Cảnh và người Hà Nội trong từng thước phim
Những bộ phim về Hà Nội từ lâu đã được công chúng cả nước đón nhận và yêu mến. Những bộ phim truyện về đề tài Hà Nội thấm đẫm cảnh và người Hà Nội, qua từng giai đoạn lịch sử. Cảnh và người Hà Nội, hiện lên trong từng thước phim, đem tới những cảm xúc sâu lắng, ngọt ngào, bồi đắp thêm tình yêu với Hà Nội.
Qua những tác phẩm về Hà Nội, cảnh và con người nơi đây được khắc hoạ bình yên, êm đềm mà cũng thật hào hùng; hào hoa, thư thái mà quá đỗi kiên trung.
Người Hà Nội được xây dựng với nhiều lớp nhân vật, từ những người lính can trường đến những con người bình dị, tất cả đều mạng nặng tình yêu Hà Nội, một tình yêu sâu đậm, thủy chung. Những bộ phim ấy tập hợp lại, có giá trị như cuốn sử thi, kể câu chuyện về Hà Nội trong những khoảnh khắc lịch sử đã qua, trong đó nổi bật hình ảnh những con người Hà Nội lãng mạn, hào hoa, yêu hòa bình, sẵn sàng hy sinh vì hòa bình.
Những bộ phim nổi tiếng về Hà Nội một thời
Điện ảnh Hà Nội có một bề dày truyền thống lâu năm đáng tự hào, gắn liền với sự hình thành và phát triển của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Khung cảnh và con người Hà Nội hiện lên trong các bộ phim truyện với nhiều sắc màu: linh thiêng và hào hoa, cổ kính, lãng mạn và cả những điều bình dị.
Hà Nội xuất hiện trong những bộ phim tài liệu về tiếp quản Thủ đô Hà Nội năm 1954, phim tài liệu về mùa xuân thống nhất; những phim tài liệu về phố phường Hà Nội, về chợ hoa Tết, về phố cổ Hà Nội, về cầu Long Biên; và đặc biệt, Hà Nội xuất hiện trong những bộ phim điện ảnh kinh điển như: Sao Tháng Tám - 1976, Em bé Hà Nội - 1974, Hà Nội mùa chim làm tổ - 1981, Mùa ổi - 2000; Hà Nội 12 ngày đêm - 2002.
Tất cả những bộ phim này có tuổi đời hàng chục năm nên quang cảnh và con người Hà Nội hiện ra trong những thước phim đen trắng vô cùng vắng vẻ, yên bình, êm đềm. Những góc phố, con đường, những địa danh quen thuộc có nơi giờ không còn nữa mang đến một hình ảnh Hà Nội ngày thống nhất thật ấm áp. Những bộ phim giàu chất hiện thực và mang những hơi thở mới mẻ của thời bao cấp với bối cảnh Hà Nội khó khăn một thời.
Những cô gái Hà Nội trong phim khi ấy với mái tóc tết hai bên đặc trưng một thời, hoặc kiểu tóc phi-dê ngắn, hất về phía sau của người phụ nữ Hà Nội, mà giờ kiểu tóc ấy có khi chỉ xuất hiện ở những người đã có tuổi; hay những chàng trai cô gái của Hà Nội ngày xưa nhẹ nhàng đèo nhau trên chiếc xe đạp hoặc nắm tay nhau dạo bước bên hồ.
Trong những bộ phim ấy, dễ cảm nhận được những xung đột lý tưởng và giá trị bắt đầu xảy ra khi chiến tranh vừa qua đi, hòa bình vừa lập lại. Sự thay đổi của thời cuộc khiến cả số phận và tình yêu của những người trẻ đổi thay.
Nhờ bộ phim "Hà Nội mùa chim làm tổ" (1978), hoa sữa đã trở thành "đặc sản" của mùa thu Hà Nội. Bộ phim nói về giai đoạn chuyển giao đổi mới và chứng kiến nền kinh tế thị trường dần len lỏi vào đời sống và nếp nghĩ của con người. Xuyên suốt bộ phim, Hà Nội đằm thắm hiện lên ở thời điểm khi những tòa nhà chọc trời còn chưa xuất hiện, khi những nét "Hà Nội" nhất vẫn còn hiện diện một cách tự nhiên không tô vẽ.
