Xôi chè phố cổ - món quà thi vị của Hà Nội

Trong tiết trời thu Hà Nội, một bát xôi chè là món quà tuyệt vời mà phố cổ Hà Nộidành tặng cho những tâm hồn lữ khách. Xôi chè không chỉ là món ăn, mà còn là một phần ký ức, là sợi dây kết nối giữa thực tại và quá khứ.

Phần chè hoa cau ngọt dịu, mang theo hương thơm gạo nếp quyện với nước cốt dừa béo ngậy, kích thích vị giác của người thưởng thức. Mỗi muỗng xôi đưa lên miệng, ta cảm nhận được sự mềm mịn, dẻo thơm tan chảy trong khoang miệng, mang đến cảm giác ngọt ngào đến khó tả; đưa mỗi người trở về tuổi thơ êm đềm.

Xôi chè là một món ăn đặc trưng và đậm nét thanh tao của người Hà Thành xưa. Một bát xôi chè bao gồm xôi, cụ thể là xôi vò đỗ xanh và chè. Xôi được đồ rất khéo, từng hạt béo, mềm và không dính bết lại với nhau, có màu sáng, vàng ươm, nhìn vô cùng bắt mắt. Còn chè ăn kèm là chè hoa cau, có vị thanh và mát vô cùng.

Để có những bát xôi chè thơm ngon, từ khâu chọn nguyên liệu tới khi làm món ăn, từng công đoạn được làm một cách chỉn chu, cẩn thận. Đã là xôi thì phải làm từ gạo nếp và phải đặc biệt là phải dính, phải dẻo như xôi gấc, xôi xéo, xôi ngô nhưng xôi vò lại không mang đủ đặc điểm như vậy. Hạt xôi vẫn dẻo thơm, vẫn mềm mại nhưng từng hạt tơi mịn, tách rời nhau ra. Xôi vò cũng có màu vàng như xôi xéo, nhưng không phải vàng đậm của lá nghệ mà là màu vàng nhạt của đỗ đã giã nhuyễn thái nhỏ và trộn đều vào, đó cũng là bí quyết tạo sự tơi xốp cho từng hạt xôi.

Đỗ xanh để nấu chè và cho vào xôi phải là loại đỗ hạt tiêu, tuy nhỏ nhưng vàng và thơm, hạt đầy thịt không lép. Đỗ ngâm qua đêm để hạt ngậm đủ nước, khi đồ không bị sượng. Nước sôi, người ta đặt chõ lên đồ, đỗ chín phải dùng tay miết nhẹ, hạt đỗ tơi ra là được. Một phần đỗ đã đồ để riêng rắc vào chè, phần còn lại cho vào cối giã rồi nắm thành từng nắm nhỏ.

Gạo nếp để ráo rồi rắc chút muối, xóc đều rồi cho vào chõ. Bước này người làm phải cẩn thận để một khoảng trống nhỏ giữa chõ cho hơi nước thoát lên, những hạt nếp phía dưới không bị nát. Xôi chín tới thì rải đều ra mâm, quạt cho xôi thật nguội. Để hạt xôi ngon, nhất định phải chọn được gạo nếp cái hoa vàng, hạt gạo mới. Khâu đồ xôi cũng rất quan trọng, phải canh từng hạt xôi cho chín vừa, nếu không cẩn thân xôi rất dễ bị nát.

Chén chè trong veo, lác đác trong đó là hạt đỗ vàng trên mặt bát rắc thêm một chút đỗ nữa cho bùi bùi, ăn kèm đĩa xôi vò thơm phưng phức, ngát hương hoa bưởi sao mà ngây ngất. Chè hoa cau ở đây dùng bột sắn quê đã ướp hoa bưởi, pha vào nước lạnh cho tan rồi cẩn thận lọc lại. Đường hoa mai nấu tan trong nồi, nước sôi thì từ từ đổ bát bột sắn vào khuấy đều tay, nước hơi sánh lại thì dừng để bột không bị quá già hay quá non.

Đỗ xanh rắc vào chè phải thật khéo, không chìm, không vón cục mà chỉ lơ lửng như hoa cau vàng ươm, nhẹ nhàng, tinh khiết. Khi ăn thì thêm chút dừa tươi lên trên phần xôi vò vàng thơm thật tuyệt.

Trong tiết trời sang thu của Hà Nội, vị chè thanh mát của đường phèn, hoa bưởi... làm tôn lên hương thơm, hương vị của đỗ xanh, sắn dây. Những hạt xôi dẻo tơi, căng mọng, lớp đỗ xanh bên ngoài bao quanh thơm dịu... Nhưng để trọn vị nhất phải thưởng thức xôi vò cùng chè hoa cau, hương vị hòa quyện, đan xen với nhau tạo nên một trải nghiệm đặc sắc.

Nguyên liệu làm xôi chè tuy đơn giản nhưng cách làm vô cùng tỉ mỉ, cầu kì. (Ảnh: Internet)

Trong gia đình người Việt Nam, món xôi chè thường được các bà, các mẹ làm vào dịp lễ tết, ngày rằm, mồng một, hay dịp lễ cúng tổ tiên. Xôi chè cũng dâng lễ trong đình, chùa, miếu. Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi sáng, trưa hay tối, xôi chè đều có thể được sử dụng trong bữa ăn chính hoặc ăn phụ vào chiều, đêm khuya.

