Hà Nội chủ động, tích cực hỗ trợ người dân vùng lũ

Hơn chục ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 2 gây mưa lớn, nhiều khu dân cư trên địa bàn hai huyện Chương Mỹ và Quốc Oai bị ngập lụt nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới đời sống và sức khỏe người dân. Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và Hà Nội cùng các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã có nhiều hỗ trợ, giúp đỡ người dân vùng ngập lụt.

Người dân vùng “rốn lũ” ở Thủ đô được hỗ trợ, chia sẻ kịp thời

Khu vực sông Bùi được biết đến là vùng thoát lũ của Hà Nội, trong đó bên hữu sông Bùi là vùng chứa nước, vùng phân lũ. Khi thượng nguồn và mưa tại chỗ lớn, nước sông Bùi dâng cao sẽ gây ngập cho vùng hạ du là huyện Chương Mỹ, một phần huyện Quốc Oai và Mỹ Đức.

Những ngày qua, lũ lớn từ đầu nguồn tràn về khiến hệ thống sông Bùi, sông Tích dâng cao, làm ngập sâu nhiều thôn, xã trên địa bàn các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất.

Nhiều thôn bị chia cắt hoàn toàn, khiến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân rơi vào cảnh khó khăn, thiếu thốn. Mức lũ năm nay đã cao hơn mức lũ lịch sử của hàng chục năm về trước.

Nhiều khu dân cư trên địa bàn hai huyện Chương Mỹ và Quốc Oai của TP. Hà Nội bị ngập lụt nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới đời sống và sức khỏe người dân

Sự quan tâm, động viên và kịp thời, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân trong vùng ngập lụt; đồng thời huy động lực lượng, giúp đỡ bà con khắc phục hậu quả thiên tai là đang là điều ưu tiên số một của thành phố trong thời điểm này.

Có mặt tại các điểm ngập úng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, cùng Đoàn công tác đã đến kiểm tra việc phòng chống thiên tai, hỗ trợ nhân dân tại huyện Chương Mỹ.

Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo huyện Chương Mỹ cần tiếp tục, tập trung phòng dịch, nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó; không để phát sinh dịch bệnh, sẵn sàng lực lượng gia cố đoạn đê bị sạt lở cũng như toàn tuyến đê; đồng thời đôn đốc các công ty thủy lợi bơm tiêu hết công suất. Trước mắt, phải đảm bảo cung cấp đủ nhu yêu phẩm, nước sạch phục vụ nhân dân những thôn bị cô lập và toàn bộ người dân bị ảnh hưởng.

Trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng đoàn công tác của thành phố cũng đã trực tiếp xuống kiểm tra hiện trạng ngập úng và công tác khắc phục hậu quả tại huyện Chương Mỹ.

Hiện nay, xã Nam Phương Tiến vẫn đang bị cô lập, các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện đã tổ chức ứng trực 24/24h, huy động lực lực, vật tư, phương tiện để ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, hỗ trợ người dân di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn.

Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, kiểm tra úng ngập và động viên người dân tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ.

Hiện, huyện Chương Mỹ có 24 thôn, xóm với khoảng 1.500 hộ (hơn 5.500 người) bị ảnh hưởng do nước ngập sâu từ 0,5 đến 2m; nhiều hộ dân bị cô lập, nước lên đến gần mái nhà…

Hệ thống đê điều, công trình giao thông, thủy lợi bị ngập, chưa đánh giá hết được thiệt hại. Để khắc phục, Công an địa phương đã và đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các phương án phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Từ ngày 24/7 đến nay, các địa phương đã huy động gần 5.000 người và 200 phương tiện tham gia cứu trợ, khắc phục hậu quả mưa lũ; tổ chức di dời hơn 5.400 nhân khẩu ra khỏi khu vực ngập sâu nước, đến nơi an toàn và hỗ trợ cho người dân nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu.

Ông Bùi Xuân Toàn, Chủ tịch UBND xã Tốt Động (huyện Chương Mỹ) cho biết, xã đã huy động các lực lượng hỗ trợ bà con kê kích tài sản, tổ chức di dời nhân dân từ vùng thấp lên vùng cao và cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho bà con.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) thông tin: đối với các nhu yếu phẩm phục vụ cho bà con, đến nay xã đã cấp, cứu trợ được trên 2.000 bình nước và lắp đặt 10 téc nước tại các địa điểm thuận để nhân dân sử dụng...

Đến thời điểm hiện tại, nước đang rút dần nhưng những ảnh hưởng của ngập lụt sẽ còn tác động tới cuộc sống của người dân trong nhiều ngày tới.

