Những địa danh ghi dấu son lịch sử
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước không có ước nguyện nào hơn là được sống trong không khí hòa bình để xây dựng, phát triển. Nhưng thực dân Pháp dưới sự ủng hộ của đế quốc Mỹ đã dã tâm cướp nước ta một lần nữa, gây hấn ở Nam Bộ (23/9/1945) và phát động chiến tranh ra cả nước. Ngày 19/12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Hà Nội đã cùng với nhân dân cả nước nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước.
Sau 9 năm chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt là sau thất bại trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ (20/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.
16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút hết sang phía Đông cầu Long Biên để rời khỏi Hà Nội. Đến 16 giờ 30, Quân đội Nhân dân Việt Nam hoàn toàn kiểm soát thành phố, tiếp quản toàn bộ thành phố Hà Nội gọn gàng và trật tự.
1. Cầu Long Biên: Chứng nhân lịch sử
Được xây dựng vào năm 1898 và khánh thành vào ngày 28/2/2902, cầu Long Biên có chiều dài 2.290m qua sông và 896m cầu dẫn, cầu gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m (kể cả móng) và đường dẫn xây bằng đá. Giữa cầu có đường ray đơn dành cho tàu hỏa. Hai bên cầu có đường dành cho xe cơ giới và người đi bộ. Luồng giao thông của cầu theo hướng đi xuôi ở phía trái cầu chứ không phải ở bên phải như các cầu thông thường khác. Đây là cây cầu thép đầu tiên bắc ngang qua sông Hồng của Hà Nội.
Với cấu trúc như vậy, cầu Long Biên đã trở thành một trong bốn cây cầu thép lớn nhất thế giới thời đó và là cây cầu có độ dài thứ hai trên thế giới (sau cầu Brooklyn bắc qua sông East-River của Mỹ), thậm chí được gọi là tháp Eiffel nằm ngang của Hà Nội.
Khi cả Hà Nội mới có duy nhất cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, mọi phương tiện ôtô, tàu hỏa, xe máy, xe thô sơ, khách bộ hành đều đi chung trên cây cầu này.
Trong chiến tranh cầu Long Biên trở thành huyết mạch chiến lược giao thông, phải oằn mình chịu những tàn phá của chiến tranh. Cầu Long Biên đã từng bị nghiêng vì những dòng chiến xa thực dân điều quân từ trong thành phố sang sân bay Gia Lâm để tăng cường cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, buộc quân Pháp trong 80 ngày phải rút khỏi Hà Nội. Ngày 08/10/1954 quân Pháp làm lễ hạ cờ và ngày 9/10 bắt đầu rút khỏi Hà Nội. Quân Pháp rút đến đâu bộ đội ta vào tiếp quản tới đó. Cây cầu là nơi chào đón đoàn quân chiến thắng trở về Giải phóng Thủ đô sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, trước tinh thần chiến đấu ngoan cường “nếm mật nằm gai, gan không núng, chí không mòn” của quân và dân ta.
Ngày nay, cầu Long Biên được coi là một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội.
2. Bắc Bộ phủ - dấu ấn lịch sử của Thủ đô
Bắc Bộ phủ là một trong những nơi đầu tiên quân đội Việt Nam tiếp quản trong sáng ngày 9/10/1954.
Bắc Bộ phủ (Phủ toàn quyền) trước đây là Dinh Thống sứ Bắc Kỳ - cơ quan đứng đầu bộ máy cai trị Pháp ở Bắc Kỳ, dưới sự giám sát của Toàn quyền Đông Dương, được xây dựng vào năm 1918, trên phần đất của chùa Báo Ân xưa. Bắc Bộ phủ là một công trình tiêu biểu của phong cách kiến trúc cổ điển Pháp, với tổ hợp mặt bằng, mặt đứng rất cân xứng cùng với những chi tiết kiến trúc thuần túy châu Âu. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9/3/1945), tòa nhà được đổi tên thành Phủ Khâm sai Bắc Kỳ.
