Chiến sự ngày 20/2: Nga cảnh báo Ukraine dùng 'bom bẩn'

Ngày 20/2, cựu Tổng thống Nga, hiện giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, Ukraine có thể dùng "bom bẩn" để kéo dài chiến sự. Trong khi đó, Thủ tướng Slovakia Fico kêu gọi EU "ngừng than vãn" về đàm phán hòa bình Nga - Mỹ.

Quan chức Nga cảnh báo Ukraine có thể sử dụng bom bẩn

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 20/2 cảnh báo, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể sử dụng “bom bẩn”, rồi đổ lỗi cho Nga để kéo dài xung đột và cản trở các nỗ lực hòa bình.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: Sputnik / Ekaterina Shtukina

Trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga chỉ trích ông Zelensky và gọi ông là “kẻ bù nhìn”. Quan chức này cũng đề cập đến Mỹ, cho rằng ông Zelensky đã “làm mất lòng nhà tài trợ chính của mình”. Theo ông Medvedev, Tổng thống Donald Trump giờ đây “đã thẳng thắn chỉ trích ông Zelensky về việc khơi mào xung đột và yêu cầu Kiev báo cáo về các khoản tiền viện trợ bị đánh cắp, cũng như kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử mới.

Ông Zelensky đã từ chối tổ chức cuộc bầu cử mới, viện lý do thiết quân luật. Chính phủ Nga không công nhận ông Zelensky là lãnh đạo hợp pháp của Ukraine. Cựu Tổng thống Nga Medvedev cho rằng, hành vi của ông Zelensky hiện nay khó đoán và có thể gây ra các hành động nguy hiểm, thậm chí tấn công chính thành phố của mình hoặc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt như “bom bẩn” để kéo dài chiến sự.

Ông Medvedev cho rằng, việc loại bỏ “mối đe dọa” này sẽ giải quyết vấn đề và những quốc gia ủng hộ Ukraine, đặc biệt là Mỹ, nên chịu trách nhiệm. Nga đã nhiều lần cảnh báo Ukraine có thể đang phát triển "bom bẩn" - một loại vũ khí phóng xạ kết hợp với chất nổ.

Trước đó, Nga từng cáo buộc Ukraine nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và chất thải hóa học, với khả năng dùng chúng để chế tạo vũ khí phóng xạ. Trong khi đó, Tổng thống Zelensky đã đề xuất bảo vệ an ninh Ukraine bằng vũ khí hạt nhân hoặc gia nhập NATO, mặc dù Kiev khẳng định không có kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân. Tổng thống Putin cảnh báo rằng, Nga sẽ không cho phép Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân, và nếu Ukraine trở thành một cường quốc hạt nhân, Nga sẽ sử dụng mọi phương tiện hủy diệt có sẵn.

Thủ tướng Slovakia yêu cầu EU “ngừng khóc” về đàm phán Nga - Mỹ

Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) vì cố gắng đóng vai trò “người gìn giữ hòa bình” trong xung đột Ukraine, trong khi khối này không có động thái ngừng bắn nào trong ba năm qua. Ông yêu cầu EU "ngừng khóc" và tự trách mình vì bị loại khỏi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Nga.

Thủ tướng Robert Fico, một trong những người phản đối mạnh mẽ chính sách của phương Tây cho rằng sự hỗ trợ quân sự và tài chính của EU cho Ukraine chỉ làm kéo dài xung đột mà không mang lại tiến triển.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico. Ảnh: Janos Kummer / Getty Images

“Ngoại trừ Slovakia và Hungary, Liên minh châu Âu đã ủng hộ cuộc xung đột ở Ukraine trong ba năm. Họ đã không lắng nghe những phản đối của chúng tôi rằng, chiến lược lợi dụng cuộc chiến ở Ukraine để làm suy yếu Nga là không hiệu quả”, nhà lãnh đạo Slovakia cho biết. “EU đã không chấp nhận thực tế rằng, “một cuộc xung đột với Nga không thể giành chiến thắng”, ông nói thêm. 

Thủ tướng Slovakia cũng cáo buộc EU thúc đẩy một chiến lược phi thực tế, cuối cùng khiến Kiev yếu hơn và EU bị gạt ra ngoài lề trong các nỗ lực hòa bình.

Các cuộc đàm phán cấp cao giữa Nga và Mỹ tại Thủ đô Riyadh của Ả rập Xê út vào ngày 19/2 tập trung vào việc khôi phục quan hệ và giải quyết xung đột Ukraine, đã khiến EU thất vọng. Các quốc gia thành viên đã chỉ trích Washington vì đã gạt Brussels và Kiev ra ngoài lề trong các cuộc đàm phán.

“Chúng tôi lo ngại khi Mỹ và Nga không mời EU tham gia bàn đàm phán hòa bình về Ukraine. EU cần ngừng than vãn”, ông Fico nói. “Chúng ta nên triệu tập một hội nghị thượng đỉnh giữa các quốc gia thành viên và tự nhìn nhận lại vị trí của mình”.

