Những kỷ vật biết nói

(HanoiTV) - Chiến tranh qua đi đã gần 50 năm, nhưng trên dải đất hình chữ S vẫn đau đáu nỗi mong ngóng của các gia đình liệt sĩ khi các Anh vẫn nằm đâu đó mà chưa thể về quê nhà, chưa được về trong vòng tay của Mẹ. Sự tàn khốc của chiến tranh, của thời gian đã khiến hình hài các anh hòa vào đất, vào núi, vào sông mà không một giám định ADN nào có thể trả lời được.
 

Với nhiệt huyết và sức trẻ, 18 tuổi - chàng trai Lê Văn Tâm (xã Thọ Ngọc, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) tình nguyện làm đơn lên đường nhập ngũ. Nỗi nhớ gia đình da diết được gửi gắm qua những lá thư anh gửi về, động viên bố mẹ tin tưởng vào ngày cả nhà sớm đoàn tụ. Nhưng rồi, ngày 29/1/1972, trên đường hành quân vào chiến trường, chiến sĩ Lê Văn Tâm đã hy sinh.

Hàng chục năm trôi qua kể từ ngày nhận được giấy báo tử, gia đình liệt sĩ Tâm vẫn luôn khắc khoải mong muốn tìm được hài cốt của con em mình. Nhiều cuộc tìm kiếm được đại gia đình tổ chức. Nhưng rồi không có kết quả.

Vào một buổi chiều, cả gia đình liệt sĩ vỡ òa khi nhận được giấy báo của Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý gia đình liệt sĩ (MARIN) gửi về, đề nghị xác nhận thân nhân liệt sĩ và hoàn tất hồ sơ kiến nghị điều chỉnh thông tin bia mộ liệt sĩ số 102 khu Tổng hợp, NTLS đường 9, tỉnh Quảng Trị bằng phương pháp thực chứng. Phần mộ ấy có tên liệt sĩ Lê Văn Tâm - thiếu nguyên quán, đơn vị và thiếu cả ngày hy sinh.

Tuy nhiên do sơ xuất, thay vì phải bổ sung thông tin bia mộ 102 của liệt sĩ Lê Văn Tâm cùng cụm mộ 4 liệt sĩ thuộc đơn vị, hy sinh cùng anh như hồ sơ kiến nghị ban đầu của Trung tâm MARIN đã gửi gia đình, Sở lao động TBXH tỉnh Quảng Trị thời điểm ấy đã ra quyết định bổ sung nhầm thông tin của bia mộ số 32 mới quy tập về sau này của liệt sĩ cùng tên Lê Văn Tâm.

Và đó chính là lý do, khi gia đình liệt sĩ thực hiện giám định ADN ngôi mộ số 32 đã cho kết quả không như mong đợi. Bao nhiêu hy vọng lại vụt tắt. Nỗi buồn chồng chất trong sự khắc khoải của người cha già. Anh em con cháu trong gia đình không khỏi xót xa.

Rồi một ngày, trưởng ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ đường 9 phát hiện ra sự nhầm lẫn ấy, Trung tâm một lần nữa báo tin về cho gia đình liệt sĩ Lê Văn Tâm. Khi bật nắp mộ số 102 để tiến hành giám định ADN xác minh, niềm mong mỏi của gia đình liệt sĩ lại một lần nữa chông chênh. Thời gian từng ấy năm đã khiến hài cốt người nằm xuống phân huỷ không đủ chất lượng cho công tác giám định.

Những gì còn lại của người chiến sĩ tên Lê Văn Tâm ấy là 1 bàn chải đánh răng và 2 cây bút máy, trong đó có một cây bút có khắc chữ Quang Sáng 7.65.

Mất nhiều tháng sau đó, gia đình sống trong băn khoăn, day dứt để tìm thông tin đối chiếu. Liệt sĩ Tâm có một người anh họ tên Sáng giờ đã hơn 80 tuổi, từng đi bộ đội. Không rõ cây bút âý có phải của ông Sáng không và tại sao liệt sĩ có cây bút ấy? Hỏi thì ông Sáng không nhớ.