Trong ngày Tổng khởi nghĩa 19/8/1945, sau cuộc mít tinh lớn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, người dân Thủ đô, lực lượng Việt Minh đã kéo đến chiếm Phủ Khâm sai - tòa nhà biểu trưng cho quyền lực thực dân và phong kiến một thời đã thuộc về chính quyền cách mạng.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về làm việc tại đây. Tòa nhà lúc này được đổi tên thành Bắc Bộ phủ.
Năm 1954, chiến tranh Đông Dương kết thúc, Bắc Bộ phủ được tu sửa lại và trở thành Nhà khách Chính phủ, hiện do Vụ Lễ tân (Bộ Ngoại giao) quản lý. Năm 2005, công trình được gắn biển Di tích lịch sử cách mạng.
3. Ga Hà Nội
Ga Hà Nội cũng là một trong những cơ sở đầu tiên được lực lượng ta tiếp quản từ quân Pháp trong sáng 9/10/1954.
Ga Hà Nội được thực dân Pháp xây dựng, đưa vào khai thác từ năm 1902 với tên gọi là ga Hàng Cỏ là nhà ga lớn nhất ở Đông Nam Á lúc bấy giờ.
Ga Hàng Cỏ được khánh thành và đưa vào khai thác cùng với cầu Long Biên là nhà ga xuất phát của tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng (1903), Hà Nội - Lào Cai (1905) và đến năm 1936 là tuyến đường sắt xuyên Việt.
Ga Hàng Cỏ đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, chứng kiến những chuyến tàu đường sắt đầu tiên hiện diện ở Hà Nội, nơi trung chuyển hàng hóa của cả nước trong thời kỳ chiến tranh.
Sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, ngày đêm ga Hàng Cỏ đưa các đoàn quân Nam tiến từ các địa phương vào Nam chống quân Pháp. Năm 1954, lực lượng Việt Minh tiếp quản nhà ga.
Sau ngày thống nhất năm 1975, ga Hàng Cỏ được đổi tên thành ga Hà Nội và xây dựng lại nhà đại sảnh theo kiến trúc mới. Cùng với việc xây dựng ga Giáp Bát để vận chuyển hàng hóa, ga Hà Nội trở thành ga vận chuyển hành khách lớn nhất cả nước.
Năm 1989, nhà ga được đầu tư, cải tạo, nâng cấp để phục vụ hành khách.
4. Khu Thành cổ - Hoàng thành Thăng Long
Sáng 10/10/1954, Đại đoàn 308, dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô, tiến vào nội thành Hà Nội. Thành cổ Hà Nội là nơi hội quân của các cánh quân tiến vào giải phóng Thủ đô.
Đúng 8h, cánh quân phía Tây xuất phát từ Quần Ngựa (nay là Cung Thể thao Hà Nội, phố Quần Ngựa). đi qua Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang... đi qua Cửa Đông vào đóng quân trong Thành cổ Hà Nội.
Khoảng 8 giờ 45 phút, cánh quân phía Nam thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ Việt Nam Học xá (nay thuộc Đại học Bách khoa) đi qua Bạch Mai, phố Huế, vòng quanh Hồ Gươm rồi vòng lại vào đóng ở khu vực Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Quân y 108) và khu Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị).
Riêng Đoàn Chỉ huy tiếp quản, gồm cơ giới, pháo binh, do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, lúc 9 giờ 30 phút từ sân bay Bạch Mai đến Ngã Tư Vọng sang Ngã tư Trung Hiền rồi theo đường Bạch Mai lên phố Huế, Hàng Bài, Đồng Xuân rồi vào Thành cổ Hà Nội bằng Cửa Bắc.
3 cánh quân Đại đoàn 308 vào tiếp quản Thủ đô trong sáng 10/10/1954 hội quân tại Thành cổ Hà Nội.
Thành cổ Hà Nội, ngày nay được thế giới biết đến với tên gọi Hoàng thành Thăng Long.
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội có diện tích 20ha, bao gồm khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và các di tích còn sót lại trong khu di tích Thành cổ Hà Nội như Bắc Môn, Đoan Môn, Hậu Lâu, rồng đá điện Kính Thiên, nhà con rồng, nhà D67 và cột cờ Hà Nội. Cụm di tích này được bao bọc bởi 4 con đường: phía bắc là đường Phan Đình Phùng, phía nam là đường Điện Biên Phủ, phía đông là đường Nguyễn Tri Phương và phía tây là đường Hoàng Diệu.
