Cần cơ chế giải quyết cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp

Tại Kỳ họp lần thứ 20, HĐND thành phố, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương đã thông báo hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội tham gia xây dựng chính quyền năm 2024. Đài Hà Nội trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung thông báo của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tại Kỳ họp.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương.

Kính thưa đồng chí 

Kính thưa các vị đại biểu!

Thay mặt Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, chúng tôi bày tỏ sự thống nhất cơ bản với báo cáo đánh giá tình hình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của UBND thành phố. Tại kỳ họp, tôi xin trình bày tóm tắt một số hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tham gia xây dựng chính quyền năm 2024, cụ thể sau:

1. Về tình hình dư luận nhân dân 

Cử tri và nhân dân Thủ đô ghi nhận và đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, công tác điều hành quyết liệt của chính quyền với các giải pháp hữu hiệu thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh tích cực được triển khai; việc triển khai ứng dụng iHanoi được nhân dân hoan nghênh, đồng tình. Giáo dục và đào tạo tiếp tục giữ vững thành tích, chất lượng giáo dục được nâng cao. Nhân dân đánh giá cao sự quan tâm, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống lụt bão, khắc phục hậu quả do cơn bão số 2, số 3 gây ra, bảo đảm an toàn cho người dân, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, kịp thời hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống; đánh giá cao việc thành phố hoàn thành hỗ trợ xây, sửa nhà cho hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, xoá 100% nhà xuống cấp trên địa bàn. Thành phố tổ chức thành công các sự kiện lớn: các hoạt động kỷ niệm 70 giải phóng Điện Biên, các hoạt động thăm hỏi, tặng quà tri ân gia đình liệt sĩ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn thành phố; đảm bảo an toàn trong diễn tập khu vực phòng thủ; điều chỉnh quy mô tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô phù hợp, trang trọng, tiết kiệm, có ý nghĩa thiết thực, khơi dậy, bồi đắp niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân Thủ đô, quyết tâm xây dựng Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước văn hiến, văn minh, hiện đại.

Nhân dân Thủ đô phấn khởi khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ tạo điều kiện hơn nữa để Thủ đô khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển tương xứng với vị trí động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Nhân dân trân trọng sự chủ động, tinh thần trách nhiệm rất cao của lãnh đạo thành phố và các cơ quan tham mưu trong việc hoàn thành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 trình Thủ tướng phê duyệt; việc thành phố khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi); đẩy mạnh phân cấp, uỷ quyền, triển khai quyết liệt các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư, quy hoạch, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, các lĩnh vực về an sinh xã hội và đặc biệt là các giải pháp khắc phục các bất cập hiện nay về cảnh quan, kiến thiết đô thị, giao thông, ô nhiễm môi trường.

Cử tri và nhân dân Thủ đô bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện chống lãng phí. Nhân dân ủng hộ chủ trương đúng đắn của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” và kỳ vọng vào sự thành công của cuộc cách mạng này, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bên cạnh những kết quả tích cực, cử tri và nhân dân vẫn còn băn khoăn, lo lắng về một số vấn đề như:

(1) Những bất ổn chính trị, xung đột vũ trang kéo dài trên thế giới và khu vực tác động tiêu cực đến kinh tế Thủ đô.

(2) Tình trạng giá vàng, giá đất, giá nhà chung cư tăng cao; việc trả giá cao rồi bỏ cọc, bỏ đấu giá gây hiệu ứng tiêu cực cho công tác đấu giá đất; việc lấn chiếm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép, sai phép chưa có giải pháp khắc phục triệt để; việc tái định cư gặp khó khăn trong khâu định giá đất ở và giá đất tái định cư. Giá khu tái định cư đang có mức chênh nhiều lần so với mức được đền bù, gây khó khăn trong quá trình thực hiện dự án; việc quy định mới của thành phố về diện tích đất ở tối thiểu được tách thửa còn chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế. Tiến độ cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới các khu chung cư cũ đang xuống cấp nghiêm trọng còn chậm; chưa giải quyết dứt điểm các tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân sinh sống tại các khu chung cư; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là chậm cấp giấy chứng nhận căn hộ chung cư gây bức xúc trong nhân dân.

