“Lỗ hổng” quản lý đô thị nhìn từ góc độ quy hoạch

(HanoiTV) - Thanh tra Bộ Xây dựng vừa công bố Kết luận số 39 nêu rõ: Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Lê Văn Lương (Hà Nội) phê duyệt năm 2016 có nhiều chỉ tiêu không đảm bảo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, không bảo đảm thực hiện đúng theo các ô của quy hoạch phân khu.

Phát triển nhà ở theo công thức "cấy thêm mầm bệnh vào một cơ thể đang bị bệnh" là điều được các chuyên gia đô thị cảnh báo từ lâu. Nhưng mặc kệ mọi lời cảnh báo, lỗ hổng quản lý đô thị diễn ra ở nhiều khâu, nhưng khâu nào mới thật sự là “sai từ gốc”?

Chuyện đang “nóng” nhất tại Thủ đô, Thanh tra Bộ Xây dựng vừa công bố Kết luận số 39 nêu rõ: Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Lê Văn Lương (Hà Nội) phê duyệt năm 2016 có nhiều chỉ tiêu không đảm bảo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, không bảo đảm thực hiện đúng theo các ô của quy hoạch phân khu.

Chưa hết, trong bản Kết luận này còn chỉ ra vấn đề nghiêm trọng khác như: Vi phạm Luật Quy hoạch, không tuân thủ Quyết định số 130 ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất, cơ sở giáo dục, cơ quan đơn vị được ưu tiên để xây dựng phát triển các công trình công cộng, cây xanh, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị.

Mục đích tối thượng là: Không tăng chất tải cho khu vực nội thành, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch, tạo lập đô thị văn minh, hiện đại.

Sau 6 năm kể từ ngày Hà Nội công bố bản quy hoạch này, trên trục đường khá ngắn, chừng 1km nhưng có đến gần 40 tòa nhà cao tầng hiện hữu.

Đáng nói là trong số đó có tới 19 dự án, công trình không xác định chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng, vi phạm xây dựng tầng hầm công trình. 10 dự án, công trình ghi số tầng không đúng. 21 dự án có tầng hầm vượt quá chỉ giới xây dựng. 32 dự án công trình có nội dung vi phạm QCXDVN, trong đó 1 dự án vi phạm về mật độ. 31 dự án vi phạm về tỷ lệ cây xanh.

Tình trạng này đang trở nên phổ cập ở hầu khắp các địa bàn dân cư mới. Hậu quả là phá vỡ mật độ dân số, thiếu các không gian chung như vườn hoa, sân chơi, tình trạng ngập úng, thiếu các công trình hạ tầng xã hội, đặc biệt là gây áp lực lên hạ tầng giao thông đô thị.

Việc bám các trục đường để phát triển đô thị là điều hầu hết các quốc gia tiên tiến trên thế giới đã cảnh báo từ lâu. Hệ lụy của việc này là băm nát đô thị.

Hướng đi đúng phải là: Coi trục giao thông mới là đường trục chính, từ đó phát triển các tuyến đường xương cá. Nhà ở, khu dân cư, các công trình phụ trợ giao thông…sẽ bố trí khoa học theo các đường xương cá để giảm áp lực cho trục chính.

Chúng ta đang đi theo hướng ngược lại, điều này Phó GS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Định cư và Năng lượng bền vững) thẳng thắn cho hay:

“Chúng ta cứ mở đường tới đâu là cấp phép luôn công trình xây dựng hai bên đường, lấy đất hai bên đường để mà xây đô thị. Nghĩa là gần như chúng ta cấp phép công trình lại riêng lẻ và không quan tới đô thị. Việc này nhìn sâu xa là ta đã cho phát triển các đô thị bị bệnh. Khi đã mở đường giao thông mà không có các tuyến đường tương hỗ cho nó, lại cứ cấp phép bừa bãi thì đó là những đô thị bị bệnh”

Quy hoạch bị phá vỡ nghĩa là đang xảy ra tình trạng “quy hoạch một đằng làm một nẻo”. Đã bao giở chúng ta tự hỏi cư dân trong các siêu đô thị sẽ sẽ loay hoay xoay sở ra sao trong một không gian liên tục bị bóp nghẹt? Đương nhiên, giải quyết nguyện vọng chính đáng của nhân dân thuộc về trách nhiệm của nhà quản lý.

