Đức 'dốc hầu bao' đầu tư vào quân sự
Động thái trên diễn ra sau khi ông Friedrich Merz, Thủ tướng Đức tương lai, quyết định rằng đây là thời điểm để Berlin đầu tư vào quân đội của mình, ở mức độ chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh.
“Mở khóa” hàng tỷ euro chi tiêu quân sự
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine hồi tháng 2/2022 đã làm châu Âu chấn động, đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn hòa hoãn kéo dài kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Tại Berlin, sự kiện này mở ra thời kỳ mà người Đức gọi là "Zeitenwende" hay "bước ngoặt thời đại". Về bản chất, đây là khởi đầu của một nỗ lực nhằm tăng cường ngân sách quốc phòng.
Thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz từng khẳng định rằng, Đức cần một chính sách quốc phòng và an ninh hoàn toàn mới. Ông đã thiết lập một quỹ 100 tỷ EUR để đầu tư toàn diện vào quân đội, điều này đòi hỏi phải sửa đổi Hiến pháp Đức. Tuy nhiên, mặc dù quỹ này được hoan nghênh, quá trình triển khai lại không như mong đợi. Những tranh cãi nội bộ và bất đồng trong Chính phủ đã khiến ông Olaf Scholz đánh mất vị trí lãnh đạo. Giờ đây, ông Friedrich Merz, lãnh đạo Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và là Thủ tướng tương lai của Đức, đang đặt mục tiêu đẩy nhanh Zeitenwende, biến nó thành một cuộc cải tổ thực sự.
Trong bài phát biểu mới đây, ông Merz đã nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng lại năng lực quốc phòng của nền kinh tế đầu tàu châu Âu. Ông cho rằng đây là thời điểm để Đức đầu tư mạnh mẽ vào quốc phòng.
“Chúng ta đã tin vào một nền an ninh ảo tưởng trong xã hội trong ít nhất một thập kỷ, có lẽ còn lâu hơn nữa. Bây giờ chúng ta phải xây dựng lại năng lực phòng thủ của mình, bằng cách sử dụng chiến lược phòng thủ và mua sắm công nghệ, với các hệ thống tự động, với hệ thống giám sát vệ tinh tự động của châu Âu, với máy bay không người lái có vũ trang và với nhiều hệ thống phòng thủ hiện đại. Trên hết, với các đơn đặt hàng đáng tin cậy và có thể dự đoán được từ các nhà sản xuất châu Âu bất cứ khi nào có thể. Đây hiện là sự thay đổi mô hình trong chính sách quốc phòng đang ở phía trước chúng ta”.
Ông Friedrich Merz - Lãnh đạo Liên minh CDU/CSU – Đức
Ngày 21/3, Thượng viện Đức đã thông qua dự luật sửa đổi Luật cơ bản, qua đó phê duyệt kế hoạch chi tiêu mạnh tay nhằm phục hồi tăng trưởng ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu và mở rộng quy mô quân đội. Theo đó, trong tương lai, các khoản chi tiêu cho quốc phòng và một số chính sách an ninh vượt quá 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức sẽ không còn được tính vào quy định "phanh nợ" trong Hiến pháp nữa.
Berlin cũng tạo ra một quỹ đặc biệt trị giá 500 tỷ euro (tương đương 546 tỷ USD) để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và một số lĩnh vực khác. Dự luật đã được Hạ viện Đức thông qua vào hôm 18/3. Đây là rào cản cuối cùng cho sự thay đổi chính sách tài khóa mang tính lịch sử, chấm dứt nhiều thập kỷ bảo thủ về tài khóa ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Luật sửa đổi hiện đang chờ Tổng thống Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier phê chuẩn để chính thức có hiệu lực. Các chuyên gia nhận định đây là bước đột phá, xét đến những điều cấm kỵ về chủ nghĩa quân phiệt của Đức. Tuy nhiên, người Đức và những người châu Âu khác biết rằng đây là bước đi mà họ phải thực hiện để thích nghi với tình hình mới.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Đức đã chi từ 3% đến 4,5% GDP cho quốc phòng, duy trì quân số khoảng 500.000 người và lực lượng dự bị khoảng 800.000 người. Tuy nhiên, từ giữa thời Chiến tranh Lạnh, tỷ lệ chi tiêu quốc phòng trên GDP của Đức đã giảm mạnh. Nếu như vào năm 1963, con số này đạt đỉnh 4,9%, thì đến năm 2005, nó chạm đáy ở mức chỉ 1,1%. Mãi đến năm 2024, Đức mới lần đầu tiên sau hơn 30 năm đáp ứng mức chi tối thiểu 2% GDP theo yêu cầu của NATO. Trong khi đó, quy mô quân đội thường trực của Đức đã giảm đáng kể, chỉ còn khoảng hơn 180.000 người. Theo một mô hình nghiên cứu mà hãng tin CNN của Mỹ trích dẫn, trong khoảng thời gian 10 năm, nếu Đức chi 3,5% GDP, số tiền có thể lên tới 600 tỷ Euro (652 tỷ USD).
