Đề xuất bốc thăm mua xe xăng: Liệu có khả thi? | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội đang xem xét áp dụng cơ chế bốc thăm khi mua xe xăng mới nhằm kiểm soát ô nhiễm không khí và thúc đẩy giao thông xanh. Liệu giải pháp này có khả thi và phù hợp với thực tế của Hà Nội hay không?

Hà Nội, với nhịp sống hối hả và mật độ giao thông dày đặc, đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, khoảng 5.800 người Hà Nội tử vong sớm mỗi năm vì các bệnh bắt nguồn từ bụi mịn. Chi phí y tế và phúc lợi xã hội để xử lý các bệnh này có thể chiếm tới 7,74% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố. Trước tình hình đó, một đề xuất được cho là táo bạo đã được đưa ra: áp dụng hình thức bốc thăm để hạn chế đăng ký xe xăng mới. Liệu giải pháp này có khả thi và phù hợp với thực tế của Hà Nội hay không?

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam đề xuất rằng, Hà Nội có thể áp dụng hình thức cấp hạn ngạch đối với xe máy và ô tô chạy xăng khi đăng ký mới. Điều này có nghĩa là không phải ai cũng có thể dễ dàng mua xe xăng, mà người dân sẽ phải tham gia bốc thăm hoặc đấu giá để có cơ hội sở hữu xe. Giải pháp này, theo ông Tùng cho hay: đã được Bắc Kinh (Trung Quốc) và Singapore triển khai thành công.

Ông Tùng kỳ vọng, việc áp dụng mô hình bốc thăm ngẫu nhiên người mua xe xăng tại Hà Nội có thể giúp kiểm soát số lượng xe chạy xăng, giảm bớt áp lực lên hạ tầng giao thông và cải thiện chất lượng không khí. Tuy nhiên, để thực hiện thành công, thành phố cần có lộ trình phù hợp, đảm bảo hệ thống giao thông công cộng đủ tốt để thay thế nhu cầu di chuyển của người dân.

Nhìn từ góc độ quản lý đô thị, đây có thể là một hướng đi cần thiết khi Hà Nội đang chịu áp lực giao thông và ô nhiễm nghiêm trọng. Nếu không có giải pháp mạnh mẽ, chúng ta sẽ tiếp tục mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn: nhiều xe hơn - nhiều khói bụi hơn - sức khỏe người dân ngày càng bị đe dọa hơn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: liệu Hà Nội đã thực sự sẵn sàng cho biện pháp này?

Thứ nhất, hệ thống giao thông công cộng có đủ sức thay thế xe cá nhân không? Hà Nội đang dần mở rộng mạng lưới giao thông công cộng, nhưng thực tế, nhiều khu vực vẫn chưa có hệ thống vận tải thay thế hiệu quả. Xe buýt dù là phương tiện công cộng chính vẫn tồn tại nhiều bất cập như quá tải vào giờ cao điểm, tần suất chưa đáp ứng đủ nhu cầu, và kết nối chưa đồng bộ với các loại hình giao thông khác. Ở Singapore, người dân dễ dàng từ bỏ xe cá nhân vì hệ thống tàu điện ngầm MRT và xe buýt đúng giờ, rộng khắp, tiện lợi. Nhưng tại Hà Nội, nếu hạn chế xe cá nhân mà chưa có phương án thay thế hợp lý, liệu có dẫn đến tình trạng người dân phải đối mặt với bất tiện trong việc di chuyển, ảnh hưởng đến công việc và đời sống?

Thứ hai, việc bốc thăm có thực sự công bằng? Hãy thử tưởng tượng: một người cần xe để chạy xe công nghệ kiếm sống hoặc di chuyển hàng ngày cho công việc nhưng không trúng bốc thăm, trong khi một người khác ít di chuyển lại may mắn sở hữu xe. Khi đó, bốc thăm có còn là một giải pháp hợp lý, hay sẽ tạo ra bất công? Hơn nữa, tại Bắc Kinh, dù chính sách bốc thăm giúp giảm số lượng xe xăng mới, nhưng cũng kéo theo hệ lụy "thị trường ngầm" - nơi quyền mua xe bị trao đổi, mua bán trái phép, khiến chính sách bị lợi dụng. Nếu Hà Nội không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, liệu có nguy cơ xảy ra tình trạng tương tự?

