Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm trước cổng trường

Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, tại tỉnh Khánh Hòa đã xảy ra liên tiếp 3 vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn đồ ăn được bán trước cổng trường khiến hàng chục học sinh phải nhập viện. Thực tế này cho thấy, tình trạng mất an toàn thực phẩm trước các cổng trường học ngày càng gia tăng.

Sức hút ở cổng trường

Khi nhắc đến 4 chữ “thực phẩm trường học”, có rất nhiều câu chuyện liên quan mà Đài Hà Nội đã từng đề cập đến như: bếp ăn ở trường có đảm bảo vệ sinh không; câu chuyện khẩu phần ăn của các em như thế nào là đủ dinh dưỡng… Tuy nhiên, đó là trong trường học. Còn phía ngoài cổng trường, lâu nay còn tồn tại một vấn đề khác có lẽ các phụ huynh cũng đau đầu không kém, đó là chuyện ăn vặt của các em học sinh… Ăn vặt thì không tốt, chúng ta đều biết là như vậy, nhưng để cấm con em mình ăn vặt thì chắc khó mà có thể thực hiện được.

"Đi ăn xiên bẩn không?", "đợi lấy xe rồi đi ăn xiên bẩn nhé"… là những câu nói quen thuộc của nhiều học sinh tiểu học, trung học cơ sở sau khi tan học. Trẻ em vốn suy nghĩ rất đơn giản và với các món ăn nhìn thích mắt, có mùi mạnh, chiên rán... luôn có sức hút với các em. Thực tế, hầu hết các em đều biết món ăn có tên gọi là “ bẩn" này chắc chắn là không sạch… nhưng nhiều em lại tặc lưỡi vì đơn giản cảm thấy ngon miệng.

Trẻ em vốn suy nghĩ rất đơn giản và với các món ăn nhìn thích mắt, có mùi mạnh, chiên rán... luôn có sức hút với các em

Theo quan sát của phóng viên Đài Hà Nội, cứ 16 giờ chiều, tại cổng trường THCS Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), hàng loạt các xe đẩy đồ ăn vặt đã được chuẩn bị, sẵn sàng trực chờ các em học sinh.

16h30, khi cánh cổng trường được mở ra, cũng là lúc những sạp hàng này vô cùng tấp nập với khách hàng chủ yếu là các em học sinh.

Những xiên đồ ăn chiên với giá siêu rẻ, chỉ từ 2-8k đã thu hút nhiều em học sinh sau giờ tan học. Việc chế biến cũng vô cùng đơn giản, được thực hiện ngay đường đi bụi bặm mà không cần che chắn, thậm chí nhiều món đồ được chiên đi chiên lại, hết hạn sử dụng, nhưng nhiều thực khách nhí cũng chẳng để tâm.

Tại các cổng trường học Tiểu học Đoàn Kết và Tiểu học Trần Đăng Ninh (quận Hà Đông, Hà Nội), những món đồ ăn sáng như: bánh mì, mì trộn,… cũng là lựa chọn số một của các phụ huynh và các em học sinh. Mặc dù không còn là những gánh hàng rong lưu động như trước mà hiện nay, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã đăng ký kinh doanh cố định. Tuy nhiên, khi chế biến mì trộn, người bán hàng không sử dụng găng tay trong chế biến đồ ăn nhanh.

Mặc dù biết là thực phẩm quanh cổng trường có thể không đảm bảo VSATTP, tuy nhiên, với nhận thức con trẻ rất dễ bị lôi kéo bởi bạn bè, các em lại dễ dàng bỏ qua yếu tố vệ sinh, an toàn để tiếp tục "thưởng thức" những món ăn đó. Bởi vậy, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho con em mình, hơn ai hết, ngay từ trong gia đình, các bậc phụ huynh cần có những định hướng, tư vấn cho các em lựa chọn những món ăn đảm bảo chất lượng, VSATTP.

Những xiên đồ ăn chiên với giá siêu rẻ, chỉ từ 2-8k đã thu hút nhiều em học sinh sau giờ tan học.

Nỗi lo thực phẩm bẩn

Ở trường học, học sinh ít nhiều đã được các giáo viên dạy về an toàn thực phẩm, phụ huynh cũng nhận thức rất rõ vấn đề mất an toàn vệ sinh, ngộ độc thực phẩm từ sản phẩm trôi nổi ngoài cổng trường. Thế nhưng, thực tế vẫn có muôn vàn tình huống để khó có thể "nói không" với đồ ăn vặt cổng trường.

