Xung đột tại Trung đông xuất hiện nhiều điểm nóng mới
Pakistan lên án cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran
Pakistan ngày 17/1 đã lên án mạnh mẽ cuộc không kích của Iran vào lãnh thổ nước này khiến hai trẻ em thiệt mạng, gọi đây là hành vi “vi phạm không phận vô cớ” và cảnh báo sẽ trả đũa.
Iran trước đó cho biết họ đã sử dụng “các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái chính xác” để phá hủy hai thành trì của nhóm phiến quân người Sunni Jaish al-Adl, mà ở Iran gọi là Jaish al-Dhulm, tại khu vực Koh-e-Sabz thuộc tỉnh Balochistan phía tây nam Pakistan.
Cuộc tấn công hôm 16/1 diễn ra một ngày sau khi Iran phóng tên lửa sang miền bắc Iraq và Syria, là diễn biến leo thang mới nhất ở Trung Đông, khiến cuộc chiến Israel – Hamas ở dải Gaza có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn.
Pakistan ngày 17/1 đã triệu hồi đại sứ nước này ở Iran và đình chỉ tất cả các chuyến thăm cấp cao của Iran.
Bà Mumtaz Baloch, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan, cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình: “Việc Iran vi phạm chủ quyền Pakistan một cách vô cớ đêm qua là hành động vi phạm luật pháp quốc tế cũng như các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc”.
Cũng theo bà Mumtaz Baloch, Đại sứ Iran tại Pakistan không nên trở về sau chuyến thăm Iran hiện tại và cảnh báo “Pakistan có quyền đáp trả hành động bất hợp pháp này”.
Trung Quốc đã kêu gọi Iran và Pakistan kiềm chế trong việc xử lý cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 17/1 kêu gọi cả hai nước “tránh các hành động dẫn đến leo thang căng thẳng và hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết cuộc tấn công là “vấn đề giữa Iran và Pakistan”, nhưng nhấn mạnh Ấn Độ “không khoan nhượng với chủ nghĩa khủng bố”.
Nhóm chiến binh Jaish al-Adl vào cuối ngày 16/1 cho biết lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã sử dụng sáu máy bay không người lái và một số tên lửa để phá hủy hai ngôi nhà, nơi con cái và vợ của các chiến binh của họ đang sinh sống.
Chính quyền tỉnh Balochistan cho biết vụ tấn công khiến hai bé gái thiệt mạng và ít nhất 4 người bị thương. Các bé gái, 8 và 12 tuổi, thiệt mạng trong những ngôi nhà bị hư hại trong vụ tấn công ở làng Koh-e-Sabz ở Kulag, cách quận Panjgur khoảng 60 km, vào tối ngày 16/1. Ngoài ra, một nhà thờ Hồi giáo nằm gần các ngôi nhà cũng bị tấn công.
Làng Koh-e-Sabz nằm cách biên giới Pakistan với Iran khoảng 50 km được biết đến là quê hương của Mullah Hashim, cựu chỉ huy thứ hai của Jaish al-Adl, người đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ với lực lượng Iran ở Sarawan, một khu vực của Iran tiếp giáp với Panjgur, vào năm 2018.
Tháng trước, Iran cáo buộc phiến quân Jaish al-Adl đã tấn công đồn cảnh sát ở tỉnh Sistan và Baluchistan của Iran, khiến 11 sĩ quan cảnh sát Iran thiệt mạng.
Jaish al-Adl, hay Đội quân Công lý, là một nhóm chiến binh ly khai hoạt động ở cả hai bên biên giới và trước đây đã nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Iran. Mục tiêu đã nêu của lực lượng này là nền độc lập của hai tỉnh Sistan và Baluchistan thuộc Iran, nằm giáp biên giới Pakistan.
Ngày 17/1, Jaish al-Adl đã nhận trách nhiệm về một cuộc tấn công vào xe của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ở Sistan và Baluchistan. Truyền thông nhà nước Iran cho biết vụ tấn công đã làm một trong những đại tá của IRGC thiệt mạng.
Lực lượng Jaish al-Adl cho biết trên trang web chính thức của mình rằng họ đã nhắm mục tiêu vào một chiếc xe bán tải của IRGC ở ngoại ô Iranshahr.
Ba cuộc tấn công trong hai ngày
Iran ngày 17/1 cho biết họ “chỉ nhắm mục tiêu vào những kẻ khủng bố Iran trên đất Pakistan” và “không có công dân nào của đất nước thân thiện Pakistan là mục tiêu” trong cuộc tấn công.
“Chúng tôi tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Pakistan. Nhưng chúng tôi không cho phép an ninh quốc gia của mình bị xâm phạm và bị lợi dụng và chúng tôi không có sự bảo lưu nào khi nói đến lợi ích quốc gia của mình”, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian nói trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ.
Các cuộc tấn công ở Pakistan diễn ra một ngày sau khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran phóng tên lửa đạn đạo, nhắm vào nơi mà họ tuyên bố là căn cứ gián điệp của cơ quan tình báo Israel Mossad ở Erbil, miền bắc Iraq và “các nhóm khủng bố chống Iran” ở Syria.
Iran cho biết các cuộc không kích ở Iraq là để đáp trả các cuộc tấn công của Israel đã khiến các chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran thiệt mạng, và tuyên bố các mục tiêu ở Syria có liên quan đến vụ đánh bom kép gần đây ở thành phố Kerman trong lễ tưởng niệm Tư lệnh Lực lượng Quds Qasem Soleimani, khiến nhiều người chết và bị thương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cho biết trong một tuyên bố hôm 16/1 rằng các cuộc tấn công là một hoạt động “chính xác và có mục tiêu” nhằm ngăn chặn các mối đe dọa an ninh.
