Hà Nội phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023
Phóng viên: Nhân dịp đầu xuân mới Quý Mão, thay mặt cán bộ, phóng viên và khán thính giả Đài PT-TH Hà Nội, chúng tôi xin được kính chúc đồng chí Bí thư Thành ủy năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công. Thưa đồng chí, năm 2022 đã đi qua với rất nhiều dấu ấn nổi bật của Thủ đô. Nhưng đầu tiên phải kể đến là nỗ lực chiến đấu và chiến thắng đại dịch Covid-19. Đồng chí có thể chia sẻ cảm nghĩ của mình khi nhớ lại nhân những ngày đầu năm, thưa đồng chí Bí thư Thành ủy?
Bí thư Thành ủy: Nhân dịp năm mới Quý Mão 2023, lời đầu tiên, thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi xin gửi tới đồng bào, đồng chí, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô lời cảm ơn chân thành và lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chúc đồng bào, đồng chí năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng.
Như chúng ta đã biết, Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế. Những tháng đầu năm 2022, thành phố vẫn là tâm điểm của dịch Covid-19, có lúc mỗi ngày ghi nhận hàng chục nghìn ca nhiễm mới. Hệ thống y tế Thủ đô đứng trước thách thức chưa từng có.
Tuy nhiên, với cố gắng vượt bậc, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là vai trò xung kích đi đầu của các lực lượng nòng cốt, tuyến đầu như y tế, công an, quân đội, đặc biệt là đội ngũ cán bộ hệ thống chính trị cơ sở, thành phố đã thực hiện thành công chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội, chủ động thích ứng an toàn, thiết lập trạng thái bình thường mới. Đến ngày 15/3 chúng ta cơ bản đã mở lại hoàn toàn các dịch vụ, du lịch; qua đó đẩy lùi dịch bệnh, có điều kiện tập trung phục hồi phát triển kinh tế.
Phóng viên: Chiến đấu và chiến thắng đại dịch Covid-19 cùng sự hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người dân chính là tiền đề quan trọng để Thủ đô phục hồi phát triển. Đồng chí Bí thư Thành ủy đánh giá như thế nào về bức tranh kinh tế - xã hội Thủ đô năm 2022?
Bí thư Thành ủy: Năm 2022, mặc dù rất khó khăn bởi tác động tình hình quốc tế và trong nước, nhưng chúng ta đạt được kết quả toàn diện. Các chỉ số đều cho thấy bức tranh kinh tế - xã hội Thủ đô có nhiều khởi sắc. Hà Nội đã hoàn thành 22/22 chỉ tiêu phát triển đã đề ra, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tăng 8,89% (vượt kế hoạch đề ra là 7-7,5% và cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước - 8,02%). Quy mô kinh tế của Hà Nội đạt 1,2 triệu tỷ đồng (tương đương 50 tỷ đô la Mỹ).
Lần đầu tiên Hà Nội thu ngân sách vượt 300 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 332.000 tỷ đồng, vượt dự toán Trung ương giao; trong đó năm 2022 là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội có số thu nội địa dẫn đầu cả nước với số thu 303 nghìn tỷ đồng; nghĩa là thu từ thuế, phí, là khoản thu có tính bền vững, rất quan trọng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 141,8 triệu đồng. Lượng khách quốc tế và tổng thu từ khách du lịch cùng tăng hơn 4-5 lần so với năm trước.
Toàn thành phố thu hút được gần 1,7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng hơn 10% so với năm 2021. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt gần 30.000 doanh nghiệp, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Thành phố còn giải quyết việc làm cho 203.000 lao động, đạt 126,9% kế hoạch, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021.
Phóng viên: Thưa đồng chí Bí thư Thành ủy, có thể nói, kinh tế phát triển sẽ là cơ sở để thành phố có nguồn lực để đầu tư phát triển. Dự án tâm điểm của Hà Nội lúc này chính là đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đây là dự án mà đồng chí cùng lãnh đạo thành phố dành tâm huyết, trí tuệ và ý chí quyết tâm rất lớn. Xin đồng chí cho biết, tình hình triển khai dự án này?