"Tôi cũng bận nên nhiều khi hai mẹ con vẫn phải mua đồ ăn ngoài nhưng cũng mong các cơ sở làm đảm bảo ATTP", chị Vũ Thu Hà, một phụ huynh (phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết lý do.

Còn phụ huynh Tô Xuân Lộc (phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra giám sát các cơ sở bán đồ ăn trước cổng trường để đảm bảo ATVSTP cho các em học sinh.

PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn - Bệnh viện TƯ Quân đội 108 cho biết, khi vi khuẩn vào đường tiêu hóa, các độc tố của vi khuẩn sẵn có có thể gây ra tình trạng ngộ độc tức thì sau khi ăn. Khi bị ngộ độc thực phẩm, sẽ gây nên các tổn thương trên đường tiêu hóa với các triệu chứng như: nôn nhiều, đau bụng dữ dội, tiêu chảy… Ở mức độ nặng, có thể gây nhiễm độc toàn thân bởi các độc tố do vi khuẩn tạo ra với các biểu hiện bằng hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc: sốt, mệt mỏi hay nhiễm độc trên các hệ cơ quan như: hệ thống thần kinh trung ương, hệ thống tim mạch, hệ thống hô hấp… gây ra rối loạn đa chức năng, thậm chí có thể tử vong.

Tại Hà Nội, ngay trong Tháng hành động An toàn thực phẩm diễn ra từ 15/4 đến 15/5 này, quận Hoàn Kiếm sẽ làm điểm kiểm soát an toàn thực phẩm trước cổng trường học tại 2 phường phường Tràng Tiền, phường Hàng Trống. Theo đó, đối tượng kiểm tra trong đợt cao điểm này là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, hàng rong xung quanh cổng trường học nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh và người tiêu dùng.

Hàng loạt các xe đẩy bán đồ ăn vặt như thế được chuẩn bị, sẵn sàng trực chờ các em học sinh.

Câu chuyện quản lý và cấm bán hàng rong không thể giải quyết được một sớm một chiều. Bởi khi lực lượng chức năng cấm bán ở một địa điểm nào đó, thì những người bán hàng lại đối phó bằng cách di chuyển sang địa điểm khác.

Có cầu thì mới có cung, các em học sinh thường có nhu cầu được ăn một món gì đó sau những giờ tan học. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của các em, hiện nay, một số nhà trường đã và đang tìm kiếm và triển khai những giải pháp hiệu quả.

Mô hình căng tin thông minh - giải pháp ăn vặt học đường

Không cần mang tiền mặt mà chỉ cần một chiếc thẻ, học sinh dễ dàng mua được những món mà mình thích. Đặc biệt, không chỉ nhà trường kiểm soát được nguồn thực phẩm đưa đến cho học sinh mà phụ huynh cũng có thể theo dõi được con ăn gì khi ở trường thông qua phần mềm trên điện thoại. Nhờ đó mối lo mất an toàn thực phẩm khi ở trường của cả học sinh và phụ huynh cũng được giảm đi.

Cô giáo Nguyễn Thị Anh Diệp, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn Trãi, Hà Nội cho biết, sau 3 tháng nhà trường triển khai đưa mô hình smart city (căng tin thông minh) vào trong trường vừa giúp các em học sinh thỏa mãn nhu cầu ăn uống sau giờ học, vừa đảm bảo an toàn dinh dưỡng và VSATTP, với giá bán minh bạch, rõ ràng.

Em Nguyễn Thùy Dương, học sinh trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Nội) chia sẻ, khi chưa có thẻ, các em mang tiền đi thường hay bị rơi, mất và từ khi có thẻ em không phải mang tiền theo nữa.

Theo chị Nguyễn Thị Mai, phụ huynh học sinh, nhờ việc có căng tin thông minh như vậy, giúp các phụ huynh thêm yên tâm vì kiểm soát được đồ ăn của con trong thời gian ở trường học.

Nắm bắt tâm lý  trẻ luôn thích đồ ăn vặt, thích đồ chiên rán, nhiều bếp ăn trường học ở Hà Nội đã cải thiện chất lượng bữa ăn căng tin. Có những trường đã dành mỗi bữa một tuần để phục vụ trẻ những món ăn ưa thích, đó cũng là một cách để học sinh bớt thèm những món quà vặt nhiều dầu mỡ ngoài vỉa hè. Hay bữa trưa no và ngon miệng sẽ khiến trẻ không còn muốn tìm đến các đồ ăn sẵn không có nguồn gốc.

