Cuộc thi 'Tiếng hát Hà Nội - 2023'

 I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA:

Cuộc thi Tiếng hát truyền hình Hà Nội được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1994 và được duy trì định kỳ trung bình 2 năm một lần. Đây là một trong những cuộc thi thanh nhạc đầu tiên trên cả nước, được đánh giá có chất lượng chuyên môn cao và có số lượng thí sinh đăng ký dự thi đông đảo, đồng thời cũng là một chương trình truyền hình có thương hiệu lâu năm của Đài Hà Nội. Nhiều ca sĩ đã từng đoạt giải trong các cuộc thi Tiếng hát truyền hình Hà Nội qua các thời kỳ hiện nay đã thành danh và là các nghệ sĩ nổi tiếng được công chúng yêu mến như NSUT Mai Hoa, Anh Thơ, Hồ Quỳnh Hương, Hoàng Quyên …

Tiếp nối những thành công từ cuộc thi Tiếng Hát Truyền hình Hà Nội trước đây, năm 2023 này, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tiếp tục tổ chức cuộc thi với tên gọi “Tiếng hát Hà Nội” với fomat mới và sự đầu tư nghiêm túc về chất lượng, mang dấu ấn đặc biệt trong bối cảnh Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội đang có những bước đổi mới và bứt phá, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng chương trình.Đặc biệt, cuộc thi còn tạo điều kiện phát triển cho những tài năng âm nhạc trẻ, các sinh viên từ các trường văn hóa nghệ thuật, cơ sở đào tạo âm nhạc trên địa bàn thành phố, tìm kiếm những gương mặt, giọng ca mới, giàu triển vọng tham gia các chương trình nghệ thuật trên sóng phát thanh và truyền hình Hà Nội, phục vụ các sự kiện tuyên truyền chính trị trong các dịp kỷ niệm, dịp lễ lớn của thành phố.

 II. QUY TRÌNH TUYỂN CHỌN CỦA TIẾNG HÁT HÀ NỘI 2023

1. Thời gian

- Nhận hồ sơ đăng ký dự thi của các thí sinh: Từ 29/8 – 23/9/2023

- Vòng Sơ khảo 1: Từ ngày 20/9 - 24/9/2023.

- Vòng sơ khảo 2: Từ ngày 29/9- 30/9/2023

-Vòng Bán kết: Từ ngày 15/10-18/10/2023.

- Đêm Chung kết: Tổ chức vào ngày 28/10/2023

2. Hình thức đăng ký

-Thí sinh đăng ký dự thi qua App Hanoi On

-Thí sính khi đến dự thi sơ khảo vòng 1 mang theo:

+ Căn cước công dân của thi sinh.

+ Các giấy tờ xác nhận theo yêu cầu của Ban Tổ chức

3. Yêu cầu chung đối với thí sinh:

Người có đủ tư cách tham dự phải đáp ứng được các điều kiện dưới đây:

3.1. Cuộc thi áp dụng cho công dân Việt Nam không phân biệt giới tính, có sức khỏe, ngoại hình phù hợp, không có tiền án,tiền sự,  không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự; có độ tuổi từ 18 tuổi đến 32 tuổi tính đến ngày tổ chức vòng thi chung kết (tuổi đối chiếu theo căn cước công dân).

3.2. Thí sinh tham gia dự thi yêu cầu không nằm trong đối tượng điều tra của cơ quan bảo vệ pháp luật, có đạo đức, lối sống lành mạnh và phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin cá nhân theo yêu cầu của Ban Tổ chức.

3.3. Trình độ văn hoá của các thí sinh: Tương đương trình độ THPT trở lên.

3.4. Các thí sinh đạt một trong các thành tích sau (tính từ năm 2017 trở lại đây) sẽ được đặc cách vào thẳng vòng Bán kết (miễn vòng sơ khảo) cuộc thi Tiếng hát Hà Nội 2023:

- Các thí sinh lọt vào vòng Chung kết toàn quốc cuộc thi Sao Mai 2017, 2019, 2022.