Các nhà lãnh đạo EU họp tại Paris, Pháp để thảo luận về Ukraine. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Slovakia chỉ trích nỗ lực của EU muốn đóng vai trò trung gian hòa bình là “giả tạo”, đồng thời chỉ ra rằng, những lãnh đạo trước đây đã từ chối đàm phán ngừng bắn, giờ lại cố gắng duy trì ảnh hưởng khi các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ đang diễn ra.

Ông Fico cho rằng, EU phản bác lập luận về cái chết của hàng chục nghìn người Nga và Ukraine bằng cách khẳng định Ukraine chỉ có thể đàm phán hòa bình khi đủ mạnh.

“Nhưng hòa bình đã được đàm phán khi Ukraine không thể yếu hơn”, ông Fico nói. “Giờ đây, khi tân Tổng thống Mỹ đưa ra các sáng kiến hòa bình, EU lại muốn khẳng định mình là bên kiến tạo hòa bình”.

Kể từ khi nhậm chức vào năm 2023, ông Fico đã phản đối sự hỗ trợ quân sự của EU cho Ukraine, ngừng viện trợ quân sự của Slovakia và thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình, đồng thời phản đối nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine.

Tổng thống Nga Putin thảo luận với các chỉ huy quân đội về tình hình Kursk

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 20/2 đã có cuộc điện đàm với các chỉ huy Lữ đoàn 810 Hải quân Biển Đen và Trung đoàn 56 thuộc Sư đoàn lính dù 7 - hiện đang tham gia chiến đấu ở khu vực Kursk, để nghe báo cáo về tình hình chiến sự. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Putin đã cảm ơn các chỉ huy và quân nhân vì đã hoàn thành nhiệm vụ. Trước đó, Tổng thống Putin cho biết, các chiến sĩ của Lữ đoàn 810 đã vượt qua biên giới Nga - Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters

Lữ đoàn 810, mang Huân chương Zhukov và Ushakov đã tham gia chiến đấu ở những khu vực tiền tuyến khó khăn nhất trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Các chiến sĩ trong lữ đoàn đã góp phần giành quyền kiểm soát Mariupol, đẩy lùi các cuộc phản công của quân Ukraine tại Zaporozhye và tham gia chiến dịch ở khu vực sông Dnieper thuộc Kherson. Khi quân đội Ukraine tấn công vào khu vực Kursk, các đơn vị của lữ đoàn đã được triển khai để bảo vệ khu vực biên giới và tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu.

Vào đầu tháng 2, các lực lượng từ Lữ đoàn Dù 11, Lữ đoàn Bộ binh Hải quân 810, các đội tình nguyện Veterans và Arbat, các đội điều khiển drone từ Trung tâm Rubicon, Lữ đoàn Bộ binh Hải quân 40 và Trung đoàn Bộ binh Hải quân 177 đã cùng nhau đẩy lùi 8 đợt tấn công của quân đội Ukraine. Tổng thống Putin đã nhiều lần khẳng định, quân đội Nga tại khu vực Kursk đang chiến đấu hiệu quả và quyết liệt.

Nga tấn công Ukraine bằng tên lửa Uragan tại Krasnoarmeisk

Bộ Quốc phòng Nga ngày 20/2 cho biết, nhóm tác chiến Trung tâm của Nga đã sử dụng hệ thống tên lửa phóng loạt Uragan (MLRS) để tấn công vào lực lượng và vũ khí của Ukraine tại khu vực Krasnoarmeisk thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk.

Ảnh: Alexander Reka/TASS

Báo cáo cho biết: “Phi hành đoàn của hệ thống tên lửa phóng loạt Uragan thuộc nhóm tác chiến Trung tâm đã tấn công vào khu vực triển khai quân đội và vũ khí của Ukraine, cùng một kho đạn dược ở khu vực Krasnoarmeisk”.

Uragan là hệ thống tên lửa tầm xa 220mm, được thiết kế để tiêu diệt xe tăng, pháo binh, tổ hợp tên lửa, sở chỉ huy, trung tâm liên lạc và cơ sở hạ tầng. Vũ khí này có thể bắn từng phát hoặc loạt từ 16 ống, với phạm vi lên tới 35 km và bao phủ diện tích rộng 40 ha.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
User
Ý KIẾN

Một trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra gần Tonga, kích hoạt cảnh báo sóng thần cho quốc đảo Thái Bình Dương này, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS).

Một trận động đất mạnh 5,1 độ richter tiếp tục xảy ra gần Mandalay, Myanmar, vào ngày 30/3 - chỉ hai ngày sau thảm họa động đất 7,7 độ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang lên kế hoạch cắt giảm nhân sự và quy mô hoạt động do ngân sách bị thu hẹp hơn 21%, chủ yếu đến từ việc cắt giảm tài trợ từ một số quốc gia thành viên.

Liên minh châu Âu đang lên kế hoạch giảm nhập khẩu nông sản từ Ukraine, khi chương trình miễn thuế khẩn cấp dành cho nước này kết thúc vào tháng 6/2025.

Trận động đất mạnh 7,7 độ richter ngày 28/3 tại Myanmar và Thái Lan đã đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng xây dựng trong khu vực.

Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã nhanh chóng triển khai các biện pháp cứu trợ khẩn cấp nhằm hỗ trợ Myanmar vượt qua thảm họa.