Yêu khoảnh khắc phố
Những bức ảnh phố đẹp, vắng người, mưa buồn, hay giọt sương trên lá… lưu lại một “khoảnh khắc vàng” cho người ta bỗng thấy phố thật gần, thật thân thiết, thật có gì đó khác thông thường. Khiến bạn muốn nhìn sâu hơn vào bức ảnh ấy, tự hỏi về những gì đằng sau. Đó có thể là một ông thợ cặm cụi ngồi khâu, giày treo trên bức tường sau lưng, hay những dấu chân đường cũ, những bước đi như những khởi hành mãi không nghỉ, bao năm rồi có mỏi vẫn không ngừng rong ruổi.
Có bức ảnh về cô gái vừa ló ra từ khung cửa tối trên bậc thềm đầy nắng ngôi nhà kiến trúc cũ, giữa hai khoảng tối - sáng, bật lên một suy nghĩ tò mò về tuổi trẻ, về một gia đình, về lớp người đang lớn dậy từ trong phố cũ.
Người dắt xe hoa chầm chậm đi, chỉ thấy từ phía sau là dáng hình lam lũ, chiếc áo cũ lỗi mốt, quần sờn, nón bạc mưa nắng, mà bên cạnh lại là cả thúng hoa rực rỡ như đang bung ra, vun lên xanh chồng lên nhau những đám màu.
Có bức ảnh chụp được bà cụ bên bức tường gạch cũ chỗ Ô Quan Chưởng, nắng hắt nửa tối nửa sáng, khuôn mặt nhăn nheo cuối đời cô đơn. Hay một lần nhà nhiếp ảnh cho tôi xem ảnh ông đã chụp người bạn gặp lại, nằm trên mảnh chiếu hè phố sát một chân hàng rào. Người gầy gò, tóc bạch kim ánh nắng, miệng cười cười, đôi mắt nheo nheo.
Có những bức ảnh không phải dễ gặp như thế, mỗi bức ảnh dù hiếm dù quen, đều thu lại một khoảnh khắc làm ta nghĩ ngợi. Chớp lấy một hình, một bất động lưu lại giữa phố, giữa ngõ, dưới cây, một dáng một nét mặt, hay đôi bàn tay, với vài đồ vật… mà như gọi lại thời gian, gợi một cảm xúc lịch sử và một góc phố thôi, cũng lưu lại biết bao kỉ niệm, hay một day dứt đời người, một phận người.
Những người cầm máy lang thang trên phố giữ lại những khoảnh khắc mà sau đó khi nhìn ảnh, mọi thứ sẽ sống tiếp theo diễn tiến không hẳn như đời thực của người trong ảnh. Bức ảnh sẽ sống tiếp bằng tâm trạng, nhận biết và suy tưởng của người xem ảnh.
Tự người cầm máy, khi nhận ra điều gì chợt đến từ quang cảnh, con người vội giơ lên bấm máy, đã đang sống với bao nhiêu cảm xúc trong cuộc chìa tay đón rung động ngoài đời, từ rung động cây, chuyển động phố, tới những lung lay tinh lắm của thiên nhiên. Và từ đấy, vẻ đẹp được lưu lại, nhân ra, truyền đi qua những tâm hồn.
Người ta hay nói lo ăn lo mặc rồi mới đi xem hát xem tranh xem ảnh. Nhưng cái vòng quay lam lũ bao năm có bao giờ biết dừng lại. Hết lo việc này chẳng phải lại ào đến ngập đầy những mối lo khác? Nhưng những bức ảnh sẽ đem đến vẻ đẹp của sáng tạo, sự lắng đọng của tình cảm để người ta được xen kẽ mà hài hòa giữa mưu sinh và thưởng thức.
Quanh phố phường Hà Nội, những công viên hay vườn hoa, biết bao nhiêu vị trí đẹp để kể nhiều thêm về vẻ đẹp thành phố mà chúng ta đang sống, bằng những khoảnh khắc người chụp đã thu lại đất trời, cây cối, cảnh vật, khuôn mặt và lòng người qua năm tháng yêu thương.
Thu Hường
Hoa ngâu - loài hoa đặc biệt bởi chẳng có cánh mà hoa cứ tròn như hạt, như nụ. Bởi vậy mà các cụ cao niên thường gọi là nụ ngâu, chứ không gọi là hoa ngâu. Những bông hoa nhỏ xíu và chúm chím như nụ cười duyên của nàng thôn nữ.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, làng Gạ (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) đã được phù sa của sông Hồng bồi đắp, bởi vậy, lúa nếp làng Gạ rất thơm, nấu xôi đặc biệt ngon. Nhắc đến xôi Phú Thượng là nhắc đến một chất xôi ngon, dẻo, hòa quyện với đỗ lạc và đến nay, làng nghề này vẫn giữ được nghề làm xôi truyền thống.
Nhiều vị khách phương xa mới đến Hà Nội đôi ba lần có lẽ sẽ khó để nhận ra giữa không gian ồn ào, tấp nập của Hà Nội hiện đại ngày nay vẫn còn tồn tại những thú vui tao nhã của người Hà Thành. Một trong số đó là nghệ thuật tỉa hoa đu đủ chẻ cánh truyền thống của người Hà Nội.
Nếu như người Sài Gòn có thú vui bình dân là uống cafe bệt, thì người Hà Nội có trà đá vỉa hè. Không cầu kỳ trong cách pha chế, không kén chọn khách uống, trà đá vỉa hè thân thiện, bình dị mà giản đơn.
Những làn gió nhẹ từ đâu thoang thoảng, liu riu như hơi thở của ban mai, đang phả vào vạn vật một chút mong manh mùa mới, vừa đủ cái se sắt để cảm nhận rằng trời đã sang mùa.
Dưới bàn tay của những nghệ nhân "Vua dép lốp", đôi dép cao su Bác Hồ ngày nay đã có sức sống riêng, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Thương hiệu "Vua dép lốp" được biết đến bởi nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người đã gắn bó với công việc tái tạo đôi dép Bác Hồ hơn 60 năm qua.
0