Xây dựng, cải tạo chợ - cần các giải pháp đồng bộ | Hà Nội tin mỗi chiều

Xây dựng, cải tạo chợ - cần các giải pháp đồng bộ; Chính phủ đã bãi bỏ hình thức thi, chỉ giữ lại xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức dựa vào năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Xây dựng, cải tạo chợ - cần các giải pháp đồng bộ

Ngày 15/12, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về việc phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố năm 2024. Thành phố đặt mục tiêu năm 2024 dự kiến xây mới 36 chợ; đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 76 chợ,. 95% chợ được phê duyệt phương án giá sử dụng diện tích bán hàng; 100% chợ phê duyệt sửa đổi nội quy hoạt động, phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng...; 100% xã, phường, thị trấn hiện chưa có chợ nhưng có nhu cầu phát triển chợ được rà soát đưa vào danh mục mạng lưới chợ trên địa bàn thành phố…

Không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, chợ còn mang ý nghĩa văn hóa, xã hội. Vì vậy, việc cải tạo, xây dựng lại các khu chợ cũ, chợ truyền thống tại Hà Nội sẽ góp phần cải thiện điều kiện sống cho người dân, tạo dựng môi trường thương mại đô thị văn minh, hiện đại. Hiện nay, tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố,  hệ thống chợ còn thiếu, hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, dẫn đến việc các tụ điểm chợ cóc phát triển.

Hiện nay, chợ Châu Long (Q. Ba Đình, Hà Nội) vẫn còn hàng trăm hộ kinh doanh nhỏ lẻ, việc buôn bán tương đối ổn định với các mặt hàng chủ yếu là thực phẩm.

Chợ truyền thống có những ưu thế là tiện lợi cho người mua, giá cả phải chăng và phù hợp với tâm lý tiêu dùng của người Việt. Thực tế, chợ truyền thống là hình ảnh đã quen thuộc với người Việt từ lâu và đến nay tâm lý buôn có bạn, bán có phường vẫn có sức sống. Đây không chỉ là kênh tiêu thụ nông sản đơn thuần mà còn là nơi kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai của một đô thị mang bản sắc Việt. Vì vậy, trước khi quy hoạch, xây mới, cải tạo hay chuyển đổi công năng đều  cần phải cân nhắc, suy xét thấu đáo.

Theo thống kê, hiện nay Hà Nội có hơn 540 chợ truyền thống. Hiện chợ truyền thống đảm nhận khoảng 40% nhu cầu mua sắm của người dân các quận nội thành và ở khu vực ngoại thành là khoảng 70%.…Tuy nhiên, cơ chế quản lý và phát triển chợ trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều vướng mắc nên không thu hút được các doanh nghiệp tham gia. Nguyên nhân của tình trạng này là do việc triển khai quy hoạch chợ còn chậm. Chuyển đổi mô hình chợ cũng gặp nhiều khó khăn, muốn chuyển sang hình thức xã hội hóa, nhưng không thể giao cho doanh nghiệp vì phần đất vẫn là đất công, khiến doanh nghiệp không mặn mà tham gia đầu tư. Ngoài ra, cơ chế đầu tư từ nguồn vốn ngân sách cũng còn không ít vướng mắc, việc quản lý phức tạp nên các chợ gặp khó khăn trong cải tạo, nâng cấp. Theo báo cáo tiến độ các dự án chợ đầu tư xây mới, cải tạo giai đoạn 2022-2025 đến nay, đã có 19 đơn vị đăng ký đầu tư xây dựng, cải tạo chợ năm 2023. Tuy nhiên, tiến độ triển khai còn rất chậm do gặp nhiều vướng mắc. Chợ thì đang giải phóng mặt bằng, chợ thì đang chờ hướng dẫn về thủ tục giao đất cho thuê đất, chợ đang vướng mắc về xác định khoản chậm nộp ngân sách.

Tiêu chuẩn chợ an toàn, văn minh thương mại phải hướng đến các điều kiện về xây dựng đúng quy chuẩn, tuân thủ nguyên tắc về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm… Chính vì vậy, để thực hiện được kế hoạch về việc phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố năm 2024  thì cần có những chính sách hỗ trợ tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận quỹ đất sạch nhằm giảm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, giảm thời gian chuẩn bị đầu tư dự án; ưu tiên bố trí quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành để xây dựng chợ dân sinh đáp ứng nhu cầu nhân dân. Các sở, ngành chức năng, UBND các cấp cần  huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn thành phố một cách tổng thể, đồng bộ cả ở nội thành và ngoại thành. Cần thực hiện công khai, minh bạch các dự án phát triển chợ bao gồm: vị trí, diện tích, công năng, quy hoạch xây dựng, các mục đích sử dụng, quy chế, cơ chế đầu tư, các quyền lợi, nghĩa vụ của các bên có liên quan, đặc biệt là tổ chức đấu thầu. Tất cả những điều đó sẽ góp phần tạo sự đồng thuận xã hội ở mức cao nhất, cũng như bảo đảm hài hòa lợi ích.

