Bạo lực trẻ em trong gia đình: Vấn nạn của xã hội

(HanoiTV) - Trong những năm gần đây, tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình Việt Nam ngày một gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng. Đây không còn là một vấn đề của riêng gia đình mà là vấn nạn của xã hội.

Gia tăng bạo lực với trẻ em

Điều khiến chúng ta đau buồn hơn cả chính là nhiều vụ bạo hành dã man trẻ em lại do chính những người làm cha làm mẹ, những người thân thích ruột thịt trong gia đình gây ra. Nhẹ thì mắng chửi hoặc dùng lời lẽ để đay nghiến, xúc phạm các em. Nặng nề hơn là dùng vũ lực đòn roi, thậm chí là các biện pháp dã man, tra tấn tựa thời trung cổ với các vật dụng nguy hiểm. Và gần đây, đã có nhiều vụ việc đau lòng xảy ra với trẻ em tại các địa phương trên cả nước.

Điển hình phải kể đến vụ việc bé V.A (8 tuổi) ở Tp.HCM đã bị "dì ghẻ" Nguyễn Võ Quỳnh Trang (ở Gia Lai) cùng với sự đồng lõa của bố ruột V.A., hành hạ, đánh đập dã man em bằng nhiều cách thức khác nhau trong nhiều ngày, nhiều giờ, dẫn tới tử vong vào ngày 22/12/2021.

Hay như vụ việc bé Đ.N.A (3 tuổi) ở Thạch Thất (Hà Nội) đã bị người tình của mẹ là Nguyễn Trung Huyên (Thạch Thất, Hà Nội) hãm hại nhiều lần với những thủ đoạn hết sức tàn ác. Đỉnh điểm là vào ngày 17/1/2022, bé N.A đã phải nhập viện trong tình trạng co giật, hôn mê. Quá trình cấp cứu ở viện, hình ảnh chụp X-Quang cho thấy có 9 dị vật như đinh gỗ ghim vào tổ chức não bé. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm màng não do nhiễm trùng và đã không qua khỏi sau gần 2 tháng được điều trị tích cực.

Một vụ việc đau lòng khác xảy ra vào khoảng 19h30 ngày 16/2/2022, hai vợ chồng Trần Văn Viên (30 tuổi, ngụ xã Tam Hải, Quảng Nam) đã xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau vì ghen tuông. Sau khi cãi nhau qua điện thoại với vợ, Viên nhẫn tâm cõng cô con gái 5 tuổi trên vai rồi ném xuống sông Trường Giang và bị tử vong. Gây án xong, Viên đến trụ sở công an trình báo và bị giữ lại để phục vụ điều tra.

Vào khoảng 11h ngày 16/9/2021, Lê Thành Công (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), trong lúc dạy kèm con gái là bé L.H.A. (6 tuổi) học bài đã dùng que tre, cán chổi vụt nhiều phát vào vùng mông, lưng con gái, khiến bé H.A bị tử vong.

4 vụ việc đau lòng nói trên là điển hình của rất nhiều các vụ việc khác mà trẻ em là đối tượng bị bạo hành bởi chính những người thân ruột thịt, có quan hệ gần gũi trong gia đình, gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận xã hội.

Thi thể bé V.A (Tp.HCM) có nhiều vết bầm tím lớn do bị "dì ghẻ" bạo hành dã man.

Nguyên nhân của tình trạng bạo hành trẻ em

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình. Trước hết phải kể đến nhận thức của các gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào đó còn bị xem nhẹ, nhiều thói quen, phong tục, tập quán như văn hoá ″Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” bấy lâu nay khiến cho người ta coi chuyện đánh con là “bình thường” đó là quyền của cha mẹ phải dạy cho con nên người.

Từ việc gia đình không có được một chức năng bình thường, cho đến sự thiếu thông đạt, sự khiêu khích của người phối ngẫu, hay sự dồn nén tâm lý của một người, hoặc vì các chất kích thích như rượu, thuốc, hoặc vì thiếu một cuộc sống tâm linh, cho đến những sự khó khăn về kinh tế… đều dẫn đến bạo hành trẻ em.

Bên cạnh đó, nhận thức về bảo vệ trẻ em còn hạn chế thể hiện ở khía cạnh thiếu hiểu biết về luật pháp, về các hành vi vi phạm quyền trẻ em, dẫn đến tình trạng người thân trong gia đình xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em (khoảng 50% tổng số vụ vi phạm) và các thành viên khác trong xã hội phạm tội nghiêm trọng đối với trẻ em đến mức phải xử lý hình sự.

Việc ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột đối với trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời vì họ không muốn có sự “rắc rối” liên quan đến họ. Nhận thức về sự nguy hại nhiều mặt và hậu quả lâu dài, nghiêm trọng của các hành vi xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em chưa được cảnh báo đúng mức khiến đa phần những trẻ em bị ngược đãi, xâm hại và bị bóc lột có tâm lý mặc cảm, tự ti hoặc tâm lý thù hận đối với xã hội và sau này khi trưởng thành nhiều em trong số đó cũng ứng xử tương tự đối với người khác.