Các lực lượng chức năng của thành phố và các địa phương đang khẩn trương, huy động tối đa lực lượng hỗ trợ, sớm ổn định lại cuộc sống của người dân; đồng thời, tiếp tục tổ chức lực lượng và thực hiện tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều để phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố ngay từ ban đầu.

Các địa phương đã huy động lực lượng, giúp đỡ bà con khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.

Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức nằm trong khu vực lũ rừng ngang

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, ngập lụt không còn là hiện tượng hiếm gặp trên địa bàn Thành phố.

Lịch sử đã từng ghi nhận những trận lũ lớn trên sông Tích, sông Bùi, xảy ra vào các năm 1971, 1985, 2008, 2018. Trong 15 năm trở lại đây, đã ba lần nước tràn qua đê hữu Bùi gây ngập lụt cho nhiều xã của huyện Chương Mỹ. Lần đầu là năm 2008, khi Hà Nội bị ngập lụt trên diện rộng. Lần thứ hai vào tháng 10/2017 và đợt ngập kéo dài hồi cuối tháng 7/2018.

Bốn năm kể từ sau trận lũ lịch sử được ghi nhận vào năm 2018, nhiều địa phương ven sông Bùi, sông Tích, sông Đáy thuộc một số huyện ngoại thành Hà Nội lại bị ngập sâu nước kéo dài nhiều ngày vừa qua. Lũ rừng ngang được xem là nguyên nhân chính của tình trạng ngập lụt này.

Đợt mưa lớn kéo dài vừa qua cùng với nước sông Bùi, sông Tích dâng cao trên mức báo động số 3 đã khiến nhiều khu vực tại huyện Chương Mỹ, Quốc Oai bị cô lập hoàn toàn. Nghiêm trọng nhất là tại các xã; Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Tân Tiến... của huyện Chương Mỹ.

Nhiều nhà dân tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai bị ngập sâu và cô lập hoàn toàn.

Các chuyên gia nhận định, tại những vùng, lưu vực xuất hiện mưa lớn tập trung với cường độ từ 100mm trở lên, kéo dài 10 giờ đồng hồ, thậm chí là ngắn hơn, sẽ có khả năng cao xảy ra lũ.

Cùng với lượng mưa lớn, mật độ thảm thực vật suy giảm khiến đất và rừng thuộc các huyện miền núi của Hòa Bình không còn giữ được nước. Tổng hòa các yếu tố này khiến lũ rừng ngang thường đổ dồn về lưu vực sông Bùi, sông Tích của Hà Nội.

Lưu lượng nước của hai sông này hợp với nhau đổ vào sông Đáy; từ đây, nước sông Đáy nhập vào sông Hoàng Long và đổ ra biển. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến nước sông Đáy, sông Hoàng Long cùng lên cao dẫn tới hệ lụy là việc tiêu thoát nước trên sông Bùi, sông Tích rất chậm và dẫn đến tình trạng ngập lụt vùng dân cư ven sông.

Thực tế những năm qua, Hà Nội đã rất quan tâm, bố trí nguồn lực lớn để đầu tư nâng cấp hệ thống công trình phòng, chống thiên tai. Trung bình mỗi năm thành phố đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống đê điều, thủy lợi, trong đó có các đoạn tuyến thuộc sông Bùi, sông Tích, sông Đáy - những lưu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ rừng ngang.

Mặc dù vậy, những tuyến đê này có thân nhỏ, mái dốc, mặt cắt hẹp. Mặt đê nhiều đoạn tuyến cũng chưa được cứng hóa. Chính vì vậy khi xảy ra lũ lớn, các tuyến đê rất dễ xảy ra sự cố, đặc biệt là tình trạng sạt lở, hư hỏng cống qua đê và tràn bờ. Điều này cho thấy, nguy cơ xảy ra lũ lụt tại Hà Nội luôn tiềm ẩn và không thể chủ quan.

Theo ông Trần Công Tuyến, Trưởng phòng quản lý đê điều, Cục Phòng chống thiên tai, thành phố Hà Nội cần phải tập trung triển khai theo đúng phương châm "4 tại chỗ", cụ thể từng vị trí trọng điểm một, với phương án nhân lực, vật tư… để có thể sẵn sàng khi có các tình huống xảy ra.

Năm 2024, UBND thành phố đã phê duyệt phương án ứng phó với lũ lớn trên sông Bùi, sông Tích, trong đó giao nhiệm vụ cho các địa phương lên phương án chi tiết để sẵn sàng di dời người dân sinh sống ở ven sông, ven suối đến nơi tránh trú an toàn trong tình huống lũ khẩn cấp.

Trong những ngày vừa qua, thực hiện nghiêm phương án này, các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai và Mỹ Đức đã chủ động tốt công tác phòng chống thiên tai, kịp thời di dời người dân, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Theo nhận định của các chuyên gia, lũ rừng ngang được xem là nguyên nhân chính của tình trạng ngập lụt này.