Thứ ba, có phương án nào linh hoạt hơn không? Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng những biện pháp chuyển đổi dần dần và tạo động lực kinh tế. Chẳng hạn như: tăng thuế xe xăng, từ đó khuyến khích người dân chuyển sang xe điện hoặc các phương tiện thân thiện với môi trường. Áp dụng cơ chế thu phí khí thải đối với xe chạy xăng trong nội đô, giống như mô hình của London (Anh) hay Stockholm (Thụy Điển) - nơi những xe gây ô nhiễm cao phải trả phí cao hơn để lưu thông vào trung tâm thành phố. Đầu tư mạnh vào hệ thống giao thông công cộng trước khi áp dụng biện pháp hạn chế xe cá nhân, đảm bảo người dân có phương án di chuyển thay thế thuận tiện và hợp lý.

Tóm lại, ý tưởng hạn chế xe xăng mới có thể mang lại hiệu quả trong việc giảm ô nhiễm, nhưng nếu chưa chuẩn bị đủ điều kiện hạ tầng, phương án thay thế và cơ chế kiểm soát thì có quá vội vàng khi áp dụng? Nếu chính sách không được tính toán kỹ, có thể tạo ra hệ lụy không mong muốn, khiến người dân gặp khó khăn hơn thay vì đạt được mục tiêu giảm ô nhiễm. Hà Nội cần một lộ trình phù hợp, công bằng và khả thi, thay vì một biện pháp quá cứng nhắc, có thể gây ra những bất cập lớn trong thực tế.

Hạn chế xe xăng mới bằng hình thức bốc thăm - một quyết định táo bạo, nhưng có thực sự khả thi? Nếu không có phương án giao thông thay thế đủ tốt, liệu có hợp lý khi hạn chế quyền sở hữu xe của người dân? Và quan trọng nhất: Hà Nội cần thêm những giải pháp nào để vừa giảm ô nhiễm, vừa đảm bảo sự công bằng trong chính sách?

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Phê duyệt phương án thi tuyển kiến trúc cầu Ngọc Hồi; 880 tỷ đồng xây cầu vượt nút giao đường Lê Trọng Tấn; Giá vé máy bay nội địa tăng mạnh dịp lễ 30/4-1/5;... là một số nội dung đáng chú ý trong chương trình hôm nay.

Giá vàng đứng yên, một số đơn vị hết vàng để bán; Doanh nghiệp điện tử Việt Nam trước sức ép thuế quan; Tesla hoãn ra mắt xe điện giá rẻ tại Mỹ;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Hợp đồng mua bán chung cư phải theo mẫu của Nhà nước; Nhiều dự án NƠXH sẽ mở bán từ nay đến cuối năm; Nộp thêm 5,4% ngân sách khi chậm nộp tiền sử dụng đất... là một số nội dung đáng chú ý trong Bản tin Nhà đất và Đầu tư hôm nay.

Tháng Tư, mùa đi ngang phố bằng những đóa loa kèn trắng tinh khôi, bằng nắng vàng rải nhẹ trên mái hiên, bằng tiếng ve lưa thưa khẽ gọi hè về. Trong một buổi chiều mỏng nắng, có người ngồi lặng im trong quán cà phê quen, mở một cuốn sách cũ. Những dòng chữ như lạ, như quen. Rồi bất chợt, cô thấy mình… cũng giống như cuốn sách ấy.

Có thể nói, sách đối với người cao tuổi như một người bạn, người tri kỉ, giúp mang lại tinh thần thư thái. Đồng thời, sách cũng giúp người cao tuổi có thêm kiến thức về sức khỏe, biết vận dụng kiến thức đó trong chăm sóc sức khỏe bản thân.

Trong bối cảnh nhiều địa phương còn chật vật tìm giải pháp vực dậy thị trường lao động, ngay từ đầu năm 2025, Hà Nội đã ghi nhận những con số rất đáng chú ý về kết quả giải quyết việc làm. Điều quan trọng hơn nằm ở cách thành phố đang dần “thiết kế lại” thị trường lao động: hiệu quả hơn, linh hoạt hơn và công bằng hơn.