Lợi dụng cứu trợ để kiếm chác | Hà Nội tin mỗi chiều

Với tinh thần lá lành đùm lá rách, cả nước đang hướng về đồng bào vùng bão lũ các tỉnh miền Bắc, sẵn sàng hỗ trợ, sẻ chia, bằng nhiều phương cách khác nhau. Ấy vậy mà, nhiều người lại đang lợi dụng sự khốn khó của người khác để có những hành vi kiếm chác, trục lợi.

Bộ Công an cho biết đã xuất hiện hình thức lừa đảo, lợi dụng bão số 3 để kêu gọi quyên góp, từ thiện nhằm trục lợi cá nhân. Nhiều đối tượng xấu đã mạo danh Hội Chữ thập đỏ, các tổ chức từ thiện uy tín, gọi điện thoại đến nhiều người kêu gọi quyên góp. Thậm chí, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân nhằm chiếm đoạt. Như trang Fanpage mạo danh Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh; trang Fanpage giả mạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ kêu gọi ủng hộ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu.

Gần đây nhất, các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin tại các địa điểm bị thiệt hại do bão, lũ gây ra, giả mạo Hội phụ nữ phường Quán Thánh, Nguyễn Trung Trực, Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.

Cảnh báo Fanpage mạo danh Hội Chữ thập đỏ Quảng Ninh lừa đảo ủng hộ dân vùng bão. Ảnh: Báo Chính phủ.

Các đối tượng viết trên mạng xã hội: "Mọi người ơi, hiện đã đưa được 1.000 người về Ba Đình tránh lũ. Giờ cần lo ăn uống cho mọi người. Đã xin được rau, trứng, mắm muối, thiếu gạo. Nhờ anh chị em hỗ trợ 50-100 nghìn để mua gạo cho đồng bào mình không đói". Lời kêu gọi giả mạo được đưa ra vào đúng thời điểm nóng bỏng khi bão lũ ở các tỉnh phía Bắc tàn phá khiến nhiều người chủ quan, nhanh chóng chuyển khoản và bị lừa.

Trước đó cũng đã liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản núp bóng các tổ chức từ thiện, thiện nguyện khiến dư luận bức xúc. Để thực hiện trót lọt hành vi phạm tội, các đối tượng thường bịa ra những câu chuyện thương tâm về người bị tai nạn giao thông, bệnh hiểm nghèo cần sự giúp đỡ. Những câu chuyện đó nhanh chóng lan tỏa khiến ai đã từng đọc đều rơi nước mắt. Sau đó lợi dụng sự thương cảm của những tấm lòng hảo tâm, các đối tượng sẽ kêu gọi ủng hộ tiền làm từ thiện rồi chiếm đoạt, có vụ lên tới hàng tỷ đồng.

Các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản núp bóng các tổ chức từ thiện, thiện nguyện khiến dư luận bức xúc. Ảnh: Báo Văn hóa.

Hồi cuối năm 2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, đã bắt đối tượng Phan Thị Quyên (25 tuổi) và chồng là Nguyễn Linh Đoan (29 tuổi), trú tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hai đối tượng đã lập các tài khoản Facebook ảo, tìm kiếm các bài viết về những hoàn cảnh khó khăn để sao chép và thêm nội dung số tài khoản ngân hàng cá nhân của mình để nhận tiền quyên góp của những người hảo tâm.

Công an thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã bắt giữ đối tượng Hoàng Công Trường (37 tuổi, trú tại Phường 10, quận Gò Vấp, TP.HCM) lợi dụng lòng tốt của người dân, giả kêu gọi tiền từ thiện lừa gần 6.000 người, chiếm đoạt hơn 5,6 tỷ đồng.

Tại Hải Phòng, cuối năm 2023, đối tượng Trần Văn Mạnh ở quận Dương Kinh đã bị công an bắt vì chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng của các nhà hảo tâm, nhưng không thực hiện bất kỳ một hoạt động từ thiện nào như đã cam kết.