Người dân chủ động ứng phó với lũ

Người dân vùng “rốn lũ” Chương Mỹ, Quốc Oai đã không còn bất ngờ với những đợt lũ lớn tràn về, bởi vậy, họ luôn chủ động sống chung với lũ và đã sớm có những phương án đối phó, gia cố chuồng trại, kê cao đồ đạc, vật dụng cần thiết và chuẩn bị lương thực, thuốc men... nhằm hạn chế thiết hại do mưa lũ gây ra. Hầu hết các gia đình đã sớm sơ tán đến nơi an toàn.

Khi nước tràn về, con đường bê tông từ đê sông Bùi dẫn vào nhà bà Đỗ Thị Lành (thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) lại trở thành tuyến đường thuỷ. Hằng ngày, bà Lành đã chủ động dùng chiếc thuyền tôn để bơi ra đầu làng chở nước sạch về dùng.

Còn với gia đình chị Nguyễn Thị Huệ (thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) đã chủ động theo dõi mực nước, khi nước dâng đến đâu, gia đình chị di chuyển bếp lên cao hơn. Suốt một tuần nay, cả gia đình chị đã quen với cảnh ngập sâu, may mắn căn nhà được xây tôn cao từ trước nên sinh hoạt của gia đình, dù nằm trong vùng bị cô lập, những cũng không quá bị xáo trộn.

Căn nhà của anh Bùi Bá Thường (thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) những ngày này luôn nhộn nhịp người ra vào từ sáng đến đêm khuya. Có gia đình 12 người, 4 thế hệ cùng di dời ra nhà anh Thường trong những ngày mưa lũ. Sân trước của căn nhà cũng được anh Thường trưng dụng trở thành chỗ gửi xe cho những người dân vùng ngập sâu.

Người dân vùng “rốn lũ” không còn bất ngờ với những đợt lũ lớn tràn về và đã sớm có những phương án đối phó.

Còn tại xã Tân Tiến (huyện Chương Mỹ), sau một tuần bị ngập úng, người dân nơi đây vẫn đang mong nước rút để sớm trở về nhà khắc phục mưa lũ sớm ổn định cuộc sống.

Tại thôn Việt An, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ đã có gần 200 nhà dân bị ngập. Hiện nước ngập đã rút được khoảng 40cm, một số bà con nhà cao hơn đã trở về nhà vệ sinh nhà cửa để sớm ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Quảng (thôn Việt An, xã Tân Tiến) cùng một số hảng xóm đang ở nhờ nhà người thân, khi thấy nước rút đã trở về nhà sắp xếp lại đồ đạc. Trước đó, khi lũ lên, gia đình ông đã chủ động mang những đồ đạc có giá trị gửi nhờ nhà người dân, những vật dụng ít giá trị thì. Tuy nhiên, sau lũ, diện tích cây ăn quả, hoa màu của gia đình đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Còn đối với gia đình bà Trịnh Thị Hạnh (thôn Việt An, xã Tân Tiến), do nhà được tôn cao nên nước rút nhanh hơn, các nhân viên Trạm Y tế xã Tân Tiến đã đến hướng dẫn gia đình khử khuẩn nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ.

Nhân viên Trạm Y tế xã Tân Tiến hướng dẫn các gia đình vệ sinh khử khuẩn sau ngập lụt.

Sau lũ, bà con nhân dân mất đi nhiều thứ, thiệt hại về tài sản, hoa màu, tuy nhiên, được sự quan tâm, động viên kịp thời của các cấp ủy, chính quyền và các nhà hảo tâm cũng đã giúp cho bà con cũng cảm thấy ấm lòng hơn và đây cũng chính là động lực giúp bà con có thêm tinh thần vươn lên vượt khó, sớm ổn định cuộc sống.

Dự báo mưa lũ còn tiếp tục kéo dài trong nhiều ngày tới, lãnh đạo thành phố Hà Nội và các ngành chức năng sẽ tiếp tục phối hợp các lực lượng kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó phù hợp; kiểm tra, rà soát nhà ở an toàn và sẵn sàng phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hôm nay, 21/11, Thành ủy - HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Sau 11 tháng triển khai, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành 19 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Đề án 06 do Chính phủ giao.

Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Quy định áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn thành phố Hà Nội. Văn bản nhằm cụ thể hóa Điều 33 Luật Thủ đô năm 2024.

Sáng 21/11, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô.

Trên địa bàn huyện Quốc Oai, nhiều tuyến giao thông trọng điểm đang gấp rút thi công nhằm đạt các tiến độ, về đích trước ngày 31/12/2024.

Sáng nay (21/11), Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.