Zelensky - từ diễn viên hài đến vị Tổng thống của chiến tranh
Từ diễn viên hài trở thành tổng thống
Ông Volodymyr Zelensky sinh năm 1978 trong một gia đình trí thức tại Kryvyirih (Ukraine). Ông từng học luật tại quê nhà nhưng không làm việc trong lĩnh vực pháp lý mà theo đuổi sự nghiệp hài kịch.
Đặc biệt, Volodymyr Zelensky để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả với loạt phim truyền hình “đầy tớ của nhân dân” phát sóng từ 2015 đến 2019. Năm 2018, trong một buổi diễn đêm giao thừa, ông Zelensky thông báo sẽ biến nhân vật Tổng thống trong phim của mình thành đời thực và công bố kế hoạch tranh cử Tổng thống Ukraine.
Sau tuyên bố đầy bất ngờ này, nam diễn viên hài đã thành lập đảng mới lấy tên giống với bộ phim của mình và tiến hành tranh cử chủ yếu bằng các video chế nhạo đối thủ gây sốt trên mạng xã hội, đồng thời nhấn mạnh thông điệp chống tham nhũng và cuộc chiến với lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. Năm 2019, ông Zelensky chính thức trở thành Tổng thống Ukraine. Khi ấy, ông nhận được 73% tỷ lệ phiếu bầu. Giới quan sát cho rằng chiến thắng khó tin của ông Zelensky một phần là do hệ quả từ phong trào biểu tình năm 2014 khiến cựu Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ và sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Ông Zelensky là người ủng hộ ra mặt phong trào biểu tình năm 2014. Ông cũng quyên góp tiền cho binh lính Ukraine để chiến đấu với lực lượng ly khai ở Donbass.
Kể từ khi lên nắm quyền, vị Tổng thống này đã trải qua những tháng ngày hết sức khó khăn trong sự nghiệp chính trị, từ việc bị vướng vào vụ luận tội Donald Trump, chật vật ứng phó với dịch covid19 và giờ đây phải đối mặt với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Đưa đất nước vào cuộc chiến khốc liệt
Ông Zelensky khi đó đã tự nhận mình là "Mục tiêu số một" của Nga, nhưng ông từ chối lời đề nghị di dời từ Mỹ và vẫn cùng gia đình ở lại Ukraine và hành động với chức trách của một tổng thống. Tuy nhiên, trong thời gian đó, thay vì thực hiện các biện pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn cho người dân của mình, một số cơ quan báo chí phương Tây cho rằng ông Zelensky dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội để tìm kiếm sự giúp đỡ từ các quốc gia đồng minh Châu Âu và Mỹ, đồng thời bày tỏ sự thất vọng khi không nhận được những sự giúp đỡ cần thiết.
Việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt chống lại Ukraine tháng 2/2022 đã đẩy Zelensky trở thành một Tổng thống của thời chiến, với phong cách rất đặc trưng. Năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký sắc lệnh không đàm phán với chính quyền Tổng thống Putin, khiến Moscow nhiều lần cáo buộc sắc lệnh này đã cản trở hòa đàm giữa Nga và Ukraine.
Từ góc nhìn của Nga, NATO đã hứa sẽ không mở rộng lãnh thổ về phía Đông, nhưng đã nhanh chóng phá vỡ lời hứa này bằng cách lôi kéo toàn bộ các nước Đông Âu và vùng Baltic. Khối quân sự do Mỹ đứng đầu hiện có ý định lôi kéo cả Ukraine vào. Phía Nga cho rằng, cách tiếp cận của Phương Tây với Ukraine là một sai lầm chính trị lớn và là nguồn cơn của các hoạt động quân sự hiện nay.
Ukraine dưới thời tổng thống zelensky
Đầu nhiệm kỳ, ông Zelensky nắm giữ nhiều quyền lực hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào. Chính phủ của ông đã mở cửa thị trường đất nông nghiệp và mở rộng các dịch vụ kỹ thuật số trên khắp đất nước. Ông đã bắt đầu một chương trình xây dựng đường xá khổng lồ, mong muốn được nhớ đến với tư cách là Tổng thống cuối cùng đã xây dựng những con đường tốt ở Ukraine. Một dự án lớn khác của ông Zelensky, một chiến dịch mà ông gọi là “phi tập trung hóa” nhằm giới hạn ảnh hưởng của những người giàu có đã không đạt được hiệu quả như mong đợi.