Trần Văn Mạnh và các bài viết đăng trên mạng xã hội với mục đích chiếm đoạt tiền từ thiện. Ảnh: CACC.

Ngay tại Hà Nội, đối tượng Nguyễn Văn Thường (trú tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên) và vợ đã lập Facebook có tên Hoài Thu, sau đó giả danh là bác sĩ Trưởng Khoa Chấn thương và Phục hồi Bệnh viện Bạch Mai, đăng thông tin kêu gọi ủng hộ tiền giúp đỡ các nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, nhằm mục đích chiếm đoạt.

Rất nhiều những vụ việc tương tự đã được phát hiện. Theo Tiến sĩ, chuyên gia an ninh mạng Đoàn Trung Sơn, Khoa An ninh thông tin, Học viện An ninh nhân dân, hiện nay các đối tượng thường sử dụng các chiêu trò như mở nhiều tài khoản ngân hàng để đưa số tiền từ thiện ra nhiều tài khoản khác nhau; khai sai giá trị tiền mua hàng hóa từ thiện để trục lợi; sử dụng giấy tờ chứng nhận từ thiện với con dấu giả để thực hiện hành vi của mình, nên rất khó nhận biết. Chúng “đánh” vào tâm lý của mọi người bằng việc lợi dụng lòng thương cảm, tấm lòng nhân ái, thiện nguyện của tổ chức, cá nhân đối với các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc hãng Luật TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng việc đưa tin sai sự thật, đăng thông tin giả mạo trên mạng xã hội khi tình hình bão lũ đang diễn ra phức tạp là hành vi vi phạm pháp luật cần phải được lên án mạnh mẽ và có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Việc đưa tin sai sự thật, đăng thông tin giả mạo trên mạng xã hội khi tình hình bão lũ đang diễn ra phức tạp. Ảnh: Congan.com.

Ở góc độ khác, một số chuyên gia xã hội học và văn hóa cho rằng cần phải có phương án giám sát về việc làm từ thiện. Nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bày tỏ: "Hoạt động từ thiện vốn là hoạt động mang rất nhiều nhân văn, để lá lành đùm lá rách, tuy nhiên hoạt động như thế nào, bằng cách nào lại là một vấn đề. Tôi nghĩ chúng ta phải tăng cường quản lý về mạng xã hội, cơ quan chức năng cần có một bộ tiêu chí, bộ quy định văn bản để chúng ta có thể giám sát dựa trên cơ sở pháp lý".

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ về các hoạt động từ thiện và hỗ trợ trên mạng xã hội. Để lòng tốt được trao gửi đúng chỗ, những người có tấm lòng thiện nguyện nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan công an gần nhất để kịp thời xử lý.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Đảm bảo an toàn giao thông khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm; Quyết tâm giữ vững an ninh Thủ đô; Đổi vũ khí lấy bình chữa cháy;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Với những thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của các trường đại học, học viện trên địa bàn, Hà Nội trong lòng họ có một vị trí đặc biệt. Họ yêu Hà Nội không chỉ đơn thuần là một nơi để học tập, mà còn là một nguồn cảm hứng bất tận, một mái nhà chung và là một bước khởi động đầy vững chắc cho một hành trình khám phá, rèn luyện và phấn đấu không ngừng.

Vẻ đẹp ‘thời đạn bom, thời hòa bình’ của Hà Nội trên phim là nội dung sẽ có trong bản tin Thế giới Showbiz hôm nay.

Với sự biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, các cơn bão có thể ngày càng mạnh hơn và khó dự đoán hơn. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục đầu tư vào các biện pháp phòng chống bão, thiên tai dài hạn, bao gồm cả việc cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao khả năng dự đoán của các hệ thống khí tượng.

Xe đạp Thống Nhất chuyển mình theo dòng chảy thời đại; Chiếc xe đạp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô;... là những nội dung đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Dù ở chung cư hay nhà mặt đất, việc xây dựng mối quan hệ gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau luôn là yếu tố quan trọng để tạo ra một môi trường sống thân thiện và lành mạnh.