Việt Nam có gần 3 triệu người làm nghề 'đãi rác tìm vàng' | Hà Nội tin mỗi chiều

Việt Nam có gần 3 triệu người làm nghề 'đãi rác tìm vàng'; Bộ Xây dựng đề xuất nới điều kiện mua nhà ở xã hội… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Việt Nam có gần 3 triệu người làm nghề "đãi rác tìm vàng"

Nghề đồng nát song hành cùng với sự phát triển của các đô thị. Không phải ai cũng biết đây vốn là một nghề phi chính thức nhưng lại là lực lượng tiên phong trong thực hiện kinh tế tuần hoàn và đóng góp lớn vào chu trình tái chế rác thải tại Việt Nam. Ước tính hiện Việt Nam có khoảng gần 3 triệu người đang hoạt động trong ngành thu gom tái chế rác thải phi chính thức. Phát triển hoàn thiện lực lượng này sẽ góp phần quan trọng vào bài toán bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

"Đồng nát sắt vụn bán đê" là tiếng rao quen thuộc của các bà các chị làm nghề đồng nát trên mọi đường thôn ngõ phố từ thôn quê đến thành thị. Ảnh minh họa

TS.KTS Nguyễn Thái Huyền - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và hợp tác quốc tế, Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, mỗi ngày có trung bình 7.500 tấn rác của Hà Nội được đem đi chôn lấp tại bãi rác Nam Sơn. Mạng lưới thu gom rác tự phát đã giúp giảm bớt một lượng đáng kể  rác thải phải mang đi chôn lấp trong bối cảnh các khu xử lý rác đang bị quá tải như hiện nay. Điều này cũng cho thấy vai trò quan trọng của mạng lưới này trong hoạt động thu gom rác của thành phố, bên cạnh hoạt động thu gom rác chính thức của các công ty môi trường.

Còn theo KTS Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội, mạng lưới “đồng nát” không chỉ góp phần giải quyết vấn đề rác thải của thành phố mà còn có ý nghĩa nhân văn khi tạo được công ăn việc làm cho phần lớn những người từ nông thôn ra thành phố, những người đã không còn ruộng đất để trồng cấy. So với nhiều đô thị trên thế giới, mạng lưới thu gom rác tự phát hiện nay tại các đô thị của Việt Nam trong đó có Hà Nội là tương đối tối ưu và mạng lưới  này đã thực sự tạo ra hoạt động kinh tế.

Trong bối cảnh nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, trong khi số lượng rác thải hàng ngày có xu hướng tăng cao do quá trình đô thị hóa, thì các cơ quan quản lý, chính quyền thành phố cần nhìn nhận rác thải là nguồn tài nguyên có thể tái chế thành năng lượng và các sản phẩm khác. Thông qua mạng lưới đồng nát mới có thể phát huy hiệu quả tối đa của hoạt động tái chế thúc đẩy hoạt động phân loại rác tại nguồn. Những người “đồng nát”, “ve chai” đang ngày ngày cần mẫn thu gom và phân loại hàng nghìn tấn rác mỗi ngày cho các đô thị lớn nhưng hiện vẫn chưa được nhìn nhận đúng vai trò và vị trí của họ. Thay đổi cách nhìn về họ trong mắt người dân và các nhà quản lý, có thể thúc đẩy hoạt động của mạng lưới “đồng nát” hiệu quả hơn, góp phần giải quyết tốt hơn vấn đề xử lý rác thải vốn đang rất nóng bỏng tại nhiều địa phương nước ta.

Làm thế nào để quản lý và phát huy hiệu quả hoạt động thu gom và tài chế phế liệu để góp phân loại rác tại nguồn. Ảnh minh họa: Nguoidothi

Trong cách tiếp cận hiện đại, rác không còn là thứ bỏ đi mà được xem là một tài nguyên thực sự. Nhưng rác chỉ có thể trở thành tài nguyên khi được thu gom, phân loại một cách hiệu quả, được xử lý bằng các công nghệ tiên tiến, phù hợp. Và mạng lưới những người làm nghề nhặt “ve chai”, thu mua “đồng nát”, những cơ sở thu gom phế liệu đang làm rất tốt việc này. Nếu chính quyền các đô thị có sự quan tâm, tổ chức lại một cách bài bản hơn nữa, có cơ chế hỗ trợ để khích lệ họ, thì không những thúc đẩy được hoạt động này góp phần đắc lực hơn vào công tác phân loại rác, thu gom vật liệu tái chế, mà còn thúc đẩy sự thay đổi hành vi của người dân hướng tới phân loại rác từ nguồn, từ hộ gia đình, từ cơ sở sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đó cũng là cách để các cơ sở này không phải hoạt động lén lút trong điều kiện mất vệ sinh, mất an toàn cháy nổ cho chính họ và cộng đồng.

Phát huy vai trò của mạng lưới “ve chai”, “đồng nát” không cần đầu tư quá nhiều. Điều cần nhất là thay đổi cách nhìn về họ. Thay vì coi họ là người yếu thế mưu sinh bằng những thứ mà xã hội thải ra, cần đánh giá đúng vai trò của họ - những người đang tái tạo tài nguyên “đãi rác tìm vàng”.