Gần 50 năm kể từ lúc ra mắt (1976), bộ phim "Sao tháng Tám" của cố đạo diễn - NSND Trần Đắc vẫn giữ kỷ lục là bộ phim duy nhất đến thời điểm hiện tại tái hiện không khí sục sôi của người dân Việt Nam trong cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám (1945), để lại dấu ấn khó phai mờ trong lòng nhiều thế hệ khán giả. Bối cảnh của phim tuy chỉ diễn ra ở khu vực nội và ngoại thành Hà Nội nhưng mang cái nhìn tổng thể về một giai đoạn bi tráng trong lịch sử cách mạng giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Là khung cảnh đổ nát của Hà Nội sau một trận ném bom ác liệt mùa đông năm 1972, em bé Ngọc Hà thất lạc gia đình. "Em bé Hà Nội" của cố đạo diễn Hải Ninh - được xếp vào hàng kinh điển của nền điện ảnh Việt. "Em bé Hà Nội" được đánh giá là bộ phim tái hiện thành công nhất, xúc động nhất hình ảnh Thủ đô Hà Nội sau cuộc chiến 12 ngày đêm lịch sử. Bộ phim cũng cho thấy một Hà Nội với những con người nồng hậu, đoàn kết yêu thương trong những thời khắc khó khăn nhất.
Viết tiếp chân dung người Hà Nội trên màn ảnh
"Đào, Phở và Piano" vẽ nên một Hà Nội lãng mạn và bi tráng. Đây là bộ phim do đạo diễn Phi Tiến Sơn thực hiện. Phim không chỉ khắc họa chân thực tính chất khốc liệt của trận chiến lịch sử những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, mà qua những câu chuyện tình yêu, tình bạn, tình đồng đội, khán giả cảm nhận được tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất của người Hà Nội.
Phim có sự tham gia của NSND Trung Hiếu; đạo diễn, NSND Trần Lực; diễn viên Anh Tuấn, Doãn Quốc Đam… "Đào, Phở và Piano" từng đoạt giải Bông sen Bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23 và Cánh diều Bạc tại giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2023. Đặc biệt, bộ phim đã được chọn là đại diện Việt Nam dự vòng sơ tuyển của giải Oscar lần thứ 97 ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài.
Phim "Đào, Phở và Piano" sẽ được phát sóng lần đầu tiên trên khung giờ vàng của Đài Hà Nội lúc 20 giờ tối 9/10 trên kênh H1; 11 giờ và 21 giờ ngày 10/10 trên kênh H2.
Trước đó, phim đã được chiếu miễn phí từ ngày 6 đến 10/10, tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. Việc phát sóng bộ phim đúng vào tháng 10 lịch sử năm nay là điều vô cùng ý nghĩa, để nhân dân Thủ đô và cả nước được thưởng thức một tác phẩm điện ảnh về 60 ngày đêm chiến đấu cầm chân giặc trong lòng Hà Nội năm 1946 - 1947.
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành một nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Đây là tiền đề quan trọng đề các cơ quan văn hóa của Thủ đô nỗ lực phát triển, sáng tạo thêm các sản phẩm có giá trị lâu dài. 40 tập phim "Mật lệnh hoa sữa" cùng với 40 tập phim "Hà Nội trong mắt em" trong dự án phim "Vì tình yêu Hà Nội" cũng không nằm ngoài mục đích này. Dự án phim do Đài Hà Nội thực hiện.
Bằng thủ pháp điện ảnh, mỗi tập phim sẽ cất lên câu chuyện về những con người đang hòa mình với từng nhịp thở của đời sống Thủ đô trên con đường phát triển đi lên. Dự án gồm 80 tập phim với hai phần mang tên "Mật lệnh hoa sữa" và "Hà Nội trong mắt em".
"Hà Nội trong mắt em" là câu chuyện phim rất đời, rất đẹp và sâu lắng về 5 cô gái đại diện cho 5 tính cách và 5 vẻ đẹp khác nhau, nhưng cùng chung một tình yêu với Hà Nội. Mỗi người một số phận nhưng vô tình cuốn vào nhau, tạo nên những mối quan hệ đan xen. Từ đó, nảy sinh nhiều tình huống bất ngờ, phức tạp, vừa hài hước tinh tế vừa lãng mạn, sâu sắc. Qua đó, một Hà Nội được hiện ra thật tươi mới và nhiều màu sắc.
Phim đang được phát sóng vào 21 giờ thứ 5,6,7 hàng tuần trên kênh H1 và kênh YouTube chính thức HTV - Đài Hà Nội.
