Tổng thống Mỹ lạc quan về triển vọng Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO

(HanoiTV) - Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/5 đã bày tỏ lạc quan về triển vọng thành công trong nỗ lực của Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, bất chấp những tuyên bố phản đối từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh quan trọng trong khối.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ hôm 24/3. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua hoan nghênh Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO, cho biết sẽ làm việc cùng những nước thành viên NATO khác và quốc hội Mỹ để đảm bảo tiến trình kết nạp diễn ra nhanh chóng. Ông Biden tuyên bố "ủng hộ mạnh mẽ" Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, cam kết đứng về phía hai nước này trước các mối đe dọa.

Cùng ngày, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sulliavan cho biết, nhóm quan chức an ninh hàng đầu trong chính quyền Mỹ đều “nhất trí” ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, đánh giá hai quốc gia Bắc Âu này là những đối tác quân sự mạnh mẽ.

Theo ông Sullivan, phía Mỹ đang giao thiệp với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực giải tỏa những lo ngại an ninh của Ankara liên quan đến việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ chia sẻ: “Chúng tôi tin tưởng rằng Phần Lan và Thụy Điển cuối cùng sẽ có được tiến trình gia nhập hiệu quả, trong khi những quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ được giải tỏa. Phần Lan và Thụy Điển đang phối hợp trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chúng tôi (Mỹ) cũng trao đổi với họ để hỗ trợ thúc đẩy.”

Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cùng ngày cho biết ông đã có “một cuộc gặp tốt đẹp” với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken tại New York giữa lúc có những thông tin về việc Ankara ngăn chặn Helsinki và Stockholm gia nhập liên minh quân sự do Washington dẫn đầu.

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18/5 khẳng định, sẽ chỉ có thể đạt được tiến triển trong nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Phần Lan và Thụy Điển nếu Helsinki và Stockholm triển khai các bước đi cụ thể nhằm giải quyết những quan ngại an ninh của Ankara.

Theo Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin - cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã điện đàm với những người đồng cấp của 2 quốc gia Bắc Âu nói trên, cùng các quan chức Đức, Anh và Mỹ để thảo luận về chính sách mở rộng NATO.

Trong cuộc điện đàm, phía Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng nếu những kỳ vọng của Ankara không được đáp ứng, “quá trình này sẽ không thể xuất hiện tiến triển.”

Trong khi đó, thêm một quốc gia thành viên NATO muốn ngăn Thụy Điển và Phần Lan gia nhập khối này. Tổng thống Croatia Zoran Milanovic ngày 18/5 cho biết, ông có kế hoạch chỉ thị cho Đại sứ Mario Nobilo, đại diện thường trực của nước này tại NATO, ngăn Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này.

Phát biểu với báo chí, ông Milanovic nói rằng, việc từ chối chấp thuận sẽ chuyển sự chú ý của dư luận quốc tế sang những vấn đề mà cộng đồng Croat ở nước láng giềng Bosnia-Herzegovina đang phải đối mặt.

Bất bình lớn nhất của Croatia là hệ thống bầu cử hiện tại ở nước láng giềng Bosnia-Herzegovina, nơi có cộng đồng sắc tộc Croat được công nhận bình đẳng theo hiến pháp năm 1995. Croatia cho rằng, cần phải cập nhật luật bầu cử để người Croatia ở Bosnia-Herzegovina có thể bầu ra đại diện của chính họ, trái ngược với thông lệ hiện tại là để các đại diện này được bầu bởi cộng đồng người Hồi giáo Bosnia, còn được gọi là Bosniaks. Croatia đang muốn thúc đẩy Bosnia-Herzegovina sửa đổi luật bầu cử này./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
User
Ý KIẾN

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra cam kết sẽ không sa thải bất kỳ ai vì vụ rò rỉ thông tin về kế hoạch không kích của chính quyền ông nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen.

Lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm người sống sót tại khu vực tòa nhà 30 tầng bị sập ở thủ đô Bangkok khi khung thời gian quan trọng 72 giờ đang dần hết.

Lực lượng cứu hộ Myanmar hôm nay đã giải cứu thêm được một người còn sống ra khỏi đống đổ nát sau gần 40 giờ bị vùi lấp do trận động đất mạnh 7,7 độ.

Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến trưa ngày 30/3 theo giờ địa phương, số người chết trong trận động đất tại Myanmar đã lên tới hơn 1.700 người, 3.400 người bị thương và khoảng 300 người mất tích.

Trận động đất lịch sử xảy ra tại Myanmar là do các mảng kiến tạo Ấn Độ và Á-Âu cọ xát vào nhau gây ra một chuyển động được mô tả là "đứt gãy trượt ngang".

Chính quyền Myanmar cùng nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế đã nhanh chóng triển khai các biện pháp cứu trợ khẩn cấp nhằm hỗ trợ người dân vượt qua thảm họa động đất xảy ra ngày 28/3.