Khí thải CO2 từ năng lượng toàn cầu đạt mức kỷ lục

Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngày càng tăng để bù đắp sản lượng thủy điện giảm do hạn hán và sự phục hồi trong ngành hàng không đã góp phần đẩy lượng khí thải CO2 từ năng lượng toàn cầu đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái.

Lượng khí thải CO2 toàn cầu cao kỷ lục 

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa cho biết lượng khí thải toàn cầu từ năng lượng đã tăng 410 triệu tấn, tương đương 1,1% lên 37,4 tỷ tấn vào năm 2023, và cao hơn 1,4% so với mức trước đại dịch. Nếu tính thêm lượng phát thải từ việc sử dụng đất, các quốc gia sẽ thải ra tổng cộng 40,9 tỷ tấn CO2 trong năm 2023.

Lượng khí thải CO2 toàn cầu cao kỷ lục.

IEA cho biết, các biện pháp nhằm bù đắp sản lượng thủy điện bị cắt giảm do hạn hán khắc nghiệt là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng này, chiếm khoảng 40% mức tăng phát thải, tương đương 170 triệu tấn CO2.

Ở mức phát thải hiện tại, các nhà nghiên cứu ước tính 50% nguy cơ nhiệt độ toàn cầu sẽ nóng lên vượt quá 1,5 độ C liên tục trong khoảng 7 năm. Những sự gia tăng này đặt ra thách thức nghiêm trọng trong việc đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Tác động của biến đổi khí hậu rất rõ ràng xung quanh chúng ta, nhưng hành động nhằm giảm lượng khí thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch còn rất chậm. Khoảng cách giữa những lời hứa của chính phủ, nhà đầu tư và công ty với hành động của họ vẫn còn quá lớn. Bây giờ có vẻ như toàn cầu khó đạt được mục tiêu từ thỏa thuận Paris giới hạn mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C trước cuối thế kỷ này.

Ông Pierre Friedlingstein, Giáo sư tại Viện hệ thống toàn cầu Exeter

Trong nỗ lực cắt giảm khí thải, các nền kinh tế tiên tiến đã tăng cường công nghệ sạch, trong đó có pin mặt trời, tuabin gió, năng lượng hạt nhân hay ô tô điện. Nhờ đó, lượng khí thải CO2 của các nước tiên tiến đã giảm xuống mức thấp nhất trong 50 năm do nhu cầu than giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ đầu những năm 1900. Nếu không có các công nghệ sạch, mức tăng lượng phát thải CO2 liên quan đến ngành năng lượng trên toàn cầu trong 5 năm qua sẽ cao gấp 3 lần so với con số 900 triệu tấn đã ghi nhận.

Các nhà khoa học cho biết, việc cắt giảm mạnh lượng khí thải CO2, chủ yếu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, sẽ là cần thiết trong những năm tới nếu muốn đạt được các mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu nhanh chóng.

Nam Mỹ: Khí thải carbon cao do cháy rừng

Các nhà khoa học cho biết, thông thường cháy rừng tạo ra lượng phát thải ít hơn so với phát thải từ nhiên liệu hóa thạch và giao thông vận tải, nhưng trong năm 2023, cháy rừng là một trong những nguyên nhân khiến nhiệt độ toàn cầu tăng cao kỷ lục. Các vụ cháy rừng liên tiếp trong mùa khô, cùng các đợt nắng nóng khắc nghiệt đã khiến lượng khí thải carbon trong tháng 2 vừa qua tại ba quốc gia Nam Mỹ là Brazil, Venezuela và Bolivia tăng cao kỷ lục, cao nhất trong vòng 21 năm. Đây là số liệu vừa được Cơ quan giám sát khí quyển Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) đưa ra. Lượng phát thải khí carbon do cháy rừng ở Brazil và Venezuela ước tính lần lượt là 4,1 và 5,2 triệu tấn carbon. Trong khi tại Bolivia, lượng khí thải này cũng cao kỷ lục ở mức 0,3 triệu tấn carbon.

Nam Mỹ: Khí thải carbon cao do cháy rừng.