- Các thí sinh lọt vào Bán kết cuộc thi Giọng hát Việt - The Voice

- Các thí sinh đoạt giải Nhất - Nhì - Ba các cuộc thi giọng hát hay, Tiếng hát truyền hình các địa phương (cấp Tỉnh).

- Các thí sinh lọt vào chung kết xếp hạng Giọng hát hay Hà Nội các năm 2018, 2020, 2022.

          * Lưu ý:

- Tất cả các thí sinh đặc cách phải nằm trong đối tượng từ 18- 32 tuổi, không vi phạm pháp luật và đáp ứng các tiêu chí khác trong Quy chế cuộc thi.

- Các thí sinh được đặc cách vẫn đăng ký dự thi theo đúng qui định của BTC đúng thời hạn cùng với các thí sinh thi vòng sơ khảo, khi dự thi mang theo chứng nhận thành tích phù hợp với tiêu chí kể trên.

4. Qui trình tuyển chọn:

- Vòng Sơ khảo 1:

Thí sinh sẽ hát thử giọng bài hát tự chọn cùng với 1 đàn Organ đệm hoặc nhạc Beat do thí sinh chuẩn bị.  Ban Giám khảo sẽ sơ tuyển, chấm loại trực tiếp về giọng hát và hình thức để lựa chọn 120 thí sinh có hình thức phù hợp và giọng hát đạt yêu cầu vào vòng sơ khảo 2.

-Vòng sơ khảo 2:

Mỗi thí sinh đăng ký và biểu diễn trọn vẹn 1 bài hát với Organ hoặc nhạc Beat do thí sinh chuẩn bị theo phong cách biểu diễn âm nhạc tự chọn (Thính phòng, Dân gian, Nhạc nhẹ). Ban Giám khảo sẽ lựa chọn 48 thí sinh có giọng hát và phong cách trình diễn tốt để tiếp tục vào vòng thi Bán kết.

 - Vòng Bán kết:

Thí sinh biểu diễn 2 bài hát với ban nhạc (01 bài hát tự chọn, 01 bài hát về Hà Nội). Ban Tổ chức và Ban Giám khảo sẽ lựa chọn ra 12 thí sinh vào vòng Chung kết, bao gồm các thí sinh có giọng hát, phong cách trình diễn tốt nhất, có số lượt bình chọn cao nhất trên app HanoiOn và có hiệu suất phát triển kênh Youtube cao nhất để tiếp tục vào vòng Chung kết.

- Đêm Chung kết:

Thí sinh biểu diễn 2 bài hát với ban nhạc (01 bài hát tự chọn, 01 bài hát về Hà Nội, không trùng lặp với vòng thi Bán kết). Ban Tổ chức và Ban Giám khảo sẽ lựa chọn thí sinh có kết quả cao và thí sinh có lượt bình chọn cao nhất trên HanoiOn để xếp hạng, trao giải vòng chung kết.

* Lưu ý:

- Từ vòng thi Bán kết, Chung kết, Ban Tổ chức sẽ có Ban nhạc đệm cho thí sinh. Thí sinh không sử dụng nhạc Beat.

- Khuyến khích các thí sinh dự thi có đầu tư phần dàn dựng, múa minh họa cho tiết mục dự thi.

- Ban Tổ chức sẽ bố trí cho các thí sinh luyện tập với Ban nhạc trước vòng bán kết và chung kết. Các thí sinh có nhu cầu sẽ được hỗ trợ bởi các chuyên gia về thanh nhạc và diễn xuất.

- Sau khi đã đăng ký mà thí sinh muốn thay đổi bài hoặc phong cách âm nhạc đã đăng ký thì phải được sự đồng ý của BTC. Đến vòng Chung kết, thí sinh không được phép thay đổi phong cách âm nhạc và các tác phẩm đã đăng ký. Thí sinh không được sử dụng lại các bài hát đã dự thi ở vòng Bán kết.

