Xung đột Nga - Ukraine: Cuộc chạy đua vũ khí hiện đại
Ukraine đẩy nhanh quá trình phát triển vũ khí mới
Trụ cột của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine vẫn là chương trình máy bay không người lái tấn công tầm xa. Chương trình này vẫn tiếp tục chứng minh được hiệu quả khi quân đội Ukraine thường xuyên sử dụng UAV tấn công các mục tiêu cách xa hàng trăm km sâu bên trong lãnh thổ Nga. Máy bay không người lái có lợi thế là việc sản xuất tương đối nhanh và dễ dàng nhưng chúng chỉ cung cấp một một phần giải pháp cho những thách thức mà Ukraine đang phải đối mặt. Theo các chuyên gia, về lâu dài, điều quan trọng đối với Kiev là phải sở hữu hai phương tiện tấn công chính là UAV tầm xa và tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo.
UAV tên lửa Peklo
Đầu tháng 12/2024, quân đội Ukraine bắt đầu nhận được một loại UAV tên lửa mới do nước này tự phát triển. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công bố việc chuyển giao lô UAV tên lửa Peklo (trong tiếng Ukraine có nghĩa là Địa ngục) đầu tiên cho Lực lượng vũ trang nước này.
“Điều rất quan trọng là các lô hàng đã sẵn sàng và mọi người có thể thấy rằng chúng ta có rất nhiều tên lửa và lực lượng vũ trang của chúng ta sẽ có chúng trên chiến trường. Điều rất quan trọng là chúng ta không chỉ thử nghiệm chúng mà còn sử dụng chúng trên quy mô lớn.”
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky
Ukraine cho biết, Peklo là tên lửa lai máy bay không người lái có tốc độ bay tối đa khoảng 700km/h, tầm bắn tới 700km, tức gấp đôi tầm bắn của Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân ATACMS mà Mỹ viện trợ. Hình ảnh do Ukraine công bố cho thấy UAV tên lửa Peklo dường như chỉ dài hơn một mét, có cánh điều hướng và một động cơ phản lực. Trọng lượng đầu đạn có thể không quá 50 kg. Các chuyên gia nhận định, Peklo có cách thức phóng giống máy bay không người lái và không được trang bị động cơ đẩy sơ cấp giống như tên lửa thông thường.
“Vũ khí này có thể tấn công hiệu quả các nhà máy lọc dầu, kho chứa và bất kỳ thứ gì dễ cháy. Ngay cả 50 kg thuốc nổ cũng đủ để xóa sổ một cơ sở quân sự”.
Ông Anatolii Khrapchynskyi - Chuyên gia hàng không
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine, ông Herman Smetanin lưu ý rằng Peklo đã được phát triển trong vòng một năm, một thời gian ngắn kỷ lục. Loại UAV tên lửa này có 70% linh kiện do các công ty trong nước và tư nhân sản xuất. Theo Forces News, đến nay Peklo đã được Ukraine triển khai thành công 5 lần.
Tên lửa RUTA
Phát biểu tại lễ trao Giải thưởng quốc gia Borys Paton hôm 10/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công bố cuộc thử nghiệm thành công tên lửa mới của nước này, có tên gọi Ruta. Tên lửa Ruta có thể là kết quả công trình nghiên cứu của công ty Destinus của châu Âu. Một số báo cáo cho biết, việc bàn giao sản phẩm bắt đầu vào năm 2024. Ban đầu, trang web của công ty mô tả Ruta là máy bay không người lái chạy bằng động cơ phản lực có tầm bắn 300 km. Tuy nhiên, những hình ảnh chi tiết hơn sau đó cho thấy Ruta giống với một tên lửa hành trình thông thường.
Tên lửa này có các bộ phận thiết yếu như đầu đạn, cánh cố định, bình nhiên liệu, khối điện tử và động cơ phản lực nhỏ gọn. Ruta được cho là phóng bằng tên lửa đẩy.
Ưu điểm chính của tên lửa Ruta là khả năng bay với tốc độ cao, ước tính từ 500 - 800 km/h. Tốc độ này làm giảm hiệu quả của hệ thống phòng không di động mà đối phương sử dụng, đồng thời khiến trực thăng không còn là phương tiện đối phó khả thi trong các hệ thống chống máy bay không người lái của Nga. Hiện vẫn chưa rõ khi nào Ruta sẽ được triển khai hàng loạt trên chiến trường.
Vũ khí Laser Tryzub
Phát biểu tại một Hội nghị về quốc phòng ở Kiev mới đây, Tư lệnh Lực lượng Hệ thống Không người lái của Ukraine, ông Vadym Sukharevskyi cho biết Ukraine đã phát triển một loại vũ khí laser có thể bắn hạ máy bay ở độ cao hơn 2 km. Loại vũ khí mới được đặt tên là Tryzub, trong tiếng Ukraine có nghĩa là “đinh ba”.