(3) Tiến độ thực hiện các dự án cấp nước sạch, xử lý nước thải, rác thải chưa đảm bảo kế hoạch đề ra; ô nhiễm không khí, nguồn nước, rác thải ở các khu vực ngoại thành và trung tâm Thành phố gia tăng; một số chính sách của Thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn hiệu quả còn thấp.

(4) Tình trạng các công trình giao thông chậm tiến độ, thi công kéo dài gây ùn tắc giao thông, hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, tổ chức đua xe trái phép, chống lại người thi hành công vụ... vẫn còn xảy ra.

(5) Vấn đề giải quyết các thủ tục hành chính vẫn còn nhiều phức tạp, khó khăn.

(6) Việc lừa đảo, quảng cáo sai sự thật qua điện thoại và trên môi trường mạng còn diễn biến phức tạp, chưa được kiểm soát.

(7) Nhân dân đồng tình ủng hộ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, song, cần có cơ chế để giải quyết chế độ, chính sách cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp.

2. Về kết quả công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền 

MTTQ Việt Nam thành phố đã phối hợp chặt chẽ với HĐND, UBND thành phố; cùng các tổ chức thành viên xây dựng chương trình phối hợp và thống nhất hành động phù hợp với thực tiễn, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, huy động các nguồn lực chăm lo đời sống nhân dân, tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động lớn với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo; trong đó, có việc tổ chức thành công Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp thành phố nhiệm kỳ 2024 - 2029 với nhiều điểm nhấn đổi mới, sáng tạo; Phối hợp hoàn thành xây, sửa 714 nhà Đại đoàn kết chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, góp phần hoàn thành mục tiêu xóa 100% nhà xuống cấp trên địa bàn thành phố; vận động trên 331 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân Thủ đô và các tỉnh khắc phục hậu quả bão số 3; tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường, hỗ trợ người dân xây, sửa nhà bị đổ, hư hại nặng do ảnh hưởng của cơn bão số 3; triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo và chương trình an sinh xã hội. Công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền tiếp tục được MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên quan tâm thực hiện. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân được Mặt trận các cấp tổng hợp đầy đủ, khách quan gửi đến Quốc hội và HĐND các cấp nghiên cứu, giải quyết theo quy định.

3. Những kiến nghị với HĐND, UBND thành phố

Tại kỳ họp này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đề nghị và tiếp tục đề nghị HĐND, UBND thành phố một số nội dung sau:

Đối với HĐND:

(1) Đề nghị HĐND thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) theo quy định.

(2) Đề nghị HĐND thành phố tiếp tục giám sát các lĩnh vực: quy hoạch đô thị; tiến độ thực hiện các dự án; việc xử lý nước thải, rác thải; các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội; công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thành phố; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu căn hộ chung cư; việc thực hiện chính sách đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đảm bảo quyền, lợi ích của nhân dân; đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án cải tạo chung cư cũ.

Đối với UBND:

(1) Về kinh tế - quy hoạch - hạ tầng

Đề nghị UBND thành phố chỉ đạo sớm triển khai các chính sách đặc thù theo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm huy động nguồn lực và các giải pháp đầu tư, quy hoạch, các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội. Các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả không gian sáng tạo, phố đi bộ.

Đề nghị UBND thành phố nghiên cứu và triển khai các biện pháp kiểm soát giá tiêu dùng, hỗ trợ nhóm người dân gặp khó khăn trong cuộc sống, có nguồn thu nhập thấp.

Đề nghị UBND thành phố chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai; rà soát quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng; tiến độ thực hiện dự án cấp nước sạch, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; dự án xử lý rác thải. Giải quyết triệt để những khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của Thủ đô, cương quyết đình chỉ, thu hồi dự án chậm triển khai ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, lãng phí tài nguyên.