Vào ngày rằm tháng 5 năm 2019, anh trai liệt sĩ, nguyên là sĩ quan công an, trong những mong mỏi đi tìm danh tính của cây bút ấy đã thắp 3 nén nhang khấn liệt sĩ Lê Văn Tâm: “Em thác thiêng thì báo cho anh biết để anh đưa em về!"

Trưa hôm đó, trong lúc vô tình lục lại tập thư từ, giấy tờ cá nhân của mình, mới lật giở quyển nhật kí của mình từ 50 năm trước, ông đã nhìn thấy những dòng chữ mà thời gian đã khiến ông quên mất mình đã từng viết nó: “…con đường trẽ vào ga chia tay, tôi đưa em cái bút của anh Quang Sáng tặng trong những năm anh giữ được ở B ra…” Người ông run lên, nghẹn ngào gọi người thân. Hài cốt dưới mộ số 102 chính là em ông “Là Tâm, là Tâm rồi!”

 

Vậy là cây bút có tên Quang Sáng cùng cuốn nhật ký từ hơn 50 năm trước tưởng chỉ là những kỷ vật vô tri vô giác nhưng lại chính là sợi dây liên kết vô hình để gia đình liệt sĩ Tâm nhận ra người con, người anh, người em của gia đình năm xưa. Để vỡ òa sau bao năm ngóng đợi đưa liệt sĩ về trong những yêu thương, ấm áp của làng quê Thọ Ngọc...

 
 

Một câu chuyện xúc động khác về kỷ vật liệt sĩ với tôi đó là ống tay áo còn lại trong di cốt của liệt sĩ Ngô Trí Khoa. Câu chuyện giữa tôi và gia đình liệt sĩ bắt đầu từ cuộc điện thoại của người em trai liệt sĩ là anh Ngô Trí Hà nhờ tư vấn tìm mộ. Cũng giống như các gia đình liệt sĩ khác, tôi không hề biết mặt thân nhân của họ mà chỉ biết nhau qua giọng nói của những cuộc gọi.

Vì là công việc hàng ngày nên tôi tuân theo nguyên tắc, hướng dẫn cho em trai liệt sĩ những việc cần làm từ giấy báo tử đến tìm hồ sơ gốc và tìm đồng đội. Trên cơ sở MARIN đã có dữ liệu về đơn vị chiến đấu và nơi hy sinh của liệt sĩ thuộc trung đoàn 271, quân khu 4. Trò chuyện với anh Hà - em trai liệt sĩ còn cung cấp cho tôi nhiều thông tin về những bức thư của liệt sĩ Ngô Trí Khoa. Trên trang giấy cũ, lời thư thật xúc động, có những bức thư rất tình cảm, thể hiện gian khổ và chí khí của thanh niên ngày ấy.

Thư anh Khoa viết cho mẹ: “Mẹ ơi, con mệt quá nhưng mà con không được nghỉ. Chúng con vẫn đang hành quân, chân con chảy máu hết mà máu của đồng đội con vẫn chảy như thế này mà đồng đội con chưa được nghỉ đâu mẹ ạ”.

Còn viết thư cho cậu, liệt sĩ Khoa mong ước: “Bao giờ giải phóng cậu cho cháu ra Hà Nội, để cháu biết toà nhà cao tầng, biết tàu điện”.

Tôi đọc 1 lúc 5 bức thư, nước mắt cứ ầng ậc trào ra và nghẹn đắng. Thấy thương vô cùng người thanh niên của xứ Nghệ 16 tuổi, mang theo bao hoài bão trên đường hành quân vào nơi chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, luôn giữ chắc tay súng vì máu đồng đội vẫn chảy ngày đêm. Ngày 11 tháng 1 năm 1975, người lính Ngô Trí Khoa bị thương và đã ngã xuống tại bến tàu Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế…

Bao nhiêu năm dài mong ngóng tin về hài cốt của anh trong vô vọng, năm 2010, sau khi được Trung tâm MARIN cung cấp thông tin, gia đình liệt sỹ Ngô Trí Khoa vào Huế.

