Xu hướng đầu tư vào năng lượng hạt nhân trên thế giới
Nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ tư đầu tiên
Nhà máy điện hạt nhân thế hệ tư đầu tiên trên thế giới mang tên Shidaowan, do Tập đoàn Huaneng Trung Quốc, Đại học Thanh Hoa và Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc hợp tác phát triển. Tỷ lệ nội địa hóa thiết bị của nhà máy đạt hơn 90%.
Ông Zhang Yijin - Giám đốc điều hành của Nhà máy điện hạt nhân Shidaowan cho biết: “Sau vài tuần đưa vào sử dụng thương mại, hai lò phản ứng trong tổ máy điện của chúng tôi đã duy trì hoạt động ổn định. Chúng tôi sản xuất điện hàng ngày ở mức 150 megawatt. Điện từ nhà máy của chúng tôi tạo ra đã hòa vào lưới điện Sơn Đông và phân phối để sử dụng.”
Một trong những đặc điểm chính của lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ tư là nhiên liệu hạt nhân được đưa vào một quả cầu nhỏ dạng quả bóng tennis và mỗi lò phản ứng có tới 430.000 quả cầu như vậy. Mỗi quả cầu có đường kính 6cm và bên trong chứa 12.000 hạt nhiên liệu. Bên trong các hạt có lõi nhiên liệu rất nhỏ và bốn lớp giáp gốm.
Theo đại điện nhà máy Shidaowan, mỗi quả cầu có năng lượng tương đương 1,5 tấn than và không cần đóng lò phản ứng tạm thời để nạp nhiên liệu như thông thường, cho phép vận hành liên tục. Thay vì sử dụng nước để làm mát hệ thống, nhà máy làm mát lò phản ứng bằng khí heli, đồng thời sử dụng hệ thống loại bỏ nhiệt dư thụ động, giúp tăng cường độ an toàn.
Sau nhà máy Shidaowan, Trung Quốc cũng sắp hoàn thành các nhà máy thế hệ thứ tư khác. Ở tỉnh Phúc Kiến, phía Đông Nam Trung Quốc, dự án thí điểm lò phản ứng nhanh làm mát bằng natri Xiapu do Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc quản lý đang được thi công, dự kiến kết nối lưới điện vào năm 2025.
Theo các dự báo, đến năm 2030, Trung Quốc sẽ dẫn đầu thế giới về công suất lắp đặt điện hạt nhân. Sản lượng điện hạt nhân dự kiến chiếm 10% tổng sản lượng điện, giúp đất nước tỷ dân thúc đẩy chuyển đổi sang cơ cấu năng lượng ít carbon. Theo các chuyên gia, việc Trung Quốc phát triển mạnh điện hạt nhân sẽ giúp mang lại lợi ích cho khí hậu toàn cầu, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức chính trị. Vì vậy, để không bị tụt lại phía sau, nhiều nước khác đang tăng cường đầu tư vào năng lượng hạt nhân. Vương quốc Anh lên kế hoạch xây nhà máy điện hạt nhân 38 tỷ USD trong năm nay. Pháp đưa mục tiêu phát triển điện hạt nhân vào chính sách năng lượng mới. Cùng với đó, các dự án lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ tư khác đang trong quá trình nghiên cứu và thiết kế ở Mỹ, Nhật Bản và Canada.
Nga - Ai Cập tăng cường hợp tác năng lượng hạt nhân
Không nằm ngoài cuộc đua năng lượng hạt nhân, Ai Cập, với sự hỗ trợ của Nga đang trong quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở khu vực Bắc Phi. Với tổng số vốn đầu tư lên tới 30 tỷ USD và được xây dựng trên diện tích 57 nghìn m2, nhà máy điện hạt nhân El Dabaa không chỉ là một trong những dự án điện hạt nhân lớn nhất hành tinh, mà còn được coi là nền tảng chính sách đa dạng hóa năng lượng của Ai Cập, giúp Cairo đáp ứng nhu cầu điện trong nước và cung cấp cho các quốc gia láng giềng. Trong khuôn khổ dự án này, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và người đồng cấp Nga Vladimir Putin vừa khởi động dự án xây dựng tổ máy thứ tư và cũng là tổ máy cuối cùng của nhà máy điện hạt nhân El Dabaa. Với tiến độ xây dựng được đánh giá là sớm hơn dự kiến, nhà máy El Dabaa được kỳ vọng sẽ sớm hoàn thành và đi vào hoạt động trước năm 2028.