Trong khi đó, lời hứa chống tham nhũng cũng vẫn chỉ là lời hứa khi Ukraine vẫn là quốc gia có tỷ lệ tham nhũng cao ở Châu Âu. Theo Business Insider, hơn 75% người Ukraine được hỏi cho rằng, Tổng thống là người chịu trách nhiệm về tình trạng tham nhũng trong quân đội và chính phủ.
Theo AP và France24, tình trạng tham nhũng trong việc mua sắm vũ khí, đạn dược đã đẩy binh sỹ Ukraine vào tình trạng nguy hiểm. Cơ quan an ninh SBU của Ukraine đã phát hiện một âm mưu tham nhũng trong việc mua vũ khí với tổng trị giá tương đương khoảng 40 triệu USD. Theo đó, các quan chức trong bộ quốc phòng nước này có nhiệm vụ phải mua 100.000 quả đạn cối trước tháng 2/2023 để tăng viện cho quân đội. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được thực hiện vào thời điểm chiến sự với nga đang khốc liệt nhất tại Bakhmut.
Một số lính súng cối ở Bakhmut cho biết họ chỉ nhận được 10 quả đạn mỗi ngày, đủ cho vài phút bắn. Hậu quả về nhân lực là rất lớn.
Chỉ huy pháo binh Viacheslav: “chúng tôi thiếu đạn dược. Có rất ít. Họ giao cho chúng tôi quá ít. Nếu chúng tôi có nhiều đạn dược hơn, chúng tôi đã có thể ngăn chặn được đối phương. Vì thiếu đạn dược nên chúng tôi làm gì được. Chúng tôi nhìn thấy mục tiêu, chúng tôi có thể bắn trúng, nhưng không có đạn”.
Bác sỹ phẫu thuật, Oleh Tokarchuk: "Chúng tôi nhận thấy giao tranh tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái trong trận Soledar khi chúng tôi có 200 người bị thương mỗi ngày. Bây giờ, số người bị thương ít hơn, ít hơn rất nhiều, nhưng so với mùa thu, số thương binh tăng lên. Hiện nay, mỗi ngày chúng ta có khoảng 30 thương binh, đây không phải là con số nhỏ. Tôi có thể nói một điều, không ngày nào mà không có người bị thương."
Báo chí Nga đã chỉ rõ chủ nghĩa phát xít mới vẫn là dòng chảy ngầm trong nền chính trị Ukraine. Một số Đảng cực hữu có khuynh hướng theo chủ nghĩa phát xít mới một cách công khai. Các lực lượng cực hữu chưa giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử trong những năm gần đây, nhưng dù sao họ cũng đã chứng tỏ được tầm ảnh hưởng. Các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cấp tiến cũng đã thành công trong việc liên minh với những nhân tố chính trị có ảnh hưởng, bao gồm một số nhà tài phiệt quyền lực.
Ngày 8/2, Ukraine đã thay người đứng đầu lực lượng vũ trang Valery Zaluzhny. Sau đó, Ukraine tiến hành thay đổi hàng loạt vị trí cấp cao trong lực lượng vũ trang. Giới quan sát cảnh báo việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thay tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang vào thời điểm này là động thái đầy rủi ro, cho thấy nội bộ Ukraine đang xảy ra rất nhiều vấn đề.
"Vẫn còn rất nhiều câu hỏi. Nhưng có một điều rõ ràng, chính phủ Kiev có rất nhiều vấn đề; mọi thứ ở đó không suôn sẻ. Rõ ràng là chiến dịch phản công mùa hè đã thất bại và các vấn đề trên mặt trận đang dẫn đến mâu thuẫn ngày càng gia tăng trong giới lãnh đạo Kiev. Cả lãnh đạo quân sự và lãnh đạo dân sự. Những mâu thuẫn này sẽ gia tăng khi chiến dịch quân sự đặc biệt (của Nga) tiếp tục thành công."
Theo cuộc khảo sát của viện xã hội học quốc tế Kiev (KIIS), sau khi ông Zelensky sa thải ông Valery Zaluzhny, mức tín nhiệm của công chúng với Tổng thống Ukraine đã giảm xuống còn 60%.
