Xử lý mạnh nồng độ cồn để tạo hiệu quả lâu dài
An toàn giao thông dịp Tết qua những con số
Theo số liệu từ đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, trong dịp Tết Giáp thìn vừa qua, toàn quốc xảy ra 541 vụ tai nạn giao thông, làm chết 214 người và bị thương 504 nạn nhân. So với cùng kỳ năm trước, số người chết giảm 69 người, tương đương 25%.
Về xử lý vi phạm, CSGT cả nước đã xử lý 71.409 trường hợp; phạt tiền 182,4 tỉ đồng.
Đáng chú ý, có 29.099 lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử lý. Con số này tăng tới 277,7% so với cùng kì Tết Quý Mão.
Chỉ tính riêng tại thủ đô Hà Nội, kết thúc kỳ nghỉ Tết kéo dài 7 ngày, các lực lượng phát hiện xử lý 1.262 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng 126% so với cùng kì năm trước.
Bệnh viện "vắng" bệnh nhân TNGT do rượu bia
Trong 7 ngày Tết, cả nước ghi nhân hơn 29 nghìn trường hợp bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn cao gấp 3,5 lần so với dịp nghỉ Tết năm 2023. Nhờ có xử phạt nghiêm nên số tai nạn giao thông do rượu bia đã giảm đáng kể.
Đến 10 giờ sáng ngày 20/2, số ca tại nạn giao thông liên quan đến rượu bia ở một số đều không có. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng cho người dân quen dần với văn hóa đã dùng rượu bia thì không lái xe.
Sáng ngày 20/2, Trung tâm cấp cứu A9 của bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khá nhiều ca cấp cứu với các lí do khác nhau, trong số này có hai trường hợp bị TNGT. Cả hai bệnh nhân đều bị tai nạn xe máy do đường trơn và điều khiển xe quá tốc độ, không liên quan đến sử dụng bia, rượu.
Anh Nguyễn Đức Anh, Quận Hai Bà Trưng cho biết: "Tôi bị xe máy tạt đầu, phanh gấp đường trơn ngã. Người trẻ như chúng tôi đã nhận thức được đã uống rượu bia thì không lái xe…".
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Quế Sơn, Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa - Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "So sánh lượng bệnh nhân tai nạn giao thông từ Tết và nay giảm nhiều và không có bệnh nhân nặng như năm trước về chấn thương sọ não, chỉ phần mềm".
Tại bệnh viện Thanh Nhàn, từ 29 Tết đến sáng nay, Khoa cấp cứu ngoại tiếp nhận gần 250 ca tai nạn giao thông nhưng chỉ có 20 ca liên quan đến bia, rượu.
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Khang Ninh, Phó Trưởng Bộ phận cấp cứu ngoại, Bệnh viện Thanh Nhàn chia sẻ: "Tai nạn giao thông giảm do rượu bia đã giảm gắng nặng cho gia đình, xã hội và y tế".
Ghi nhận tại một số bệnh viện khác như Việt Đức hay Xanh Pôn, số ca nhập viện cấp cứu do TNGT liên quan đến rượu bia dịp trước, trong và sau Tết cũng giảm 20% - 50% so với cùng kì năm trước.
Còn theo Bộ Y tế: dịp nghỉ Tết vừa qua, số ca khám, cấp cứu tai nạn giao thông là hơn 23 nghìn trường hợp, giảm 12,1% so với cùng kỳ. Việc giảm số ca nhập viện do TNGT liên quan đến bia rượu được xem là tín hiệu đáng mừng cho việc người dân quen dần với việc đã dùng rượu bia thì không lái xe.
Tuy nhiên, các bệnh viện cũng cho biết, dù ít hơn năm ngoái, nhưng các ca nhập viện do TNGT liên quan đến bia rượu năm nay vẫn rất nghiêm trọng, với nhiều trường hợp chấn thương sọ não, hôn mê sâu.
