Đài Hà Nội – Nơi tình yêu bắt đầu
Thu luôn mang đến cho con người ta những khắc khoải nhớ mong bao kỷ niệm đã qua. Tôi yêu Hà Nội, yêu mùa thu Hà Nội, không chỉ bởi Hà Nội vào thu là đẹp nhất, mà còn vì thu Hà Nội đã mang tới và nuôi dưỡng trong tôi một tình yêu - tình yêu dành cho Đài Hà Nội.
Là một sinh viên Văn khoa – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), tôi dự định sau khi tốt nghiệp, mình sẽ trở thành một cô giáo dạy Văn, hoặc một biên tập viên trong một nhà xuất bản nào đó ở Thủ đô. Nhưng cuối cùng, năm 2002, tôi lại bén duyên với truyền hình, trở thành một phát thanh viên của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tây. Và rồi 5 năm sau đó, năm 2008, tôi trở thành một phóng viên, biên tập viên của Đài Hà Nội, gắn bó với phát thanh của Đài Hà Nội cho tới tận bây giờ.
Còn nhớ ngày tôi đến Đài Hà Tây thi tuyển, hoa sữa nở thơm nồng từng góc phố, từng con đường tôi qua. Hội đồng giám khảo chấm thi hôm đó có phát thanh viên Minh Trí của Đài Truyền hình Việt Nam, Nghệ sĩ - Biên tập viên Thu Cúc và các cô chú gạo cội trong nghề. Một cô bé từ quê ra Hà Nội học, tóc còn dài quá eo, cổ đeo kiềng bạc, trải qua 5 vòng thi với đầy những hồi hộp, lúng túng, hy vọng. Cho tới khi kết thúc vòng thi cuối cùng, Giám đốc Đài Hà Tây, cô Đỗ Minh Ngọc hỏi tôi một câu: "Nếu được chọn vào Đài, cháu có dám cắt bớt mái tóc dài của mình không?".
Tôi không hề ngần ngại trả lời ngay: "Dạ, nếu được nhận vào Đài, cháu sẵn sàng cắt tóc ạ!".
Tôi đã bắt đầu tình yêu của mình như vậy đó!
Từ mùa thu năm ấy, dưới sự giúp đỡ và rèn giũa của các cô chú, anh chị thế hệ đi trước, sự đồng hành, hỗ trợ của các đồng nghiệp cùng trang lứa, tôi vào nghề với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ. Ngày đó, tôi được trải nghiệm và học nghề, rèn nghề ở nhiều lĩnh vực, từ phát thanh viên truyền hình, thư ký phòng biên tập chương trình, đến phóng viên phát thanh. Ngay từ những ngày đầu bước chân vào nghề đầy bỡ ngỡ, lịch lên hình của tôi đã dày đặc các khung giờ hằng ngày sáng, trưa, chiều, tối. Ngày làm việc của tôi thường bắt đầu từ 5h30 sáng cho tới 10h đêm. Tôi vẫn mãi biết ơn những ngày đó, biết ơn những con người đã bên tôi, biết ơn những áp lực trong công việc đã dần dần giúp tôi trưởng thành.
Ngày Đài Hà Tây về với Đài Hà Nội, năm 2008, tôi đã không khỏi ngỡ ngàng trước tất cả những điều mới mẻ. Với công việc của một phóng viên phát thanh, tôi bắt đầu hành trình học lại từ đầu. Sau 3 tháng rèn giũa trong môi trường mới, nhờ sự hướng dẫn tận tình của các đồng nghiệp, cuối cùng, tôi cũng làm quen được với trạm Dalet.
Tôi bắt đầu những ngày tháng vội vã với công việc của một phóng viên phát thanh mảng nội chính như vậy. Cho tới một ngày chớm thu, tôi bất chợt nhận ra có một làn hương hoa như vị ngọt của hoa móng rồng, lại thoảng hương nhẹ nồng của loài hoa mộc, vừa có chút hương ấm của sử quân tử và có một chút thanh tao của hoa nhài từ đâu ùa tới…Hóa ra, ở cổng Đài Hà Nội có một cây Hoàng Lan. Có lẽ, nó đã ở đó từ rất lâu rồi, nhưng trong những ngày vội vã với guồng quay công việc tôi đã vô tình không nhận ra. Thân cao, dáng thẳng, tán rộng.
