

Một yếu tố khác là phản ứng của Mỹ và cộng đồng quốc tế. Nếu Mỹ tham chiến, thì Iran càng phải cân nhắc kỹ lưỡng về một cuộc tấn công mà cả Israel và Mỹ cùng tham gia.

Theo ông Ali Vaez, Giám đốc dự án Iran của Crisis Group nhận định: “Một phản ứng thực chất có khả năng sẽ kích động một phản ứng lớn hơn từ phía Israel. Và Tehran sẽ không thể kiểm soát được chu kỳ leo thang có thể xảy ra sau đó”.

Vì những lý do trên, lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei có thể sẽ phải cân nhắc hoãn lại, kiềm chế hoặc giảm thiểu hành động trả đũa đối với Israel.

lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei có thể sẽ phải cân nhắc hoãn lại, kiềm chế hoặc giảm thiểu hành động trả đũa đối với Israel.

Các nhà phân tích cho rằng bất kỳ phản ứng nào của Iran sẽ được tính toán  thận trọng để không dẫn đến xung đột trực tiếp và có thể mất một thời gian để đưa ra quyết định.

Ông Dong Manyuan, thành viên cấp cao Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc (CIIS) đưa ra phân tích: "Iran hiện đang tuân theo nguyên tắc là sẽ trừng phạt Israel, đồng thời tránh xung đột trực tiếp với Israel, điều đó có nghĩa là hành động trả đũa sắp tới sẽ là hành động chung giữa Iran và các đối tác 'trục kháng chiến' của nước này. Vì vậy, có thể sẽ mất một thời gian để chuẩn bị cho việc này, vì Iran cần trao đổi thông tin tình báo với các đối tác này, chẳng hạn như Hezbollah, Hamas, nhóm Houthi có vũ trang của Yemen và lực lượng dân quân Shia của Iraq, và đưa ra phán đoán chắc chắn về tình hình quân sự hiện tại của Israel. Sau đó, họ sẽ đặt mục tiêu tấn công, phân chia nhiệm vụ và xác định thời điểm hoặc khoảng thời gian phù hợp để thực hiện hành động như vậy”.

Hơn nữa, nội các của tân Tổng thống Iran, bao gồm cả bộ trưởng ngoại giao, vẫn chưa được phê duyệt, điều này có khả năng làm chậm các cuộc thảo luận nội bộ.

Giữa lúc căng thẳng leo thang với Israel, truyền thông Iran cho biết, Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran đã tiến hành tập trận quân sự ở miền Tây nước này. Cuộc tập trận bắt đầu hôm 9/8 và dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 14/8.

Trong khi đó, hải quân nước này cũng vừa được trang bị các tên lửa hành trình mới với đầu đạn có sức nổ cực mạnh và không thể phát hiện. Hải quân của Lực lượng Vệ binh đã tiết lộ một phần trong số 2654 hệ thống vũ khí mới, bao bao gồm các hệ thống tên lửa tầm xa và tầm trung, cũng như máy bay không người lái trinh sát và radar hải quân.

Tướng Hossein Salami, Chủ tịch cao cấp của lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran nhấn mạnh: "Ngày nay, độ chính xác của vũ khí trong hải quân, tốc độ vận hành của các hệ thống và tàu, trí thông minh, khả năng cơ động và sự khéo léo chắc chắn được coi là một trong những sức mạnh hải quân của chúng ta".

Tướng Hossein Salami (trái) Chủ tịch cao cấp của lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran.

Theo Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, trong nhiều năm qua, Iran sở hữu kho tên lửa và UAV lớn nhất Trung Đông, có khả năng tấn công các mục tiêu ở sâu bên trong lãnh thổ Israel. Nước này coi những vũ khí như vậy là sức mạnh răn đe và trả đũa quan trọng đối với Mỹ và Israel trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Israel và Mỹ đã chuẩn bị những gì?

Thông tin tình báo mới của Mỹ và Israel cho thấy một cuộc tấn công có thể diễn ra trước các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin ở Gaza được lên kế hoạch vào ngày 15/8. Trước đó cũng đã nhiều lần các quan chức Israel nhận định Iran sẽ tấn công trả đũa quy mô lớn. Vậy Israel và Mỹ đã chuẩn bị những gì để đối phó với cuộc tấn công trả đũa của Iran?

Giới quan sát cho rằng Iran có thể tấn công Israel từ nhiều hướng và theo nhiều hình thức khác nhau. Tehran duy trì một mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm bao gồm Hamas ở Palestine, Hezbollah ở Liban và Houthi ở Yemen, giúp họ có khả năng tấn công các mục tiêu từ miền bắc Israel đến Biển Đỏ. Cộng đồng tình báo Israel vẫn cho rằng Hezbollah có khả năng sẽ tấn công trước để trả đũa vụ ám sát chỉ huy quân sự hàng đầu của họ ở Beirut. Sau đó, Iran có thể sẽ tham gia tấn công trực tiếp.