III.  BAN GIÁM KHẢO VÀ QUY CHẾ CHẤM ĐIỂM

Mỗi vòng thi sẽ có 01 Ban giám khảo gồm 4-5 thành viên là những nhạc sỹ, nghệ sỹ tên tuổi, các nhà chuyên môn có uy tín trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật.. Thành viên BGK có mặt đầy đủ ở mỗi vòng thi và chấm điểm trực tiếp ngay sau khi thí sinh kết thúc phần thi.

          Quy chế chấm điểm: BGK chấm thi theo thang điểm 10 (tính đến 0,5 điểm) đối với mỗi thí sinh dự thi ở từng phong cách âm nhạc. Điểm bình quân của BGK tính đến 0,25 điểm cho mỗi thí sinh ở mỗi vòng thi là căn cứ xếp hạng để thí sinh tiếp tục tham gia ở vòng Bán kết và Chung kêt. 

          Điểm giữa các Giám khảo không được chênh lệch nhau quá 02 điểm, nếu vượt quá 02 điểm thì yêu cầu cả 2 Giám khảo có số điểm thấp nhất và cao nhất điều chỉnh lại điểm. Trong trường hợp 2 thí sinh bằng điểm nhau thì Trưởng ban Giám khảo là người quyết định cuối cùng.

IV. CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG

          + 01 giải Nhất trị giá 200.000.000 đồng, 3 giải Nhì, các giải Ba và một số giải thưởng khác như:

          + Thí sinh thể hiện ca khúc Hà Nội hay nhất

          + Thí sinh có phong cách trình diễn ấn tượng nhất

          + Thí sinh trình diễn xuất sắc các dòng nhạc dân gian, thính phòng, nhạc nhẹ

          + Thí sinh có phong cách trình diễn ấn tượng nhất;

+ Thí sinh trẻ có triển vọng;

+ Thí sinh có lượng khán giả bình chọn cao nhất trên nền tảng Hanoi On.

Các thí sinh đạt giải cao sẽ có cơ hội tham gia biểu diễn tại các sự kiện của thành phố và chương trình do Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội tổ chức và sản xuất.

Đặc biệt, sau khi vượt qua vòng sơ loại, các thí sinh sẽ được Ban Tổ chức (BTC) tạo kênh Youtube cá nhân theo nhận diện của cuộc thi để đăng tải hành trình giành danh hiệu quán quân.  Thí sinh đăng tải các buổi luyện tập luyện, các video giới thiệu giọng hát, các hoạt động chuẩn bị cho cuộc thi... định vị giọng hát và phong cách của mình với khán giả. Lượt xem, lượt yêu thích và các tương tác trên kênh sẽ là cơ sở để BTC đánh giá và tìm ra thí sinh được khán giả yêu thích nhất. Thí sinh được khán giả bình chọn cao nhất trên App HanoiOn và thí sinh có hiệu suất phát triển kênh Youtube cao nhất sẽ được lựa chọn vào dự thi vòng chung kết.

Đây cũng là điểm khác biệt của cuộc thi so với mọi năm, khi khán giả sẽ là đồng giám khảo từ vòng bán kết, giúp thí sinh không chỉ chú trọng về mặt chuyên môn, kỹ thuật trình diễn mà còn có nhận thức về "người của công chúng" khi xây dựng hình ảnh hoàn thiện mình trước khán giả”.

V. QUY CHẾ CHUNG:

1. Thí sinh phải tuân thủ các yêu cầu về tổ chức và chuyên môn do Ban Tổ chức quy định. Trước khi tham dự cuộc thi, các thí sinh phải đọc kỹ quy chế và các quy định của Ban Tổ chức. Và sự có mặt của thí sinh trong cuộc thi được coi như đã đương nhiên đồng ý chấp nhận/cam kết thực hiện các quy định, quyết định, quy chế của Ban Tổ chức.