Dưới gốc Hoàng Lan từ bao giờ đã có một thảm những cánh hoa mỏng mảnh, pha chút sắc vàng, hình như có bàn tay nghệ nhân nào đó rải những cánh hoa, để mỗi cánh vẫn toát lên dáng vẻ sinh động và sang trọng kể cuộc đời hoa…Nâng một cánh hoa, tôi bỗng nhận ra hương Hoàng Lan còn thoang thoảng. Ngước nhìn lên, tôi thấy chi chít những bông hoa nép mình trong tán lá. Lác đác trên từng cành lá Hoàng Lan nhẹ rung trong gió chiều là những chiếc lá vàng, vàng hơn cả mùa thu…
Đài Hà Nội bắt đầu đi vào nỗi nhớ của tôi từ hương Hoàng Lan ngày ấy…
Tôi nhớ nhất mỗi độ thu về, trước cổng Đài Hà Nội, từng hàng cây trút lá như hờn dỗi. Sau mỗi lần tan ca muộn, bước ra cổng Đài, tôi tưởng như mình đi lạc vào một vùng lá vàng xào xạc. Để mặc tà áo dài nhẹ bay trong gió, tôi lặng ngắm từng chiếc lá chao lượn rồi rơi xuống trên vai, thả hồn theo làn gió dịu nhẹ và cảm nhận hương vị ngọt ngào của mùa thu Hà Nội. Sáng sớm hôm sau, quay trở lại Đài khi trời còn tinh sương, thảm lá vàng vẫn còn đó, như chờ đợi bước chân người…
Tôi còn nhớ, cứ tháng 10 hằng năm, khi thu đã về trên những trái sấu chín vàng ươm, trên những vạt nắng vàng sóng sánh nơi gánh hàng hoa trên phố, trên những bó sen cuối mùa vẫn dịu dàng khoe hương sắc thanh tao, trên những bông cúc đầu mùa rực rỡ, thì cũng là lúc Đài Hà Nội kỷ niệm ngày thành lập - ngày 14/10. Tôi nhớ vào những dịp như thế, tất cả những thế hệ thành viên của Đài sẽ tụ hội về số 5 Huỳnh Thúc Kháng với rất nhiều hoạt động ý nghĩa, nhớ nhất là những cuộc liên hoan ẩm thực đầy sắc màu của mùa thu. Những món ngon mang đặc trưng của Hà Nội đều có thể tìm thấy ở đó, từ những hạt cốm xanh ngọc gói trong lá sen già ăn kèm với chuối tiêu trứng cuốc, hay món cốm xào, chả cốm, chè cốm, đến những bát cháo sườn ấm nóng, rồi có cả hàng phở gánh nghi ngút khói, luôn khiến cho con người ta nhớ thương những ngọn gió heo may của Hà Nội trong mỗi chuyến đi xa…
Cũng có năm, liên hoan ẩm thực tháng 10 được Đài tổ chức trong Trung tâm truyền dẫn phát sóng ở Sa Đôi. Tôi thích nhất mỗi lần vào đó, được đứng trên tầng cao, ngắm nhìn cột phát sóng của Đài ngạo nghễ vươn lên trời xanh trong ráng chiều dần buông, sương khói heo may lãng đãng trên từng hàng cây. Có lẽ mỗi cô gái của Đài Hà Nội đều có ít nhất một lần như thế, kệ cho những ngọn gió mơn man vờn trên mái tóc ai kia trong chiều thu, đứng lặng yên bên cột phát sóng đón ánh hoàng hôn. Thu Hà Nội khi đó đẹp một cách hư ảo mà có lẽ không mùa nào có được.
Đài Hà Nội đã đi qua bao thăng trầm, có những lúc khó khăn tưởng chừng khó lòng vượt qua. Nhưng mấy năm trở lại đây, mỗi độ thu đến thu qua, tôi cảm nhận được Đài Hà Nội mỗi ngày một đẹp và mạnh hơn lên. Đời sống của cán bộ công nhân viên của Đài được chăm lo hơn. Những buổi ăn trưa miễn phí ở canteen Đài, không gian ấm áp, lãng mạn cùng ly cà phê nơi Vườn Sung - Khu vườn giữa lòng Đài Hà Nội - trở thành chốn gặp gỡ, trò chuyện cởi mở thân tình của người nhà Đài Thủ đô ta sau những giờ làm việc mệt mỏi.
