Xuân về mênh mang nỗi nhớ mẹ

Những ngày cuối cùng của mùa đông đang dần khép lại. Nhìn dòng người hối hả lao xao trong phiên chợ Tết cuối năm, nỗi nhớ mẹ lại dâng lên trong lòng người con khi xuân đang về mà mẹ đã khuất xa…

Chiều nay, Hường mời bạn nghe những dòng cảm xúc của Hoàng Hồng gửi về cho chương trình.

Tháng Chạp đã vào những ngày cuối cùng của năm, tôi hòa vào dòng người đông đúc nơi phiên chợ tết chốn quê nhà. Mọi thứ như gần gũi, thân quen trong không khí nhộn nhịp những ngày giáp Tết. Bất chợt, tim tôi chững lại một nhịp khi bắt gặp một dáng hình, một ánh nhìn, trông giống bóng dáng mẹ kính yêu của tôi. Phía bên kia đường, một bà cụ đang ngồi chờ bán những bó lá dong, lá chít chắc là của nhà trồng được. Một nỗi nhớ như cuộn trào trong trái tim tôi. Ký ức xưa lại ùa về miên man, khắc khoải. Tôi rưng rưng nơi khóe mắt, vì biết rằng mẹ tôi đã đi thật xa, mãi tận miền mây trắng.

Còn nhớ ngày bé, trong năm anh chị em, tôi hay nhõng nhẽo đòi theo mẹ ra đồng cho bằng được. Cho đến khi mẹ phải dỗ dành rằng tôi ở nhà chơi ngoan, mai mẹ đi chợ về sẽ mua kẹo cho, tôi mới thôi theo đuôi mẹ. Đó là những viên kẹo vàng, thứ quà mà tôi luôn mong đợi mỗi khi mẹ đi chợ về. Nó như một thứ quà không thể thiếu mang lại cho tôi niềm vui, giúp tôi lớn lên trong căn nhà đầy ắp tiếng cười trẻ thơ ấy. Ngày ấy, cứ thấy bóng mẹ thấp thoáng phía chân dốc gần nhà, tôi chạy ùa ra, sà vào lòng mẹ, ôm mẹ thật chặt rồi ríu rít đòi quà. Nhận được gói kẹo vàng từ tay mẹ, tôi giữ như bảo bối, ngậm kẹo mà không dám nhai, sợ nhanh hết. Bao năm trôi qua, viên kẹo trong tuổi thơ tôi người ta không còn sản xuất nữa, chỉ còn lại trong hoài niệm.

Khi tôi lớn lên một chút, biết giúp đỡ mẹ việc nhà, cùng mẹ làm những công việc của nhà nông trên những cánh đồng lúa, ruộng ngô hay bãi khoai, đồi sắn cũng là khi tôi biết thương mẹ thật nhiều. Những nhọc nhằn in dấu trên gương mặt mẹ. Những giọt mồ hôi mặn chát đã bao lần lăn dài trên đôi má mẹ, thấm đẫm manh áo vải đã bạc vai, sờn chỉ. Tất cả những lo toan, vun vén của mẹ để đổi lại cho các con sự khôn lớn, được học hành và theo đuổi ước mơ.

Việc học hành của anh chị em tôi luôn bắt đầu bằng sự tự giác. Mẹ không bao giờ tạo áp lực cho chị em tôi. Mẹ bảo, mẹ không mong các con học để trở thành ông nọ bà kia, mẹ chỉ mong các con luôn khỏe mạnh, biết nỗ lực và cố gắng vươn lên trong học tập, biết vận dụng những điều học được vào cuộc sống hàng ngày là mẹ đã vui lắm rồi. Ngày tôi được cầm trên tay tấm bằng đại học, cô chủ nhiệm mời mẹ đến dự buổi lễ chia tay sinh viên ra trường, tôi thấy ánh mắt mẹ rưng rưng.