Nơi đây đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2010.
5. Nhà hát Lớn Hà Nội
Nhà hát Lớn là nơi nổi hồi còi báo hiệu cho lễ thượng cờ lịch sử ở Hà Nội ngày 10/10/1954. Đây cũng là nơi người dân Hà Nội treo ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, băng rôn, biểu ngữ và cờ đỏ sao vàng đón chào đoàn quân chiến thắng tiến về Thủ đô.
Nhà hát Lớn được xây dựng từ năm 1901-1911, phỏng theo của Nhà hát Opera Paris, được coi là một công trình kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội thời thuộc Pháp.
Nhà hát nổi tiếng này là nơi Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhóm họp và thông qua Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập. Đây cũng nơi tổ chức Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa I, kỳ họp đầu tiên trong hòa bình của thủ đô.
6. Cột cờ Hà Nội nơi tổ chức lễ chào cờ đầu tiên trong ngày giải phóng Thủ đô, chiều 10/10/1954.
Ngày 10/10/1954, cả Hà Nội tưng bừng rạo rực chào đón ngày hội lớn, ngày Hội chiến thắng, Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng. Cả Hà Nội dồn về “Cột cờ Hà Nội” chờ đón giây phút lịch sử: Lễ thượng cờ Tổ quốc trên đỉnh “Cột cờ Hà Nội”.
Vào lúc 15 giờ, sau một hồi còi dài tại Nhà Hát Lớn, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh Cột cờ, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội và các lực lượng vũ trang đã chỉnh tề tham dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân Cột cờ. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng - cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội.
Cột cờ Hà Nội còn được gọi là Kỳ đài. Cột cờ Hà Nội nằm trên đường Điện Biên Phủ, thuộc quận Ba Đình, Hà Nội, được xây dựng năm 1812, dưới thời Vua Gia Long triều Nguyễn trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long.
Cột cờ cao hơn 33m. Tính cả trụ treo cờ thì cao hơn 41m gồm ba tầng đế và một thân cột. Các tầng đế hình chóp vuông cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh xây ốp gạch. Tầng một mỗi chiều 42,5m, cao 3m, có 2 thang gạch dẫn lên. Tầng hai mỗi chiều 27m, cao 3,7m có 4 cửa. Tầng ba mỗi chiều 13m, cao 5m; cũng có 4 cửa theo hướng đông, tây, nam, bắc.
Thân cột cờ hình trụ 8 cạnh, thon dần lên trên, cao 18,2m, mỗi cạnh đáy chừng 2m. Trong thân có cầu thang 54 bậc xây xoáy trôn ốc lên tới đỉnh. Toàn thể được soi sáng bằng 39 lỗ hình hoa thị và 6 lỗ hình dẻ quạt. Những lỗ này được đặt dọc các mặt, mỗi mặt có từ 4 đến 5 lỗ. Nhờ có các lỗ thông hơi chạy xung quanh thân cột nên ánh sáng tự nhiên và không khí lúc nào cũng được thông thoáng.
Đỉnh Cột cờ (Vọng canh) được cấu tạo thành một lầu hình bát giác, cao 3,3m, có 8 cửa sổ tương ứng 8 mặt, có thể đủ cho 5-6 người đứng quan sát. Giữa lầu là một trụ tròn, đường kính 0,4m cao đến đỉnh lầu, là chỗ để cắm cán cờ (cao 8m).
Phần mái giống như hình nón đội, xương mái làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói và giữa đỉnh mái có cột sắt cùng với ròng rọc để treo cờ.
Đây là một trong số ít những công trình kiến trúc thuộc khu vực thành Hà Nội không chịu sự phá hủy khi chính quyền Pháp đô hộ. Và đây cũng là công trình hiếm hoi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của Thủ đô và đất nước.
Hơn nửa thế kỷ qua, Cột cờ Hà Nội với lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay lồng lộng trên nền trời của Thủ đô mãi mãi là biểu tượng vinh quang, là niềm tự hào của dân tộc, đất nước Việt Nam độc lập, tự do.