Bí thư Thành ủy: Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án trọng điểm quốc gia, vốn là nhiệm vụ của Trung ương; đã được quy hoạch và đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2020. Nhưng với ý thức trách nhiệm, tinh thần gương mẫu, đi đầu của Thủ đô theo sự chỉ đạo và tin tưởng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố đã chủ động đề xuất, được Trung ương tin tưởng giao cho nhiệm vụ làm chủ đầu tư.
Dự án đã được Bộ Chính trị nêu rõ trong Nghị quyết 15, được Quốc hội thông qua chủ trương, xác định cụ thể tiến độ hoàn thành cơ bản năm 2026, đưa vào vận hành năm 2027.
Có thể thấy, đây là nhiệm vụ chính trị được trung ương giao phó cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô - một nhiệm vụ rất khó khăn, nặng nề. Nhưng chúng ta quyết tâm làm. Vì dự án không chỉ đem lại lợi ích to lớn cho Thủ đô, mà còn cho cả Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng. Nói cách khác, Vành đai 4 là lời giải cho bài toán kết nối liên vùng bấy lâu nay.
Dự án khi hoàn thành sẽ giúp giải quyết nhiều bất cập đang đặt ra của Thủ đô, nhất là giúp hoàn thiện hệ thống giao thông, khắc phục nạn ùn tắc đang rất khó khăn.
Dự án không những là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mà còn cả Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và mới đây là Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Vành đai 4 còn là niềm mong đợi của đông đảo người dân. Vừa qua khi giải phóng mặt bằng, nhiều nhà chưa nhận tiền đã bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện cho di chuyển mộ. Sự ủng hộ, đồng thuận của người dân là rất tích cực, có lẽ ít có dự án nào như dự án này.
Nhận thức thống nhất, nên ngay từ khi bắt tay vào triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, 3 tỉnh, thành có dự án đi qua là Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên đã có sự thống nhất, chung sức, đồng lòng và ý chí quyết tâm cao. Đặc biệt, nhờ sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, đến nay, tình hình, tiến độ dự án cơ bản đạt yêu cầu. Nhiều quận, huyện đã hoàn thành việc di chuyển mồ mả ngay trước Tết Nguyên đán...
Phóng viên: Dư luận thời gian qua rất đồng tình và đánh giá cao việc Thành ủy chỉ đạo đưa ra quyết sách tập trung đầu tư giai đoạn từ nay đến năm 2025 vào 3 lĩnh vực là y tế, giáo dục và di tích văn hóa lịch sử. Xin đồng chí cho biết cụ thể vì sao Thành ủy lại có lựa chọn này?
Bí thư Thành ủy: Chúng ta đều biết nguồn lực đầu tư, nhất là từ ngân sách nhà nước còn rất khó khăn; phải tránh đầu tư dàn trải. Do đó, Thành ủy Hà Nội với quan điểm nhất quán trong lãnh đạo là luôn phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm đã quyết định chỉ đạo lựa chọn tập trung đầu tư vào 3 lĩnh vực có thể coi là rất cấp thiết, là tiềm năng, là lợi thế, động lực phát triển mới của Thủ đô nghìn năm văn hiến, tức là đầu tư các lĩnh vực y tế, giáo dục và di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn.
Đối với y tế, vừa qua chúng ta tập trung phòng, chống dịch Covid-19, qua đó phát hiện nhiều bất cập. Có những phường như ở quận Hoàng Mai với dân số lên tới 9 vạn người mà chỉ có 1 trạm y tế như phường, xã bình thường 1-2 vạn dân thì không thể đảm đương nổi nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nên yêu cầu đặt ra là phải đầu tư nâng cấp y tế phường, xã. Hơn 10 năm nay, Hà Nội cũng chưa xây dựng thêm được bệnh viện nào. Nên trước nhu cầu từ thực tiễn đặt ra, chúng ta sẽ xây dựng một số bệnh viện lớn ở các cửa ngõ thành phố.
