Vui buồn lễ hội xuân Giáp Thìn | Hà Nội tin mỗi chiều

Những vui buồn trong lễ hội đầu xuân; Hà Nội khảo sát nhu cầu lắp camera giám sát ở nơi công cộng… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Những vui buồn trong lễ hội đầu xuân

Năm nay, lần đầu tiên Hà Nội và cả nước thực hiện bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, tổ chức quản lý hoạt động tại một số điểm tâm linh, lễ hội đã được địa phương quan tâm giám sát chặt chẽ, tạo chuyển biến tích cực so với những năm trước.

Điển hình như tại lễ hội chùa Hương xuân Giáp Thìn. Công tác quản lý lái đò thông qua hợp tác xã đã tạo hiệu quả tích cực, mang tới lợi ích cho người dân địa phương và khách tham quan. Không còn lộn xộn chèo kéo, tranh giành khách, giờ đây chủ đò sẽ theo sự phân công của hợp tác xã, theo số thứ tự. 70% tiền đò được trả cho người lao động, 30% đóng thuế và phí quản lý. Đò được đánh số, lắp ghế đồng bộ. Việc thay đổi mô hình mới tạo sự hài lòng cho du khách. Ngoài đổi mới về hoạt động chở khách trên suối Yến, năm nay ban tổ chức lễ hội chùa Hương tiếp tục triển khai bán vé điện tử giúp công tác mua vé, soát vé được nhanh gọn, thuận tiện và tránh được vé giả.

Năm nay, ở Chùa Hương, đò được đánh số, lắp ghế đồng bộ. Ảnh: Lại Tấn

Tại chùa Hà và Phủ Tây Hồ, việc thu phí trông giữ xe máy, ô tô đã áp dụng hình thức không sử dụng tiền mặt. Khu danh thắng Tây Thiên cũng nhộn nhịp du khách ngay từ mồng một Tết. Dịch vụ xe điện kết hợp với hệ thống cáp treo lên tận đền Thượng khiến chặng đường hành hương về lễ mẫu của người dân cũng có thêm nhiều trải nghiệm hơn.

Ngoài việc loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp, các địa phương đã tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép. Từ đó, bảo đảm công tác tổ chức và quản lý lễ hội năm 2024 diễn ra an toàn, tiết kiệm theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Người dân sử dụng điện thoại quét mã QR thanh toán qua tài khoản ngân hàng giá vé xe máy ở phủ Tây Hồ. Ảnh: CAND

Với nhiều người, đi lễ đền chùa đầu năm có khi đơn giản chỉ là những giây phút tìm đến sự bình an, thanh tịnh, để khởi đầu cho một năm mới với nhiều năng lượng tích cực. Tuy nhiên, cũng có người coi đây là dịp để kêu cầu nhiều thứ, nhất là công danh, tài lộc. Và để đáp ứng nhu cầu luôn có những dịch vụ đi kèm. Dọc con đường dẫn vào cửa đền Bảo Lộc, Tp Nam Định là hàng chục hàng quán viết sớ, bán ấn trạch, bùa hộ mệnh. Kể cả khi chưa đến ngày khai ấn đền Trần, khách hành hương được mời chào quảng cáo đủ các loại ấn đã được đóng dấu sẵn với nhiều mức giá khác nhau. Thay vì để khách phát tâm, tự nguyện đóng góp, một bộ ấn và bùa hộ mệnh ở đây được phát giá công khai lên tới hàng trăm nghìn đồng.

Tại Đền bà Chúa Kho, dù ngay trước cửa đền đã treo tấm biển "không nhờ khấn thuê, lễ mướn" nhưng việc khấn thuê lễ mướn vẫn diễn ra khá nhộn nhịp. Mùa lễ hội sẽ còn tiếp tục kéo dài tới hết tháng 3 Âm lịch, kéo theo đó là lượng du khách đông đảo từ nhiều nơi tìm về. Điều này luôn đặt ra nhiều yêu cầu trong khâu vận hành và quản lý lễ hội, khắc phục các vấn đề có thể nảy sinh, hướng lễ hội tới giá trị chân - thiện - mỹ.

Hà Nội khảo sát nhu cầu lắp camera giám sát ở nơi công cộng

Thành phố Hà Nội sẽ khảo sát nhu cầu cần triển khai lắp đặt camera tại tất cả các khu vực thuộc địa bàn quản lý. Đây là nội dung Kế hoạch số 67 được UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành về rà soát, đánh giá hiện trạng và nhu cầu triển khai hệ thống camera giám sát, xây dựng vị trí chung, tổng thể cho hệ thống camera của thành phố.

