VN-Index giữ vững mốc 1.300 điểm
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,2 điểm tức 0,02%, xuống 1.302,96 điểm; HNX tăng 0,29 điểm tức 0,12%, lên 238,6 điểm. Thanh khoản thị trường giảm so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt hơn 710 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị đạt hơn 15,5 ngàn tỷ đồng.
Về mức độ ảnh hưởng, ở nhóm ngành tài chính, ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index là các cổ phiếu ngân hàng với 5 mã CTG, VCB, BID, STB và MBB giảm hơn 1,6 điểm; trong khi đó chứng khoán và bảo hiểm sót lại một vài cái tên tăng điểm nổi bật như BSI, BVS, FTS; MIG, BMI và BLI. Ngành tiện ích cũng có mức giảm mạnh nhất thị trường với 0,96%, chủ yếu đến từ mã GAS, REE, POW và VSH.
Ngược lại, nhóm viễn thông hồi phục khá đồng đều, có đà tăng mạnh 3,88%. FPT, GVR, HPG và VIC là những mã vẫn giữ được sắc xanh và góp hơn 2,1 điểm vào chỉ số chung.
Về giao dịch của khối ngoại, khối này tiếp tục bán ròng hơn 367 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã PDR) vừa công bố phát hành hơn 34 triệu cổ phiếu để hoán đổi công nợ cho nhà đầu tư nước ngoài, với giá 20.000 đồng/cổ phiếu, tương đương hơn 340 tỷ đồng theo mệnh giá.
VPBank dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt 5%, tương ứng gần 4.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong quý II-III/2025.
Giá vàng thế giới ngày 28/4 đã rơi thẳng đứng, giảm hơn 50 USD về mức 3.280 USD/ounce. Giá vàng trong nước cũng hạ nhiệt, xuống dưới 120 triệu đồng/lượng.
Chính phủ đặt mục tiêu 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến trong năm nay.
Theo số liệu từ Cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đến hết ngày 15/4 đạt 237,97 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước.
Sự biến động mạnh mẽ của vàng khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi lo lắng và đặt ra câu hỏi: liệu đây có còn là kênh trú ẩn an toàn?
0