Còn về giáo dục, Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục, đào tạo lớn nhất cả nước với trên 2,2 triệu học sinh và gần 139.000 giáo viên; có hơn 60% trường đại học, cao đẳng cả nước trên địa bàn với gần 1 triệu sinh viên, học viên; mặt khác, Hà Nội vẫn còn chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Như chúng ta đều biết, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đối với Hà Nội, yêu cầu, nhiệm vụ của Trung ương, Bộ Chính trị, cũng như định vị của chúng ta là trở thành trung tâm giáo dục của cả nước. Điều này được nêu rõ trong Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiều kỳ.
Do đó, thành phố phải tập trung đầu tư, cả vật chất và con người. Trong đó về vật chất, phải quyết tâm để 100% trường phổ thông của thành phố đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, chúng ta sẽ đầu tư từng bước nâng cao chất lượng; đổi mới chương trình dạy và học sát thực tiễn, gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội cả trước mắt và lâu dài...
Còn lĩnh vực văn hóa, Hà Nội có tiềm năng rất lớn với 5.922 di tích văn hóa lịch sử, có thể nói là tầng tầng lớp lớp, chưa kể các di sản văn hóa phi vật thể, các lễ hội, làng nghề... Nhưng nhiều nơi di tích xuống cấp nặng nề, hiệu quả khai thác các di tích, di sản văn hóa, nhất là gắn với dịch vụ, du lịch còn rất hạn chế. Do đó, phải tập trung đầu tư vào lĩnh vực này, vừa kịp thời bảo tồn, tôn tạo di tích; vừa từng bước đưa các giá trị văn hóa này trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đem lại sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân.
Phóng viên: Cùng với chủ trương ưu tiên đầu tư cho văn hóa, năm 2022, thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Thành ủy Hà Nội là cấp ủy cấp tỉnh đầu tiên trên cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa? Xin đồng chí Bí thư Thành ủy chia sẻ những kết quả bước đầu qua gần 1 năm thực hiện?
Bí thư Thành ủy: Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ thành phố nhằm hiện thực hóa những chỉ đạo rất quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; đặc biệt là nhằm khơi mở nguồn lực văn hóa nghìn năm của Thăng Long – Hà Nội, đặt văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế, đưa văn hóa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh cho Thủ đô phát triển.
Dù mới ban hành đầu năm, nhưng qua triển khai thực hiện, Nghị quyết đã đi vào đời sống, đem lại những kết quả cụ thể.
Trong 2 năm 2021-2022, đã hoàn thành xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 150 công trình y tế cơ sở (trạm y tế, phòng khám đa khoa), riêng năm 2022 là 73 cơ sở; hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích (4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 114 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp thành phố), riêng năm 2022 là 85 di tích; hoàn thành 143 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, riêng năm 2022 là 70 trường.
Tháng 12 vừa qua, lần đầu tiên Hà Nội đã mang không gian quảng bá Di sản Hoàng thành Thăng Long đến triển lãm tại đô thị di sản Provins, vùng Ile-de-France, Cộng hòa Pháp... Chúng ta đang triển khai các bước đi quan trọng nhằm phục dựng Điện Kính Thiên, phát huy mạnh mẽ sức hút của Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long. Thành phố cũng đã chỉ đạo chuẩn bị các thủ tục cần thiết để sang năm mới sẽ khởi công dự án Đền thờ Ngô Quyền tại huyện Đông Anh. Đây là công trình có ý nghĩa văn hóa, tâm linh sâu sắc, là tâm nguyện của nhân dân, nhưng cũng là cách chúng ta tăng thêm sức hút cho Khu di tích thành Cổ Loa, phát triển dịch vụ, du lịch, tạo sinh kế cho người dân trong vùng.
