Viện dưỡng lão: Hãy để người già được lựa chọn
Quan niệm về viện dưỡng lão đã dần thay đổi
Sau 11 năm chồng mất, khi các con đã trưởng thành và có gia đình riêng, bà Nguyễn Thị Biển không muốn làm phiền con cháu, đã quyết định chọn Viện dưỡng lão Diên Hồng làm nơi an dưỡng tuổi già.
Trong suốt 4 năm sinh sống tại viện, bà luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc sức khỏe và phục vụ ăn uống khoa học từ đội ngũ nhân viên. Dù đã 92 tuổi, bà vẫn giữ được sự minh mẫn, lạc quan và tinh thần vui vẻ.
Bà Nguyễn Thị Biển chia sẻ: "Lý do đặc biệt là vì tôi thương các con, muốn cho các con được tự do, lo cho cuộc sống riêng của chúng nó, không phải lo nghĩ nhiều cho mẹ vì mẹ cũng tuổi cao, sức yếu rồi. Ở đây thì có những cái khoa học, văn minh và được tổ chức bài bản, chứ không như ở nhà mình. Vào đây có những nề nếp từ ăn ở cho đến sinh hoạt về mặt vật chất và tinh thần. Điều đó khiến chúng tôi - những người già cảm thấy cuộc sống của mình nhiều ý nghĩa".
Gia đình neo người, mẹ lại ốm nặng một thời gian dài, gia đình bà Nguyễn Thị Bích Huệ quyết định đưa bà đến viện dưỡng lão Diên Hồng để có người túc trực chăm sóc. Ít ai nghĩ rằng, chỉ sau khoảng thời gian ngắn ở đây, dưới sự chăm sóc tận tình, bà Huệ đã dần bình phục, lấy lại được tinh thần minh mẫn.
Bà Nguyễn Thị Bích Huệ kể: "Các con thì đi làm hết, các cháu thì còn nhỏ, còn tôi từ tháng 8/2023 là nằm liệt giường luôn Ở nhà không có người phục vụ, mà yếu thì yếu quá nên các con tôi cũng đi khắp nơi để chọn ra viện dưỡng lão tốt nhất. Đến đây thì được cái môi trường, cách mọi người đối xử với nhau rất tốt, càng ở thì tôi càng được nhận sự quan tâm chăm sóc của các anh chị điều dưỡng viên với đội ngũ cán bộ ở đây, tôi cảm thấy khỏe lên rất nhiều".
Ngày nay, suy nghĩ đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão để an hưởng tuổi già với đội ngũ chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp đã không còn quá xa lạ. Tuy nhiên vẫn có không ít ý kiến không đồng tình.
Gia đình chị Nguyễn Cẩm Vân, khi quyết định đưa mẹ vào viện dưỡng lão, nhận phải không ít sự phản đối từ họ hàng, người thân. Nhưng chị vẫn quyết định đưa mẹ đến viện dưỡng lão Diên Hồng, nơi có đội ngũ nhân viên sẵn sàng túc trực, chăm sóc mẹ, giúp chị yên tâm phần nào.
Chị Nguyễn Cẩm Vân (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) chia sẻ: "Nhà tôi có mỗi mình bà mà bà lại mắc bệnh mất trí nhớ, mà nếu mình thuê người ở nhà thì cũng không chăm sóc được và mình cảm thấy không được đảm bảo. Ở trung tâm này thì họ có các kỹ năng chăm sóc người già. Ông bà cũng có tìm hiểu và bảo với chúng tôi nếu sau này 1 trong 2 người chết thì người còn lại sẽ được đưa vào đây. Ông bà thì cũng thoải mái, không có vấn đề gì cả. Còn họ hàng thì có phản đối".
Anh Đào Quang Đức - Giám đốc Viện dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2, cho biết: "Đối với người già, sức khỏe luôn được đặt lên ưu tiên hàng đầu, nhưng để có sức khỏe tốt thì họ cần phải có tinh thần tốt đã. Ở trong viện dưỡng lão, chúng tôi đã tổ chức khá nhiều hoạt động cho các cụ, giúp tinh thần các cụ sao cho thoải mái nhất, giúp các cụ cảm thấy vui và yêu đời hơn".