Bộ Xây dựng đề xuất nới điều kiện mua nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó có nội dung đề xuất nới điều kiện về thu nhập đối với người mua. Theo đó, đối với điều kiện về thu nhập của người mua nhà ở xã hội (NƠXH) được đề xuất trong dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý NƠXH phải đáp ứng điều kiện: Thu nhập bình quân hàng tháng của người đứng đơn và vợ hoặc chồng của người đó không quá 15 triệu đồng/tháng tính theo bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị nơi đối tượng làm việc xác nhận. Thời hạn xác định điều kiện về thu nhập trong 3 năm trước liền kề năm được xét mua, thuê mua NƠXH. Như vậy, đối chiếu với quy định cũ, mức thu nhập của người mua NƠXH đã được Bộ Xây dựng đề xuất tăng lên thêm 4 triệu so với mức quy định trước đây.

Trước đó, điều kiện về thu nhập của đối tượng mua nhà ở xã hội đã được đưa ra thảo luận nhiều lần tại Quốc hội nhằm sửa đổi Luật Nhà ở. Đa số ý kiến cho rằng, việc điều kiện trên đã lỗi thời, cần thay đổi cho phù hợp. Mục tiêu là để mở rộng đối tượng được mua NƠXH. Bởi theo tính toán của một số chuyên gia, nếu người mua nhà phải vay ngân hàng từ 70 - 80% tổng giá trị tài sản, thì mỗi tháng đã phải mất khoảng 10 triệu đồng để chi trả gốc lẫn lãi. Nên những người có thu nhập dưới 11 triệu thì nhiều khi không dám vay mua nhà, bởi còn phải gánh thêm các chi tiêu khác. Vì thế, nâng lên 15 triệu đồng/tháng là phù hợp.

Bộ Xây dựng đề xuất nới lỏng một số điều kiện mua nhà ở xã hội. Ảnh minh họa

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ năm 2021 đến nay, cả nước đã có 499 dự án NƠXH được triển khai, với hơn 411.000 căn hộ. Trong đó, hoàn thành 71 dự án với quy mô hơn 37.800 căn, khởi công xây dựng 127 dự án với hơn 107.800 căn, được chấp thuận chủ trương đầu tư 301 dự án với khoảng hơn 265.000 căn.Theo nhận định của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính thì sự lệch pha quá lớn giữa cung và cầu đã khiến kết quả phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua của nước ta chưa được như kỳ vọng. Nhiều tỉnh thành phía Nam như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương gần như không có nhà ở xã hội trong những năm vừa qua. Ở Hà Nội thì cũng phải đến 2-3 năm nay mới có một dự án. Cầu lớn và cung ít. Thêm nữa quy định về hồ sơ mua tương đối chặt chẽ và vì thế để đáp ứng được các yêu cầu thì người dân phải chuẩn bị trước và mất nhiều thời gian.

Việc Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và nhiều địa phương cụ thể hoá chương trình hành động về nhà ở trong ngắn và trung hạn căn cứ theo đề án “đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ là một tín hiệu tích cực, không chỉ với lĩnh vực xây dựng, bất động sản mà hơn hết với hàng triệu người lao động thành thị thu nhập thấp. Tuy nhiên với những gì đang diễn ra trên thực tế như tiến độ triển khai dự án còn chậm, không có nhiều dự án mới được công bố, chưa có hướng dẫn cụ thể để tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, giá nhà và lãi suất cho vay còn cao so với khả năng chi trả của người dân, đủ cho thấy giấc mơ an cư của số đông người lao động vẫn còn xa vời.

Người lao động nói chung, người thu nhập thấp đô thị nói riêng đã và đang đóng góp rất lớn cho sự phát triển của các đô thị. Do vậy, giấc mơ an cư của họ cần phải được trân trọng, quan tâm giải quyết thực chất chứ không chỉ dừng lại ở chủ trương hay hô hào, khẩu hiệu chung chung./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Kinh doanh qua mạng hết thời trốn thuế; Con người là trung tâm để phát triển đồng bằng sông Hồng; Người điều khiển xe máy chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất trong tai nạn giao thông... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội dự kiến dành hơn 17 nghìn tỷ đồng để mở rộng gấp đôi đường Láng, giải bài toán ùn tắc Ngã Tư Sở; Hà Nội sẽ có bản đồ số về ngập lụt để cảnh báo cho người dân; Hơn 2.000 viên thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ giảm cân bị làm giả một cách tinh vi vừa bị lực lượng quản lý thị trường TP Hà Nội phát hiện thu giữ… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Lần đầu tiên Việt Nam ghép tạng thành công cho bệnh nhân suy gan tối cấp, sự sống tính bằng giờ; Mỗi năm Việt Nam cần hàng nghìn tỷ đồng để điều trị cho tất cả các bệnh nhân Thalassemia; Giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt 15 tỷ đồng của người phụ nữ Hà Nội... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội có 38 tuyến xe buýt đã thí điểm hệ thống vé điện tử; Lo ngại thiếu nước, Hà Nội tăng khai thác nước ngầm; Học sinh vi phạm ATGT sẽ bị gửi thông báo về nhà trường... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Điện Biên Phủ - trung tâm du lịch mới của vùng Tây Bắc đang thu hút lượng lớn du khách; Cục Hàng không lập đoàn kiểm tra đột xuất việc kê khai, niêm yết giá vé máy bay; Liên tiếp bắt giữ các vụ thực phẩm bẩn tại Hà Nội... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Lập Tổ công tác đôn đốc triển khai đường sắt đô thị Hà Nội, TP HCM; Cầu vượt thép Mai Dịch sẽ được thông xe vào ngày 6/5; Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại thuốc lá điện tử… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.