Xe điện Trung Quốc giá rẻ liệu có chất lượng?

Dư thừa và ế ẩm tại thị trường nội địa, hàng triệu xe điện Trung Quốc đã tràn ra thế giới. Những sản phẩm giá rẻ đang làm náo loạn thị trường ô tô nhiều quốc gia, đi kèm theo đó là những câu hỏi nghi ngờ về chất lượng.

Tại sao xe điện Trung Quốc lại có giá rẻ hơn mặt bằng chung?

Theo thống kê của JATO Dynamics, vào năm 2015, giá niêm yết trung bình của ô tô điện ở Trung Quốc cao hơn lần lượt 37% và 26% so với xe ở châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây tình hình đã đảo ngược, giá trung bình của một chiếc xe điện ở Trung Quốc là 31.165 Euro, trong khi tại châu Âu là 66.864 euro và tại Mỹ là 68.023 euro.

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc nỗ lực trang bị cho xe điện các tính năng hiện đại và cao cấp, như ghế bọc da thật chỉnh điện, màn hình cảm ứng độ phân giải cao cỡ lớn, cổng phát Wi-Fi. Khả năng kết nối các ứng dụng vốn trước đây chỉ có trên xe sang, giờ là trang bị tiêu chuẩn trên các mẫu xe điện của Trung Quốc có giá 100.000 nhân dân tệ (khoảng 340 triệu đồng).

Trong bối cảnh có sự cạnh tranh khốc liệt ngay trong nội bộ ngành sản xuất ô tô Trung Quốc, các tính năng hiện đại như trên không còn được coi là tùy chọn cao cấp mà là trang bị thiết yếu để đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Xe điện Trung Quốc.

Trong một thập kỷ qua, chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ rất nhiều cho ngành công nghiệp ô tô điện trong nước thông qua kế hoạch phát triển ngành xe năng lượng mới giai đoạn 2021-2035, với tổng mức trợ cấp tương đương 57 tỷ USD trong thời gian từ năm 2016 đến 2022. Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc được chính phủ hỗ trợ nhiều chi phí.

Dù các tính năng hiện đại cũng khiến giá thành tăng lên, nhưng cụm pin vẫn là bộ phận quan trọng nhất chiếm 30-40% giá thành một chiếc xe điện. Trung Quốc hiện sản xuất 80% pin lithium của thế giới.

Cuối cùng, Trung Quốc có một lợi thế so với Mỹ và châu Âu trong việc sản xuất xe điện giá rẻ là chi phí nhân công khá thấp. Các nước châu Âu nhìn chung có chi phí nhân công cao nhất thế giới, với mức lương tối thiểu trả theo giờ là 30 euro, trong khi Bắc Kinh là nơi có mức lương tối thiểu theo giờ cao nhất Trung Quốc cũng chỉ ở mức 26,4 nhân dân tệ, tương đương 3,4 euro, thấp hơn 8 lần.

“Cuộc chiến” giá cả giữa các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc

Cũng bởi những điều thuận lợi trên mà trong một thập kỷ gần đây, thị trường xe điện tại Trung Quốc phát triển rất nhanh. Có nhiều công ty mới ra đời, các công ty nhỏ sáp nhập hoặc ngừng hoạt động liên tục nên dẫn đến khó thống kê chính xác số lượng các nhà sản xuất xe điện tại Trung Quốc. Theo công ty tư vấn tại Thượng Hải Suolei, thời điểm hiện tại chỉ có hãng xe BYD và Li Auto là có lãi từ việc bán xe điện. Trong khi đó, khoảng 50 nhà sản xuất xe điện còn lại của Trung Quốc đang gặp khó khăn.

Nhiều nhà sản xuất xe điện đang gặp khó khăn. Ảnh: SCMP

Theo Công ty tư vấn tài chính toàn cầu Alixpartners, “cuộc chiến” giá xe điện Trung Quốc kéo dài hai năm qua, đã gây áp lực lớn lên nhiều nhà sản xuất.

Ngay sau khi BYD châm ngòi cho “cuộc chiến” giảm giá, giá của 50 mẫu xe điện hóa thuộc nhiều thương hiệu khác nhau tại Trung Quốc đã giảm 10%. Trong năm 2023, giá bán ô tô trung bình tại Trung Quốc giảm 13,4%. Hầu hết các công ty đều sẵn sàng giảm giá mạnh tay để đạt được mục tiêu về doanh số bán hàng.

Các chuyên gia dự đoán “cuộc chiến” về giá xe điện tại Trung Quốc sẽ kéo dài khoảng 3 - 4 năm nữa. Như vậy cũng có nghĩa là các doanh nghiệp ô tô Trung Quốc còn tiếp tục phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Hoặc mất thị phần nếu không tham gia vào cuộc cạnh tranh về giá với đối thủ; hoặc phải vật lộn với những khó khăn về tài chính khi giảm giá. “Cuộc chiến” này dường như gây bất lợi cho tất cả các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.