Nhiều ông bà coi viện dưỡng lão như ngôi nhà thứ hai của mình, nơi đã tạo ra một không gian chung ấm cúng với những hoạt động ý nghĩa, giúp người cao tuổi sống vui khỏe. Bên cạnh đó, con cái vẫn luôn quan tâm theo dõi và tôn trọng sự lựa chọn của bố mẹ, đảm bảo họ được chăm sóc trong môi trường tốt nhất.
Vui vẻ với việc ‘dưỡng lão bán trú’
Có một hình thức viện dưỡng lão được nhiều người già lựa chọn, đó là “dưỡng lão bán trú”. Mô hình “sáng đi - chiều về” này đáp ứng được cơ bản về dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, giúp các cụ bớt cô đơn, không còn tủi thân khi ở nhà một mình.
Sáng ra, các cháu đi học, các ông bà nội ngoại cũng xách ba lô lên đường. Chiều, các con lại mong ngóng đón ông bà về. Trẻ đi nhà trẻ - già đi nhà già. Cả 2 đều bán trú.
Ồng Lê Đình Khoang (64 tuổi, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cho biết: "Về tinh thần thì tôi thấy có thay đổi vì tập thể nó vui, về sức khỏe tôi thấy cũng có cải thiện. Trước đây tôi mất ngủ hoàn toàn, còn khi vào đây cũng bắt đầu ngủ được ít nhiều. Đặc biệt, các bạn ở đây rất là vui".
Vào viện dưỡng lão, người già được tham gia sự kiện, lễ hội hóa trang Halloween... Nếu ở nhà một mình, làm sao có được niềm vui như vậy?
“Đi lớp” là câu nói đùa của thành viên Viện Dưỡng lão Nhân Ái - Daycare. Từ ngày “đi lớp”, bà Lan thấy khỏe hơn và vui hơn khi được các điều dưỡng viên xoa bóp, bấm huyệt khiến chứng đau cột sống thuyên giảm, chân tay không còn run, đi lại dễ dàng hơn hẳn.
Bà Lê Thị Lan (78 tuổi, phường Cống Vị, quận Ba Đình) chia sẻ: "Tôi thì rất thường xuyên đến đây, coi như 1 tuần lễ thì mình đi cả tuần luôn. Ở nhà thì các con đi làm hết, các cháu đi học hết nên ở nhà một mình buồn lắm, tôi mới bảo các con cho bà đến đây, cho bà vui. Được cái vui thì tôi thấy sức khỏe với ăn uống nó tự dưng điều hòa hơn".
Đến nhà dưỡng lão, có nhiều hoạt động sôi nổi để đẩy cao tinh thần cho người cao tuổi. Có các giờ vận động nhẹ hàng ngày, như chơi bóng, tập yoga, thăm khám cơ bản. Các thành viên ở Viện Dưỡng lão Nhân Ái - Daycare (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đến đây vào buổi sáng và ra về vào cuối giờ chiều cùng ngày.
Khi con cháu đi làm, đi học, các ông bà đến đây để khỏi phải ở nhà một mình, vừa buồn, vừa đỡ lo lắng về những bất trắc xảy ra với sức khỏe. Với dịch vụ xe bus đưa đón, thì đi “dưỡng lão bán trú” là một mô hình giúp giảm bớt lo lắng và thời gian cho con cháu.
Bà Nguyễn Thị Minh Lý (phường Phúc Xá, quận Ba Đình) cho biết: "Khi đến đây tôi thấy tổ chức ăn uống rất nề nếp, khoa học. Buổi sáng có bữa sáng, rồi có ăn trưa, buổi chiều thì chúng tôi được ăn nhẹ, sau thì chúng tôi đi về thôi. Các cháu, các con tôi thấy tôi cứ chiều về thì trêu là bà vừa đi nhà trẻ về rồi đấy à? Vào đây thì tôi thấy mình hòa nhập được và thấy mình khỏe ra".