Nhà khoa học cao cấp Mark Parrington tại Cơ quan Giám sát khí quyển Copernicus (CAMS) cho biết cơ quan này đã theo dõi sự gia tăng số vụ cháy rừng trong mùa cao điểm. Nhiều khu vực ở Nam Mỹ đang phải hứng chịu tình trạng hạn hán, làm gia tăng nguy cơ xảy ra hỏa hoạn và dẫn đến các đám cháy được quan sát. Dự báo về thành phần khí quyển của CAMS cũng cho thấy khói đang bao phủ một khu vực rộng lớn trong vùng này và khiến tình trạng ô nhiễm không khí tại các khu vực đông dân cư trở nên nghiêm trọng hơn.

Đáng chú ý, tại Brazil, cường độ cháy rừng và lượng phát thải cao được ghi nhận ở bang Roraima thuộc vùng Amazon, dù hiện tại không phải là mùa cháy rừng cao điểm. Thông thường, mùa cháy rừng Amazon thường xảy ra từ tháng 9 đến tháng 10 hàng năm.

Các chuyên gia cho biết tình trạng khô hạn và nắng nóng bất thường trong khu vực là nguyên nhân chính gây ra các vụ cháy rừng bất thường trong năm nay.

Thống kê cho biết có tới gần 3.000 đám cháy rừng đã được ghi nhận tại khu vực rừng Amazon ở Brazil trong tháng 2, mức cao kỷ lục trong vòng 25 năm qua.

Một số chuyên gia cho rằng sự xuất hiện của hiện tượng thời tiết El Nino là nguyên nhân gây ra đợt hạn hán lịch sử ở lưu vực sông Amazon hồi năm ngoái, dẫn đến các vụ cháy rừng thảm khốc, phá hoại mùa màng và khiến các tuyến đường thủy quan trọng bị thu hẹp lại. Tuy nhiên, một nghiên cứu của các nhà khoa học tại World Weather Attribution (WWA) - tổ chức chuyên đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu đối với mô hình thời tiết cực đoan trên thế giới lại cho thấy rằng biến đổi khí hậu do tình trạng ô nhiễm khí carbon liên quan hoạt động của con người là nguyên nhân chính gây ra tình trạng nêu trên. Chính điều này đã khiến cho nguy cơ xảy ra hạn hán tăng gấp 30 lần trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 11/2023.

Cảnh báo ô nhiễm làm gia tăng gánh nặng bệnh tật

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo các tình trạng khẩn cấp về khí hậu cùng với ô nhiễm môi trường đang diễn ra làm gia tăng gánh nặng bệnh tật, đặc biệt là ở Nam bán cầu. Đây là cảnh báo do Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra trong phiên họp thứ 6 của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc diễn ra tại Thủ đô Nairobi của Kenya mới đây.

Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) đóng vai trò là cơ quan ra quyết định cao nhất thế giới về môi trường và nhằm mục đích giúp khôi phục sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Cảnh báo ô nhiễm làm gia tăng gánh nặng bệnh tật.

Phiên họp thứ 6 của UNEA đã kết thúc vào ngày 29/2, cùng sự tham gia của đại diện đến từ hơn 180 quốc gia trên thế giới để đàm phán về nhiều vấn đề, từ giải pháp dựa vào thiên nhiên và thuốc trừ sâu có độ nguy hiểm cao đến suy thoái đất và hạn hán.

Trọng tâm của các đại biểu tham dự sự kiện này cũng là các Hiệp định môi trường đa phương (MEA). Các hiệp định khu vực và quốc tế này, trong đó có một số hiệp định có tuổi đời hơn 50 năm, đã giúp bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng và hạn chế ô nhiễm hóa chất cùng nhiều mối lo ngại khác.

Ngoài việc khẳng định rằng sức khỏe của con người, động vật và môi trường có mối liên hệ mật thiết với nhau, ông Tedros chỉ ra rằng, cuộc khủng hoảng chồng chéo mà thế giới đang phải đối mặt gồm biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm đang đe dọa những thành quả đạt được trong việc ngăn chặn những căn bệnh chết người.

Sức khỏe con người đang bị ảnh hưởng khi sức khỏe của hành tinh mà chúng ta sinh sống đang gặp nguy hiểm. Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và thường xuyên hơn không chỉ gây ra thương vong cho con người mà còn gây thiệt hại cho các cơ sở y tế và cơ sở hạ tầng thiết yếu khác.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới

Tổng Giám đốc WHO lưu ý rằng nhân loại đang phải trả giá đắt từ không khí và nguồn nước bị ô nhiễm, với bằng chứng là sự gia tăng các bệnh hiểm nghèo như ung thư phổi, hen suyễn, sỏi thận và tim mạch.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến các bệnh truyền nhiễm như sốt rét và sốt xuất huyết lây lan mạnh sang các khu vực mới.

