Xây dựng cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội đang diễn ra, nhiều cơ chế đặc thù để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã được đưa ra. Đây sẽ là tiền đề giúp hai thành phố lớn đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện tổng thể hệ thống đường sắt đô thị giúp nâng cao năng lực vận tải hành khách, hướng tới ngành giao thông xanh.

Theo dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ nêu 6 nhóm chính sách đặc thù gồm:

  1. Huy động nguồn vốn;
  2. Trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư;
  3. Phát triển đô thị theo mô hình TOD;
  4. Phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực;
  5. Chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải;
  6. Các quy định áp dụng riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội bày tỏ sự đánh giá cao nội dung tờ trình của Chính phủ và cơ bản nhất trí với 6 nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt thí điểm. Khi được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc về thể chế trong tổ chức thực hiện đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại hai thành phố.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng: "Nếu như không có những cơ chế chính sách đặc thù đặc biệt thì sẽ không thể nào triển khai được mục tiêu của Trung ương".

Thực tế cho thấy, sau hàng chục năm chờ đợi, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và đoạn trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội (tại Hà Nội) và tại Thành phố Hồ Chí Minh khi tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vào vận hành đã nhanh chóng phát huy hiệu quả của loại hình vận tải hành khách công cộng hiện đại này, đặc biệt là góp phần giảm đáng kể áp lực giao thông trong khu vực nội đô.

Tuy nhiên, các tuyến đường sắt trên đều rơi vào tình trạng chậm tiến độ do thiếu về nguồn lực và cơ chế. Do vậy, các đại biểu Quốc hội đề nghị trong nghị quyết này phải nhấn mạnh hơn ưu tiên đặt hàng và giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp trong nước trong việc làm chủ trong một số hạng mục.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nêu ý kiến: “Cần ưu tiên đặt hàng và giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp trong nước trong việc làm chủ ở ba lĩnh vực: xây dựng đường, xây dựng cầu, xây dựng hầm; sản xuất đường ray; đóng toa xe. Tại hội nghị Thủ tướng gặp các doanh nghiệp, các doanh nghiệp đều khẳng định rằng là họ hoàn toàn có thể thực hiện được ba lĩnh vực này nếu như Chính phủ đặt hàng".

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh cũng đã trình bày về lý do đưa ra 6 nhóm cơ chế đặc thù, trong đó, đối với nhóm chính sách về huy động nguồn vốn, Thủ tướng Chính phủ được quyết định bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm cho địa phương; sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương hàng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác mà không phải theo thứ tự ưu tiên; huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà không phải lập đề xuất dự án. Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư đã được Chính phủ rút gọn.

Về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, dự thảo nghị quyết quy định các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD được chỉ định thầu nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các dự án. Theo Ủy ban Kinh tế, đối với việc chỉ định thầu các gói thầu thuộc dự án đường sắt đô thị là phù hợp, do tính chất đặc biệt cần đẩy nhanh tiến độ của loại dự án này. Tuy nhiên, cũng cần đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả trong việc khai thác, phát triển khu vực TOD.

Theo kế hoạch dự kiến của Quốc hội, sáng thứ Tư - ngày 19/2, các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghị quyết được kỳ vọng sẽ phát huy động tối đa nguồn lực đầu tư, tháo gỡ nút thắt trong đầu tư, tạo đột phá trong đầu tư phát triển đường sắt đô thị hai thành phố lớn của đất nước, góp phần hiện đại hoá hệ thống giao thông đô thị.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho hơn 33.000 lao động, đạt gần 20% kế hoạch năm chỉ trong 2 tháng đầu năm 2025.

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024 vào tối 23/3 tại Hà Nội.

Chủ tịch nước Lương Cường đã dự Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng tỉnh Bình Phước trong sáng 23/3, tại thành phố Đồng Xoài.

Cả nước đã tiết kiệm được 448.000 kWh điện, tương đương khoảng trên 942 triệu đồng sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2025.

Tạm dừng trình Đề án sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là đề nghị của Bộ Nội vụ đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.

Một tài xế điều khiển xe khách 16 chỗ theo hướng từ huyện Diễn Châu đi huyện Con Cuông (Nghệ An) đã coi thường tính mạng hành khách khi vừa lái xe vừa dùng hai điện thoại.