Viện dưỡng lão bán trú là mô hình chăm sóc người cao tuổi vô cùng tiên tiến đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Sau thời gian ở nhà dưỡng lão, các cụ sẽ trở về nhà quây quần bên con cháu.
Mô hình này rất phù hợp với những người cao tuổi vẫn có khả năng tự chăm sóc bản thân ở mức độ nhất định và có người thân có thể chăm sóc họ vào thời gian còn lại. Bởi sau gần cả cuộc đời cống hiến cho xã hội và chăm lo cho con cháu, người cao tuổi xứng đáng được hưởng dịch vụ tốt nhất, sống vui sống khỏe chứ không chi đơn thuần là sống để tồn tại.
Mô hình viện dưỡng lão - nhà trẻ tại Vương quốc Anh
Belong Chester là viện dưỡng lão đầu tiên ở Vương quốc Anh kết hợp với nhà trẻ. Tại đây trẻ em và người già gắn kết như trong một gia đình. Họ cùng nhau trò chuyện, vui chơi, tham gia các hoạt động nghệ thuật, thủ công và tập thể dục hàng ngày.
Thay vì bầu không khí có phần yên ả thì tại viện dưỡng lão Belong Chester luôn đầy ắp tiếng cười của người già và trẻ nhỏ. Nhiều cụ già lần đầu bước vào viện dưỡng lão cảm nhận bầu không khí ở đây đã ngay lập tức muốn ở lại.
Vào ban ngày, các cụ ông, cụ bà sẽ trở thành những người thân của các bé, họ cùng vui chơi ca hát và chia sẻ các kỹ năng nhỏ bé nhưng hữu ích với các cháu nhỏ.
Cụ Bille James cảm thấy vui vẻ khi hướng dẫn cậu bé 3 tuổi cách khoan trên gỗ. Còn cụ bà Joice Aiseton thì luôn bận rộn với việc dạy trẻ nặn đất. Những em bé mang lại niềm vui gia đình cho các cụ. Các em thì được học cách chăm sóc người già.
Nhiều bậc cha mẹ của các bé ở nhà trẻ đều cho rằng con cái họ trở thành người biết quan tâm hơn và giao tiếp tốt hơn khi hòa nhập với người cao tuổi. Chị Liz Luden, nhà đồng sáng lập Belong Chester, cho biết những người lớn tuổi sống trong các cơ sở chăm sóc thường không có được những cơ hội này. “Triết lý cơ bản mà chúng tôi có ở đây là chúng tôi đang cố gắng giúp mọi người có được cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc và việc tích hợp nhà trẻ sẽ bổ sung thêm một khía cạnh hoàn toàn mới cho điều đó”, Liz Luden cho biết.
Người già và trẻ nhỏ, hai đối tượng cần được chăm sóc đã xích lại gần nhau, yêu thương và chăm sóc lẫn nhau là mô hình độc đáo của viện dưỡng lão - nhà trẻ tại Anh.
Chiều 26/12, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo "Phát huy vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Hà Nội vừa tổ chức Chương trình trao tặng 100 suất quà cho trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi của huyện Phú Xuyên, mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hai đợt không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến miền Bắc nước ta từ đêm 26 đến 28/12, khiến thời tiết trở nên rét đậm, rét hại. Đợt lạnh này có khả năng kéo dài đến đầu năm 2025, gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động ngoài trời và sinh hoạt của người dân.
Bộ Công Thương cho biết, năm 2025, kinh tế đất nước được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, nhu cầu sử dụng điện của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế, xã hội là rất lớn.
Tổ đại biểu HĐND thành phố Hà Nội - đơn vị bầu cử số 17 đã tiếp xúc cử tri huyện Phú Xuyên sau kỳ họp thứ 20, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.
Chiều 26/12, Quận ủy Hai Bà Trưng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác nội chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí năm 2024 nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 của Thành ủy Hà Nội.
0