Kiểm soát nồng độ cồn ở các cửa ngõ
Tết là thời điểm của nhiều cuộc liên hoan, chúc nhau những ly rượu, cốc bia mừng năm mới. Cũng vì lý do này các vi phạm liên quan tới nồng độ cồn có chiều hướng tăng. Để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân đón Tết, lực lượng chức năng sẽ duy trì kiểm soát các vi phạm liên quan tới nồng độ cồn khi lái xe đặc biệt các tuyến đường cửa ngõ ra vào Hà Nội. Ghi nhận của phóng viên về việc kiểm soát nồng độ cồn tại Quốc lộ 6 trong ngày đầu tiên trở lại làm việc của cán bộ, viên chức, người dân sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán.
Theo chia sẻ của cán bộ, chiến sỹ tổ công tác liên ngành tại chốt trực Đội CSGT số 12, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội; Từ 6 giờ sáng, tổ công tác đã tiến hành kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện ô tô, xe máy cũng như xử lý các lỗi vi phạm luật giao thông đường bộ khác.
Sau hơn ba tiếng đồng hồ, kiểm tra yêu cầu chủ phương tiện nghiêm túc chấp hành thực hiện việc kiểm tra nồng độ cồn, không có bất cứ một trường hợp nào vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên tuyến quốc lộ 6 hướng về nội đô.
Quốc lộ 6 tuyến giao thông huyết mạch nối các tỉnh Tây Bắc về với Thủ đô và chiều ngược lại, lượng phương tiện lưu thông trên tuyến rất lớn. Theo ghi nhận của phóng viên, hàng chục cho đến cả trăm lái xe điều khiển ô tô không sử dụng rượu bia trước khi điều khiển phương tiện.
Bên cạnh các tổ tuần tra xử lý vi phạm liên tuyến khu vực cửa ngõ ra vào Hà Nội, ngay trong khu vực nội đô, các chốt kiểm soát nồng độ cồn cũng sẽ được duy trì đến ngày 09/03/2024 tại các trục đường chính bất kể ngày đêm. Lực lượng liên ngành tập trung xử lý ở các tuyến trọng điểm, trục xuyên tâm ra vào thành phố, ở nơi thường diễn ra lễ hội, nhà hàng, quán xá. Công việc sẽ thực hiện thường xuyên và khép kín địa bàn để đảm bảo người dân tham gia giao thông an toàn.
Thay đổi văn hóa sử dụng rượu bia
"Hôm nay uống rượu rồi ông gọi vợ đến lái xe về" hay "Quý khách uống rượu bia rồi hãy để xe lại nhà hàng và nên đi taxi về" là những câu nói gần đây xuất hiện nhiều hơn tại các bữa liên hoan. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng cho thấy việc "Nói không với rượu bia khi tham gia giao thông" đã đi từ nhận thức đến hành động thực tế.
Những bữa tiệc khai xuân ngày tết thường không thể thiếu ly rượu, cốc bia. Điều đáng mừng là năm nay đa phần người sử dụng rượu bia đều lựa chọn không lái xe khi đã sử dụng đồ uống có cồn hoặc vì còn lái xe nên uống nước ngọt thay vì bia rượu
Anh Chu Văn Khá - tài xế lái xe Taxi chia sẻ: "Tôi là tài xế taxi giờ thấy ở các quán nhậu đa phần khách uống đều gọi taxi để về, nói chung quan sát là thấy người ta có ý thức rồi, uống rượu bia giờ ít người tự lái xe lắm".
Những tấm pano áp phích tuyên truyền về văn hoá uống rượu biêu cũng liên tục được các lực lượng chức năng dán tại các nhà hàng. Nhiều doanh nghiệp cũng có các phần mềm cung cấp dịch vụ lái xe cho người đã uống rượu bia. Nhiều nhà hàng cũng chủ động bổ sung dịch vụ đưa người đã uống rượu về nhà để công việc kinh doanh suôn sẻ hơn. Do đó, việc tăng cường tuyên truyền va nhất là việc lực lượng công an liên tục kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã giúp thay đổi từ nhận thức đến hành vi của người dân.