Bộ phim "Mật lệnh hoa sữa" là câu chuyện về quá trình chiến đấu không mệt mỏi với nhiều hy sinh thầm lặng khuất sau những chiến công hiển hách của những chiến sĩ công an đang ngày đêm bảo vệ sự bình yên của Thủ đô. Đó là cuộc đấu tranh đầy cam go với tội phạm, với cái ác; đồng thời cũng là cuộc đấu tranh với chính bản thân mình, với những tiêu cực trong quá trình phá án.
Bên cạnh những kỳ án được tái hiện, bộ phim còn cho khán giả thấy góc nhìn đa chiều về hình ảnh người chiến sĩ công an thông qua việc khai thác những chi tiết đời sống như gia đình, tâm lý của người chiến sĩ. Tất cả đã tạo nên hình ảnh chân thực nhất về những người chiến sĩ công an nhân dân của Thủ đô. Bên trong bộ quân phục, mỗi chiến sĩ là một người con Hà Nội với đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp, trí tuệ, tài hoa.
Mặc dù có cách khai thác nội dung tưởng chừng khác biệt nhưng bản chất vẫn chung một mạch truyện, một dòng chảy thông điệp. Cả series phim đều chất chứa một tình yêu sâu thẳm, mãnh liệt với mảnh đất Thăng Long - Hà Nội hào hoa của những con người trăm miền hội tụ về đây. Họ đang sống, mãi yêu và một lòng xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô yêu dấu.
"Mật lệnh hoa sữa" hiện đang được phát sóng vào 21h thứ 2, 3, 4 hàng tuần trên kênh H1 và kênh YouTube chính thức HTV - Đài Hà Nội.
Hà Nội - một thành phố luôn biết cách làm mới mình mà vẫn giữ những nét đẹp truyền thống. Series phim "Vì tình yêu Hà Nội" của Đài Hà Nội sản xuất đã khéo léo bắt trọn những khoảnh khắc ấy, đưa khán giả đến với một Hà Nội vừa quen thuộc, vừa đầy bất ngờ. Từ những con phố cổ kính đến sầm uất, từ góc nhà sân vườn đơn sơ đến các tòa cao tầng hiện đại và những cái địa danh không thể không nhắc tới khi nói về Hà Nội.
Tất cả đều được ekip làm phim tái hiện một cách chân thực, khai thác những khung hình đẹp nhất, tạo nên một bức tranh đa sắc màu về một Hà Nội đẹp như mơ và không ngừng đổi thay, phát triển.
Những thước phim đẹp về Hà Nội không chỉ tái hiện những ký ức về một Thủ đô anh hùng mà còn là cách để thế hệ hôm nay và mai sau hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa, lịch sử và tinh thần của mảnh đất này.
Chương trình "Khúc quân hành vang mãi non sông" do Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức sẽ diễn ra vào tối 22/12 tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Đây là một sự kiện nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Chiều 22/12, buổi tổng duyệt cho chương trình “Khúc quân hành vang mãi non sông” đã diễn ra tại sân Đoan môn – Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.
Chương trình nghệ thuật "Dòng thời gian" số 10 với chủ đề “Bản tình ca người lính” do Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức như một lời tri ân gửi tới những người lính Bộ đội Cụ Hồ nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Để chuẩn bị cho sự thăng hoa của đêm nhạc, các nghệ sĩ đã hào hứng tham gia buổi tổng duyệt. Chương trình sẽ được được truyền hình trực tiếp lúc 20h tối nay trên các hạ tầng của Đài Hà Nội.
Trong đĩa than “Như gió heo may”, các bài hát được sắp xếp nhằm diễn tả hành trình của người nghệ sĩ, ít nhiều gắn với những trải nghiệm thực tế của chính ca sĩ Tuấn Hiệp.
Sau khi công bố dàn diễn viên “vừa lạ, vừa quen” cho dự án Tết “Bộ tứ báo thủ”, ngày 20/12, đạo diễn Trấn Thành đã tổ chức buổi showcase để giới trailer chính thức của bộ phim.
Bộ phim ‘Hà Nội trong mắt em’ đang nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Bên cạnh những diễn viên trẻ đảm nhận vai chính như: Quỳnh Kool, Huỳnh Anh, B Trần... nhân vật mẹ chồng do diễn viên Thanh Tú thủ vai khiến khán giả vô cùng ấn tượng.
0