Sen Hà Nội, tinh hoa văn hóa đậm chất Hà thành

Lễ hội Sen Hà Nội 2024 là một sự kiện văn hóa độc đáo của Thủ đô, nhằm tôn vinh sức sống của cây sen, qua đó truyền tải thông điệp về tinh hoa, văn hóa người Hà Nội.

Lễ hội Sen năm 2024

Lễ hội sen Hà Nội năm 2024 sẽ diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 12-17/7, với rất nhiều hoạt động để tôn vinh vẻ đẹp của hoa sen. Đây là lần đầu tiên một lễ hội sen quy mô lớn được tổ chức.

Nhiều sản phẩm từ sen đã có mặt tại lễ hội như hoa sen, tơ sen, chè sen, xôi sen, giò sen và nhiều sản phẩm OCOP từ khắp các vùng miền hội tụ.

Đặc biệt, bức tranh sen "Liên hoa tịnh cảnh" của họa sĩ Nguyễn Thị Kim Đức đã được trưng bày trang trọng. Đây là bức tranh từng dành được sự quan tâm, yêu mến của nhiều người tại triển lãm Sen Việt năm 2023 được tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Bức tranh đã được gia trì bởi các vị cao tăng của Việt Nam như Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa XII, Đức tăng thống Myanmar Sayadaw Sandimar Bhivamsa khi tới Việt Nam cũng đã chiêm ngưỡng và gia trì cho bức tranh này.

Bức tranh sen "Liên hoa tịnh cảnh".

Nữ họa sĩ Nguyễn Thị Kim Đức mong muốn góp phần nhỏ bé cùng chia sẻ niềm vui với những người yêu sen khi lần đầu tiên Hà Nội tổ chức lễ hội độc đáo này.

Cũng nằm trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Sen Hà Nội, hơn 1.000 người mặc áo dài truyền thống có họa tiết hoa sen đã tham gia sự kiện xác lập kỷ lục “Số người mặc Áo dài họa tiết hoa sen nhiều nhất Việt Nam”. Sự kiện do UBND quận Tây Hồ và CLB Di sản áo dài Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức.

Sản phẩm đặc biệt từ sen

Điểm nhấn đặc biệt của Lễ hội Sen Hà Nội lần đầu tiên là lễ đón nhận Di sản Văn hóa phi Vật thể cấp Quốc gia: “Nghề ướp trà sen". Hàng trăm nghệ nhân từ mọi miền Tổ quốc đã cùng tụ hội, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và quảng bá nghệ thuật Trà sen.

Trong không gian tràn ngập văn hóa về sen, mỗi du khách sẽ là một “tao nhân mặc khách”, vừa thưởng thức hương vị đặc biệt của trà sen, vừa được chiêm ngưỡng tài nghệ ướp trà sen, pha trà sen truyền thống của người Quảng An, Tây Hồ.

“Trà sen bà Dần” - thương hiệu trà ướp sen truyền thống của nghệ nhân cao niên Nguyễn Thị Dần đã nức tiếng khắp Hà Thành từ lâu, với hương vị rất đặc biệt không đâu có bởi nguyên liệu tinh túy, quá trình làm thủ công tỉ mỉ và nhất là sử dụng hoàn toàn sen Đầm Trị. Nghệ thuật ướp trà sen đã được bà truyền lại cho các con cháu.

Trà sen Chính Hà cũng có niềm tự hào riêng. Chị Chính Hà không được may mắn được gia đình truyền nghề. Bởi niềm đam mê đặc biệt, chị cắp sách tìm đến nhiều nghệ nhân ướp trà sen để học nghề, thành nghề. Giờ đây, trà sen Chính Hà đã vươn đến thị trường Âu, Mỹ bằng những sản phẩm sạch, uy tín, chế biến kỳ công.

Nghề ướp trà sen Tây Hồ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Trà sen có những đặc điểm riêng. Pha trà sen Tây Hồ không cần tráng qua nước sôi như các loại trà bình thường để tránh làm mất hương thơm mỏng tang của sen. Người thưởng trà phải tinh tế mới có thể cảm nhận hết hương vị của trà sen Tây Hồ.

Thực cảnh “Chuyện của Sen”

Chương trình nghệ thuật bán thực cảnh "Chuyện của Sen" đã được khai mạc vào tối 12/7, tại sân khấu nổi trên mặt nước, mang đến một trải nghiệm đầy sắc màu và ý nghĩa cho người tham dự.

Với 4 chương tương ứng 4 bối cảnh lịch sử và giai đoạn vòng đời của hoa sen và con người, chương trình đã thành công trong việc tóm lược cuộc sống của người Việt từ xưa đến nay. Câu chuyện về sự sống của hoa sen không chỉ mang đến một cái nhìn sâu sắc về giá trị văn hóa mà còn là một lời nhắn nhủ về sự bền vững của nền văn hóa Việt Nam.

Chương trình đã mix các bài hát quen thuộc như 'Phố cổ', 'Quê hương Việt Nam tôi', 'Hồn sen' cùng với những tác phẩm mới,  tạo nên một không khí trang trọng và sôi động. Đây thực sự là một nét đặc sắc của Lễ hội Sen Hà Nội năm nay, nơi mà nghệ thuật và văn hóa giao hòa, mang lại cho mọi người những cảm xúc khó quên.

Chương trình nghệ thuật bán thực cảnh 'Chuyện của Sen'.

Phát triển Tây Hồ trở thành điểm đến đặc biệt

Thủ đô Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó quận Tây Hồ đóng vai trò quan trọng bằng việc xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của cộng đồng và thu hút du khách.

Quận Tây Hồ đang xây dựng những không gian văn hóa sáng tạo độc đáo, gắn kết với di sản lịch sử văn hóa như làng Yên Thái với nghề làm giấy dó truyền thống kết hợp với đình Trích Sài, không gian trải nghiệm nghề làm xôi Phú Thượng gắn liền với đình Phú Gia...

Tây Hồ sẵn sàng huy động các nguồn lực xã hội và đầu tư vào phát triển các không gian văn hóa sáng tạo, cũng như áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn hóa. Đây là nỗ lực nhằm kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa đặc trưng của Tây Hồ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bao đời nay, đồ chơi Trung thu truyền thống được nhiều thế hệ thợ thủ công, nghệ nhân gìn giữ, tiếp nối, đó là những món đồ chơi giản dị nhưng chứa đựng nhiều giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là một trong những tác giả được vinh danh tại giải thưởng Văn học Điền Trì do Tạp chí Văn học Điền Trì (Trung Quốc) tổ chức.

Chương trình Xúc tiến Du lịch - Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ do Bộ VH-TT&DL tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 23 - 25/9/2024 tại thành phố San Francisco và thành phố Los Angeles, bang California, Hoa Kỳ với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới”.

Hôm nay (17/9) là ngày Rằm tháng 8 âm lịch. Không khí Tết Trung thu đã gõ cửa từng ngôi nhà, từ khắp làng quê cho đến những con phố. Tuy nhiên, mỗi thời mỗi khác và Trung thu cũng vậy, đều sẽ có những thay đổi gắn liền với cuộc sống của con người.

Dự kiến diễn ra từ ngày 9 đến 17/11, Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2024 chủ đề “Giao lộ sáng tạo” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì, với các hoạt động tại các không gian di sản văn hóa, các làng nghề.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I xây dựng Triển lãm 3D trực tuyến với tên gọi “Hỡi đồng bào Thủ đô!”.