Mô hình căng tin thông minh ở trường Nguyễn Trãi (Hà Nội) là một giải pháp ăn vặt học đường

Hạn chế đồ ăn vặt ở trẻ em - kinh nghiệm từ Australia

Ngày 19/6, Nghị sĩ độc lập Sophie Scamps đã trình Quốc hội Australia dự luật, theo đó đề xuất cấm quảng cáo thực phẩm không tốt cho sức khỏe trong khoảng thời gian từ 6h đến 21h30 hàng ngày trên các chương trình phát thanh và truyền hình. Các quảng cáo trên mạng xã hội và trang mạng trực tuyến sẽ bị cấm hoàn toàn.

Theo nghị sĩ Scamps, mỗi năm, trẻ em Australia tiếp xúc với hơn 800 quảng cáo đồ ăn vặt mới trên TV và có mối liên hệ trực tiếp giữa những quảng cáo đó với bệnh béo phì ở trẻ em. Ước tính, chứng béo phì tiêu tốn của hệ thống y tế quốc gia 11,8 tỷ AUD mỗi năm, với 25% số trẻ em có xu hướng mắc bệnh mãn tính do thừa cân.

Theo bà Scamps, những hạn chế hiện tại không đủ mạnh và cơ chế tự điều chỉnh không hiệu quả. Vì vậy, nếu tiếp tục "khoanh tay đứng nhìn" trẻ em bị mê hoặc bởi quảng cáo đồ ăn vặt trên mạng xã hội và trên TV, hậu quả sẽ khôn lường. Bà Scamps đề xuất, các đài truyền hình, nhà cung cấp dịch vụ và công ty thực phẩm có thể bị phạt nặng nếu không tuân thủ những hướng dẫn được đề xuất.

Đề xuất này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của nhiều nghị sĩ, bác sĩ, cũng như một loạt hiệp hội y tế và sức khỏe.

Nghị sĩ độc lập Sophie Scamps đã trình Quốc hội Australia dự luật đề xuất cấm quảng cáo thực phẩm không tốt cho sức khỏe trong khoảng thời gian từ 6h đến 21h30 hàng ngày.

Ông Jane Martin, Giám đốc điều hành Liên minh thực phẩm vì sức khỏe cho rằng, việc điều chỉnh hoạt động tiếp thị thực phẩm không tốt cho sức khỏe là bước quan trọng đầu tiên trên con đường bảo vệ tương lai của trẻ em. Ông nhấn mạnh, thế hệ trẻ xứng đáng có một tương lai khỏe mạnh hơn, không phải chịu sự tấn công liên tục của việc tiếp thị đồ ăn vặt.

Trong khi đó, Giáo sư Nitin Kapur đến từ trường Bác sĩ Hoàng gia Royal College of Physicians, kêu gọi, Chính phủ Australia can thiệp vì sức khỏe của trẻ em bởi hiện nay, trẻ em Australia đang tiếp xúc với rất nhiều hoạt động tiếp thị mang tính "săn mồi" của đồ ăn vặt và đồ uống có đường trên nhiều phương tiện truyền thông. Khoảng 40 quốc gia đã hoặc đang có kế hoạch điều chỉnh quảng cáo đồ ăn vặt, trong đó có Anh, Hàn Quốc, Na Uy và Chile.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sáng nay (22/12), tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh, Metro Bến Thành - Suối Tiên chính thức được đưa vào khai thác thương mại.

Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe, cùng với đề xuất sửa đổi quy định về sân tập lái xe.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký Công văn số 4291/UBND-ĐT về việc nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Trong đó, đặc biệt xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông.

Ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu cột mốc lịch sử trong hành trình phát triển giao thông đô thị của TP.HCM, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Sở GTVT Hà Nội ra thông báo cấm tất cả các phương tiện và người tham gia giao thông lưu thông trên tuyến đường Văn Khê (trước tòa nhà V3 Victoria Văn Phú) trong khung giờ từ 23h00 ngày 22/12/2024 đến 3h00 ngày 23/12/2024, để phục vụ thi công cầu vượt cho người đi bộ (quận Hà Đông, TP Hà Nội).

Cầu Phong Châu mới trên Quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ đã chính thức triển khai thi công theo lệnh khẩn cấp, yêu cầu hoàn thành xây dựng và đưa công trình vào khai thác trong năm 2025 nhằm nhanh chóng giải quyết tình trạng đứt gãy giao thông.