Việc Avdiivka thất thủ mới đây cũng làm thay đổi động lực và cán cân chiến trường. Sau khi chiếm được Avdiivka, quân Nga bắt đầu tiến về Lastochkina lân cận. Về lâu dài, họ có thể tiến cả về phía Đông theo hướng Selidovoy và cuối cùng là Pokrovsk và về phía Bắc theo hướng Kostyantynivka cũng như toàn bộ vùng Kramatorsk. Moscow có thể tung ra số lượng lớn về người, xe tăng, pháo binh và máy bay không người lái vào lực lượng Ukraine đang dần kiệt sức.
Với việc Nga đang giành được lợi thế, tình trạng thiếu hụt ngày càng gia tăng và một cuộc cải tổ quân sự lớn vừa xảy ra, có rất nhiều câu hỏi về việc liệu Kiev có thể tiếp tục cuộc chiến hay không. Theo các nhà lập pháp, quân đội Ukraine thiếu 25% nhân lực ở cấp lữ đoàn. Bộ chỉ huy quân sự Ukraine cho biết cần thêm 450.000 đến 500.000 tân binh cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến. Nhưng làm thế nào để tuyển đủ quân, thì Ukranie vẫn chưa rõ.
Và theo công bố mới nhất của Tổng thống Zelensky, 31.000 binh sỹ Ukraine đã thiệt mạng trong hai năm qua, còn con số bị thương thì không được tiết lộ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì rất có thể Ukraina đã hạ thấp con số tổn thất, bởi quân đội Ukraina đã yêu cầu huy động tới 500.000 tân binh vào tháng 12/2023.
Về mặt kinh tế, GDP của Ukraine đã giảm 29,1% vào năm 2022. Trong ngắn hạn, Ukraine còn đang ở trong tình thế bấp bênh khi sự hỗ trợ của phương Tây ngày càng giảm và mối lo ngại ngày càng tăng về thái độ của Mỹ có thể thay đổi sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024.
Chị Anastasiia Korobchenko, nhân viên thư viện: "Khi bạn không biết điều gì sẽ xảy ra với mình vào ngày mai, thật khó để nghĩ đến việc có con, trong điều kiện như thế này."
Ukraine cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt dân số. Liên Hợp Quốc ước tính rằng dân số Ukraine từ mức 43,5 triệu người vào năm 2021 đã giảm xuống còn 39,7 triệu vào năm 2022 khi chiến sự bùng phát. Xu hướng này tiếp tục kéo dài đến năm 2023, khi dân số giảm xuống còn 36,7 triệu người, mức thấp nhất kể từ khi Ukraine tuyên bố độc lập vào năm 1991.
Video: Nhìn ra thế giới | Ông Zelensky -Từ diễn viên hài đến vị tổng thống của chiến tranh
Năm 2019, khi thắng cử Tổng thống, ông Zelensky đã khẳng định sẽ cải thiện quan hệ Nga - Ukraine, ưu tiên nối lại các cuộc đàm phán với Nga để chấm dứt xung đột ở vùng Donbass. Ngoài ra, ông cũng cam kết đẩy lùi nạn tham nhũng, hứa sẽ vực dậy nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn. Nhưng rồi Ukraine trong hai năm qua trở nên đổ nát bởi chiến tranh với những toà nhà, trung tâm thương mại bị phá huỷ. Tính đến tháng 1/2024, có tới 6,3 triệu người Ukraine đã trở thành người tị nạn ở nước ngoài và 3,7 triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa. Volodymyr Zelensky có thể từng là một diễn viên hài nổi tiếng, nhưng việc đóng thành công vai Tổng thống trong một bộ phim sẽ hoàn toàn khác xa so với việc trở thành một vị Tổng thống thành công ở ngoài đời.
Thực hiện: Hiền Thảo
Đồ họa: Thanh Nga
Khi cuộc chiến Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 4, nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết cuộc xung đột khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.
TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.
Sáng 17/12, một thiết bị nổ được cài trong một chiếc xe scooter điện đã phát nổ gần lối vào của một tòa dân cư trên Đại lộ Ryazansky ở Moscow, vào đúng thời điểm người đứng đầu Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov cùng trợ lý của ông đi ngang qua, khiến hai người thiệt mạng.
Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp, và thêm trường hợp mới nhất là Trung tướng Igor Kirillov.
Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.
Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.
0