Bên cạnh đó, các hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp nếu không được khống chế hiệu quả, có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền từ động vật sang người, vốn đang nổi lên như những rủi ro hàng đầu về an ninh y tế công cộng.

Ông Tedros cho biết, đến nay, WHO đã hợp tác với các quốc gia thành viên để đẩy nhanh việc thực hiện các khuyến nghị tập trung vào khía cạnh môi trường, bao gồm chất lượng không khí, nước sạch và dinh dưỡng hợp lý. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh tính cấp bách của các hành động đa phương để chấm dứt ô nhiễm nhựa, chuyển đổi hệ thống thực phẩm và ngăn chặn sự di chuyển của chất thải nguy hại nhằm tăng cường sức khỏe con người.

Theo ông Tedros, việc chuyển đổi hệ thống giao thông và đảm bảo mục tiêu không phát thải trong các hoạt động giao thông sẽ là chìa khóa để giảm bớt gánh nặng ngày càng tăng của các bệnh không lây nhiễm.

Nắng nóng ảnh hưởng đến du lịch trượt tuyết châu Âu

Châu Âu là một trong những điểm đến hàng đầu đối với khách du lịch muốn trải nghiệm trượt tuyết. Tuy nhiên, nhiệt độ tăng cao những năm gần đây khiến lượng tuyết ít đi, khiến các khu nghỉ dưỡng đối mặt với nhiều áp lực. Một số nơi phải sử dụng tuyết nhân tạo để hoạt động, nhưng giải pháp này rất tốn kém với tác động lớn đến môi trường vì cần rất nhiều năng lượng và nước. Chưa kể tuyết nhân tạo vẫn có thể tan khi nhiệt độ chạm mức 15 độ C.

Du khách đến với ngọn núi Bjelasnica tại Thủ đô Sarajevo, Bosnia đã không thể trượt tuyết dọc theo sườn núi như các năm trước. Sau một tháng 12 ấm áp, những người yêu mến bộ môn trượt tuyết tại đây chỉ có thể tranh thủ vài tuần thời tiết lạnh trong tháng 1. Tuy nhiên, tiết trời lại ấm áp quá mức vào tháng 2, khiến toàn bộ tuyết trên ngọn núi đã tan chảy. Địa điểm đã từng là nơi tổ chức Thế vận hội Olympic mùa đông năm 1984 giờ đây đã không thể tổ chức thêm một giải đấu nào do thiếu tuyết.

Nắng nóng ảnh hưởng đến du lịch trượt tuyết châu Âu.

Các điểm đến trượt tuyết nổi tiếng khác ở châu Âu như Italia, Pháp, Slovenia cũng đã phải đối mặt với tình trạng các trung tâm trượt tuyết bị bỏ hoang trong mùa đông này do thiếu tuyết trầm trọng.

Trước tình hình thời tiết diễn biến ngày một phức tạp, ngành du lịch trượt tuyết thế giới phải đối mặt với một quyết định mới, tiếp tục chiến đấu với tình cảnh hiện tại, hy vọng tiến bộ công nghệ có thể khắc phục ảnh hưởng của nhiệt độ tăng cao, hoặc thay đổi mô hình kinh doanh và tìm kiếm các nguồn doanh thu du lịch thay thế.

Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, tháng 2/2024 là tháng có nhiệt độ trung bình toàn cầu cao nhất từng được ghi nhận. Đây là tháng thứ 9 liên tiếp, kể từ tháng 7/2023 ghi nhận kỷ lục nhiệt độ cao bị phá vỡ. Với những dữ liệu về thời tiết thế giới từ đầu năm, NOAA cho rằng gần 22% khả năng 2024 sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử thế giới, hơn 99% khả năng năm 2024 sẽ lọt top 5 năm nóng nhất lịch sử.

