Bún thang, thức quà tinh tế của Hà Nội
Chẳng thế mà trong cuốn “Miếng ngon Hà Nội”, nhà văn Vũ Bằng đã miêu tả bún thang như món quà “đặc biệt” và “giống như một bức tranh phong cảnh trong trẻo mà ở đó những mảng màu nguyên chất được đặt gần nhau chứ không pha lẫn”.
Ở Hà Nội, nhắc đến bún thang không thể không nhắc đến cụ Đàm Thị Ẩm, một nghệ nhân có công rất lớn trong việc gìn giữ và giúp món ăn này được lan tỏa khắp Hà Thành.
Cụ Đàm Thị Ẩm sinh năm 1930, là đời thứ hai theo nghề nấu bún thang. Trước đó, mẹ của cụ, cụ Lê Thị Tho vào khoảng những năm 1912, đã mở quán bán bún thang ở chợ Đồng Xuân. Quán nổi tiếng khắp Hà thành. Sau đó cụ Tho truyền nghề lại cho con gái.
Không ai biết chính xác món bún thang có từ bao giờ. Chỉ biết vào những năm 1930-1940 của thế kỷ trước, bún thang đã rất phổ biến ở Hà Nội. Nó được coi là món ăn của những gia đình khá giả bởi muốn nấu một bát bún thang chuẩn vị phải sử dụng những nguyên liệu đắt tiền.
Nồi nước dùng được chế biến công phu từ 1 đến 2 con gà trống thiến, thêm tôm he từ vùng biển của Thanh Hóa. Không những thế còn phải ninh kỹ, liên tục hớt bọt để nước có độ trong, vị ngọt tự nhiên.
Cũng vì cách chế biến cầu kỳ như thế, mà so với các loại bún khác, nước dùng của bún thang có hương vị tinh túy rất đặc trưng, vừa ngọt, vừa thanh lại đầy đủ dưỡng chất.
Chưa dừng lại ở đó, sự hấp dẫn của bún thang còn thể hiện ở cả cách trình bày. Bát bún là sự hòa quyện của các nguyên liệu đầy màu sắc tự nhiên. Đó là màu hồng nhạt của giò lụa cùng màu trắng của những miếng ức gà xé nhỏ xen lẫn màu vàng của da. Là màu vàng rộm của trứng được tráng mỏng thái chỉ, là màu đỏ của tôm he được giã bông như ruốc, là màu nâu nhạt của củ cải khô, là màu xanh tươi của rau răm….
Tất cả những nguyên liệu ấy, màu sắc ấy, được bày lên trên bát bún rối sợi nhỏ trắng tinh, chan với nước dùng thật sôi, khói bốc lên khiến các nguyên liệu nở ra với màu sắc nổi bật. Bún thang được ăn kèm với chút mắm tôm và một vài giọt nước mắm cà cuống. Mùi thơm của nước dùng, vị ngọt thanh của gà và tôm, chút cay nồng của cà cuống hòa quyện với nhau tạo nên một món ăn cầu kỳ và tinh tế.
Có ý kiến cho rằng, bún thang là món ăn được chế biến sau ngày Tết khi thịt gà, giò lụa ăn không hết nhưng thật ra đây lại là món ăn được chế biến rất tỉ mỉ, cầu kỳ.
Món bún thang được người Hà Nội yêu thích là thế nhưng vào những năm 80, do khó khăn chung, số người tìm đến hàng bún thang của cụ Ẩm cứ thưa dần nên cụ chỉ bán cầm chừng cho khách quen nhớ bún thang Hà Nội. Cứ tưởng vị bún thang vì thế mà bị lãng quên nhưng một trong 9 người con của cụ Ẩm là ông Lai đã đưa món bún thang chuẩn vị trở lại.
"Cũng như một thời gian dài đấy, những năm cuối chiến tranh sau này thì đến ngoài năm 2000 chút, lúc ấy thì bắt đầu xã hội phát triển. Mọi người bắt đầu nhớ lại ẩm thực Việt Nam mình, mọi người nhớ bún thang lắm." ông Lai chia sẻ.
Nồi nước dùng là linh hồn của bát bún thang. Một bát bún thang được trình bày đẹp mắt mà nước dùng không đủ độ trong, không đủ độ ngọt tự nhiên thì coi như hỏng vị.
Vì bún thang là thức quà cầu kỳ, tinh tế, kén người làm và kén cả người thưởng thức nên không nhiều cửa hàng trụ lại được lâu như gánh bún thang của cụ Ẩm ngày xưa và nhà hàng bún thang của con trai cụ ở phố Cửa Nam bây giờ.
Để có một bát bún thang đúng kiểu cách, người đầu bếp phải là người tinh tế, cẩn thận trong từng khâu, từ chọn nguyên liệu, sơ chế đến cách trình bày. Để làm được một bát bún cũng cần đến hơn 10 loại nguyên liệu. Cũng chính vì sự chọn lọc và cầu kỳ đó, mà dù đã hàng chục năm trôi qua, bún thang bà Ẩm vẫn giữ trọn hương vị của món bún thang Hà Nội.
Hà Nội không chỉ có 36 phố phường, người Hà Nội còn tự hào bởi nét văn hóa ẩm thực rất riêng của mình. Trong các món ăn của người Hà Nội, món bún thang tồn tại như một thứ không thể thiếu và không thể trộn lẫn. Chỉ một bát bún thôi mà hội tụ đủ cả hương vị lẫn màu sắc. Không quá khi nói rằng bún thang là một trong những món ăn ngon và đẹp bậc nhất, thể hiện sự tinh tế, sành ăn của người Hà Nội.
Mặc dù còn tồn tại những vấn đề như không gian hạn chế hay an toàn vệ sinh thực phẩm, ẩm thực đường phố vẫn giữ được sức hút mạnh mẽ, tạo nên dấu ấn độc đáo của Thủ đô.
Nếu như người Sài Gòn có thú vui bình dân là uống cafe bệt, thì người Hà Nội có trà đá vỉa hè. Không cầu kỳ trong cách pha chế, không kén chọn khách uống, trà đá vỉa hè thân thiện, bình dị mà giản đơn.
Ăn phở xào phố Hàng Buồm là cách để nhiều người tận hưởng tiết trời lạnh của Thủ đô thêm phần trọn vẹn hơn.
Tiếp nối thành công của lễ hội năm 2023, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 diễn ra trong 3 ngày, ngày 29, 30/11 và 01/12, tại Công viên Thống Nhất, phố Trần Nhân Tông, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng.
Thời tiết se lạnh dần chuyển mùa, không có gì tuyệt vời hơn khi được dạo quanh phố cổ Hà Nội, thưởng thức ẩm thực trong các con ngõ nhỏ với những quán hàng là địa chỉ quen thuộc của người sành ăn.
Nhắc đến phố cổ Hà Nội là nhắc đến những con ngõ dài, chỉ rộng khoảng 1m, sâu hun hút. Thế nhưng, những con ngõ này lại có sức hấp dẫn “khó thể chối từ” đối với mỗi người dân Thủ đô, bởi nằm sâu trong đó đều là thiên đường ẩm thực, nơi có rất nhiều món ăn mang đậm hương vị truyền thống.
0