Còn nhớ mãi cái ngày con trai tôi cất tiếng khóc chào đời, mẹ tôi hạnh phúc biết bao. Tết năm ấy, mẹ cặm cụi gói cho vợ chồng tôi nồi bánh chưng để ăn tết. Dù mới trải qua cuộc phẫu thuật, sức khỏe chưa hồi phục, nhưng mẹ cứ nhất quyết giành gói bánh chưng. Mẹ nói, mẹ muốn chính tay gói cho các con, các cháu mình những chiếc bánh chưng để đón xuân về.

Thấm thoắt cũng đã mấy mùa xuân qua tôi vắng bóng mẹ. Vẳng đâu đây vẫn như có tiếng mẹ thì thầm những lời an ủi, thúc giục tôi đứng dậy sau những vấp ngã, chênh vênh giữa dòng đời. Anh chị em tôi biết yêu thương và chia sẻ, đùm bọc nhau đó là điều khiến mẹ tôi mãn nguyện nhất trước khi mẹ nhắm mắt xuôi tay.

Quy luật cuộc đời chẳng ai có thể đổi thay, xoay chuyển. Mùa đông qua, mùa xuân tới, cánh đào đang khoe sắc, trẻ thơ nô đùa trong nắng xuân dịu dàng, lòng người rộn rã âm thanh hòa với đất trời, vạn vật. Trong tôi, khúc ca ngân nga ấy là nỗi nhớ mẹ mênh mang, da diết. Con cảm ơn mẹ thật nhiều! Với con, những mùa xuân bên mẹ luôn là những mùa xuân tươi đẹp và đáng nhớ nhất trong cuộc đời./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chiều mưa, hương ngọc lan bên hiên nhà cứ lặng thầm quyến rũ. Bản nhạc Trịnh văng vẳng đâu đây cùng tiếng mưa "nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa...".

Hoa lưu ly (forget me not) - một loài hoa tím nhỏ thủy chung, suốt đời ôm thương nhớ về mối tình vô vọng. Loài hoa tím ấy như tượng trưng cho một cuộc tình tàn phai rồi hồi sinh, hồi sinh rồi lại phai tàn từ kiếp này qua kiếp khác mặc cho trong đời ai nhớ ai quên.

Dường như hầu hết ở các làng quê Việt bây giờ, cùng với những thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thì cổng làng gắn với tên làng đã tạo nên nét riêng dáng dấp của một làng lưu dấu trong tâm khảm mỗi người. Những tên gọi của làng thường hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa nhân văn sâu xa, mang cả ước vọng khát khao của cha ông một thuở lập làng với sự bình an, ấm no đầy đủ. Vì thế, danh xưng những tên làng cứ lưu mãi qua từng thế hệ…

Hà Nội đón tôi đương vào khoảnh khắc giao mùa. Gánh hoa loa kèn trắng tinh khôi tỏa mùi hương dịu nhẹ giao hòa trong làn gió nhè nhẹ khiến tâm hồn đa cảm thêm khắc khoải giao cảm với đời, để mênh mang thương nhớ hương vị cà phê Giảng - thức uống trở thành một phần thân thương, một phần văn hóa của Hà Nội phố.

Mẹ tôi không nghiện trầu cau nhưng mẹ vẫn trồng một giàn trầu xanh mơn mởn. Mẹ bảo nhà có giàn trầu mới ấm áp. Nhưng tôi hiểu mẹ đã gửi gắm vào đó biết bao nhiêu ân tình và cả nỗi nhớ về ngoại khôn nguôi.

Sống nhẩn nha giữa đời vội vã có thể chưa từng dễ dàng với chúng ta. Nhưng khi bước đi dưới những tán lá xanh xào xạc theo con gió, dưới bầu trời một màu ngăn ngắt xa xôi, tôi cảm giác hồn mình như cánh bồ công anh mảnh khảnh tự do bay mãi, chẳng nghĩ ngợi gì. Có những ngày như thế, những khoảnh khắc như thế. Chỉ cần im lặng hít thở thôi cũng đủ hạnh phúc.