Video clip: Lỗ hổng quản lý nhìn từ góc độ quy hoạch

Về điều này, ông Phạm Thanh Tùng – Hội KTS Việt Nam cho hay: “Việc Điều chỉnh Quy hoạch là một trong những điều được luật pháp cho phép, bởi sau nhiều năm bản quy hoạch cũ có thể không phù hợp nữa. Nhưng mục đích điều chỉnh quy hoạch là gì thì người ta cần đặt câu hỏi. Và ai được quyền điều chỉnh Quy hoạch lại là 1 câu hỏi nữa”.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì không ngần ngại chỉ ra:

“Thời gian qua, những gì thể hiện trong bộ mặt đô thị có nhiều yếu tố mang dấu hiệu đầu cơ rất cao. Trong đó đầu cơ đất đai là yếu tố nổi bật nhất, và nó làm méo mó mọi thứ quy hoạch. Nhiều khi ý kiến của các nhà đầu cơ còn quan trọng hơn ý kiến của các nhà quy hoạch, chúng ta phải tỉnh táo nhận diện, nếu không đô thị sẽ phải trả giá rất đắt”

Quy hoạch là thứ cấp dưới không phải có thể tùy tiện điều chỉnh. Nhưng nhìn rộng ra quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam, rõ ràng ở chiều ngược lại đang có biểu hiện cho thấy chính cấp trên cũng đang buông lơi khâu thực thi trách nhiệm giám sát. Đừng vội cái gì cũng quy kết về nhóm lợi ích, mà hãy đặt câu hỏi về trách nhiệm cấp quản lý, đó mới là nguyên nhân gốc, cốt lõi!

Ông Nguyễn Hồng Quân (Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng) khách quan cho rằng:

“Tổ chức môi trường sống cho con người là một khoa học, cũng là đòi hỏi tất yếu của con người. Mình thực hiện nó mà mình không tuân thủ là mình sai. Khoa học về Quy hoạch là những quy tắc, nguyên tắc chứ không thể tùy tiện theo ý mình muốn như thế nào là được đâu. Cho nên mình buông lỏng thì việc xảy ra bất cập cũng là điều tất yếu”.

“Lỗ hổng” được chỉ ra tồn tại ở nhiều khâu: Từ các văn bản pháp quy đến công tác hậu kiểm, giám sát, thanh tra với chủ dự án còn rất lỏng lẻo, thậm chí buông lỏng. Khi xảy ra sai phạm thường là phạt hành chính, không đủ tính răn đe.

Nhưng điều đáng sợ nhất chính là cho phép những mầm bệnh tiếp tục được cấy vào cơ thể của đô thị vốn đã quá nhiều gánh nặng! Đô thị sẽ phải trả giá hay chính cộng đồng cư dân trong đô thị phải trả giá?

Có lẽ đây cũng là lý do mà nhiều nước trên thế giới không để cho một tổ chức đơn độc tự tiến hành lập và điều chỉnh quy hoạch, mà phải có sự tham gia của các nhà phản biện xã hội, chuyên gia xây dựng, nhà văn hóa học, nhà đô thị học. Luật Quy hoạch của Việt Nam cũng quy định rõ điều này. Mục đích là ngăn ngừa tình trạng tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, đồng thời để cộng đồng biết – cũng như giám sát theo dõi việc thực thi nó một cách chính trực.

Quay lại với thực trạng trục đường Lê Văn Lương, rõ ràng những “lỗ hổng” trong công tác lập và quản lý theo quy hoạch kéo dài nhiều năm mà không có sự cảnh báo ngăn chặn kịp thời đã gây áp lực nặng nề, chất tải lên hạ tầng đô thị, làm giảm chất lượng sống của người dân.

Tiền của bỏ ra rất lớn, nhưng cái chúng ta nhận được là một đô thị vừa phát triển đã trở nên méo mó về quy hoạch.

Thực hiện: Thư Nhàn

Đồ họa: Thanh Nga

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
User
Ý KIẾN

Quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà trọ, phòng cho thuê là vấn đề được nhiều người quan tâm, đặc biệt là sau những vụ hỏa hoạn gây hậu quả nghiêm trọng.

Những nhà trọ không đảm bảo thực hiện các giải pháp an toàn phòng cháy chữa cháy sẽ phải đóng cửa, theo quy định tại Chỉ thị 19/2024 của Chính phủ.

Một số ngân hàng đã điều chỉnh chính sách cho vay mua nhà, nhằm tăng tính thực tế và sát với nhu cầu của người dân.

Việc nhiều khu đất thuộc dự án treo ở quận Cầu Giấy bị sử dụng sai mục đích như xây sân pickleball, sân tennis...gây bức xúc trong dư luận mà vẫn chưa được xử lý.

Huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã đấu giá quyền sử dụng 23 lô đất với giá khởi điểm từ 20 - 82,5 triệu đồng/m² tại thị trấn Tiền Hải.

Phân khu đô thị phía Tây Vành đai 4 - phân đoạn 3 đang được lấy ý kiến với quy mô diện tích khoảng 5.272,48 ha và quy mô dân số đến năm 2045 dự kiến khoảng 330.000 người.