Hiện thông tin chi tiết về thông số kỹ thuật, thiết kế và phạm vi hoạt động của Tryzub vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, theo Defense Express, nếu vũ khí laser Tryzub của Ukraine thực sự có thể bắn hạ máy bay ở độ cao 2 km, thì đây là một bước phát triển đầy hứa hẹn, ngay cả khi hệ thống này đang chờ được mở rộng quy mô và cải tiến thêm.
Trận chiến chưa từng có trong lịch sử quân sự
Ukraine đã đẩy mạnh ngành sản xuất vũ khí kể từ khi xung đột với Nga nổ ra năm 2022. Các quan chức cho biết Ukraine đã tăng gấp 3 lần tổng sản lượng vũ khí trong nước vào năm 2023 và sau đó tăng gấp 2 con số đó chỉ trong 8 tháng đầu năm nay. Bên cạnh việc phát triển các loại UAV và tên lửa tầm xa, Kiev cũng đang đầu tư mạnh cho việc phát triển các loại thiết bị không người lái. Đặc biệt trong hoàn cảnh bị thiếu binh sỹ, mới đây, lần đầu tiên Ukraine đã tổ chức tấn công các vị trí của quân đội Nga hoàn toàn bằng lực lượng robot chạy trên mặt đất và các máy bay không người lái cảm tử, thay vì triển khai bộ binh.
Tại chiến trường Ukraine, một loại hình binh sỹ mới mà không phải con người đã xuất hiện. Một cuộc tấn công chưa từng có đã được Ukraine thực hiện nhằm vào các vị trí của Nga tại làng Lyptsi, phía bắc Kharkov. Đây là trận chiến đầu tiên trong lịch sử quân sự thế giới sử dụng hoàn toàn robot, thay vì bộ binh.
“Năm nay chúng tôi đã mua vài nghìn phương tiện mặt đất không người lái và tôi tin rằng năm tới, chúng tôi sẽ cần hàng chục nghìn thiết bị như vậy nữa. Những thiết bị này đang được sử dụng tích cực trên tiền tuyến. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng không dễ dàng vì cần phải có kỹ năng tổ chức.”
Ông Mykhailo Fedorov - Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine
Cuộc tấn công của Ukraine cho thấy, trong tương lai những thiết bị không người lái trên mặt đất được trang bị súng máy như thế này có thể đảm nhận nhiệm vụ chiến đấu thay con người.
Con robot này không chỉ có nhiệm vụ tấn công mà còn hoạt động như những kỹ sư, chuyên dò mìn và gài mìn.
Còn những UAV cảm tử như thế này có thể tiếp cận những nơi binh sỹ không thể tiếp cận, thực thi nhiệm vụ, và tổn thất duy nhất chỉ là phần cứng.
Toàn bộ các robot trên chiến trường được điều khiển tại đây, một địa điểm nằm cách xa tiền tuyến. Tuy nhiên, việc sử dụng robot trong chiến đấu cũng phải đối mặt với những khó khăn.
“Trên mặt đất, robot hoạt động không thực sự hiệu quả. Chúng không thể giữ vị trí như các binh sỹ. Chúng cũng chỉ phù hợp với địa hình bằng phẳng và không có quá nhiều bùn lầy. Vì vậy, trong ngắn hạn, chúng chưa thể thay thế con người. Tuy nhiên, ở trên không, máy bay không người lái lại là công cụ hiệu quả và tiết kiệm.”
Ông David Dunn – Đại học Birmingham
Sự kiện tập kích hoàn toàn bằng robot ở làng Lyptsi được xem là một thành công về công nghệ của Ukraine nhưng đây cũng là chỉ dấu cho thấy Ukraine đang khan hiếm quân nhân. Theo thống kê, quân số của Nga hiện đang gấp 3 lần Ukraine. Trên cả tiền tuyến dài 1.300 km, lực lượng Nga vẫn vượt trội so với Ukraine, bất chấp những báo cáo về tổn thất kể từ năm 2022.
Oreshnik – Bài toán khó cho Ukraine và phương Tây
Ở phía bên kia chiến tuyến, Nga cũng đã tăng gấp nhiều lần năng lực sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine. Các doanh nghiệp quốc phòng Nga đã đạt được thành công đáng kể trong việc tăng sản xuất thiết bị quân sự, vũ khí và đạn dược để đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của quân đội. Mặc dù bị bao vây, trừng phạt, nhưng Nga không cạn kiệt đạn pháo, xe tăng, tên lửa như dự báo. Ngược lại, Moscow đã liên tục bổ sung vào kho vũ khí của mình những khí tài đáng gờm, được đánh giá là có khả năng thay đổi cuộc xung đột và khiến phương Tây bất ngờ. Tên lửa siêu vượt âm Oreshnik là một ví dụ.