Câu hỏi về chất lượng?

Giá giảm và chỉ coi trọng về doanh số bán, sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của ô tô. Để cắt giảm chi phí, quá trình sản xuất sẽ bị rút ngắn và sử dụng vật liệu rẻ tiền. Nhiều doanh nghiệp ô tô Trung Quốc không thể sáng tạo, họ cắt ngắn quá trình chế tạo xe hơi bằng cách sao chép lại những sản phẩm của hãng xe khác. Nhiều hãng xe, do cắt giảm chi phí, nên một mẫu xe mới thay vì được thử nghiệm tới 150 lần, giảm xuống còn từ 20-25 lần. Chính vì thế mà chất lượng và độ an toàn của ô tô Trung Quốc đang bị đặt câu hỏi.

Số liệu của Cục cứu hỏa và cứu hộ Trung Quốc thuộc Bộ quản lý khẩn cấp công bố đã có 640 trường hợp xe điện bốc cháy trong quý I/2022, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước đó, tương đương 7 chiếc xe điện cháy mỗi ngày. Báo cáo trên khác hoàn toàn với những gì truyền thông chính thống Trung Quốc đưa tin khi chỉ có 86 vụ cháy xe điện trong hai năm trước đó, tương đương một vụ cháy mỗi tuần.

Đã có 640 trường hợp xe điện bốc cháy trong quý I/2022.

Theo Viện công nghệ Bắc Kinh, các xe điện sạc nhanh trong điều kiện thời tiết nhiệt độ thấp thường dễ bắt lửa nếu hệ thống không kịp làm nóng ắc quy trước khi sạc. Dòng xe điện giá rẻ được đưa vào sử dụng sẽ tạo nên vô số những ô tô điện có chất lượng trung bình, bị sử dụng với cường độ cao và sạc nhanh liên tục, qua đó làm gia tăng các rủi ro. Số liệu của Viện công nghệ Bắc Kinh cho thấy 66% số vụ cháy xe điện diễn ra trong mùa hè do thời tiết quá nóng trong khi 36% vụ cháy diễn ra trong mùa đông vì quá trình sạc nhanh khiến hệ thống không kịp làm nóng ắc quy trước khi sạc.

Đồng quan điểm, Tổng thư ký của Hiệp hội xe hơi Trung Quốc cho biết khi đưa vào sử dụng và gặp va đập, ắc quy xe điện dễ chèn ép gây đoản mạch ở những bộ phận khác, qua đó làm tăng nhiệt độ pin. Điều này sẽ không gây cháy ngay nhưng dần dần khi hóa chất rò rỉ ra ngoài, chúng sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Với Tesla, họ sử dụng công nghệ theo dõi pin và khóa cửa xe không cho hoạt động nếu phát hiện ắc quy có vấn đề. Người dùng chỉ có thể vận hành xe nếu đã giải quyết xong rủi ro ắc quy. Ngoài ra, bộ điều hành pin của Tesla cũng sẽ tự động tản nhiệt khỏi khu buồng lái và vùng lõi của ắc quy nhằm giảm tối đa rủi ro cháy nổ. Tuy nhiên, các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc thì thường cắt bỏ công nghệ này, khiến rủi ro cháy pin tăng cao.

Cạnh tranh trong ngành xe điện là cạnh tranh với nhau về công nghệ, giá trị lâu dài, tính bền vững cũng như độ an toàn và độ tin cậy. Suy cho cùng, đó là một cuộc đua xuyên suốt vòng đời của sản phẩm. Một cuộc cạnh tranh về giá một lần là điều không mong muốn và đem đến rất nhiều rủi ro cho cả doanh nghiệp và khách hàng. “Cuộc chiến” giá cả leo thang không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc mà còn làm giảm uy tín của họ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Để hành khách chủ động kế hoạch bay Tết Nguyên đán 2025, Vietjet mở bán sớm 2,6 triệu vé trong giai đoạn từ 15/1 đến 12/2/2025 (tức 16 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ).

Một chiếc thuyền cánh ngầm chạy bằng điện đã thực hiện thành công hải trình dài tới 777 km trong 24 giờ, từ thủ đô Stockholm của Thụy Điển tới đảo Aland thuộc vùng biển Baltic.

Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư số 07/2024/TT-BGTVT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Mạnh tới hơn 1000 mã lực, mẫu xe bọc thép nhanh nhất thế giới được phát triển trên nền tảng của dòng Lucid Air Sapphire.

Hyundai Santa Fe 2024 vừa được TC Motor ra mắt thị trường Việt Nam với 5 phiên bản động cơ xăng, giá bán lẻ đề xuất từ 1,069 - 1,365 tỷ đồng.

Lotus giới thiệu bản concept vô cùng ấn tượng mang tên Lotus Theory 1 - một chiếc siêu xe thuần điện có công suất lên tới 1.000 mã lực.