Từ việc khảo sát sẽ đưa ra các phương án khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai, quản lý, giám sát, điều hành, bảo đảm thống nhất đồng bộ, tránh trùng lắp, lãng phí, mất mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, tổ chức khảo sát nhu cầu cần triển khai lắp đặt camera tại tất cả các khu vực thuộc địa bàn quản lý, như các mục tiêu, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, công trình mang tính biểu tượng, biểu trưng, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; các tuyến giao thông, các địa điểm công cộng, giải trí; các địa điểm phục vụ dân sinh như nhà ga, bến xe, sân bay, chợ, siêu thị, khách sạn, khu công nghiệp, ngân hàng… bảo đảm tránh trùng lắp, tận dụng tối đa hệ thống đang có.

Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ trong lĩnh vực được giao, các đơn vị đề xuất nhu cầu về áp dụng, tích hợp công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo vào hệ thống nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác và hiệu quả trong đầu tư. Trên cơ sở kết quả khảo sát thực trạng và nhu cầu triển khai hệ thống camera giám sát, thành phố sẽ xây dựng vị trí chung, tổng thể cho hệ thống camera của thành phố.

Camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông tại Hà Nội. Ảnh: V.Dũng

Trước đó, trả lời chất vấn trước HĐND TP Hà Nội tại phiên họp cuối năm 2023, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho hay, hiện thành phố có 550 nút điểm đèn tín hiệu, 605 camera. Số camera chia làm hai loại, một loại chỉ đo lưu lượng giao thông trên đường, quan sát tổng thể; một loại có thể nhận diện hành động của người điều khiển phương tiện giao thông để xử lý vi phạm. Những hình ảnh camera ghi lại được kết nối về trung tâm chỉ huy của công an thành phố. Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, số camera, đèn tín hiệu ở Hà Nội vẫn còn ít so với yêu cầu. Thời gian tới sẽ nâng cấp camera sẵn có, đồng thời tiếp tục triển khai các dự án về camera trên địa bàn.

Cuộc sống đô thị đã mang lại rất nhiều tiện ích cho công dân, nhưng cũng mang đến nhiều vấn đề, cần có sự hỗ trợ của camera giám sát. Khi ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trang bị camera giám sát trên các tuyến đường sẽ làm thay đổi phương thức tuần tra kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông, giảm một lượng đáng kể cảnh sát giao thông có mặt ở trên đường.

Việc triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông và an ninh trật tự trên các tuyến đường trong những năm qua đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao ý thức tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông, hiệu quả trong việc ngăn ngừa, đấu tranh và truy tìm các loại tội phạm. Người dân sẽ cảm thấy an tâm khi ra đường hơn. Tuy nhiên, camera giám sát cũng khiến một bộ phận công dân cảm thấy bị theo dõi và lo lắng về việc rò rỉ thông tin cá nhân. Do đó, vấn đề quyền riêng tư và dữ liệu của công dân cần được đảm bảo./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Đó là một đêm dài với thành phố Hà Nội. Rất nhiều lực lượng cứu hộ, cứu nạn và y tế đã được huy động để nỗ lực dập tắt vụ hoả hoạn xảy ra ở số 258 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm. Trước ngọn lửa dữ, đã có nhiều người không thể thoát thân. Một vụ cháy khiến nhiều người bàng hoàng, đau xót và cả phẫn nộ. Từ sáng sớm tới tận chiều muộn, ở đâu người ta cũng theo dõi tin tức về vụ việc này.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 không chỉ là sân chơi lớn cho các quốc gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng mà còn là cơ hội để Việt Nam ta thể hiện năng lực tổ chức và khẳng định vai trò, sức mạnh quân sự Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo Thông tư 47/2024 của Bộ Giao thông Vận tải (có hiệu lực từ 1/1/2025), quy định xe mô tô, xe gắn máy có tuổi đời từ 5 đến 12 năm phải kiểm định khí thải hai năm một lần, xe trên 12 năm tuổi phải kiểm định hàng năm.

Hơn một tháng nữa, Tết đến xuân về. Những trận mưa phùn cuối tuần trước cộng với tiết trời lạnh đặc trưng của mùa đông, mầm xanh trên cành đào bừng tỉnh, báo hiệu người dân đã sẵn sàng cho vụ Tết đang cận kề. Ở những làng hoa ven đô như Tây Tựu, Ngọc Hà từng tốp người chăng đèn sưởi ấm cho hoa để phục vụ nhu cầu chơi Tết của người Hà Nội.

Là một người yêu Hà Nội, hẳn chúng ta luôn thấy hạnh phúc vì những thứ mình đang có và cả những thứ Thành phố này đem lại cho mình. Ở Hà Nội, ta sẽ quen với cảm giác được thức giấc bởi tiếng loa phường thân thuộc chào ngày mới "Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội".

Những ngày vừa qua, dư luận không khỏi hoang mang khi đọc tin về vụ TikToker Phó Đức Nam (biệt danh Mr.Pips) và Lê Khắc Ngọ (biệt danh Mr Hunter) đã trở thành tác giả của một vụ lừa đảo "vô tiền khoáng hậu" tại Việt Nam và có lẽ cũng là hiếm có trên thế giới. Câu hỏi đặt ra liệu đâu đó còn những Mr.Pips tương tự như thế nữa không?