Trong khi đó, vai trò bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của gia đình, cộng đồng chưa được coi trọng, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và của chính bản thân trẻ chưa đầy đủ dẫn đến năng lực bảo vệ trẻ em của gia đình, cộng đồng còn hạn chế, trẻ em dễ trở thành nạn nhân của các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục và dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội. Tình trạng nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị bạo lực

Ngoài ra, pháp luật về bảo vệ trẻ em còn nhiều khoảng trống, chưa có quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng; chưa có quy định đặc biệt trong trường hợp nhận tố giác từ trẻ em. Môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bạo lực trẻ em như: Cha mẹ bị cuốn vào tệ nạn xã hội, nghiện hút, cờ bạc, rượu chè; cha mẹ mâu thuẫn hoặc ly hôn, lối sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm với con cái.

Sự bạo hành của người cha (người mẹ) đối với con cái có ảnh hưởng xấu không chỉ trong thời gian ngắn mà nó để lại di chứng suốt cuộc đời một con người.
 

Làm gì để loại bỏ, giảm bớt bạo hành trẻ em trong gia đình

Theo Thạc sỹ văn hóa học Nguyễn Thành Luân, tình trạng bạo lực đối với trẻ em là vấn đề khó xử lý dứt điểm, cũng khó phòng ngừa ngay từ đầu, từ xa. Vì vậy, bên cạnh công cụ quản lý nhà nước, hành động hiệu quả nhất vẫn là nỗ lực chung tay của cả cộng đồng; đặc biệt là khâu tuyên truyền, giáo dục từ các môi trường gắn liền với phụ nữ và trẻ em gái (trường học, gia đình, xã hội).

Cùng đó, chính bản thân trẻ em cũng cần được tiếp nhận kiến thức liên quan đến phòng tránh bạo lực. Gia đình nên chủ động dạy con cách bảo vệ bản thân, cần giải thích cho trẻ hiểu trẻ không đơn độc, dù sợ hãi nhưng phải bình tĩnh, xử lý tình huống theo cách tố cáo kẻ gây ra hành vi bạo hành.

Ngoài ra, phụ huynh nên đăng ký cho trẻ tham gia các khóa học của những tổ chức uy tín để trang bị thêm kỹ năng sống, cách tự bảo vệ bản thân.

Để phòng ngừa bạo lực trẻ em trong gia đình, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) cũng đưa ra một số khuyến cáo với cha mẹ và người chăm sóc trẻ như sau:

. Nhận biết được các dấu hiệu xâm hại hoặc bạo lực để can thiệp kịp thời.

Quản lý cảm xúc của bản thân tốt để tránh chính mình gây bạo lực tinh thần và thể chất đối với con; Giữ bình tĩnh trong mọi tình huống; Tránh trừng phạt, đánh đập, dùng lời lẽ xúc phạm con.

Kiên nhẫn, dành thời gian để nói chuyện với con để tìm hiểu lý do và giúp con điều chỉnh.

Đặt ra các quy tắc rõ ràng để con hiểu rằng con cần phải thực hiện và tuân thủ những quy tắc đó.

Quản lý việc con vào mạng internet một cách tích cực để giúp con hiểu và phòng tránh những nguy cơ trên mạng.

Đối với cộng đồng xã hội, UNICEF khuyến cáo: Khi chứng kiến trẻ bị bạo lực, xâm hại trẻ em, nếu bạn không tự giải quyết được, hãy gọi ngay tới các dịch vụ trợ giúp qua số tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 hoặc trình báo tới Cơ quan công an các cấp; liên hệ với Ngôi nhà Bình yên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 1900.969.680 hoặc cơ quan LĐ-TBXH các cấp & Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc.

Trẻ em là những chủ nhân tương lai của cả đất nước, các em cần phải được bảo vệ, che chở, chăm sóc để phát triển toàn diện 

Trẻ em là những chủ nhân tương lai của cả đất nước, các em cần phải được bảo vệ, che chở, chăm sóc để phát triển toàn diện về nhân cách và đạo đức, có đầy đủ “đức” và “tài” để góp phần xây dựng đất nước trong tương lai. Chỉ khi nào công tác phòng, chống bạo lực trẻ em được triển khai có hiệu quả, thì lúc đó trẻ em mới được sống hạnh phúc vui vẻ được phát triển hoàn thiện con người các em cả về phẩm chất, nhân cách và đạo đức. Khi đó chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu xây dựng gia đình vững mạnh, xã hội phát triển bền vững.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
User
Ý KIẾN

0

Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Ban Quản lý dự án, nhà thầu sửa chữa các khe co giãn trên cao tốc Bắc - Nam có dấu hiệu vỡ bê tông, bong bật bu lông trước ngày 30/4.

Đội Sát hạch, cấp đổi GPLX cơ giới đường bộ - Công an thành phố đã tiếp nhận, xử lý trên 19.300 hồ sơ cấp, đổi GPLX, trong đó trên 52% hồ sơ nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đẩy mạnh các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là điều quan trọng để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc; đồng thời tạo ra động lực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

Ít nhất 50% người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm là mục tiêu được đề ra cho giai đoạn 2025 – 2030.

Đảm bảo an toàn thông tin, nhất là an toàn thông tin mạng là vấn đề thách thức lớn đối với các quốc gia và các doanh nghiệp ở bất kỳ lĩnh vực nào trong kỷ nguyên kỹ thuật số.

"Hố tử thần" trên Quốc lộ 3B đến sáng 30/3 tiếp tục sụt lún sâu hơn và có xu hướng mở rộng, gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông và người dân sinh sống xung quanh khu vực.