Về quy mô, các cuộc tấn công của Hezbollah và Iran có khả năng sẽ lớn hơn cuộc tấn công do Iran thực hiện vào tháng 4 vừa qua. Họ có khả năng áp đảo hệ thống phòng thủ của Israel bằng cách bắn nhiều tên lửa cùng một lúc. Họ cũng có thể phóng hàng loạt máy bay không người lái ở độ cao thấp, khiến chúng khó bị phát hiện và tiêu diệt.

Các nhà ngoại giao và quan chức an ninh của Mỹ và Israel đã có kinh nghiệm đối phó với cuộc tấn công của Iran vào tháng 4, điều này tạo điều kiện cho các biện pháp phòng thủ của Israel. Thời gian hai tuần qua cũng cho phép Israel có thời gian để chuẩn bị.

Lực lượng Phòng vệ Israel tuyên bố đã chuẩn bị ở mức cao nhất cho cả tấn công và phòng thủ.

Hôm 12/8, lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã ra tuyên bố cho biết IDF đã chuẩn bị ở mức cao nhất cho cả tấn công và phòng thủ. IDF đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Trung Đông, đặc biệt là các hành động của Iran và Hezbollah.

Chuẩn đô đốc Daniel Hagari - người phát ngôn quân đội Israel tuyên bố: "Chúng tôi đánh giá nghiêm túc mọi phát ngôn của đối phương. Chúng tôi đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công và phòng thủ ở mức cao nhất. Chúng tôi sẽ hành động theo chỉ thị của cấp chính trị".

Tham mưu trưởng IDF Herzi Halevi hôm 12/8 đã phê duyệt các kế hoạch tác chiến đa mặt trận, bao gồm cả tấn công và phòng thủ.

Không quân Israel cũng đã tăng cường tuần tra trên không phận Liban để phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa. Không quân Israel cũng đã đình chỉ các chuyến công tác nước ngoài của nhân viên trong bối cảnh cảnh giác cao độ về các cuộc tấn công trả đũa tiềm tàng từ Iran và Hezbollah.

Chính quyền Israel đã yêu cầu người dân dự trữ thực phẩm và nước trong các phòng an toàn. Các bệnh viện đã lên kế hoạch chuyển bệnh nhân xuống các khoa dưới lòng đất, dự trữ máu. Đồng thời, các đội cứu hộ đã được bố trí tại nhiều địa điểm ở các thành phố.

Các bệnh viện tại Israel đã lên kế hoạch chuyển bệnh nhân xuống các khoa dưới lòng đất, dự trữ máu.

Về phía Mỹ - đồng minh của Israel - nước này cũng có những đánh giá phù hợp với đánh giá của Israel về một cuộc tấn công trả đũa của Iran có thể xảy ra sớm nhất là trong tuần này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã ra lệnh điều thêm máy bay chiến đấu, tàu chiến và tàu ngầm tên lửa dẫn đường đến Trung Đông .

Lầu Năm Góc cho biết, tàu ngầm tên lửa dẫn đường USS Georgia đã được triển khai đến Trung Đông và nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln đang di chuyển nhanh hơn đến khu vực này. Mỹ cũng đã giải ngân 3,5 tỷ đô la cho Israel để chi cho vũ khí và thiết bị quân sự của Mỹ, nhiều tháng sau khi được Quốc hội phê duyệt.

Ông John Kirby, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết: "Chúng tôi đã bổ sung thêm các tài sản hải quân và không quân vào khu vực để giúp bảo vệ Israel một lần nữa. Tôi nghĩ chúng tôi đã chứng minh hết lần này đến lần khác rằng chúng tôi sẽ hỗ trợ Israel".

Các quan chức Mỹ nói với trang ABC News rằng, thông báo về việc triển khai USS Georgia của Mỹ và 154 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk trên tàu tới Trung Đông nhằm mục đích răn đe Iran về sự hiện diện liên tục của quân đội Mỹ trong khu vực,vừa tăng cường năng lực của Israel trong việc ngăn chặn mọi cuộc tấn công tiềm tàng vừa để củng cố thông điệp rằng Mỹ sẽ hỗ trợ quốc gia này về mặt quân sự.

Trong một diễn biến mới nhất, Bộ ngoại giao Mỹ đã chấp thuận bán cho Chính phủ Israel các máy bay F-15IA và F-15I+ cùng các thiết bị liên quan với chi phí ước tính là 18,82 tỷ USD.

Bộ ngoại giao Mỹ đã chấp thuận bán cho Chính phủ Israel các máy bay F-15IA và F-15I+ cùng các thiết bị liên quan.

