Giải pháp nào kìm đà tăng giá xăng dầu?

(HanoiTV) - Ngoài giảm thuế bảo vệ môi trường thì cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu. Đây được coi là giải pháp quan trọng nhất trong thời gian này để kìm đà tăng giá xăng dầu.

Loại thuế nào cần giảm và loại nào cần bỏ?

Tính từ đầu năm 2022 đến 21/6, Liên Bộ Công thương – Tài Chính đã có 16 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó có 3 lần giảm, 13 lần tăng. Tổng cộng qua các lần tăng, giá xăng E5RON 92 đã tăng 8.152 đồng/lít; RON 95-III tăng 9.003 đồng/lít.

Hiện, xăng E5RON92 là 31.302 đồng/lít; Xăng RON95-III: 32.873 đồng/lít.

Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, trong cơ cấu giá cơ sở xăng, dầu, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang có 4 loại thuế: Giá trị gia tăng (VAT, 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (với xăng E5RON92 là 3.800 đồng, xăng RON95 là 4.000 đồng, dầu diesel là 2.000 đồng...). Ngoài ra, còn các loại phí khác như phí trích quỹ bình ổn, lợi nhuận doanh nghiệp…

Trả lời PV Đài Hà Nội, ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài Chính cho biết, từ đầu năm đến nay, để kìm đà tăng giá xăng dầu, Bộ Tài Chính đã báo cáo Chính phủ, trình UBTVQH giảm 50% thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Mới đây nhất, Bộ Tài Chính lại lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, theo đó sẽ giảm kịch khung loại thuế này, mỗi lít xăng dầu sẽ giảm được 550-1.100 đồng, theo đó giảm thu ngân sách 7.000 tỷ đồng.

Thế nhưng, theo các chuyên gia, việc giảm thuế BVMT cũng không thấm vào đâu do loại thuế này là cố định nên tỷ trọng của nhóm này sẽ giảm khi giá bán lẻ xăng tăng vì khi đó các cấu phần khác của giá như giá đầu vào, các loại thuế tương đối tính theo % sẽ tăng lên.

Ông Phạm Thế Anh, kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) phân tích: “Nếu giá xăng nhập khẩu là 10.000đ/lít, và với thuế suất nhập khẩu 10%, thuế suất tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế suất VAT 10%, thì tổng số tiền phải nộp cho 3 loại thuế trên là khoảng 3.300 đồng cho mỗi lít xăng. Khi giá xăng nhập khẩu tăng lên 20.000 đồng/lít thì số tiền phải nộp cho 3 loại thuế trên sẽ là khoảng 6600 đồng/lít”.

Chuyên gia này phân tích tiếp: “Nếu giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 – 2000 đồng cũng chỉ giảm được đến hết năm. Loại thuế cần phải bỏ hẳn đi là thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế cần giảm là thuế nhập khẩu và VAT bởi người dân đang phải đóng gần 7.000 đồng 3 loại thuế này cho mỗi lít xăng/dầu tiêu thụ.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem lại thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với các mặt hàng xăng. Mục đích của thuế tiêu thụ đặc biệt là đánh vào hàng hóa xa xỉ như ôtô, máy bay, du thuyền... hoặc sản phẩm không khuyến khích tiêu dùng như rượu, bia, thuốc lá... Trong khi đó xăng là mặt hàng thiết yếu, người giàu lẫn người nghèo đều phải dùng, không có lý do gì buộc bên mua chịu thuế suất cao vậy. Khẳng định điều này, ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội cho biết: “Chúng ta có công cụ, có biện pháp kìm hãm việc gia tăng giá xăng dầu. Chúng ta có thể xem xét trình Quốc hội để kéo giảm thuế tiêu thụ đặc biệt vì xăng dầu phổ biển vì mọi tầng lớp công dân đều sử dụng chứ không phải là hàng hóa đặc biệt phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt”.

Bộ Công Thương nói gì?

Trước các ý kiến của các chuyên gia, giải đáp các thắc mắc của báo chí xung quanh vấn đề giảm thuế xăng dầu, tại buổi họp báo vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết “sẽ xem xét cả thuế nhập khẩu nhưng cũng phải tính vì thuế nhập khẩu giảm nhiều cũng không tốt. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sẽ đề xuất”.

Cùng với đó, về việc có bỏ Quỹ bình ổn như đề xuất của Bộ Tài Chính hay không, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước cho rằng “phải tiếp tục nghiên cứu và góp ý với Bộ Tài chính vì rõ ràng, Quỹ này đã hỗ trợ nhiều để giá không bị tăng sốc”.