Anh Ngô Trí Hà cho tôi biết, liệt sĩ Khoa đi chiến đấu lúc tuổi đời mới hơn 16, khi khai quật mộ, hài cốt đã phân huỷ hết. Nhưng điều khiến gia đình khẳng định đó chính là ngôi mộ của con em mình chính là kỷ vật duy nhất còn sót lại – đó là chiếc ống tay áo.

 

Theo lời gia đình, lúc anh Khoa ra chiến trường nhà nghèo lắm, không có gì cho anh mang theo. Mẹ đã tận dụng tấm áo cũ sờn vai cắt hai ống tay khâu thành túi, gạo rang mẹ đổ vào để anh mang trên đường hành quân. Gạo hết! Để giữ hơi ấm của Mẹ, và cũng là giữ kỷ vật thân thương của gia đình trên mỗi dặm đường hành quân gian nan khốc liệt, anh Khoa đã luôn mang theo bên mình. Cái đường kim mũi chỉ khâu tay quen thuộc và cũng rất đặc trưng của Mẹ là những nhận diện tấm áo, tấm quần nào của mấy anh em mà chỉ người trong gia đình mới biết. Khi cầm chiếc ống tay áo còn sót lại của Khoa trong nấm mộ mà thịt xương đã tan vào đất, nhìn những đường khâu ấy, người thân đã rưng rưng nghẹn ngào vì sau từng ấy năm trời, cuối cùng đã tìm thấy Khoa...

Còn gì xúc động hơn sự “trở về” của kỷ vật vốn là nơi neo giữ tình cảm, là hơi ấm gia đình cũng là vật xác tín danh tính người nằm xuống. Nhiều năm đã trôi qua sau ngày liệt sĩ Khoa trở về với Mẹ, mắt tôi vẫn nhòe đi khi viết những dòng này...

 

Những kỷ vật vô giá và hài cốt của các anh được tìm thấy và trở về trong vòng tay người thân, mang theo những câu chuyện vô cùng xúc động về năm tháng đấu tranh đầy bi tráng của tuổi đôi mươi sẵn sàng hy sinh vì đất nước. Sự đầy đủ, no ấm và hạnh phúc là của cuộc sống hôm nay được đánh đổi từ những khốc liệt, gian lao, từ những hiến dâng tuổi thanh xuân của lớp lớp cha anh đã chiến đấu và ngã xuống...Gần nửa thế kỷ đã đi qua, chỉ còn lại những câu chuyện, những kỷ vật để nhắc nhớ thế hệ hôm nay và mai sau biết tri ân và sống xứng đáng, không bao giờ được quên - không bao giờ được phép quên những hy sinh để viết nên hai từ Tổ Quốc...

 

Ghi chép: Bích Thảo (Đài PT-TH Hà Nội)

Ảnh: Văn Tuyến

Đồ họa: Thanh Nga

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hơn một năm sau khi ra mắt “Tổ liên gia an toàn PCCC” trên địa bàn thành phố Hà Nội, tại 30 quận, huyện, thị xã đã có hàng nghìn mô hình được thành lập.

Tại Hội thảo quốc tế "An toàn giao thông xe máy” vừa được tổ chức tại Hà Nội, những thách thức và nhiều bài học kinh nghiệm trong vấn đề an toàn giao thông xe máy tại các quốc gia trên thế giới đã được chia sẻ.

Trong tháng 11 này sẽ có hai trận mưa sao băng phát ra từ phía chòm sao Kim Ngưu (tên Latin là Taurids). Và chúng đều là "mưa cầu lửa" chứ không phải mưa sao băng bình thường.

Hôm nay (04/11/2024), tại ga Hà Nội và ga Huế, tiếp viên đường sắt đã bàn giao tài sản để trả lại cho 2 khách nước ngoài để quên trên tàu.

5 năm qua, thành phố Hà Nội đã bố trí trên 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư 265 chương trình, dự án cho vùng dân tộc thiểu số. Khoảng cách chênh lệnh về đời sống vật chất và tinh thần giữa nhân dân khu vực nông thôn ngoại thành và nhân dân khu vực miền núi đã được rút ngắn.

Từ đầu tháng 10 đến nay, lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện, xử lý trên 7.600 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông thuộc nhóm tuổi học sinh,trong đó hơn 6.600 trường hợp không đội mũ bảo hiểm.