Khi Friedrich Merz bắt tay vào công cuộc xoay chuyển cỗ máy khổng lồ của Đức, ông tự tin rằng mình đang đưa nước Đức đi đúng hướng, vươn tới một tương lai an toàn và thịnh vượng hơn.
“Đây là thông điệp rõ ràng gửi đến các đối tác và bạn bè của chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng tự bảo vệ mình và hiện chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ để làm điều đó. Sẽ không thiếu nguồn tài chính để bảo vệ tự do và hòa bình trên lục địa của chúng tôi. Điều này đặc biệt quan trọng đối với tôi vì chúng tôi, ở châu Âu và NATO, cũng đang phải đối mặt với một số quyết định quan trọng trong những tuần tới. Đức đã trở lại. Đức đang đóng góp lớn vào việc bảo vệ tự do và hòa bình ở châu Âu”.
Ông Friedrich Merz - Lãnh đạo Liên minh CDU/CSU – Đức
Quyết tâm cải tổ và hồi sinh sức mạnh của quân đội Đức đang được triển khai, khi Berlin cũng như phần còn lại của Liên minh châu Âu đang đối mặt với một loạt thách thức địa chính trị, đặc biệt là sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Quan điểm cứng rắn của nhà lãnh đạo Mỹ đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, chính sách "nước Mỹ trên hết" và cách tiếp cận mang tính giao dịch đã làm lung lay nền tảng của liên minh xuyên Đại Tây Dương.
Liệu tiền có thể giải quyết mọi vấn đề?
Có một điều không thể phủ nhận rằng, lực lượng vũ trang Đức nhiều năm qua đã là nạn nhân của đầu tư thiếu thốn. Tình trạng này xuất phát từ việc Berlin quá ỷ lại vào chiếc ô an ninh của Washington sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, trước nguy cơ bị bỏ rơi, nhu cầu tăng cường sức mạnh quân sự không còn là lựa chọn, mà là điều cấp thiết phải làm với Đức, dù Berlin sẽ còn rất nhiều việc phải làm để thực hiện mục tiêu bảo vệ chính mình và định hình lại tương lai lục địa già với vai trò nền kinh tế đầu tàu châu Âu.
Chính phủ Đức hồi cuối tháng 1 đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2025 của nền kinh tế lớn nhất châu Âu xuống chỉ còn 0,3%, sau khi sụt giảm trong hai năm liên tiếp. Đức đã không đạt được mức tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa trong 4 năm qua vì nước này phải vật lộn để đối phó với những thay đổi lớn trong nền kinh tế toàn cầu cũng như những thách thức về cơ cấu của chính mình.
Năm 2024, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức giảm 0,2% sau khi giảm 0,3% vào năm 2023. Do đó, trước hết phải khẳng định rằng, việc tăng chi tiêu quốc phòng sẽ đặt ra áp lực kinh tế đối với Đức trong bối cảnh nền kinh tế này vẫn đang phục hồi sau đại dịch, đây là điều mà Thủ tướng tương lai của Đức cũng thừa nhận.
“Tiền không thể giải quyết được mọi vấn đề. Chúng tôi nhận thức được quy mô của các nhiệm vụ phía trước, muốn thực hiện những bước đi và quyết định cần thiết đầu tiên từ các quyết định của ngày hôm nay. Chúng tôi biết rằng đây chỉ là khởi đầu của một hành trình dài hơn”.