Và tôi, sau khi kết thúc các bản tin thời sự trên kênh FM96, lại có cơ hội ôm chiếc guitar của mình ngồi bên Vườn Sung, vừa thả hồn qua từng nốt nhạc, phiêu du cùng mùa thu Hà Nội, vừa chuẩn bị nội dung cho số podcast Lưu Hường Blog chiều ngày mai. Đài Hà Nội đã cùng tôi đi qua những đêm dài trực sóng, đi qua bao mùa mưa nắng cùng rất nhiều những chương trình thời sự, những bản tin Breaking News. Gần 500 số podcast Lưu Hường Blog chiều mà tôi có được cho đến giờ phút này cùng những ca khúc tôi hát với guitar trong mỗi chương trình, cất giấu trong đó tình yêu sâu đậm của tôi dành cho Hà Nội, dành cho Đài Hà Nội, và cho những người tôi yêu thương.
Đài Hà Nội, nơi tôi bắt đầu một tình yêu, qua thời gian, đã mang đến cho tôi và những đồng nghiệp của Đài rất nhiều niềm vinh dự với nghề qua mỗi mùa giải. Với riêng tôi, giải B Giải Báo Quốc gia năm 2012 luôn làm tôi nhớ mãi không quên lần tác nghiệp về những người lính đảo. Tôi không bao giờ quên cảm xúc của mùa thu năm ấy, khi tôi và đồng nghiệp nối cầu từ Hà Nội ra đảo Trường Sa lớn, đảo Song Tử Tây để thực hiện chương trình này.
Tín hiệu sóng lúc đó khi rõ khi mờ, nghe giọng các anh truyền về từ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tôi không khỏi xúc động, nghẹn ngào. Rồi những lần tác nghiệp, về với hậu phương của những người lính đảo, tôi mới có cơ hội thấu hiểu những gian khó mà hậu phương những người lính đã và đang phải vượt qua. Những giải Vàng, giải Bạc, giải Đồng cho chúng tôi tâm thế tự tin, bước tiếp hành trình nghề làm báo phát thanh. Năm nay, khi Thủ đô bước vào kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng, Đài Hà Nội kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, tôi cùng các đồng nghiệp của Đài đã kịp mang về một huy chương Bạc tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc 2024 và một số giải thưởng khác nữa.
Đài Hà Nội của tôi đã đi qua 70 mùa xuân hạ thu đông. Tôi cũng có được 22 năm gắn bó với ngành phát thanh - truyền hình. Trải qua bao thăng trầm, điều tôi mong muốn sau cùng, giống như ai đó, vẫn là sự bình yên dịu dàng của mùa thu. Dư vị mùa thu có một chút hanh hao, một chút nhớ khe khẽ, một chút hạnh phúc an nhiên... Tất cả những thương nhớ ấy đều gắn bó với mỗi con đường, góc phố, hàng cây của Hà Nội, với mỗi hình ảnh của Đài Hà Nội – Nơi tôi đã sinh sống, làm việc, yêu và gắn bó tới tận bây giờ.
中文新闻 22/12/2024 | Bản tin tiếng Trung
HANOITV News | 22/12/2024
"Từ Liêm tứ quý, nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh Cót" là tứ đại danh hương của vùng Hà Đông xưa. Xếp hàng đầu là làng Thiên Mỗ vì có gia đình danh nhân Nguyễn Quý Đức cả ba đời nối tiếp đều giữ các chức vụ trọng yếu trong triều đình.
Một làng quê cổ kính thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đã gìn giữ và phát triển một loại hình nghệ thuật rối rất đặc biệt: đó chính là rối cạn. Đây chính là nơi có phường rối cạn duy nhất của Hà Nội. Xin mời quý vị khán giả cùng Hanoi Review tìm hiểu về rối cạn Tế Tiêu nhé!
Với những lợi ích mà AI mang lại, nhiều quốc gia đang đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, với mục tiêu trở thành trung tâm kiểm soát công nghệ này. Cùng với việc thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo AI, việc sử dụng AI an toàn, có trách nhiệm cũng là điều đang được thế giới chú trọng để AI có thể đem đến những lợi ích bền vững cho con người.
Triển khai mô hình "xe máy chữa cháy lưu động"; Thu hồi gần 4.000 tỷ đồng qua hình thức tạm hoãn xuất cảnh; Truy nã quốc tế đối tượng Lê Khắc Ngọ... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.
0