(2) Về an ninh trật tự, an toàn và an sinh xã hội

Đề nghị UBND thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt vấn đề nhà ở:

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch xây dựng nhà ở, nhất là xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.

- Có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng  lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Chỉ đạo các Sở tập trung giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ hồng) căn hộ chung cư cho người dân đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Hiện nay, có nhiều khu chung cư, tòa nhà chung cư đưa vào sử dụng 13, 14 năm nhưng chủ hộ chưa được cấp giấy chứng nhận, gây bức xúc trong nhân dân.

Đề nghị UBND thành phố nghiên cứu xem xét các vấn đề cử tri và nhân dân có ý kiến về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy định tách sổ đối với đất ở; chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong việc công tác đền bù giải phóng mặt bằng về giá đất ở; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có các hành vi chống, phá việc đấu giá đất.

Tăng cường lực lượng và các biện pháp phòng ngừa, xử lý tội phạm nhất là tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng xã hội; các hành vi mất trật tự an toàn xã hội như đua xe trái phép, tụ tập gây rối trật tự công cộng.

(3) Về văn hóa, giáo dục, việc làm

Đề nghị UBND thành phố tiếp tục phát triển thị trường lao động, định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động.

Đề nghị UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các trường học trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đề nghị UBND thành phố tiếp tục phát triển không gian công cộng xanh, các công trình văn hóa - thể thao, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.

(4) Về cải cách hành chính; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí

Đề nghị UBND thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; Chỉ đạo triển khai việc sáp nhập địa giới hành chính đảm bảo kế hoạch, thực hiện đầy đủ chính sách cán bộ sau sắp xếp; chủ động và khẩn trương cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đề nghị UBND thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãnh phí; công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.

Đề nghị UBND thành phố rà soát các công trình, dự án đã hoàn thành nhưng chưa sử dụng, chống lãng phí.

(5) Về các hoạt động đối ngoại; công tác thông tin, truyền thông

Đề nghị UBND thành phố tăng cường hoạt động đối ngoại, trong đó, có đối ngoại nhân dân nhằm nâng cao vị thế của Hà Nội với Thủ đô các nước trên thế giới; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, quản lý mạng xã hội, quản lý báo chí, tạo sự đồng thuận xã hội, ngăn chặn kịp thời thông tin xấu, độc, sai sự thật, xuyên tạc, nhất là trên không gian mạng.

Trên đây là thông báo hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tham gia xây dựng chính quyền năm 2024. Trân trọng đề nghị HĐND, UBND và các cơ quan chức năng của thành phố nghiên cứu, giải quyết và thông báo đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, cử tri và nhân dân Thủ đô biết để giám sát theo quy định.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sáng nay 12/12, HĐND thành phố Hà Nội đã biểu quyết cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với bà Nguyễn Thị Tuyến và ông Nguyễn Quang Đức.

Chi nhánh Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, từ ngày 15/12/2024, đường sắt triển khai bán vé tháng phục vụ hành khách đi tàu tuyến Hà Nội - Hải Phòng chạy từ ngày 1/1/2025.

UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch về phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố năm 2025, gồm điện rác và điện năng lượng mặt trời.

Trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về Du lịch nông thôn lần thứ nhất của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc, ngày 11/12, đông đảo đại biểu quốc tế đã tham quan làng rau Trà Quế (Quảng Nam), làng du lịch tốt nhất vừa được tổ chức này vinh danh.

Từ 1/1/2025, Hà Nội sẽ chính thức thu phí tham quan tại Bảo tàng Hà Nội và các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố, mức thu phí dao động từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng/lượt.

Thống kê sơ bộ từ các tỉnh thành, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch thưởng Tết năm 2025 cho người lao động tối thiểu là 1 tháng lương. Các chuyên gia cũng dự báo tiền thưởng Tết năm nay sẽ cao hơn năm trước.