Ông Friedrich Merz - Lãnh đạo Liên minh CDU/CSU – Đức
Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực trong công cuộc cải tổ năng lực quân sự Đức mới là thách thức lớn hơn cả. Lực lượng vũ trang Đức, hay còn gọi là Bundeswehr, hiện có tổng cộng hơn 181.000 người. Trong nhiều năm qua, Bundeswehr đã không nhận được sự đầu tư thỏa đáng. Một báo cáo gần đây đã chỉ ra rằng, lực lượng này không đạt được mục tiêu tuyển quân, lực lượng chiến đấu đang già hóa, các doanh trại và cơ sở hạ tầng cơ bản thiếu thốn. Năm 2018, Đức cam kết tăng lực lượng thường trực lên 203.000 quân vào năm 2025. Tuy nhiên, mục tiêu này sau đó được điều chỉnh lại thành năm 2031. Để tăng cường quy mô quân đội, Đức cần phải tái áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Kể từ năm 2011, Berlin đã đình chỉ chế độ này vì cho rằng chính sách đó vô nghĩa và cản trở hàng trăm nghìn thanh niên đóng góp cho nền kinh tế.
Một điều đáng mừng là cách nhìn nhận của người dân Đức đối với Bundeswehr cũng đang có sự thay đổi. Mặc dù trước đây họ thường rất nhạy cảm về hình ảnh quân đội, do những vấn đề trong lịch sử của đất nước này, song các cuộc thăm dò cho thấy, nhiều người hiện có quan điểm tích cực hơn. Từ năm 2018, Bundeswehr đã triển khai các khóa huấn luyện quân sự dành cho thường dân, nhằm mục đích chuẩn bị khả năng sẵn sàng hỗ trợ quân đội cho người dân Đức.
Không chỉ đối mặt với vấn đề quân số, lực lượng vũ trang Đức còn phải giải quyết bài toán nhân sự già hóa. Độ tuổi trung bình của binh sĩ đã tăng từ 32,4 vào năm 2019 lên 34 tuổi tại thời điểm này.
Thế nhưng, đó chưa phải là những thách thức lớn nhất. Thực trạng đáng báo động hiện nay đối với quân đội Đức là phải đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng quân sự. Bởi từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Bundeswehr đã thu hẹp đáng kể, dẫn đến việc dỡ bỏ các doanh trại, kho chứa đạn dược cũng như cơ sở quân sự trên quy mô lớn. Theo ước tính, cần ít nhất 67 tỷ euro cho khoản đầu tư cải thiện các cơ sở hạ tầng của quân đội Đức.
Một thách thức khác là sự phụ thuộc của Đức vào các đơn đặt hàng vũ khí từ Mỹ. Trong bối cảnh Berlin và các đồng minh EU có kế hoạch hạn chế các đơn hàng nhập khẩu vũ khí Mỹ trong tương lai, với năng lực sản xuất quốc phòng vẫn hạn chế ở châu Âu, việc Đức có sớm xây dựng một hệ thống phòng thủ độc lập và hiệu quả hay không vẫn còn là câu hỏi lớn.
Cơ hội hay thách thức của châu Âu?
Cách làm của Tổng thống Mỹ Trump không chỉ khiến châu Âu mất đi sự bảo vệ, mà còn mất đi một người dẫn đường trong chính sách đối ngoại. Một mặt, châu Âu phải tăng cường năng lực tự chủ về quốc phòng vì không thể tiếp tục trông chờ vào đồng minh ở bờ bên kia Đại Tây Dương, song mặt khác vẫn phải duy trì quan hệ liên minh với Washington. Nhưng đây cũng là cơ hội để châu Âu cùng nhau hành động về an ninh và giúp Đức tăng cường vai trò và thúc đẩy sự đoàn kết trong nội bộ châu Âu.
Không chỉ tới nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới gây áp lực với châu Âu, đặc biệt là với Đức về chi tiêu quốc phòng. Năm 2017, ngay trong cuộc gặp đầu tiên với Thủ tướng Đức lúc bấy giờ là bà Angela Merkel, ông Trump trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên đã chỉ trích Đức vì chi tiêu quốc phòng không đủ, thậm chí cáo buộc Đức nợ NATO “một khoản tiền khổng lồ”.