Nhà máy điện hạt nhân El-Dabaa gồm bốn lò phản ứng nằm cách Thủ đô Cairo khoảng 300 km về phía Tây Bắc trên bờ biển Địa Trung Hải. Dự án được khởi công xây dựng vào năm 2022. Đến nay, ba lò phản ứng đã hoàn thiện. Dự kiến, sau khi vận hành đầy đủ, dự án này sẽ cung cấp khoảng 10% lượng năng lượng tiêu thụ của Ai Cập với sản lượng điện hàng năm lên tới 37 tỷ kilowatt giờ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu: "Sự hợp tác giữa Nga và Ai Cập vẫn tiếp tục và đang phát triển. Đây là một dự án hàng đầu trong truyền thống hợp tác song phương tốt đẹp của hai nước chúng ta.”
Theo hợp đồng giữa Nga và Ai Cập, Tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga sẽ cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho nhà máy El Daaba trong suốt vòng đời hoạt động. Trong 10 năm đầu tiên, Nga còn hỗ trợ Ai Cập về đào tạo nhân sự và vận hành nhà máy. Ngoài ra, điểm đặc biệt của dự án, đó là Nga cũng là bên cung cấp vốn. Theo đó, Nga đã cung cấp tới 25 tỷ USD, tương đương với 85% giá trị dự án. 15% còn lại sẽ được chi bởi vốn đối ứng của Ai Cập, bao gồm cả đất đai và nhân lực. Mô hình này đã được Nga áp dụng trong dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Hungary và sắp tới là Burkina Faso.
Theo giới chuyên gia, dự án nhà máy El Dabaa không chỉ là biểu tượng cho sự hợp tác bền chặt giữa Ai Cập và Nga trong suốt chiều dài lịch sử, mà còn đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Về phía Ai Cập, nhà máy El Dabaa giúp Cairo giải bài toán năng lượng khi nhu cầu điện ngày càng tăng. Quốc gia với 105 triệu dân này đã liên tục phải vật lộn với lịch cắt điện kể từ mùa hè năm ngoái.
Về phía Nga, việc Điện Kremlin quyết định bỏ tiền, kỹ thuật, nhân lực xây dựng nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới ở Ai Cập và nhiều nước khác xuất phát từ việc Matxcơva nhìn thấy có các lợi ích cả về kinh tế và chính trị. Việc cấp tín dụng cho Ai Cập có nghĩa là khoản tiền bỏ ra sẽ được trả lại kèm theo lãi suất. Theo đó, Cairo sẽ bắt đầu hoàn trả khoản vay có thời hạn 22 năm cho Matxcơva vào năm 2029, với lãi suất 3% mỗi năm. Mặt khác, quan trọng hơn, Nga đang dần khôi phục ảnh hưởng của mình ở châu Phi. Nhiều quốc gia ở Lục địa đen dù vẫn còn nghèo, nhưng được dự báo sẽ trở thành nước sản xuất và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ chính của thế giới trong 30 - 40 năm nữa. Thông qua các dự án về năng lượng hạt nhân, Nga đã và đang đặt nền móng cho sự phát triển trong nhiều thập kỷ tới.
Nhật Bản nỗ lực hồi sinh ngành năng lượng hạt nhân
Kể từ thảm họa hạt nhân tại nhà máy Fukushima năm 2011, cho đến nay hầu hết các lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản đều bị đóng cửa. Tuy nhiên, trong nỗ lực hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, cũng như giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, Nhật Bản đang “bật đèn xanh” cho kế hoạch hồi sinh nền công nghiệp năng lượng hạt nhân.