Năm 1989, Cột cờ Hà Nội được công nhận là Di tích quốc gia.
7. Di tích Nhà tù Hoả Lò là một trong những công trình quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản ngày 10/10/1954.
Nằm ở số 1, phố Hoả Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Di tích Nhà tù Hỏa Lò là chứng tích về một thời kỳ đấu tranh cách mạng, là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, kiên cường của những người Việt Nam yêu nước từng bị thực dân Pháp giam giữ tại nơi đây.
Nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp xây dựng năm 1896, là một trong những nhà tù lớn bậc nhất của Đông Dương. Từ sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), Nhà tù Hỏa Lò do Chính phủ Việt Nam quản lý và sử dụng để tạm giam những người vi phạm pháp luật. Từ năm 1964 đến 1973, các phi công Mỹ bị bắt khi đánh phá miền Bắc cũng được giam giữ tại đây.
Năm 1993, để đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô Hà Nội, Chính phủ Việt Nam quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng của Nhà tù Hỏa Lò: 4/5 diện tích của Nhà tù Hỏa Lò để xây dựng Tháp Hà Nội, 1/5 diện tích còn lại được quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo thành Khu lưu niệm nhà tù Hỏa Lò.
Ngày nay, di tích Nhà tù Hỏa Lò trở thành điểm đến lịch sử, văn hóa hấp dẫn, mang lại nhiều trải nghiệm chân thực, cảm xúc cho du khách và những người yêu thích lịch sử.
Di tích Nhà tù Hoả Lò đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 1997.
8. Chợ Đồng Xuân nơi đoàn quân tiếp quản Thủ đô đi qua để tiến về hội quân tại Thành cổ Hà Nội (Hoàng thành Thăng Long).
Ngày 10/10/1954, trong niềm hân hoan, hứng khởi của nhân dân Thăng Long, chợ Đồng Xuân trở thành chứng nhân lịch sử nơi đoàn quân tiếp quản Thủ đô đi qua để tiến về hội quân tại Thành cổ Hà Nội chuẩn bị cho lễ thượng cờ lịch sử.
Từ 9h30, đoàn cơ giới và pháo binh cùng các vị chỉ huy của cuộc tiếp quản xuất phát từ sân bay Bạch Mai hướng về khu phố cổ, đi qua chợ Đồng Xuân rồi vào Thành cổ Hà Nội bằng Cửa Bắc. Công cuộc giải phóng thủ đô đã hoàn tất.
Chợ Đồng Xuân được Pháp xây dựng năm 1890, trên vùng đất bãi bồi của sông Tô Lịch, gồm 5 dãy nhà, mặt trước là các vòm cuốn theo kiến trúc Pháp. Lịch sử của chợ gắn liền với sự hình thành và phát triển thương mại của đất Thăng Long, là nơi tập trung giao thương lớn nhất Bắc Kỳ thời xưa. Nơi đây còn chứng kiến nhiều biến cố, thăng trầm của Thăng Long- Hà Nội, chứa đựng không ít tinh hoa văn hiến trên mảnh đất kinh kỳ nghìn năm. Nổi bật nhất trong 60 ngày đêm Hà Nội rực lửa năm 1946, chợ Đồng Xuân ghi đậm dấu ấn quân và dân khu phố Đồng Xuân đã chiến đấu anh dũng, cầm chân và gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại nặng nề. Nhờ đó, góp phần bảo vệ cho cơ quan đầu não rút lui an toàn, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, cùng Thủ đô được giải phóng hoàn toàn vào ngày 10/10/1954.
Từ sau ngày quân đội Việt Nam tiếp quản Hà Nội, chợ Đồng Xuân là chợ lớn nhất tại thủ đô. Ngày nay, chợ Đồng Xuân vẫn là nơi giao thương tấp nập của các thương lái không chỉ của Hà Nội mà của các nơi lân cận.
Những cửa ô dẫn chân đoàn quân giải phóng:
Hình ảnh năm cửa ô đã trở thành biểu tượng cho sự kiện giải phóng Thủ đô. Từ ngày 7 đến 9/10/1954, các đơn vị bộ đội đã qua cửa ô Cầu Giấy, Cầu Dền, Yên Phụ, Hàng Đậu và Thụy Khuê tiến vào Hà Nội.