Các cuộc tấn công của Iran đã làm dấy lên lo ngại rằng cuộc chiến của Israel ở Gaza có thể mở rộng thành một cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông với những hậu quả nghiêm trọng về nhân đạo, chính trị và kinh tế.
Mỹ đã lên án các cuộc tấn công của Iran ở Iraq và Syria là hành động “liều lĩnh” và thiếu chính xác, trong khi Liên hợp quốc khẳng định “các mối lo ngại về an ninh phải được giải quyết thông qua đối thoại chứ không phải các cuộc tấn công”.
Iraq thông báo họ đã gửi đơn khiếu nại lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Liên hợp quốc vào ngày 16/1. Bộ trưởng Ngoại giao Iraq Fuad Hussein cho biết không có trung tâm nào của Mossad hoạt động ở Erbil trong khu vực bán tự trị của người Kurd.
Tuy nhiên, nói chuyện với phóng viên CNN tại Davos, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Amir-Abdollahian lặp lại tuyên bố của nước này rằng cuộc tấn công vào Iraq là một phản ứng “chống lại các điệp viên của Mossad” và cho biết Iran có “mối quan hệ rất tốt” với cả Iraq và Pakistan.
Ông nói: “Chúng tôi đã nói chuyện và đồng ý nhiều lần về sự cần thiết của việc chống khủng bố”, đồng thời cho biết thêm rằng hành động của Iran là “nhắm vào Israel” và nước này sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào một cách “mạnh mẽ.”
Ông Amir-Abdollahian cũng nhấn mạnh rằng nếu cuộc chiến của Israel ở Gaza kết thúc thì các cuộc xung đột khác trên khắp Trung Đông cũng sẽ kết thúc.
“Nếu nạn diệt chủng ở Gaza chấm dứt thì điều đó sẽ dẫn đến sự kết thúc của các cuộc khủng hoảng và tấn công khác trong khu vực”, ông Amir-Abdollahian nói.
Nỗi lo chiến tranh leo thang
Theo Bộ Y tế do Hamas điều hành, việc Israel ném bom không ngừng vào Gaza để đáp trả các cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 của Hamas đã khiến hơn 24.400 người thiệt mạng và gây ra sự tàn phá trên diện rộng, khi dân thường phải sống giữa lằn ranh sinh tử, có thể thiệt mạng bất cứ lúc nào, có thể do một cuộc không kích, bị đói hay bệnh tật.
Cuộc xung đột đã làm leo thang sự thù địch trên toàn khu vực, với việc các đồng minh và lực lượng ủy nhiệm của Iran – được gọi là trục kháng chiến – tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Israel và các đồng minh.
Quân đội Mỹ đang tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công mới nhằm vào các mục tiêu của lực lượng vũ trang Houthi bên trong Yemen, với mục tiêu là các tên lửa đạn đạo chống hạm do nhóm phiến quân được cho là được Iran hậu thuẫn kiểm soát.
Trong khi đó, lực lượng Houthi đã phóng một tên lửa vào các tuyến đường vận chuyển quốc tế ở phía nam Biển Đỏ, bắn trúng tàu M/V Zografia, một tàu chở hàng treo cờ Malta.
Kể từ hôm thứ Năm tuần trước, Mỹ và các đồng minh đã tiến hành bốn đợt tấn công nhằm vào các nút chỉ huy và kiểm soát cũng như kho vũ khí được Houthis sử dụng để phóng tên lửa và máy bay không người lái nhằm thực hiện các cuộc tấn công vào tàu thương mại ở Biển Đỏ.
Quân đội Mỹ ở Iraq và Syria cũng liên tục hứng chịu các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái từ lực lượng ủy nhiệm của Tehran. Tuần trước, Mỹ đã thực hiện một cuộc tấn công ở Baghdad, giết chết một thủ lĩnh của một nhóm ủy nhiệm do Iran hậu thuẫn mà Washington cáo buộc đã thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào nhân viên Mỹ trong khu vực.
Giao tranh cũng gia tăng giữa Israel và nhóm Hezbollah được Iran hậu thuẫn, xuyên biên giới Liban. Ngày 14/1, người đứng đầu Hezbollah Hassan Nasrallah tuyên bố lực lượng này sẽ tiếp tục đối đầu với quân đội Israel ở biên giới Liban cho đến khi cuộc tấn công của Israel ở Gaza kết thúc./.
(Theo CNN, Aljazeera, AFP)
Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này chính là vấn đề chống đói nghèo và bất bình đẳng.
Ngày 21/11, một nhóm vũ trang đã nã súng vào một số xe chở khách tại phía Tây Bắc Pakistan, khiến ít nhất 50 người thiệt mạng và 29 người bị thương.
Lễ hội Du lịch Quốc tế Sahara lần thứ sáu đã được tổ chức tại vùng sa mạc của Algeria, với hơn 400 đơn vị tham gia. Sự kiện kéo dài 4 ngày bao gồm nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa dân gian và là một trong những sáng kiến nhằm quảng bá du lịch ở Algeria.
Động thái của Tòa án Hình sự quốc tế ICC khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có nguy cơ bị giam giữ nếu ông đi đến một số quốc gia khác.
Lực lượng không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ vùng Astrakhan miền Nam nước này nhắm vào thành phố Dnipro của Ukraine. Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng một tên lửa có tầm bắn xa và mạnh như vậy trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Một chàng trai người Ai Cập đã trở thành người nổi tiếng trên mạng xã hội, thu hút hơn 750.000 người theo dõi trên Instagram khi anh thực hiện hành trình đường bộ dài hơn chu vi trái đất từ Ai Cập tới Nhật Bản trong vòng 274 ngày.
0