Nằm trên khu đất rộng 4,2 km2 ở tỉnh Niigata, nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa là cơ sở lò phản ứng nước sôi tiên tiến đầu tiên trên thế giới. Nhà máy Kashiwazaki-Kariwa có 7 lò phản ứng với tổng công suất 8.212 megawatt, đã tạm ngừng hoạt động từ khoảng năm 2011. Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã cố gắng đưa Kashiwazaki-Kariwa vận hành trở lại nhằm giảm chi phí nhưng việc khôi phục nhiều lần bị từ chối. Năm 2021, Cơ quan Quản lý hạt nhân Nhật Bản đã ngăn TEPCO vận hành nhà máy Kashiwazaki-Kariwa do những vi phạm an toàn, gồm việc không bảo vệ vật liệu hạt nhân và những sơ suất dẫn đến việc một nhân viên không có thẩm quyền đi vào khu vực nhạy cảm của nhà máy. Sau những cải thiện trong hệ thống quản lý an toàn, lệnh cấm đối với nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa của Công ty Điện lực Tokyo đã chính thức được dỡ bỏ vào những ngày cuối cùng của năm 2023.
Bên cạnh nhà máy Kashiwazaki-Kariwa, giới chức Nhật Bản cũng đang đẩy mạnh khảo sát thiệt hại đối với nhà máy hạt nhân Fukushima số một – “tâm điểm” của thảm họa rò rỉ hạt nhân cách đây hơn một thập kỷ. Dự kiến, một robot hình con rắn và bốn máy bay không người lái sẽ được triển khai vào tháng hai tới nhằm có được một bức tranh toàn diện hơn về thiệt hại của nhà máy, giúp đưa ra cách thức xử lý hậu quả hạt nhân phù hợp.
Trước đó, hồi tháng 2/2023, chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida đã phê duyệt chính sách chuyển đổi xanh, bao gồm chủ trương kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng hạt nhân lên hơn 60 năm và thay thế những lò bị loại bỏ. Kế hoạch năng lượng chiến lược lần thứ 6 cũng đặt mục tiêu đưa năng lượng tái tạo chiếm 36-38% tổng sản lượng điện của Nhật Bản vào năm 2030, trong đó điện hạt nhân chiếm khoảng 20-22%. Nhật Bản hiện có 33 lò phản ứng thương mại và đã khởi động lại 12 lò phản ứng ở phía Tây đất nước kể từ thảm họa Fukushima.
Ông Rafael Mariano Grossi, Tổng Giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế chia sẻ: “Ngày càng nhiều quốc gia có kế hoạch đưa năng lượng hạt nhân vào cơ cấu năng lượng của mình hoặc mở rộng các chương trình năng lượng hạt nhân hiện có. Thế giới đã chứng kiến sự thay đổi tích cực rõ ràng trong những năm gần đây, với nhận thức ngày càng tăng rằng năng lượng hạt nhân là một phần không thể thiếu trong giải pháp cho một số thách thức toàn cầu cấp bách nhất của thời đại.”
Theo các chuyên gia, trong tiến trình bảo đảm an ninh năng lượng, Nhật Bản có quyền chọn lựa điện hạt nhân. Nhật Bản cũng cần năng lượng hạt nhân vì lưới điện nước này không được kết nối với các nước láng giềng, cũng như không thể thúc đẩy sản lượng nhiên liệu hóa thạch trong nước. Một số cuộc thăm dò gần đây của truyền thông Nhật Bản cho thấy, hơn 50% người dân nước này được hỏi ủng hộ mở lại các nhà máy điện hạt nhân.
Vào thời điểm thế giới hướng đến các giải pháp năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường, sự trở lại của điện hạt nhân được đánh giá là xu thế tất yếu, giúp giải quyết vấn đề nguồn cung không liên tục của các nguồn năng lượng tái tạo khác như năng lượng mặt trời và gió. Sau sáng kiến năng lượng hạt nhân với mục tiêu phát thải ròng bằng không mà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế đưa ra vào năm ngoái, các nhà lãnh đạo thế giới dự kiến sẽ nhóm họp tại Hội nghị thượng đỉnh về năng lượng hạt nhân ở Brussels, Bỉ vào tháng 3 tới, để thảo luận về tương lai và vai trò của năng lượng hạt nhân trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu. Theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Commodity Insights, công suất năng lượng hạt nhân toàn cầu sẽ tăng 58% đến năm 2050.
Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.
Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.
Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.
Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.
Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.
0