Chị Nguyễn Thúy Hòa - Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: "Theo quan sát của tôi, hàng xóm láng giềng, hay anh em họ hàng hiện tuân thủ khá tốt rồi. Bây giờ lái xe là không uống rượu bia nữa nên bản thân mình cũng cảm thấy khá yên tâm".
Sau khi đồng tình, ủng hộ rồi thay đổi hành vi, thì bước tiếp theo chính là hình thành văn hóa "Đã uống rượu bia thì không lái xe".
Ông Khương Kim Tạo - Nguyên Phó Chánh văn phòng Uỷ ban ATGTQG cho biết: "Có thể nói, các chuyên gia trên thế giới đã khẳng định, văn hóa giao thông là liều vắc xin quan trọng nhất để có thể xử lý về công tác đảm bảo trật tự ATGT".
Do đó, ý thức của người tham gia giao thông vẫn là quan trọng nhất trong việc chấp hành quy định về nồng độ cồn. Nếu không có nhận tức tự thân mà chỉ dừng ở việc vì sợ bị phạt nặng mà không vi phạm thì vẫn chỉ là giải quyết phần ngọn. Khi tất cả cùng xem việc "không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông" là chuẩn mực văn hóa, nếu không thực hiện thì sẽ tự mình khiến bản thân lạc lõng trong xã hội, thì mới có thể giải quyết được tình trạng này từ gốc.
Đã uống rượu bia thì không lái xe
Uống rượu, bia không hoàn toàn xấu nhưng uống cần chừng mực và đã uống thì không điều khiển phương tiện giao thông. Việc cấm rượu, bia trong lúc lái xe có thể xem là một quy định văn minh và nhân văn. Văn minh ở chỗ xác định vị thế của con người không uống rượu, bia để làm chủ phương tiện hiện đại, làm chủ công nghệ chứ không phải lệ thuộc công nghệ hay bị công nghệ tác động. Nhân văn bởi nó bảo vệ sự an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông, bảo vệ chính sức khỏe người tham gia giao thông, an sinh của cả gia đình, xã hội... Quan trọng hơn, việc này đã đi sâu vào đời sống, giúp hình thành thói quen đã uống rượu bia thì không cầm lái phương tiện.
Để tình trạng này được kéo giảm phải xử lý nghiêm, không vùng cấm, không nể nang biểu hiện thái độ của người quản lý điều hành trong việc điều chỉnh các hành vi xã hội. Đây là thái độ cũng rất văn minh, mang tính công bằng, dân chủ cho xã hội. Việc này còn tác động trở lại, giáo dục ý thức của con người khi uống rượu, bia thì không lái xe.
Cầu Phong Châu mới trên Quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ đã chính thức triển khai thi công theo lệnh khẩn cấp, yêu cầu hoàn thành xây dựng và đưa công trình vào khai thác trong năm 2025 nhằm nhanh chóng giải quyết tình trạng đứt gãy giao thông.
Theo Thông tư 73/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày1/1/2025, về công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, công an có thể khai thác dữ liệu từ camera hành trình để xử lý vi phạm.
Với sự kết nối mạnh mẽ và sự đa dạng của các ngành nghề, người trẻ đang đứng trước những cơ hội đầy hứa hẹn. Họ chọn những con đường sáng tạo hơn, chủ động hơn trong công việc. Không ít người đã rẽ lối sang công việc tự do để theo đuổi đam mê, mong muốn tự do thể hiện bản thân mình.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, rác thải nhựa từ thương mại điện tử có thể đạt 800.000 tấn vào năm 2030 nếu không có giải pháp đóng gói bền vững.
Sáng 22/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành Dự án tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên), thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) và thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai).
Với mong muốn hun đúc tình yêu quê hương đất nước và giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương, Quận đoàn Hà Đông đã tổ chức chương trình “Ngàn lá cờ Tổ quốc vì Trường Sa thân yêu”, thu hút đông đảo các bạn đoàn viên thanh niên, học sinh tại các trường học nhiệt tình tham gia.
0