Chính phủ bỏ thi thăng hạng viên chức

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 85 sửa đổi một số điều của Nghị định 115 về tuyển dụng và quản lý viên chức, trong đó sửa đổi tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Với Nghị định này, chính thức bỏ thi thăng hạng viên chức, thay vào đó sẽ xét thăng hạng. Viên chức được đăng ký dự xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện.

Thực tế, quy định về tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong thời gian vừa qua gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, các bộ quản lý các chức danh nghề nghiệp chuyên ngành chậm ban hành các thông tư quy định về nội dung, hình thức thi và xét thăng hạng dẫn đến không kịp thời trong việc tổ chức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi của đội ngũ viên chức. Hiện nay, toàn quốc có 1,8 triệu viên chức khiến kỳ thi thăng hạng hàng năm tốn kém, có nhiều tiêu cực. Hơn nữa, trong 6 năm (2012-2018) chỉ có 6 bộ tổ chức thi. Các địa phương cử viên chức tham gia các kỳ thi này, thay vì tự tổ chức. Chỉ có TP. Hà Nội tổ chức thi. Những chức danh như kiến trúc sư, thẩm kế viên, đo đạc, địa chính, đạo diễn chưa được thi.

Ảnh minh họa

Việc tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp cũng chưa thật sự gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức; nội dung thi thăng hạng còn hình thức, chưa sát với vị trí việc làm và đặc thù công việc của từng chức danh nghề nghiệp dẫn tới không đạt mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ của việc thăng hạng. Viên chức trước và sau khi được thăng hạng không có sự thay đổi về công việc và chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc thăng hạng hiện nay chủ yếu để giải quyết chế độ tiền lương và thu nhập. Việc bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và giữ xét thăng hạng được sự đồng tình, ủng hộ cao của các bộ, ngành, địa phương và đội ngũ viên chức, đặc biệt là viên chức trong ngành giáo dục, y tế. Bởi đây cũng là một quyết định nhằm tiếp tục thực hiện cải cách công vụ, đổi mới phương thức quản lý đội ngũ, cải cách thủ tục hành chính theo đúng chủ trương bảo đảm “phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm và giảm gánh nặng thi cử đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bán hàng trực tuyến của những người nổi tiếng đã không còn quá xa lạ nhưng đây cũng là cách quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ hàng hoá qua kênh online của những người dân ở Bát Tràng. Từ vùng an toàn của những người nghệ nhân cần mẫn với văn hoá làng nghề, giờ đây họ đã tìm được làn gió mới, gia tăng thu nhập cho chính mình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Hà Nội vừa có đề xuất giá thuê nhà ở xã hội từ 48.000 đồng/m²/tháng và cao nhất 198.000 đồng/m²/tháng. Hiện đề xuất này đang trong thời gian lấy ý kiến rộng rãi.

Xe buýt có lẽ là phương tiện vận tải công cộng phổ biến không chỉ ở Hà Nội mà ở tất cả các tỉnh thành. 10 năm qua, một chiếc vé xe buýt ở Thủ đô chỉ với giá chưa tới 10.000 đồng. Nhưng kể từ 1/11 tới đây, Hà Nội sẽ tăng giá vé xe buýt, liệu có tác động gì đến người dân?

Nếu một ngày, tắc đường không còn nữa, thay vào đó là những dòng xe di chuyển êm đềm, nhịp nhàng, không có khói bụi ô nhiễm thì quả là “đáng mơ ước”.

Một hoa hậu đầy tai tiếng với scandal chưa đọc hết một cuốn sách lại sắp phát hành một cuốn tự truyện cuộc đời ở tuổi 28. Có điều gì đáng bàn ở câu chuyện này?

Những âm thanh tưởng chừng có trong một bộ phim hành động nhưng thực chất lại là âm thanh nẹt bô, rú ga của những cô, cậu học trò trên đường được ghi lại. Điều gì đang xảy ra thế này?