Theo nhiều tài liệu, Hà Nội trước đây có 21 cửa ô. Nhưng cũng có các tài liệu sau này chép rằng Hà Nội có 15, 16 cửa ô. Theo thời gian, sau khi kinh đô chuyển vào Huế, các cửa ô của Hà Nội dần thay đổi hoặc mất đi. Đến cuối thế kỷ 19, hầu hết các cửa ô chỉ còn là tên gọi, chỉ duy nhất một cửa ô còn sót là ô Quan Chưởng. Năm 1906, chính quyền thực dân Pháp định phá cửa ô này, nhưng may mắn được trường Viễn Đông Bác Cổ can thiệp nên giữ được nguyên vẹn.
Hình ảnh năm cửa ô đã trở thành biểu tượng trong ngày Giải phóng Thủ đô, khi nhạc sĩ Văn Cao viết trong bài “Tiến về Hà Nội”: “5 cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về…”.
Chính quyền cũng đã đổi tên nhiều cửa ô, nhưng dân chúng vẫn gọi theo tên nôm, như: Ô Phúc Lâm gọi là Ô Hàng Đậu, Ô Thịnh Yên gọi là Ô Cầu Dền, Ô Thanh Bảo gọi là ô Cầu Giấy… Những tên nôm đó vẫn được dùng cho đến hôm nay, nhưng cửa ô duy nhất còn lại là Ô Quan Chưởng. Những cửa ô còn lại đã trở thành các công trình công cộng, đường sá, cầu vượt hoặc nhà ở.
Di tích Ô Quan Chưởng ngày nay nằm trên phố Hàng Chiếu, phường Đồng Xuân, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đi từ xa đã có thể thấy đoạn tường và cổng cửa ô rêu phong cổ kính. Trên cổng còn ghi dòng chữ: “Đông Hà Môn” nghĩa là cửa Đông Hà, nhưng dân gian vẫn gọi đây là Ô Quan Chưởng.
Ô Chợ Dừa hiện nay là điểm giao cắt của 6 tuyến phố Xã Đàn, Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng, Tây Sơn, Đê La Thành, Ô Chợ Dừa.
Ô Cầu Dền chính là ngã tư lớn nối Phố Huế, Bạch Mai, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt.
Ô Đống Mác nằm cuối phố Lò Đúc, ở đoạn giao với đường Trần Khát Chân và phố Kim Ngưu.
Ô Cầu Giấy được cho là nằm ở phố Thanh Bảo giao với phố Sơn Tây.
Thực hiện: Vương Ngọc
Đồ họa: Thanh Nga
Bãi sông Hồng dưới chân cầu Long Biên gần đây đã đổi thay. Rác thải ô nhiễm tồn đọng lâu ngày được thu dọn để cải tạo, trở thành điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách.
Với mạng lưới phủ rộng khắp thành phố, xe buýt giờ đây là một phương tiện giao thông công cộng tiện lợi và an toàn, đặc biệt với những người lớn tuổi ở Hà Nội.
Hơn 40ha trồng đào ở Nhật Tân, làng đào nổi tiếng của Hà Nội, gần như bị cơn bão số 3 (Yagi) phá hủy hoàn toàn.
Nối huyện Đông Anh với quận Long Biên, cầu Đông Trù không chỉ nổi bật bởi vai trò giao thông quan trọng mà còn gây ấn tượng mạnh với thiết kế độc đáo.
Vùng đất bãi trồng hoa dưới chân cầu Long Biên (phường Phúc Xá, quận Ba Đình) đang vào thời điểm đẹp nhất trong năm. Mỗi luống hoa ở đây không chỉ kể câu chuyện về sắc màu của thiên nhiên mà còn là câu chuyện về tình yêu và sự gắn bó của mỗi con người đang sống ở Hà Nội.
Phố sách 19/12 từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc với những người mê đọc sách. Con phố xinh xắn làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho những người sống, học tập và làm việc ở Hà Nội, nhất là vào các ngày cuối tuần.
0