“Tôi nhắc lại với Thủ tướng Merkel về sự ủng hộ mạnh mẽ của tôi đối với NATO cũng như sự cần thiết của các đồng minh NATO của chúng ta trong việc chi trả phần chi phí quốc phòng một cách công bằng. Nhiều quốc gia nợ những khoản tiền khổng lồ trong những năm qua và điều đó rất bất công đối với Mỹ. Những quốc gia này phải trả những gì họ nợ”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tuyên bố trên của ông Trump đã khiến bà Merkel vô cùng giận dữ. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản ông chủ Nhà Trắng, trong rất nhiều cuộc họp sau đó của NATO, đều nêu lại quan điểm rằng: bất kỳ ai trả tiền sẽ được bảo vệ, điều này đã phá vỡ niềm tin trong NATO rằng họ sẽ được các đồng minh giúp đỡ khi cần. Chính vì vậy, ngay sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ lần thứ hai, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã nhanh chóng lên tiếng rằng, châu Âu cần phải làm nhiều hơn cho an ninh của chính mình và phải chia sẻ gánh nặng một cách công bằng.
Là nền kinh tế lớn nhất EU, kế hoạch củng cố quốc phòng của Berlin sẽ mang lại lợi ích nhất định, khiến EU sẵn sàng hơn trước các mối đe dọa an ninh trong tương lai. Một nước Đức mạnh mẽ hơn về quân sự sẽ đảm bảo duy trì sự ổn định cho châu Âu nhưng cũng đặt ra những thách thức về chính trị và ngoại giao. Một số chính trị gia Đức cho rằng, sự rạn nứt quan hệ với Mỹ là dấu hiệu cho hồi kết của trật tự hòa bình châu Âu. Có nhiều lo ngại rằng ảnh hưởng ngày càng lớn của Berlin có thể làm gia tăng căng thẳng trong nội bộ EU. Chẳng hạn như Pháp có thể cảm thấy bị cạnh tranh trong vai trò lãnh đạo an ninh của châu Âu. Bên cạnh đó, số quốc gia nhỏ hơn ở khu vực có thể sẽ tỏ ra e ngại khi Berlin tăng cường tiềm lực quốc phòng và dẫn đầu trong quá trình tái vũ trang châu lục này. Điều này đặt ra thách thức khác là sự phối hợp của Đức đối với phần còn lại của châu Âu.
Cú sốc ban đầu bởi những thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ đã nhường chỗ cho quyết tâm hành động ở Đức. Nhưng, như nhiều chính trị gia Đức thừa nhận, không gì có thể thay thế vai trò của Mỹ trong vấn đề an ninh châu Âu. Nhìn lại lịch sử, không có quốc gia nào ở châu Âu chịu ảnh hưởng sâu sắc từ chính sách hậu chiến của Mỹ như Đức. NATO, với sự dẫn dắt của Mỹ, đã đảm bảo an ninh cho châu Âu nói chung và Đức nói riêng trong nhiều thập kỷ.
Dù hiện tại Mỹ có thể xa cách nhưng vẫn là một đối tác quan trọng về mặt an ninh. Đức cần thúc đẩy quá trình củng cố năng lực quốc phòng, song cũng không thể lơ là trong việc duy trì mối quan hệ tốt với Washington.
Chiếc xe limousine Aurus Senat trị giá 275.000 bảng Anh, thuộc đội xe chính thức của Tổng thống Nga Vladimir Putin, được cho là đã phát nổ và bốc cháy trên một con phố ở Moscow.
Lực lượng cứu hộ Myanmar vẫn đang tiếp tục chạy đua với thời gian tìm kiếm và giải cứu những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát sau hơn một ngày xảy ra trận động đất mạnh 7,7 độ richter.
Đến nay Myanmar đã ghi nhận hơn 1.640 người thiệt mạng, hơn 3.400 người bị thương cùng 139 người vẫn còn mất tích sau động đất xảy ra vào trưa ngày 28/3.
Các chuyên gia cảnh báo Myanmar có thể còn phải đối mặt với nhiều trận động đất và dư chấn mạnh trong thời gian tới.
Số người chết do động đất tại Myanmar tăng vọt giữa hai lần cập nhật chính thức hôm nay, từ 1.007 người lên 1.644
Hàng trăm nghìn người đã tập trung tại thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia một trong những cuộc biểu tình lớn nhất lịch sử nước này.
0