Chúng ta còn chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với các phong trào thi đua từ cơ sở, đi sâu vào yếu tố con người, gia đình như các mô hình “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, "Tổ dân phố văn hóa"; qua đó hướng tới một Hà Nội văn minh, hiện đại, nhưng có chiều sâu về văn hóa, nơi bản sắc văn hóa nghìn năm tỏa ra từ lời nói, cử chỉ, việc làm, từ những ứng xử của con người trong gia đình, giữa cộng đồng và với bạn bè đến với Thủ đô.
Phóng viên: Có thể thấy, những chương trình, kế hoạch, công trình, dự án thành phố triển khai thời gian qua đều hướng tới mục tiêu khơi mở nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Nói cách khác, Hà Nội làm gì trước tiên cũng nghĩ tới văn hóa, vì văn hóa. Đồng chí cho biết quan điểm về điều này?
Bí thư Thành ủy: Vâng! Đúng như vậy.
Không chỉ chú trọng phát triển văn hóa truyền thống, khơi mở nguồn lực từ di tích, di sản văn hóa; chúng ta còn quan tâm xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị; nhằm phát huy cao độ tinh thần “Hà Nội vì cả nước”, gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị; làm sao để Hà Nội xứng đáng là trái tim của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.
Chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy chế làm việc, tập trung cụ thể hóa các các quy định của trung ương về công tác cán bộ, tổ chức bộ máy; khơi dậy tinh thần của cán bộ, đảng viên về khát vọng phát triển Thủ đô.
Thành ủy, các cấp ủy tổ chức Đảng không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng văn hóa trong Đảng, theo tinh thần của chủ đề công tác “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; cá thể hóa trách nhiệm, nhất là đề cao trách nhiệm người đứng đầu; coi sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, hiệu quả công việc, sản phẩm cụ thể là thước đo năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ.
Vừa qua chúng ta quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là phân cấp, ủy quyền hơn 700 thủ tục hành chính chính là thể hiện tinh thần văn hóa đó.
Trong công tác quy hoạch, Thành ủy cũng đã quán triệt yêu cầu đối với các cơ quan chức năng của thành phố liên quan là phải quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội theo hướng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, phải giữ gìn bằng được văn hóa làng quê Bắc Bộ gắn với làng nghề, di tích văn hóa, lịch sử...
Phóng viên: Vâng! Như đồng chí Bí thư Thành ủy đã trao đổi, kết quả năm 2022 là khá toàn diện và rất đáng tự hào. Xin đồng chí cho biết, thành phố đã chuẩn bị gì cho kế hoạch năm 2023 để tiếp đà phát triển của năm qua?
Bí thư Thành ủy: Năm 2023 dự báo sẽ rất khó khăn, nhất là trước nguy cơ lạm phát cao, suy thoái kinh tế, diễn biến dịch bệnh, tình hình chính trị thế giới...
Quan điểm chỉ đạo của Thành ủy là các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở phải phát huy những kết quả đạt được và kinh nghiệm đã có, tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa; tăng cường kiểm tra, giám sát, đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp;
Chúng ta phải tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia, ủng hộ của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhất là những nhiệm vụ lớn, nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó.
Thành ủy đã chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương phải tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp dựa trên đổi mới công nghệ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa theo Nghị quyết của Thành ủy gắn với phát triển thương mại - dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá và phát triển du lịch. Đối với ngành nông nghiệp, chúng ta sẽ tiếp tục tái cơ cấu và phát triển theo chiều sâu; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao...
Thành phố phấn đấu hoàn thành 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó cố gắng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tăng 7% trở lên; kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 4,5%...
Chúng ta đồng thời phải tập trung thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa tạo sức bật mới cho sự phát triển của Thủ đô trước mắt và lâu dài. Đó là hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Trong đó, chúng ta sẽ quy hoạch 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và thành phố phía Tây gồm khu vực Hòa Lạc - Xuân Mai. Đây phải là những cực tăng trưởng mới của thành phố, giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô và vực dậy kinh tế các huyện còn rất khó khăn, thậm chí là vùng trũng ở xung quanh lên.