Rạng sáng ngày 21/11, quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào Yuzhmash, một nhà máy rộng lớn của Ukraine tại Dnipro. Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ nhà máy của Ukraine đã bị tên lửa Oreshnik hoàn toàn mới nhắm trúng. Đây là loại tên lửa có tốc độ và độ chính xác không gì sánh bằng, có thể di chuyển với tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh và không hệ thống phòng không tiên tiến nào của phương Tây có thể đánh chặn. Nhà lãnh đạo Nga cũng cảnh báo rằng việc phóng cùng lúc nhiều tên lửa Oreshnik có thể tạo ra sức hủy diệt tương tự như một đòn đánh hạt nhân. Mới đây nhất, trong cuộc họp báo hôm 19/12, ông Putin một lần nữa nhấn mạnh khả năng của Oreshnik.
“Nếu họ nghi ngờ khả năng của Oreshnik, hãy để họ gợi ý một mục tiêu cho chúng tôi tấn công, có thể là một điểm nào đó ở Kiev. Họ có thể tập trung tất cả lực lượng phòng không và phòng thủ tên lửa của họ lại để chặn. Chúng ta hãy cũng xem điều gì xảy ra. Chúng tôi sẵn sàng cho một cuộc thử nghiệm như vậy”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Đối với phương Tây, sự xuất hiện của tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik là một bất ngờ lớn. Bởi đến tận khi tên lửa được sử dụng trong thực chiến, không có bất kỳ thông tin nào về nó được công bố, kể cả qua các báo hay dữ liệu thử nghiệm vũ khí.
Tổng thống Putin nói rằng Oreshnik là tên lửa “hiện đại, rất mới” và là một phần trong công nghệ quân sự tiên tiến của Nga. Tuy nhiên, nghiên cứu các mảnh vỡ của tên lửa siêu vượt âm này cho thấy một số linh kiện của tên lửa đã tồn tại ít nhất 7 năm qua. Điều đó có nghĩa là Nga có thể đang có trong tay khá nhiều tên lửa Oreshnik lợi hại.
Ngoài Oreshnik, hồi tháng 9, Nga đã giới thiệu 5 hệ thống vũ khí mới hàng đầu được đánh giá là có khả năng thay đổi cuộc xung đột tại Ukraine. Đó là súng bắn tỉa Rekord SV-98M, súng máy hạng nhẹ RPL-20, robot cảm tử Lyagushka Wheeled, hệ thống phòng thủ UAV 'bầy đàn' Rapira và hệ thống tự hành bánh xích hạng nặng Karakal.
Tại triển lãm và diễn đàn Army-2024, triển lãm quốc phòng hằng năm lớn nhất của Nga diễn ra hồi tháng 8, Moscow cũng đã trình làng hàng loạt vũ khí mới. Trong đó, đáng chú ý là các thiết bị tự hành như máy bay không người lái (UAV) Lancet-E, thiết bị tự hành cảm tử Depecha (xe bánh xích) và Buggy (xe bánh lốp), tàu ngầm tự hành Argus-D; các loại xe thiết giáp như xe bọc thép chở quân BTR-22, Plastun, và lựu pháo tự hành Malva. Ngoài ra, các hệ thống phòng không như Super Pantsir được trang bị tên lửa đất đối không, Lesochek, tàu ngầm Amur-950 phù hợp cho nhiệm vụ trinh sát và giám sát bí mật.
Với sự phát triển của các hệ thống vũ khí tiên tiến, Nga đã tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự của mình trong cuộc xung đột đang diễn ra với Ukraine. Những vũ khí này không chỉ cải thiện khả năng chiến đấu của quân đội Nga, giúp Moscow giành ưu thế trên chiến trường, mà còn thể hiện nỗ lực hiện đại hóa công nghệ quân sự của Nga để đối phó với các thách thức từ các lực lượng được NATO huấn luyện.
Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã phát đi những thông điệp đầy ý nghĩa tới người dân đất nước của mình cũng như bạn bè thế giới.
Giới chức Hàn Quốc cho biết các nhà điều tra đã trích xuất dữ liệu sơ bộ từ hộp đen ghi âm buồng lái của chuyến bay Jeju Air 2216, chiếc máy bay gặp sự cố tại sân bay quốc tế Muan vào sáng 29/12, khiến 179 người thiệt mạng.
Tại hầu hết các nước Trung Đông, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới Dương lịch không phải là một sự kiện mang tính chính thức. Tuy nhiên, trong bối cảnh khu vực tiếp tục trải qua nhiều khó khăn do bất ổn địa chính trị, một số quốc gia đã tổ chức đón mừng sự kiện này để gửi gắm niềm tin và hy vọng thay đổi tốt đẹp hơn trong năm mới.
Bắt đầu từ hôm nay, Romania và Bulgaria đã trở thành thành viên chính thức của Khối Schengen. Như vậy, khu vực không kiểm soát quản lý biên giới và hộ chiếu ở châu Âu được mở rộng lên 29 quốc gia thành viên.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có bài phát biểu nhân dịp năm mới 2025, kêu gọi người dân Pháp và châu Âu tăng cường đoàn kết, quyết tâm và sớm thức tỉnh để vượt qua khó khăn.
Các thành phố lớn trên khắp thế giới đang tràn ngập trong bầu không khí rộn ràng chào đón năm mới 2025, với những hy vọng về 365 ngày mới tươi sáng hơn sau năm cũ đầy biến động.
0