2. Trong thời gian diễn ra vòng Bán kết và Chung kết: thí sinh phải có mặt liên tục 1 tuần trước thời gian diễn ra chương trình để tập luyện bài dự thi cùng ban nhạc, tham gia vào các hoạt động bên lề để ghi hình phát sóng và chỉ được phép rời khỏi khu vực tập trung khi có sự cho phép của BTC.

          Ngoài phần trình diễn ca khúc, nếu thí sinh sử dụng các minh họa cho tác phẩm như múa, vũ đạo… thì phải đăng ký với BTC và chịu trách nhiệm về kinh phí dàn dựng, đảm bảo về chất lượng nghệ thuật.

3. Trong quá trình diễn ra cuộc thi, thí sinh phải tuân thủ mọi quy định về quản lý thí sinh và thời gian tập luyện với ban nhạc, với BTC theo kế hoạch đề ra.

4. Thí sinh nếu muốn sử dụng thêm nhạc cụ riêng thì phải phải đăng ký trước với Ban Tổ chức và tự lo về kinh phí. Ban Tổ chức sẽ tạo điều kiện để thí sinh sử dụng nhạc cụ riêng, nhưng không chịu trách nhiệm về chất lượng phần thi của thí sinh nếu nhạc cụ riêng có hỏng học, không đạt yêu cầu hoặc không đồng bộ với hệ thống âm thanh, sân khấu của Ban Tổ chức.

5. Trang phục biểu diễn của thí sinh phải phù hợp với nội dung bài hát trình diễn, đảm bảo gọn gàng, lịch sự, không sử dụng trang phục có in ấn logo hoặc các thương hiệu sản phẩm hoặc in chữ nước ngoài, không để lộ các hình xăm trổ và các hình ảnh phản cảm trên cơ thể.

6. Ban Tổ chức có quyền sử dụng hình ảnh của thí sinh trong suốt quá trình tham gia cuộc thi để phục vụ cho công tác truyền thông, quảng bá, tuyên truyền; Video và hình ảnh của Thí sinh sẽ thuộc bản quyền của Ban Tổ chức;

7. Thí sinh tự chịu trách nhiệm về vấn đề bản quyền các ca khúc biểu diễn. Ban Tổ chức cuộc thi không chịu trách nhiệm mọi phát sinh liên quan đến vấn đề bản quyền.

8. Ban Tổ chức có quyền loại bất cứ cá nhân nào vì bất cứ lý do gì mà theo Ban Tổ chức là không đảm bảo các yêu cầu về chuyên môn, hoặc do thí sinh có những hành vi, phát ngôn hay có những vấn đề cá nhân về đạo đức, lối sống làm ảnh hưởng, phương hại đến uy tín của Đài và cuộc thi. Trong trường hợp này, thí sinh phải chịu trách nhiệm bồi thường các thiệt hại nếu Ban Tổ chức yêu cầu.

9. Ban Tổ chức có quyền thay đổi về quy trình, nội dung, kế hoạch hoặc quy định vào bất kỳ lúc nào để phù hợp với diễn biến thực tế của cuộc thi.

10. Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm về các thiệt hại vật chất cá nhân của các thí sinh. Trong quá trình diễn ra cuộc thi, Ban Tổ chức cũng không trả lại các hồ sơ, giấy tờ các thi sinh đã nộp để tham dự cuộc thi.

11. Ban Tổ chức giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện của thí sinh căn cứ trên quy chế, thể lệ của cuộc thi và các quy định hiện hành. Quyết định của Ban tổ chức là quyết định cuối cùng.

12. Ban Tổ chức có quyền sửa đổi, bổ sung Quy chế và Thể lệ cho phù hợp với tình hình thực tế tổ chức của cuộc thi

13. Các thí sinh tham dự Cuộc thi phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung của Quy chế này và các quy định có liên quan của Ban tổ chức đề ra trong quá trình diễn ra cuộc thi./.

                                                      BTC CUỘC THI TIẾNG HÁT HÀ NỘI 2023

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
user image
user image
User
Ý KIẾN