Nhiều quốc gia trợ giá, giảm thuế

Để ứng phó với giá dầu tăng cao như hiện nay, một số chuyên gia kinh tế kiên trì quan điểm rằng, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm giảm thuế, trợ giá của các nước. Mới đây nhất, Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6, Ngân hàng Thế giới cũng khuyến nghị, các cấp có thẩm quyền cần thận trọng với rủi ro lạm phát khi giá nhiên liệu và hàng hoá nhập khẩu tiếp tục tăng lên. Các biện pháp hỗ trợ tạm thời, trong đó có hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu nên được cân nhắc để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng.

Hiện trên thế giới, rất nhiều quốc gia đã dùng biện pháp giảm thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu. Đơn cử, Hàn Quốc đã giảm 20% thuế nhiên liệu cho xăng, dầu diesel và khí hóa lỏng trong 6 tháng từ 12/11/2021 đến hết tháng 4 năm nay.

Một số nước chọn cách bình ổn thị trường bằng trợ giá, như Iran, Saudi Arabia, Malaysia,... Ví dụ, giá xăng tại Malaysia hiện vào khoảng 13.000 đồng/lít, nhờ được Chính phủ nước này trợ giá. Nước này không đánh thuế với xăng dầu tiêu thụ nội địa, bán cho người bản địa. 

Iran cũng thuộc top quốc gia trợ giá năng lượng (dầu, than đá, điện, khí gas) nhiều nhất thế giới, theo số liệu của IEA. Năm 2020, nước này chi hơn 28 tỷ USD cho việc trợ giá năng lượng, trong đó 5 tỷ USD là cho dầu. Nhiều nước chọn cách xả kho dự trữ hoặc giảm thuế để hạ nhiệt giá nhiên liệu. Mỹ đã xả kho dự trữ dầu từ tháng 4, với tốc độ một triệu thùng mỗi ngày.

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cũng đưa dữ liệu, Chính phủ Thái Lan đang kiểm soát giá dầu diesel trong nước bằng cách sử dụng trợ cấp từ Quỹ nhiên liệu dầu mỏ và cắt giảm một nửa thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel trong ba tháng để giới hạn giá ở mức dưới 30 baht một lít.  Gần đây, Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) đã kêu gọi chính phủ thiết kế lại cơ cấu giá xăng dầu trong nước để đối phó tốt hơn với tác động của việc giá dầu toàn cầu tăng mạnh, theo đó đề nghị chính phủ đưa ra một đợt cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt tạm thời khác là 3 baht/lít đối với benzine.

Đáng chú ý với Australia, giữa tháng 3/2022, một số chính quyền tiểu bang đã kêu gọi chính phủ liên bang cắt giảm một phần khoản thuế tiêu thụ đặc biệt cho xăng và dầu diesel hiện trị giá 20,8 tỷ đô la Úc, để giảm bớt áp lực cho người dân.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc:

"Tôi cho rằng mặt hàng xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá, do Nhà nước bình ổn, vì vậy cho nên đến một lúc nào đó thì Nhà nước phải can thiệp vào để giảm giá xăng dầu. Việc giảm giá xăng dầu sẽ có lợi ích là giảm được giá thành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy sức cạnh tranh và giải quyết được lao động, từ đó sẽ có tích lũy cho nền kinh tế. Chúng ta lại thu được thuế thông qua giá trị gia tăng của nền kinh tế, VAT và thu nhập doanh nghiệp ở mặt hàng khác, cho nên chúng tôi cho rằng đây cũng là một giải pháp, tuy nhiên là giảm đến mức nào thì phải đánh giá tác động”.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
User
Ý KIẾN

Mối nguy lớn nhất của kinh tế thị trường Việt Nam không phải là sự lấn át của doanh nghiệp nhà nước, mà chính là sự trỗi dậy của một nền kinh tế tư nhân dựa trên “doanh nghiệp sân sau”.

Việc sắp xếp, cắm biển báo giao thông ở TP. Hà Nội đang tồn tại một số bất cập khiến người đi đường gặp khó khăn trong quan sát.

Bộ Nội vụ đánh giá cơ chế “đào thải” cán bộ hiện nay chưa đủ mạnh mẽ, khiến đội ngũ công chức vừa thừa, vừa thiếu, xuất hiện tâm lý né tránh, đùn đẩy, không dám nghĩ, không dám làm.

UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt giá bán nước sạch sinh hoạt của Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà, áp dụng trên địa bàn thành phố.

Hồ Tây là không gian lý tưởng để người dân Thủ đô trải nghiệm các hoạt động thể dục thể thao, là điểm đến yêu thích của những người cao tuổi duy trì lối sống vui khỏe.

Tường thuật trực tiếp tình hình giao thông Hà Nội sáng 29/3 với hình ảnh từ các camera giao thông giúp khán - thính giả lựa chọn cung đường tốt nhất. Chương trình được phát sóng trên kênh FM90, các nền tảng số của Đài Hà Nội và ứng dụng công dân Thủ đô số iHanoi.