Nỗ lực ngoại giao của quốc tế 

Trong nhiều tháng, các nhà ngoại giao đã lo ngại rằng các cuộc tấn công qua lại giữa Israel và Iran có thể leo thang thành một cuộc xung đột khu vực sẽ làm trầm trọng thêm cuộc chiến ở Gaza và cuộc xung đột ở biên giới Israel với Liban. Do đó, các nước này đã nỗ lực ngăn chặn hoặc giảm thiểu phản ứng của Iran. Đồng minh của Israel là Mỹ một mặt hỗ trợ quân sự cho Israel, nhưng mặt khác cũng đang tham gia các hoạt động ngoại giao nhằm kiềm chế phản ứng của Iran.

Các nhà lãnh đạo của 5 nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italia đã ra tuyên bố chung hôm 12/8 kêu gọi Iran ngừng đe dọa tấn công Israel. Tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi Iran ngừng các mối đe dọa liên tục về một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Israel và thảo luận về hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh khu vực nếu một cuộc tấn công như vậy xảy ra".

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 10/8 cũng đã kêu gọi Iran không trả đũa Israel và kiềm chế không làm leo thang căng thẳng ở Trung Đông.Đồng thời, chính quyền tổng thống Joe Biden cùng với Qatar và Ai Cập với vai trò là trung gian hòa giải đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp tại khu vực này vào ngày 15/8 tới để thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn Israel- Hamas.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Iran không trả đũa Israel và kiềm chế không làm leo thang căng thẳng ở Trung Đông.

Theo các nhà quan sát, việc các nhà hòa giải kêu gọi Israel và Hamas quay lại bàn đàm phán không chỉ nhằm gây áp lực cho các bên liên quan mà còn nhằm thuyết phục Iran không nên có hành động quân sự có thể phá hỏng thỏa thuận vào thời điểm này.

Ông Saad Nimr, Giáo sư khoa học chính trị, Đại học Birzeit cho biết: "Những nỗ lực ngoại giao hiện tại tập trung vào việc thuyết phục Iran giảm đáng kể các cuộc tấn công để đổi lấy lệnh ngừng bắn từ Israel và thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi tù nhân. Tuy nhiên, hành vi của Israel và số thương vong mà họ gây ra cho thấy rằng họ đang tiếp tục các hành vi trong quá khứ."

Israel đã tuyên bố sẽ cử đại diện tham dự cuộc đàm phán. Tuy nhiên, Hamas đã đưa ra thông báo hôm 12/8 rằng họ sẽ không tham gia vòng đàm phán sắp tới, gây nghi ngờ về việc liệu cuộc đàm phán có thực sự được nối lại hay không.

Trong khi đó, ngày 12/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng đã đưa ra một tuyên bố chung 3 bên kêu gọi Iran không tấn công Israel.

Mặc dù các bên trung gian hy vọng Iran có thể từ bỏ kế hoạch tấn công Israel nếu thỏa thuận ngừng bắn tại dải Gaza đạt được, nhưng phái bộ của Iran tại Liên hợp quốc cho biết hành động trả đũa của Tehran đối với vụ ám sát ông Haniyeh bị nghi là do Israel gây ra "hoàn toàn không liên quan đến lệnh ngừng bắn ở Gaza", đồng thời khẳng định Iran có quyền tự vệ. Vấn đề của Iran lúc này chỉ là quyết định sẽ trả đũa Israel như thế nào để vừa đạt được mục tiêu răn đe mà vẫn không làm leo thang căng thẳng trong khu vực, đồng thời không làm suy giảm vị thế của Iran theo như kỳ vọng của tổng thống Masoud Pezeshkian.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết ông sẽ theo đuổi quan hệ hợp tác với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhằm làm sâu sắc thêm liên minh song phương lâu đời, không chỉ vì lợi ích của hai quốc gia mà còn cho toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ngày 21/11, Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu đã lên án quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ ông và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc tội ác chiến tranh ở Gaza, cho rằng đây là quyết định "chống Do Thái".

Lực lượng không quân Ukraine vừa xác nhận Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ vùng Astrakhan miền Nam nước này, nhắm vào thành phố Dnipro của Ukraine.

Cựu hạ nghị sĩ bang Florida Matt Gaetz hôm 21/11 thông báo rút khỏi đề cử bộ trưởng Tư pháp do Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đưa ra.

Chính quyền Nhà nước Palestine đã từ chối mọi kế hoạch của Israel về việc thiết lập vùng đệm ở phía Bắc Dải Gaza để phân phối viện trợ.

Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani, Chủ tịch Tập đoàn Adani vừa bị truy tố tại New York, Mỹ với cáo buộc âm mưu hối lộ và gian lận trị giá hàng tỷ USD. Đáng chú ý, tỷ phú Gautam Adani hiện là người giàu thứ 2 tại Ấn Độ và giàu thứ 22 tại châu Á, với tổng tài sản gần 70 tỷ USD.