Thành phố cũng sẽ tập trung quy hoạch và đầu tư đưa một số huyện thành quận, trước mắt trong năm 2023 phấn đấu đưa hai huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận.
Chúng ta đồng thời sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm; cố gắng sớm đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội;
Đặc biệt phải hoàn thành các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô... Quy hoạch, ban hành quy định để triển khai cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ có sử dụng đất...
Phóng viên: Trong không khí vui mừng, phấn khởi đón mừng Xuân mới Quý Mão, đồng chí nhắn gửi điều gì đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô?
Bí thư Thành ủy: Như trên tôi đã nói, nhiệm vụ đặt ra cho năm tới có thể nói là khá nhiều, lại đều có ý nghĩa quan trọng, khó khăn, thử thách. Nên đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm cao của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của nhân dân.
Tôi tin tưởng và đề nghị các cấp, ngành, địa phương, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền vào cuộc thực hiện nhiệm vụ một cách chủ động. Mỗi đồng chí cán bộ chủ chốt các cấp thành phố phải gương mẫu, đi đầu bắt tay vào hành động một cách tâm huyết, trách nhiệm, đam mê với công việc và thể hiện một tình yêu dành cho Hà Nội Thủ đô nghìn năm văn hiến của chúng ta.
Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ và thực hiện đúng nguyên tắc “dân là gốc”, có sự đồng hành của dân thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua.
Điều quan trọng là chúng ta phải tin dân thì dân mới tin chúng ta. Tin dân là phải thẳng thắn, chân thành gặp gỡ, trao đổi với dân, trước việc khó phải cùng dân bàn bạc giải quyết.
Bản thân tôi luôn đặt trọn niềm tin ở người dân Thủ đô và sẽ không ngừng cố gắng, nỗ lực để người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trước hết là Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.
Với sự đồng hành, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, của các doanh nghiệp và nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, Hà Nội thân yêu của chúng ta sẽ tiếp tục đạt được những thành tích to lớn hơn nữa trong năm mới như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dặn dò.
Xin gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất, những mong ước sức khỏe, hạnh phúc và thành công tới toàn thể cán bộ, nhân dân, các chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô!
Chúc một mùa xuân mới quyết tâm mới và giành những thắng lợi mới!
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của đồng chí Bí thư Thành ủy.
Chiều 4/11, tại Hội trường Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt Xô, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ 4, năm 2024, đã tổ chức phiên trù bị. Tham dự của 250 đại biểu là những người gương mẫu, tiêu biểu, đại diện cho các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn thành phố.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sáng nay Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Để hạn chế tối đa tình trạng ban hành các thủ tục hành chính rồi lại rà soát để cắt giảm thì việc tổng hợp, lấy ý kiến người dân với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật là vô cùng quan trọng. Song, công việc này vẫn còn hình thức và chưa mang lại hiệu quả cao. Đây là phản ánh của đại biểu Quốc hội về chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong phiên thảo luận 4/11.
Phát biểu tại phiên họp Quốc hội chiều 4/11, Đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH TP. HCM đề nghị Chính phủ quan tâm quản lý các trang thông tin trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông để kiểm soát các hoạt động mua bán sữa mẹ trái phép và cần có các chính sách để vận động hiến tặng sữa mẹ, giống chính sách vận động hiến máu tình nguyện.
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 4/11, các đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm đến nhiều vấn đề nóng của xã hội trên các lĩnh vực: lao động việc làm, y tế, giáo dục... Đặc biệt là những vấn đề cần quan tâm sau siêu bão Yagi vừa qua.
Phát biểu tại phiên họp Quốc hội sáng 4/11, đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình kiến nghị nhân dân và cử tri mong muốn xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình khẩn cấp để trục lợi.
0