Theo quan niệm người Việt xưa, xôi chè là món ăn ngon, phù hợp với nhiều thời điểm trong năm và mang ý nghĩa tốt đẹp. Xôi vò ăn cùng chè để thể hiện sự trọn vẹn thành tâm và cầu chúc gia đình ấm no, đủ đầy. Những món xôi, chè có hương vị truyền thống, nấu theo công thức gia truyền tại quán nhỏ lâu năm ở phố cổ Hà Nội chắc chắn sẽ là một trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ khi đến với Thủ đô.

Xôi vò chè đường vốn là món ăn để thưởng thức chứ không phải ăn để no. Đây là một trong những món tráng miệng trong các bữa cỗ chay, là món xôi đặc trưng chỉ có ở Hà Nội với gạo nếp, đỗ xanh, bột sắn... cách làm cầu kỳ, đòi hỏi sự khéo léo. Nguyên liệu giản đơn, nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Hà Nội sẽ trở thành một món xôi thơm ngon, thanh tao, làm vấn vương bao thực khách khi ghé thăm Hà Nội. Đây cũng là món xôi duy nhất được thưởng thức cùng chè hoa cau.

Xôi vò, chè hoa cau là một sự kết hợp tinh tế, gợi nhiều liên tưởng thi vị: Theo cách nói Hà Nội thì thưởng thức rất thanh cảnh, sự kết hợp xôi chè vừa đủ, hòa quyện. Hành động thổi xôi, nấu chè tạo nên sự gắn kết chặt chẽ về mặt cảm xúc, về mặt vị giác của con người... Nó cũng mang ý nghĩa âm dương, bát chè tượng trưng cho yếu tố Âm, đĩa xôi tượng trưng cho yếu tố Dương. Xôi vò và chè hoa cau còn là một trong những món ăn, vật phẩm tinh tế, thanh khiết trong mâm cỗ cúng của người Hà Nội dâng ban thờ Phật, thờ gia tiên.

Xôi vò và chè hoa cau. (Ảnh: VNexpress)

Không biết từ khi nào xôi vò, chè hoa cau đã in đậm vào tâm thức của những người dân Hà Thành, một lần thử mang bao vấn vương trong lòng. Để rồi, họ tự nhắc nhở bản thân về trách nhiệm lưu giữ, lan tỏa những giá trị truyền thống trong văn hóa ẩm thực của Hà Nội qua nhiều thế hệ.

Giờ đây, bên cạnh những quán xôi chè nổi tiếng, trên mỗi con phố của Hà Nội, ở đâu đó vẫn có những thúng xôi, nồi chè. Với đôi tay khéo léo của các bà, các mẹ món xôi chè là đã trở thành nét ẩm thực hấp dẫn với bao người. Xôi vò từng hạt có màu vàng tươi tự nhiên, chín mềm, dẻo thơm và tơi bở của đỗ. Sự kết hợp giữa xôi vò và chè đỗ tạo nên một món ăn với hương vị thơm ngon, hấp dẫn mà bất kỳ ai thưởng thức cũng sẽ vấn vương.

Món chè hoa cau như người Hà Nội, nhẹ nhàng, thanh tao nhưng lại ngọt ngào, tình cảm như đưa thực khách đi đến chuyến phiêu lưu của vị giác. Một món quà người Hà Nội hay ăn vào những buổi sáng có khi nửa buổi chiều đó đã đi sâu vào tiềm thức của bao người dân Hà Nội và của mỗi vị khách du lịch đến với thành phố văn hiến này.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Từ những bó hoa tươi có mặt vào những dịp lễ đặc biệt, những khoảnh khắc đáng nhớ, qua bàn tay khéo léo đã trở thành sản phẩm hộp hoa khô, khung ảnh hay đèn hoa... để kỷ niệm được lưu giữ.

Bảo tàng Sinh học, Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) được thành lập năm 1926. Đây là Bảo tàng Sinh học đầu tiên của Đông Dương. Trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, lần đầu tiên, Bảo tàng đặc biệt này mở cửa cho người dân tham quan.

Sau cơn bão Yagi tàn phá, những cánh đồng ở xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội, đã hồi sinh với vẻ đẹp tràn đầy sức sống.

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được gọi là đất Kẻ Chợ. Theo các ghi chép lịch sử, thành Đại La từ xưa là một khu chợ của cả lưu vực sông Hồng, vậy nên người dân khắp nơi đổ về đây trước hết là để buôn bán, dần dần về sau, họ lập thành các phường nghề, rồi làng nghề và hình thành nên các con phố "hàng" trên mảnh đất Kinh kỳ.

Bà con tại xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội tất bật với công việc làm miến rong để chuẩn bị cho nhu cầu thực phẩm ngày Tết của người dân, công việc làm miến dù vất vả nhưng đã trở thành nhịp sống quen thuộc của người dân nơi đây.

Chè là một món ăn quen thuộc của người Hà Nội. Với mỗi mùa, Hà Nội lại có những món chè khác nhau mang đặc trưng riêng. Dù hiện nay có rất nhiều loại chè được biến tấu đủ mọi hương vị, thế nhưng quán chè Trường Thao nằm trong con ngõ nhỏ ở Phố Huế vẫn lưu giữ hương vị chè truyền thống trong suốt 50 năm qua.