Hoa anh đào Nhật Bản nở sớm do biến đổi khí hậu

Hoa anh đào ở Nhật Bản thường nở rộ vào tháng 3 và tháng 4. Khi đó, nhiều đường phố của đất nước Mặt Trời mọc được phủ kín bởi sắc hồng và trắng của hàng tỷ bông hoa tuyệt đẹp, thu hút rất đông du khách đến chiêm ngưỡng và tham dự lễ hội hoa anh đào, một trong những trải nghiệm văn hóa đặc sắc nhất tại Nhật Bản. Tuy nhiên, khủng hoảng khí hậu và hiện tượng nóng lên của đô thị đang ảnh hưởng đến thời điểm hoa anh đào nở ở Nhật Bản.

Các nhà khoa học và chuyên gia về khí hậu tại Nhật Bản cảnh báo rằng, biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến thời điểm nở của hoa anh đào mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái của quốc gia này. Sự ấm lên toàn cầu khiến cho mùa xuân ấm áp hơn thường lệ, thúc đẩy hoa anh đào bung nở sớm hơn, phản ánh rõ ràng sự thay đổi của môi trường sống mà chúng phụ thuộc vào.

Hoa anh đào Nhật Bản nở sớm do biến đổi khí hậu.

Hơn nữa, việc hoa nở sớm không chỉ gây xáo trộn cho kế hoạch du lịch của hàng ngàn du khách mong muốn chứng kiến mùa hoa anh đào truyền thống, mà còn ảnh hưởng đến giá trị văn hóa và kinh tế mà mùa hoa mang lại. Hoa anh đào không chỉ là một phần quan trọng trong lễ hội và truyền thống của Nhật Bản mà còn là một yếu tố thu hút khách du lịch quốc tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương. Sự thay đổi này đặt ra thách thức lớn trong việc bảo tồn và truyền bá giá trị văn hóa qua các thế hệ, khi mà một trong những biểu tượng văn hóa quan trọng của đất nước Mặt Trời mọc đang dần mất đi vẻ đẹp và sự quyến rũ truyền thống vốn có.

Bên cạnh những nỗ lực cá nhân trong việc thích nghi với biến đổi khí hậu, việc tăng cường nhận thức và hành động vì một tương lai bền vững cũng hết sức cần thiết. Các nghiên cứu và phân tích cho thấy các quốc gia cần phải tăng cường nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả năng lượng. Bằng cách hành động cụ thể và ý thức được tác động của mình đối với môi trường, chúng ta có thể cùng nhau hướng tới một tương lai bền vững.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.

Việc tự động hóa sản xuất bằng AI và robot có thể đóng góp tới 1,4 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2025.

Ngày 3/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã ban hành lệnh thiết quân luật sau 45 năm. Sắc lệnh thiết quân luật của ông chỉ kéo dài trong vài giờ, nhưng ông đang phải trả giá đắt vì tính toán sai lầm này. Uy tín của ông Yoon đã giảm mạnh, trong đó nổi lên sự phân cực chính trị sâu sắc, các vụ bê bối liên quan đến vợ ông và xung đột gần như liên tục giữa Chính phủ của ông và Quốc hội do phe đối lập áp đảo.

Với gần 150 đêm diễn tại 51 thành phố trên khắp thế giới,"The Eras Tour" không chỉ là chuyến lưu diễn lớn nhất trong sự nghiệp của Taylor Swift mà còn được xem là một hiện tượng văn hóa toàn cầu. Đây là chuyến lưu diễn âm nhạc có doanh thu cao nhất mọi thời đại, cho thấy sức ảnh hưởng đặc biệt của nữ ca sỹ trong ngành công nghiệp âm nhạc, văn hóa và kinh tế.

Các cuộc thảo luận về khí hậu thường xoay quanh việc giảm carbon dioxide (CO₂) - loại khí nhà kính nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, methane (CH₄) - một loại khí thải khác chỉ đứng sau CO₂ về tác động đến hiện tượng nóng lên toàn cầu, cũng cần được chú ý nếu muốn làm chậm tình trạng biến đổi khí hậu.

Sự bất ổn chính trị tại Pháp và Đức, hai nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu, đang làm suy yếu vai trò trụ cột của hai quốc gia này trong nỗ lực giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách đang gia tăng và sức cạnh tranh đang suy yếu của châu lục này, làm dấy lên mối lo ngại về tương lai bất ổn của Liên minh châu Âu.